(Thời sự) - Một số đối tượng đang xuyên tạc lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sau khi một số tờ báo chủ ý giật tít, câu view đã sử dụng thủ thuật cắt xén làm sai lệch ý nghĩa phát biểu của Bộ trưởng. Vậy, lời phát biểu của Bộ trưởng như thế nào?
Ngay sau phiên họp Chính phủ chiều 1/7, một số báo liền đăng tải các bài viết như Infonet (Bộ trưởng Công an bất an vì tiền trong dân quá lớn), vneconomy (Dân đang giữ khá nhiều tiền mặt), Vnexpress (Bộ trưởng Công an bất an vì người dân giữ nhiều tiền mặt)… làm sai lệch ý nghĩa lời phát biểu của Bộ trưởng tạo cớ cho các đối tượng phản động xuyên tạc. Trong khi nguyên văn Bộ trưởng Tô Lâm nói như sau: “6 tháng đầu năm 2016 nổi lên vấn đề đáng quan tâm là lượng tiền tồn đọng trong dân hiện rất lớn nhưng lại rơi vào tay các tổ chức tội phạm. Đặc biệt qua một loạt các vụ án cá độ bóng đá mùa Euro ở 5-6 tỉnh phía Bắc, số tiền phát hiện lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy hậu quả rất phức tạp, gây ra tâm lý bất an. Rồi vấn đề kinh doanh đa cấp. Một công ty với lời chào mời hấp dẫn, lãi suất hời một tý mà lôi kéo được nhiều người dân tham gia, cả người dân ở vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa, Tây nguyên cũng có tình trạng này rồi“. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ, các cơ quan tài chính, ngân hàng có biện pháp đánh giá, quản lý, huy động vốn trong nhân dân bởi tiềm lực trong dân cũng rất lớn. “Người ta không có điều kiện kinh doanh để sinh lời nhưng lại muốn tiết kiệm, tích luỹ, đóng góp cho xã hội. Chúng ta không đưa được nguồn tiền này vào hệ thống nhà nước mà lại để rơi vào tay của các tổ chức tội phạm rất đáng tiếc. Bên cạnh đó là tình trạng vỡ hụi, tín dụng đen gây bức xúc trong nhân dân” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Khi đọc trọn nội dung trên, người đọc sẽ có cái nhìn toàn cảnh và hiểu được nội dung phát biểu của Bộ trưởng khác hẳn với tít bài một số báo đăng tải. Điều mà Bộ trưởng trăn trở đó là nguồn tiền trong dân lớn nhưng lại rơi vào cá độ bóng đá, kinh doanh đa cấp gây hậu quả phức tạp chứ không phải “lo ngại vì nguồn tiền trong dân quá lớn” như một số báo giật tít. Qua đây, có thể thấy tít bài khi bị cắt cúp đã khiến bạn đọc hiểu sai nội dung Bộ trưởng nói, như vậy là không công bằng với Bộ trưởng và cả với bạn đọc.
Trong viết báo, trích dẫn ý kiến của một cá nhân là thao tác nhằm làm sáng tỏ vấn đề, giúp hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, trong câu chuyện này tác giả khi trích dẫn lại sử dụng thủ thuật cắt xén gây ngộ nhận cho người đọc.
Trước khi trở thành một nhà báo, một phóng viên, từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tất cả sinh viên báo chí đều được học và thuộc nằm lòng câu: “Một nửa chiếc bánh mỳ là chiếc bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật chưa chắc là sự thật”. Cách đưa tin và phản ánh theo kiểu cắt xén, nửa vời như trên rõ ràng đã làm thay đổi ý nghĩa lời phát biểu của Bộ trưởng Tô Lâm. Việc này không chỉ tác động tiêu cực khiến người đọc hiểu sai vấn đề mà còn cho thấy mục đích không trong sáng của người cầm bút.
Hoàng Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét