Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Trạch Cường - Trung Quốc và Những cuộc Chiến tranh Việt Nam, 1950 -1975 (c2-p.1)

Diên Vỹ chuyển ngữ
Chương 2 - TỪ ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐẾN GENEVA 1953-1954
Tiến độ của Việt Minh tại Tây Bắc vào cuối năm 1952 đã giúp tạo ra một khu hậu cứ lý tưởng để Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) tiến hành các cuộc tấn công vào Lào. Tháng Giêng 1953 Vi Quốc Thanh quay lại Bắc Kinh để báo cáo kế hoạch tiến hành chiến dịch Thượng Lào. Vị cố vấn Trung Quốc muốn giúp Pathet Lào xây dựng một khu căn cứ ở phía bắc Lào để liên kết với khu vực Tây Bắc của Việt Nam. Ngày 5 tháng Ba, Vi quay lại Việt Nam để giúp chỉ đạo chiến dịch Thượng Lào. Giữa tháng Ba và tháng Tư 1953, Giáp đã phát động hai cuộc tấn công: một là nhắm vào thủ đô vương quốc Luang Prabang, hai là nhắm vào Cánh đồng Chum. Qua đó, Giáp đe doạ sẽ bọc hậu chiếm lấy Cambodia và phá vỡ quá trình ổn định tại Nam Việt Nam. Nhưng QĐNDVN đã gặp phải kháng cự mạnh mẽ từ quân Pháp. Đến tháng Năm, các sư đoàn Việt Minh phải rút lui vì kiệt sức, cạn nguồn tiếp tế cũng như mùa mưa bắt đầu đến. Họ cài lại các đơn vị du kích và cán bộ chính trị ở Lào để hưởng ứng các cuộc tấn công tương lai cũng như để củng cố Cộng sản Lào.
ĐỐI PHÓ VỚI KẾ HOẠCH NAVARRE
Đến tháng Năm, Tướng Henri Navarre nhận lệnh chỉ huy lực lượng Pháp tại Đông Dương. Để xoay ngược cán cân lực lượng cũng như củng cố vị thế quân đội Pháp ở Đông Dương, ông đã thảo ra một chiến lược gồm ba giai đoạn: để chiếm lĩnh khu vực châu thổ sông Hồng có tầm chiến lược tối trọng trong mùa thu và mùa đông 1953-1954, để bình định các khu vực do cộng sản chiếm giữ ở miền trung và nam Việt Nam vào mùa xuân 1954, và để phát động một cuộc tổng tấn công nhằm truy đuổi và tiêu diệt lực lượng chính qui của QĐNDVN ở miền bắc. Để tiến hành kế hoạch này, Navarre đã yêu cầu chính phủ Pháp cấp thêm những đơn vị mới và khuếch trương Quân đội Việt Nam Cộng hoà (QĐVNCH) với sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Đến tháng Chín 1953, chính phủ Eisenhower đã đồng ý cung cấp thêm cho Paris 385 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự để giúp triển khai kế hoạch Navarre. (Đến khi Harry Truman rời khỏi Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã phải gánh hơn 40 phần trăm phí tổn của cuộc chiến.) [2]

Kế hoạch Navarre đã tạo ra một thách thức mới cho Việt Minh. Ngày 13 tháng Tám 1953, Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) đã gửi một điện tín đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu giúp đỡ trong việc "xem xét tình hình và chỉ ra phương hướng cho cuộc chiến đấu sắp đến." Trong khi ấy, QĐNDVN huỷ bỏ kế hoạch ban đầu nhằm tập trung vào Tây Bắc và Lai Châu và thay vào đó đề xuất tấn công địch tại khu vực châu thổ sông Hồng. Ngày 22 tháng Tám La Quí Ba tham dự cuộc họp của bộ chính trị ĐLĐVN, trong đó Giáp nói về các chiến dịch tại những khu đồng bằng, bỏ qua Lai Châu và giảm nhẹ tầm quan trọng của chiến dịch Thượng Lào. (Lúc ấy Vi Quốc Thanh đã quay về Trung Quốc.) La báo cáo các thảo luận về Bắc Kinh. Ngày 27 và 29 tháng Tám, lãnh đạo ĐCSTQ gửi hai bức điện cho La trong đó phân tích tình hình Việt Nam kể từ ngày Navarre nhậm chức và nhấn mạnh rằng QĐNDVN phải giữ nguyên kế hoạch ban đầu là tập trung vào Tây Bắc và Lào. "Bằng cách tiêu diệt địch tại khu vực Lai Châu, giải phóng miền bắc và trung Lào, sau đấy mở rộng chiến trường xuống miền nam Lào và Cambodia để đe doạ Sài Gòn," bức điện ngày 29 tháng Tám của ĐCSTQ vạch rõ, ĐLĐVN có thể "giảm thiểu nguồn cung cấp binh lính và tiền bạc cho quân đội bù nhìn, phân tán quân Pháp . . . phát triển QĐNDVN, dần dần tách riêng để làm suy yếu và tiêu diệt kẻ thù." Nếu phương pháp này được tiếp nhận, giới lãnh đạo Bắc Kinh lập luận, Việt Minh sẽ có thể để dành lực lượng sau này cho việc chiếm cứ châu thổ sông Hồng và cuối cùng đánh bại chính phủ thực dân Pháp tại Đông Dương. Trong thời điểm này, giới lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, Việt Minh nên chiếm giữ Tây Bắc và thượng Lào trước khi tiến xuống phía nam.[3]
Tương tự, các cố vấn Trung Quốc cũng đề nghị QĐNDVN nên chọn Tây Bắc là mặt trận chính với mục tiêu là chiếm lĩnh Lai Châu để lôi kéo và tiêu diệt quân Pháp ở địa thế có lợi cho Việt Minh. Các cố vấn Trung Quốc nhấn mạnh rằng vùng châu thổ sông Hồng chỉ là mặt trận thứ yếu, nơi Việt Minh có thể tiến hành các cuộc tấn công du kích để phối hợp với mặt trận chính và để thiết lập cơ sở cho việc đánh chiếm Hà Nội và Hải Phòng trong tương lai.[4] Rõ ràng các cố vấn Trung Quốc thấy rằng châu thổ sông Hồng không phải là địa điểm lý tưởng để QĐNDVN tiến hành một cuộc đụng độ lớn với Pháp vào thời điểm này. Đến tháng Chín, bộ chính trị ĐLĐVN thảo luận kế hoạch chiến tranh cho mùa đông 1953-54. Ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, Hồ Chí Minh kết luận rằng "phương hướng chiến lược vẫn không thay đổi," cụ thể là, Việt Minh sẽ tập trung vào khu vực Tây Bắc và thượng Lào. Ông phủ quyết kế hoạch của Giáp chuyên chú trọng vào vùng châu thổ sông Hồng.
Ngày 10 tháng Mười, Bắc Kinh báo với Hồ rằng họ đã bổ nhiệm Vi Quốc Thanh làm tổng cố vấn quân sự và La Quí Ba làm tổng cố vấn chính trị cho Việt Minh.[6] Sau khi quay lại Việt Nam, ngày 27 tháng Mười Vi Quốc Thanh đã tái xác nhận đề xuất của Bắc Kinh về chiến lược quân sự của Việt Minh, trao cho Hồ Chí Minh một bản sao của kế hoạch Navarre mà Trung Quốc có được. Sau khi xem xét kế hoạch của người Pháp, vị lãnh tụ ĐLĐVN bảo rằng đề xuất của lãnh đạo ĐCSTQ là đúng đắn và nếu Việt Minh làm theo, họ có thể phá vỡ kế hoạch Navarre.[7] Việc Bắc Kinh trao cho Hồ bản sao kế hoạch Navarre cho thấy mối hợp tác chặt chẽ trong vấn đề chia sẻ tin tức tình báo giữa hai đảng Cộng sản trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần I.
Vào giữa tháng Mười một, Sư đoàn 316 và một phần của Sư đoàn 325 và Sư đoàn 304 QĐNDVN hành quân về hướng Lai Châu. Thể theo đề xuất của Trung Quốc là tìm cách xâm nhập vào miền Nam Việt Nam qua ngã Lào, trong thời gian này chính quyền Hồ cũng đã thảo ra một kế hoạch xây đường cho năm 1954. Kế hoạch này dự trù sẽ xây một số con đường sang Lào. Nhưng Chu Ân Lai thấy kế hoạch này quá tham vọng. Trong một bức điện gửi cho La Quí Ba vào ngày 22 tháng Chạp, Chu chỉ ra rằng "số lượng thường dân lao động mà kế hoạch yêu cầu thì quá cao" và đòi hỏi quá lớn về lao động sẽ làm "tăng gánh nặng quá đáng lên người dân và làm ảnh hưởng trầm trọng đến năng suất." Chu kêu gọi ĐLĐVN cắt giảm kế hoạch của họ bằng cách chỉ nên chú trọng vào ba hướng đi quan trọng nhất, bao gồm con đường đi qua Sầm Nứa.[8]
Sau khi nhận được tin tình báo về hoạt động của Việt Minh hướng về Lai Châu, Tướng Navarre quyết định chiếm đóng Điện Biên Phủ, một ngôi làng nhỏ trong thung lũng về phía cao nguyên tây bắc của Việt Nam, nằm trên đường đến Luang Prabang. Khi tin tức về việc Pháp chiếm đóng Điện Biên Phủ đến tai Vi Quốc Thanh, ông đang trên đường về Tây Bắc với quân Việt Minh. Sau khi thảo luận tình hình mới với những thành viên trong Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc (ĐCVQSTQ), Vi đề nghị với ĐLĐVN một chiến dịch bao vây và tiêu diệt quân Pháp tại Điện Biên Phủ trong khi vẫn tiếp tục kế hoạch ban đầu là tấn công Lai Châu. Ông cũng báo cáo kế hoạch của mình lên Bắc Kinh. Trong khi thông qua đề xuất của Vi, Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ cũng nhấn mạnh rằng chiến dịch Điện Biên Phủ không những mang tầm quan trọng về quân sự và chính trị mà còn dẫn đến các hệ quả mang tầm quốc tế. Với lời hứa sẽ cung cấp mọi thứ vũ khí mà QĐNDVN yêu cầu, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ thị ĐCVQSTQ giúp lãnh đạo ĐLĐVN "đi đến quyết định" và hỗ trợ hướng đi của chiến dịch.[9]
Rõ ràng là trong đầu Mao đã nghĩ đến vấn đề ngoại giao quốc tế khi cân nhắc việc tăng cường quân sự tại Việt Nam. Vào tháng Chín 1953, thế giới Cộng sản đã khởi động một đề xuất hoà bình. Ngày 28 tháng Chín, Liên Xô đã gửi một đề nghị đến Mỹ, Anh, và Pháp trong đó kêu gọi một hội nghị gồm năm cường quốc trong đó có Trung Quốc, để xem xét các phương cách làm giảm thiểu những căng thẳng quốc tế. Khoảng mười ngày sau, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ đề nghị của Liên Xô. Ngày 26 tháng Chín, Hồ Chí Minh nói với báo Expressen của Thụy Điển rằng ông sẵn sàng thương thuyết với người Pháp về vấn đề Đông Dương. Mao muốn có một chiến thắng tại Điện Biên Phủ để tăng cường vị thế của phe Cộng sản trong bàn đàm phán. Chấp nhận đề xuất của ĐCVQSTQ, các lãnh đạo QĐNDVN vạch ra một kế hoạch tác chiến cho chiến dịch Điện Biên Phủ, vừa được bộ chính trị ĐLĐVN thông qua vào ngày 6 tháng Mười hai. Sau đấy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập với Võ Nguyên Giáp giữ chức Tổng Tư lệnh và Vi Quốc Thanh là tổng cố vấn. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn Đảng toàn dân Việt Nam "đóng góp hết sức mình để bảo đảm chiến dịch thắng lợi."[10]
Nhìn lại, cuộc họp tháng Chín 1953 của bộ chính trị ĐLĐVN là điểm chuyển biến quan trọng của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần I. Với thực tế của việc Navarre điều quân đến Điện Biên Phủ vào tháng Mười một năm ấy là phản ứng trực tiếp đối với việc Việt Minh đang tấn công vào Lai Châu và thượng Lào, sự kiện Hồ Chí Minh bác bỏ kế hoạch của Võ Nguyên Giáp nhằm tập trung vào châu thổ sông Hồng thì vô cùng quan trọng. Nếu ông triển khai chiến lược của Giáp thì đã không có cuộc đối đầu giữa Pháp và Việt Minh tại Điện Biên Phủ.
BAO VÂY ĐIỆN BIÊN PHỦ
Vào cuối tháng Mười một 1953, sư đoàn 308 của Việt Minh tiến lên phía bắc hướng về Điện Biên Phủ. Sau khi chiếm được Lai Châu vào ngày 13 tháng Mười hai, sư đoàn 316 hướng về phía nam để hoàn toàn bao vây Điện Biên Phủ. Vào đầu tháng Giêng 1954, ĐCVQSTQ quyết định phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Điện Biên Phủ trước khi quân Pháp ổn định vị trí chắc chắc. Dưới sự hối thúc của các cố vấn Trung Quốc, Giáp đã tung ra một cuộc tấn công "biển người" vào quân Pháp. Nhưng QĐNDVN đã phải chịu đựng tổn thất nặng nề, phần vì Việt Minh đã không chuyển được pháo vào các địa điểm chung quanh Điện Biên Phủ đúng lúc, phần vì Pháp đã chuyển quân nhanh chóng hơn dự tính để tăng cường lực lượng.[11]
Trong các bức điện gửi cho Vi Quốc Thanh ngày 24 và 27 tháng Giêng, Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ đã chỉ thị cho ông không được tấn công địch ở Điện Biên Phủ "từ mọi hướng" một lúc mà phải sử dụng chiến lược "chia nhỏ bao vây địch và tiêu diệt chúng từng phần một." "Đồng chí phải phấn đấu tiêu diệt từng tiểu đoàn một," chỉ thị của Bắc Kinh tiếp tục. "Đến khi đồng chí có thể diệt từ bốn đến năm tiểu đoàn, quân địch tại Điện Biên Phủ có thể mất tinh thần. Có thể chúng sẽ rút lui về hướng nam hoặc đợi quân tiếp viện. Hai bước đi này đều có lợi cho chúng ta."
Thực hiện đề xuất của Bắc Kinh, ĐCVQSTQ và QĐNDVN huỷ bỏ kế hoạch tìm "giải pháp nhanh chóng" và đi theo phương án "tiến chắc" bằng cách tiêu diệt từng chốt tiền phương một và làm quân địch mệt mỏi bằng cách làm hao kiệt sinh lực họ.[12]
Để phá vỡ ưu thế trên không của Pháp và làm tê liệt sân bay Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã cung cấp cho QĐNDVN các khẩu pháo phòng không. Bốn tiểu đoàn Việt Minh từng được đào tạo tại Trung Quốc đã được điều về mặt trận Điện Biên Phủ và được trang bị pháo cao xạ 37mm. Tại Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã áp dụng kinh nghiệm cố thủ và bắn tỉa mà họ có được ở Triều Tiên. Họ dạy lính QĐNDVN cách bắn tỉa để làm gián đoạn hoạt động của quân Pháp và để suy giảm tinh thần địch. Một chục chuyên gia công binh Trung Quốc từng tham chiến tại Triều Tiên đã được điều đến Điện Biên Phủ để giúp việc xây dựng chiến hào. Việc thiết lập một mạng lưới giao thông hào dài hàng trăm dặm đã giúp các đơn vị tác chiến Việt Minh tiếp cận được các cứ điểm ngoại vi của quân Pháp mà không bị ảnh hưởng bởi hoả lực của họ. Trung Quốc cũng đã cung cấp một lượng lớn đạn dược cho QĐNDVN để chiến đấu.[13]
Trong khi Việt Minh đang xiết chặt vòng vây Điện Biên Phủ thì quốc tế cũng đang chuẩn bị cho đàm phán hoà bình được dự tính khai mạc tại Geneva vào đầu tháng Năm. Những người tham dự sẽ là các nhà ngoại giao từ Anh, Pháp, Trung Quốc, Liên Xô, cũng như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và các nước trong Liên bang Đông Dương: Việt Nam, Lào, và Cambodia.[14]
Trong khi chú tâm theo dõi những sự kiện quốc tế, Mao cũng quan sát kỹ lưỡng tiến trình của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nhận thức rất rõ rằng các chiến thắng của Việt Minh trên chiến trường sẽ tăng cường sức mạnh thương thuyết cho phe Cộng sản rất nhiều trong hội nghị hoà bình sắp đến. Ông nôn nóng muốn thúc đẩy tiến độ của Việt Minh trong mặt trận quân sự. Trong một thông điệp ngày 3 tháng Tư gửi cho Bành Đức Hoài, phó chủ tịch Quân uỷ Trung Ương ĐCSTQ, Mao nói rằng VNDCCH nên thành lập hai sư đoàn pháo binh (bao gồm bốn trung đoàn) và hai trung đoàn công binh; những đơn vị này cần hoàn tất huấn luyện và được trang bị khí tài trong vòng sáu tháng. Nếu họ không có đủ pháo, Trung Quốc phải chuyển các khẩu pháo từ quân đội của mình sang để trang bị cho các đơn vị Việt Nam. Những sư đoàn pháo binh mới nên được điều quân từ các sư đoàn bộ binh Việt Minh thay vì từ những toán tân binh. Các huấn luyện viên và cố vấn của các đơn vị này cần phải được tuyển từ những binh lính Trung Quốc từng tham chiến tại Triều Tiên, và cần phải bao gồm các cán bộ cấp sư đoàn và tập đoàn quân. Địa điểm huấn luyện lý tưởng cho các đơn vị Việt Minh mới này là ở Việt Nam, nhưng nếu tại Quảng Tây cũng được. Mao yêu cầu Bành thảo luận vấn đề này với Tổng Tham mưu và Tư lệnh Pháo binh Trung Quốc để đưa ra kế hoạch. Với hai sư đoàn pháo binh mới này, Mao tiếp tục, cùng với một sư đoàn pháo binh đã thành lập trước đó và năm sư đoàn bộ binh, QĐNDVN có thể tấn công Hà Nội và Hải Phòng. Mao ra lệnh cho Bành phải "lập tức chuẩn bịđầy đủ đạn dược và quân cụ" cho hai sư đoàn pháo mới này và tăng cường cung cấp súng phòng không cho Việt Minh. Về mặt trận Điện Biên Phủ, Mao nhấn mạnh rằng pháo đài này cần "kiên quyết chiếm cho bằng được" và nếu điều kiện đã sẵn sàng, Việt Minh có thể phát động một cuộc tổng tấn công càng sớm càng tốt.[15]
Mao cũng đưa ra những đề xuất liên quan đến các hoạt động của Việt Minh sau Điện Biên Phủ. Để bù đắp cho việc thiệt hại quân số tại Điện Biên Phủ, ông đề nghị Việt Minh nên lập tức huy động "ít nhất là năm đến tám nghìn tân binh" và đào tạo họ trong ba tháng. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, QĐNDVN cần nghỉ ngơi trong một tháng rưỡi, nhiều nhất là hai tháng, và sau đó sẽ tấn công Luang Prabang và các mục tiêu khác. "Nếu không có những trở ngại khó vượt qua," Mao khẳng định, việc đánh chiếm những địa điểm này cần được hoàn tất trong mùa hè hoặc mùa thu. Sau đó, Việt Minh nên tấn công Hà Nội vào mùa đông hoặc ít nhất là vào đầu mùa xuân năm sau. Ngay cả nếu hội nghị hoà bình Geneva đã đạt được thoả thuận, Mao kết luận, kế hoạch đào tạo các sư đoàn pháo binh mới của ông vẫn không thay đổi.[16] Thông điệp của Mao rất quan trọng vì nó cho thấy rằng ông nôn nóng không chỉ để chiếm lĩnh Điện Biên Phủ mà còn phát huy chiến thắng của Hồ qua việc giải phóng Hà Nội. Giống như cách ông điều hành cuộc Chiến tranh Triều Tiên, ở đây một lần nữa Mao đã chứng tỏ thói quen chuyên chú tâm không chỉ vào tổng quan chiến lược mà còn trong cả các tiểu tiết chiến thuật khi điều khiển các hoạt động quân sự.[17]
Trong một thông điệp gửi ngày 17 tháng Tư cho Hoàng Khắc Thành và Túc Dụ, hai phó tham mưu, Mao còn ra lệnh thêm: "Với khả năng ngừng bắn có thể xảy ra tại Việt Nam, việc đào tạo các sư đoàn pháo binh không nên được tiến hành tại Trung Quốc, và các khẩu pháo cần được gửi sang Việt Nam càng sớm càng tốt."[18] Rõ ràng thông điệp của Mao cho thấy ông theo dõi cặn kẽ tiến trình quốc tế trong khi cân nhắc tình hình chiến sự ở Việt Nam. Tính nhạy cảm của ông về khía cạnh chính trị của chiến tranh bắt nguồn từ những kinh nghiệm ông có được từ cuộc đấu tranh vũ trang của ĐCSTQ để sống còn và giành quyền lực trong suốt ba thập niên trước đó.
