Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Trạch Cường - Trung Quốc và Những cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1950 -1975 (c2-p.3)

  • Bởi Diên Vỹ
    731 lượt đọc
    23/11/2015
    0 phản hồi
    Diên Vỹ chuyển ngữ
    ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA TRUNG QUỐC TRONG CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG LẦN I
    Tại sao Việt Minh lại thắng được Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần I? Một số sử gia nhắm vào những lỗi lầm và ngu xuẩn cúa người Pháp - sự miễn cưỡng trong việc cung cấp đủ quyền tự trị cho các tổ chức chính trị ôn hoà, trong việc hiểu được bản chất của quá trình chuyển hoá chính trị và xã hội trong một đất nước với truyền thống văn hoá nông thôn đang chuyển mình, và trong việc hỗ trợ đầy đủ cho các chỉ huy quân sự Pháp trên chiến trường.[79] Những học giả khác lại chỉ ra tầm quan trọng từ sự ủng hộ của người dân Việt Nam đối với Hồ Chí Minh.[80] Tuy nhiên một số khác lại cho rằng đấy là nhờ vào sức mạnh của chính sách khủng bố và khả năng tổ chức tài tình của đảng.[81]
    Trong khi việc Bắc Kinh hậu thuẫn đảng của Hồ đã từng được thừa nhận trong quá khứ, nhưng nó vẫn không dựa trên bằng chứng được ghi chép đầy đủ, chủ yếu là vì thiếu vắng nguồn tài liệu từ Trung Quốc. Câu chuyện đưa ra ở đây cho đến nay đã chứng tỏ được rằng Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Minh chiến thắng Pháp. Từ năm 1950 đến 1954, Bắc Kinh đã gửi một số trong những tướng lĩnh tài năng nhất sang Việt Nam để làm cố vấn quân sự hoặc chính trị; họ đã giúp VNDCCH chuyên nghiệp hoá và chính trị hoá quân đội, tái tổ chức cơ cấu hành chính, thiết lập một chính sách tài chính hiệu quả, và vận động quần chúng. Thật ra các cố vấn quân sự Trung Quốc đã thảo kế hoạch và thường xuyên giúp điều hành các chiến dịch của Việt Minh, và đã có một qui trình truyền tải chiến lược và chiến thuật trực tiếp từ Trung Quốc sang Việt Nam. ĐCVQSTQ đã đóng góp rất lớn vào thành công của các trận đánh Biên giới, Tây Bắc, và Điện Biên Phủ. Tài lãnh đạo của Trần Canh đã đóng vai trò rất cần thiết trong chiến thắng của Hồ, đặc biệt là trong chiến dịch biên giới vào năm 1950, khi tổ chức của quân Việt Minh vẫn còn yếu kém và các chỉ huy còn thiếu kinh nghiệm.

    Rõ ràng là ĐCVQSTQ cũng từng mắc sai lầm trong việc cố vấn cho QĐNDVN. Trong đầu năm 1951, họ đã từng khuyến khích Giáp tấn công những cứ điểm kiên cố của Pháp trong vùng châu thổ sông Hồng, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho quân Việt Minh. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn Trung Quốc đã thiếu phán đoán khi đề nghị Việt Minh phát động một cuộc tổng tấn công vào quân Pháp. Họ đã sai lầm khi lượng đoán sức mạnh của địch. Bất chấp những sai sót thỉnh thoảng trên, chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc nói chung đã thành công tại Việt Nam.
    Một so sánh giữa Chiến tranh Đông Dương của Pháp với Chiến tranh Mã Lai của Anh giúp minh hoạ rõ rệt hơn tầm quan trọng của sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Cả cuộc đấu tranh của Hồ lẫn cuộc chiến tại Mã Lai đều là những cuộc nổi dậy của Cộng sản, được phát động để tiêu diệt chủ nghĩa thực dân và thực hành chủ nghĩa xã hội. Cả hai đều bị vướng vào trong cuộc Chiến tranh Lạnh vừa nhớm nở. Trong khi người Anh lẫn người Pháp đều dùng những phương pháp tương tự để đàn áp phe kháng chiến, London đã thành công hơn trong việc dập tắt quân nổi loạn Mã Lai. Một nguyên nhân cốt yếu đối với thành công của người Anh là phiến quân Mã Lai bị cô lập và không nhận được nguồn viện trợ khổng lồ từ Trung Quốc như Việt Minh.[82] Đúng là người Việt đã thắng cuộc Chiến tranh Đông Dương lần I vì, như một người Pháp sống sót từ Điện Biên Phủ sau này thừa nhận, "họ chiến đấu cho một lý tưởng."[83] Họ đã chiến đấu vì một mục đích chính đáng: độc lập quốc gia. Những cũng đúng là nếu không có sự giúp đỡ từ Trung Quốc, người Việt không thể đánh bại được quân Pháp sớm như thế.
    Bất chấp mối hợp tác và đoàn kết toàn diện giữa ĐCSTQ và Việt Minh từ 1950 đến 1954, vẫn có những trở ngại giữa hai đảng này. Quan hệ giữa các cố vấn Trung Quốc và quân Việt Minh không phải luôn được xem là nồng ấm và tin cậy. Trong nhật ký của mình, Trần Canh đã miêu tả Giáp là người "lươn lẹo và không ngay thẳng và thật thà lắm." Theo Trần, Giáp từng than phiền với Trần về việc La Quí Ba phê bình ông ta, nhưng khi có mặt La, Giáp lại luôn tỏ vẻ gần gũi và thân thiện.
    "Khuyết điểm lớn nhất của những người Cộng sản Việt Nam," Trần viết, "là họ sợ bị người khác biết được yếu điểm của họ. Họ thiếu tinh thần tự phê Bôn Sê Vích". Trần thấy Giáp là ví dụ nổi bật của điều này. Trần nói ông đã chỉ thẳng điều này với Giáp và những đồng chí Việt Minh khác nhưng đã không nhận được một phản hồi nào.[84] Trong khi ấy Giáp cũng không tin tưởng hoàn toàn vào những người Trung Quốc, một số cố vấn Trung Quốc tỏ vẻ ngạo mạn và khinh miệt đối với người Việt. Trong nhật ký của mình, Trần đã ghi lại rằng ông đã từng phê bình Wang Yanquan, một thành viên của ĐCVQSTQ vì đã tỏ vẻ miễn cưỡng công tác tại Việt Nam và vì đã xem thường quân đội Việt Minh.[85] Những va chạm giữa các cố vấn Trung Quốc và binh lính của Hồ có thể bắt nguồn từ thái độ căm ghét chủ nghĩa bá quyền của người Hán trong truyền thống của người Việt. Cũng có thể nó vốn là bản chất của mối quan hệ cố vấn.
    Mối chia rẽ lớn nhất trong quan hệ Việt Minh-Trung Quốc chắc chắn là từ kết quả của Hội nghị Geneva. Dưới áp lực của Bắc Kinh và Moscow, Việt Minh đã phải từ bỏ nỗ lực thống nhất toàn bộ Việt Nam. Trong trường hợp này, những quyền lợi quốc gia riêng của Trung Quốc và Liên Xô đã được đặt cao hơn nghĩa vụ của ý thức hệ nhằm hỗ trợ cuộc đấu tranh của một đảng Cộng sản anh em.
    (hết chương 2)

Không có nhận xét nào: