Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị trước lễ duyệt binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân trong lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, ảnh chụp ngày 3 tháng 9 năm 2015, tại Bắc Kinh. (Wang Zhao - Pool /Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị xem lễ duyệt binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân trong lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, ảnh chụp ngày 3 tháng 9 năm 2015, tại Bắc Kinh. (Wang Zhao – Pool /Getty Images)
Kể từ năm 2012 khi lên nắm quyền lãnh đạo chính quyền Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã làm rất nhiều điều để đảm bảo chắc chắn rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân – lực lượng quân sự được kiểm soát bởi ĐCSTQ – chỉ trung thành với ông mà thôi. Nhiều quan chức cấp cao đã bị thanh trừng, nhiều quân nhân sẽ bị cắt giảm biên chế, và một cuộc cải cách mang tính đột phá về cấu trúc bộ máy chỉ huy thì vẫn đang được tiến hành.

Hiện nay, ông Tập Cận Bình và ban cán sự lãnh đạo của Đảng đang xem xét quyết định để đưa ai vào Ủy ban Quân sự Trung ương gồm 10 thành viên chỉ huy Quân đội Giải phóng Nhân dân, dựa theo các nguồn tin quân sự của Trung Quốc được trích dẫn bởi thời báo South China Morning Post. Giống như trường hợp của các nhà lãnh đạo Đảng trước đây, Tập Cận Bình bảo lưu vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương, khiến ông trở thành tổng tư lệnh chỉ huy các lực lượng vũ trang của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Vòng hiện tại của việc ra quyết định đang diễn ra như là một phần của phiên họp toàn thể lần thứ 5 của ĐCSTQ trong Đại hội Đảng lần thứ 18, một nguồn tin cho biết. Việc bổ nhiệm được thực hiện trong thời gian này được cho là sẽ tạo ra hiệu quả cho giai đoạn nắm quyền của ông Tập Cận Bình từ năm 2017 đến 2022.
Trong số các ứng cử viên có tiềm năng cho vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương có Tướng Trương Hựu Hiệp, được biết như là một trong những người thân cận nhất của Tập. Người đàn ông 60 tuổi này hiện nay đang giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị của Quân đội Giải phóng Nhân dân, việc đã từng phục vụ trong chiến tranh Trung – Việt năm 1979 khiến cho ông trở thành một trong số ít những quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc kinh qua chiến tranh.
Tướng Truong Hựu Hiệp, Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị đang là một đồng minh của ông Tập Cận Bình. (Sohu Military Net)
Tướng Truong Hựu Hiệp, Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị đang là một đồng minh của ông Tập Cận Bình. (Sohu Military Net)
Một nguồn tin thân cận với Quân đội Giải phóng Nhân dân đã cho tờ South China Morning Post biết rằng rất ít khả năng cho Lưu Nguyên – một vị tướng khác rất thân cận với Tập Cận Bình, được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tướng Lưu Nguyên đã từng đóng góp những hoạt động của mình vào chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội.
Luong Quốc Lượng, một chuyên gia quân sự người Hồng Kông, đã cho tờ South China Morning Post biết rằng, việc thăng chức Trương Hựu Hiệp lên vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ giúp ông Tập thực hiện kế hoạch của mình để cấu trúc lại cơ cấu chỉ huy của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Bao gồm việc loại bỏ các nguyên tắc tổ chức có từ thời Xô Viết, và cắt giảm từ 7 xuống còn 4 quân khu.
Trương Hựu Hiệp là đồng hương với Tập Cận Bình, có nguyên quán thuộc tỉnh Thiểm Tây nằm ở miền tây Trung Quốc, và cha của họ đều là quan chức cấp cao chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản trong cuộc nội chiến Trung Quốc.
Vào năm 1947, khi Quân đội Giải phóng Nhân dân đang chiến đấu với Quốc Dân Đảng, cha của Trương Hựu Hiệp là Trương Tông Tốn khi đó chỉ huy lực lượng Đông Bắc. Trong thời gian đó, Tập Cận Huân – cha của Tập Cận Bình – chỉ là một chính trị viên.

Cuộc chiến quyền lực đằng sau sự cải tổ của quân đội

Ngay sau khi ông lên nắm quyền, chương trình trọng tâm của chính phủ Tập Cận Bình là tiêu diệt nạn tham nhũng trong các cấp khác nhau. Đồng thời, khi thực hiện kế hoạch cải cách của mình, theo những chi tiết của kế hoạch này đã được gợi ý trong những tháng gần đây, ông Tập hướng mục tiêu tinh giảm quân đội Trung Quốc, biến lực lượng này thành một lực lượng tinh nhuệ hơn theo kiểu mẫu phương Tây.
Vào tháng 9, Tân Hoa Xã – cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc – trích lời phát biểu của Tập Cận Bình rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ cắt giảm 300.000 binh sĩ. Ngoài ra, tờ South China Morning Post đưa tin rằng đã từng có những đề xuất để cắt giảm tổng quân số trong lực lượng quân đội, đặc biệt là giảm 1 triệu người trong lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân.
Việc thay đổi nhân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng như của lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân dường như phản ánh sự tăng cường quyền lực của ông Tập, thể hiện qua việc  cách chức Trung tướng Cốc Quấn Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, và hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Riêng Từ Tài Hậu đã chết vì bị ung thư trong khi chờ xét xử.
Tất cả các nhân vật bị loại bỏ kể trên đều được hưởng đặc ân từ cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Giang đã mở rộng mạng lưới sâu rộng của mình trong đảng, quân đội, và trong các ngành công nghiệp.
Ví dụ, lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân đã bị kiểm soát bởi Chu Vĩnh Khang – cận thần của Giang Trạch Dân. Chu đã bị bắt và kết án chung thân vào tháng 7 năm 2015. Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân là một công cụ chính trị đầy tiềm năng cho Chu Vĩnh Khang, nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật trung ương, vị trí đã khiến cho Chu nắm quyền toàn bộ hệ thống cảnh sát và tòa án giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2012.
Ủy ban này không chỉ phục vụ cho Chu Vĩnh Khang mà còn cho Giang Trạch dân, nhằm duy trì quyền lực sau khi ông ta về hưu vào đầu những năm 2000.
Nếu Tập Cận Bình có ý định cắt giảm hoặc thay thế lực lượng cảnh sát vũ trang, có thể ông chỉ đơn giản là làm những việc mà các lãnh đạo tiền nhiệm của ĐCSTQ đã làm trước đó. Vào thập niên 80, Đặng Tiểu Bình đã giảm 1 triệu binh sĩ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, chỉ để tạo ra một lực lượng cảnh sát vũ trang hùng mạnh với 1,1 triệu người hiện nay. Và Giang Trạch Dân, khi lên nắm quyền vào những năm cuối thập niên 1980 và 1990, đã một lần nữa cắt giảm 200.000 binh sĩ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, nhưng chủ yếu là để tăng cường lực lượng an ninh nội bộ của chính quyền nhằm kiên quyết thực hiện chiến dịch tàn bạo chống lại môn thực hành tâm linh Pháp Luân Công.
Bên cạnh việc đe dọa quyền lực của Tập Cận Bình, các nhân vật như  Chu, Từ, Quách và Cốc đã biến Quân đội Giải phóng Nhân dân trở thành một hang ổ của tệ nạn tham nhũng và hoạt động không hiệu quả.
“Trong những năm quân đội bị kiểm soát bởi Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, tham nhũng đã trở thành một vấn nạn rất nghiêm trọng”, ông Tân Tử Lăng – cựu Tổng Biên tập tại Đại học Quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã phát biểu với kênh truyền hình Tân Đường  Nhân có trụ sở tại New York.
Rất nhiều người không đủ tiêu chuẩn đã đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong quân đội và được thăng chức chỉ đơn giản bằng cách khoe khoang, nịnh hót hoặc hối lộ”, ông Tân cho biết, “Vì vậy, những người này cần phải bị loại bỏ” thông qua việc cắt giảm quân sự.
Nhà phân tích quân sự Hồng Kông Lương Quốc Lượng đã phát biểu với tờ South China Morning Post rằng, danh tiếng của tướng Trương Hựu Hiệp “sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thống nhất ý kiến về thực hiện cải cách trong quân đội”.