Tuy nhiên, đến tháng Tư, trong giai đoạn cuối của chiến dịch, quyết tâm chiến thắng Điện Biên Phủ của một số sĩ quan QĐNDVN đã bị lung lay, một phần là vì binh lính của họ bị kiệt sức và mùa mưa đang đến, một phần vì Mỹ đe doạ can thiệp bằng đường không qua lời của Đô đốc Arthur Radford, Tổng Tham mưu trưởng Hoa Kỳ[19]. Cơn khủng hoảng tại Điện Biên Phủ đã khiến Pháp phải tuyệt vọng cầu viện Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Washington vào cuối tháng Ba, Tướng Paul Ely, Tổng Tham mưu trưởng Pháp, đã yêu cầu chuyển thêm các máy bay Hoa Kỳ để Pháp tấn công các vị trí của Việt Minh chung quanh Điện Biên Phủ. Radford đã làm cho Ely có ấn tượng rằng chính phủ Eisenhower sẽ thông qua kế hoạch do các sĩ quan Pháp và Mỹ tại Sài Gòn thảo ra, trong đó đề nghị một can thiệp bằng máy bay B-29 của Mỹ với khả năng sử dụng đến bom hạt nhân chiến lược để giảm bớt sức phong toả chung quanh Điện Biên Phủ. Trên thực tế, kế hoạch này nhận được rất ít hưởng ứng ở Washington.[20]
ĐCVQSTQ và cấp chỉ huy QĐNDVN cảm thấy lo lắng trước tình trạng nhụt chí của binh lính Việt Minh. Sau khi phân tích tình hình, Vi Quốc Thanh và các lãnh đạo Việt Minh nhận thấy rằng mục đích thật sự từ mối đe doạ của Washington là để buộc Việt Minh phải rút ra khỏi Điện Biên Phủ. Nếu Việt Minh làm thế, họ lập luận, chắc chắn Pháp sẽ nắm lấy cơ hội phản công, điều này sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng. Và họ đồng ý rằng một khi quân đội Việt Minh sẵn sàng cho trận tấn công cuối cùng tại Điện Biên Phủ, họ không được từ bỏ nỗ lực này ở phút cuối. Ngày 19 tháng Tư, bộ chính trị ĐLĐVN tổ chức cuộc họp thảo luận về vấn đề mất tinh thần của binh lính. Chỉ ra những điều kiện thuận lợi do những chiến dịch trước đấy tạo ra cho trận chiến cuối cùng của Điện Biên Phủ, giới lãnh đạo ĐLĐVN kêu gọi binh lính giữ niềm tin vào sự tất thắng đối với quân Pháp. Đảng quyết định khởi động cuộc tổng tấn công trước khi mùa mưa đến.[21]
Viễn cảnh cận kề của hội nghị hoà bình tại Geneva khiến cho một chiến thắng quyết định của Việt Minh tại Điện Biên Phủ trở nên cấp bách hơn nữa. Trên thực tế, đến giữa tháng Tư, phương án "đánh chắc, tiến chắc" đã trở nên hữu hiệu. Nó làm tăng số tử vong của quân Pháp và tê liệt sân bay Điện Biên Phủ, khiến cho Pháp phải thả hàng tiếp tế bằng máy bay và biến khu đồn trú của 12 nghìn quân thành một địa điểm cô lập và mong manh.[22] Đế tạo điều kiện cho cuộc tổng tấn công của Việt Minh, Trung Quốc cũng đã tăng cường hỗ trợ hậu cần. Hai tiểu đoàn Việt Minh được trang bị pháo không giật 75mm và các dàn hoả tiễn "Katyusha" đã được đưa đến Điện Biên Phú đêm trước ngày tổng tấn công. Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ đã chỉ đạo cho ĐCVQSTQ "không chừa một quả pháo nào" để giành được "thắng lợi hoàn toàn."[23] Ngày 1 tháng Năm, QĐNDVN đã phát động cuộc tấn công cuối cùng, và sáu ngày sau, ngày 7 tháng Năm, cứ điểm cuối cùng của Pháp tại Điện Biên Phủ đã đầu hàng. Sau khi trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc, lập tức cả thế giới liền chú tâm về Geneva, nơi mà ngày hôm sau hội nghị này sẽ bắt đầu thảo luận đến lịch trình về Đông Dương.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: