Trao đổi với Lao Động sáng nay (18.11), Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (VHTTDL) Hoàng Tuấn Anh cho biết: Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu Quốc hội. Khi phóng viên tiếp tục hỏi về việc vì sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng, thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh từ chối và nói: “Tôi bận, để dịp khác”.
Trước đó, chiều 17.11, tại phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh nhiều lần khiến cả nghị trường cười ồ. Mở đầu phần trả lời, Bộ trưởng đã gây cười khi loay hoay bật micro và nói “quên quẹt thẻ”. Sau một loạt viện dẫn về những ưu thế của du lịch Việt Nam, về những kết quả đạt được để trả lời cho chất vấn của ĐB là “vì sao ngành du lịch VN vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng; liệu đến năm 2020 du lịch có thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? trách nhiệm của ngành, của cá nhân Bộ trưởng?”...
Chưa trả lời thẳng vào chất vấn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề cập “Tôi nhớ phiên chất vấn tôi, Chủ tịch QH có hỏi, bao giờ du lịch Việt Nam bằng Malaysia, Singapore, tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời, tôi không dám trả lời”, Bộ trưởng vừa dứt lời, cả hội trường cười ồ.
Sau khi lý giải chất lượng du lịch phụ thuộc vào 7 yếu tố và liệt kê chi tiết từng yếu tố cụ thể, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh không quên trả lời phần chất vấn về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ngành VHTTDL: “Về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm. Tôi, với tư cách là người đứng đầu ngành VHTTDL, những gì cố gắng rồi mà chưa đạt được, không đáp ứng nhu cầu của QH thì tôi xin chịu trách nhiệm và trách nhiệm chúng tôi là truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”.
Nghị trường lại vang tiếng cười khi trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh còn chưa chấm dứt.

Về việc nhận viện trợ, vay tiền Trung Quốc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền

(GDVN) - Cái gì hợp tác được, ta cứ hợp tác. Nhưng cái gì phải đấu tranh, thì quyết đấu tranh đến cùng, đặc biệt là về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh...
LTS: Xung quanh phát biểu của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chất vấn Chính phủ về việc nhận viện trợ và vay ODA từ Trung Quốc thì sau này có kiện đòi lãnh thổ được không, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Ảnh: Vụ Thông tin - Văn phòng Quốc hội.
Trong phiên chất vấn Chính phủ kỳ họp Quốc hội diễn ra sáng hôm qua 17/11, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa từ đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh có nêu vấn đề được nhiều cử tri đang quan tâm mà cá nhân tôi cho rằng rất thời sự, rất thú vị và cũng rất cần được làm rõ.
Đại biểu Nghĩa đặt vấn đề: "Nhận viện trợ và vay ODA của Trung Quốc, cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không? Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin rằng đa số bỏ phiếu không đồng ý nhận viện trợ và vay tiền Trung Quốc và cũng còn nhiều nguồn khác để vay tiền."
Theo dõi trên báo chí cũng như dư luận xã hội hai hôm nay, cử tri đặc biệt quan tâm và bàn luận nhiều xung quanh phát biểu này của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Cảm nhận đầu tiên của cá nhân tôi là rất đáng mừng vì Đại biểu Quốc hội đã thể hiện được tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của cử tri, nhân dân cả nước trong việc chung sức cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của dân tộc Việt Nam, cho dù cách thức đấu tranh như thế nào cho hiệu quả nhất có thể còn nhiều ý kiến khác nhau.
Với tư cách là một cử tri, một công dân Việt Nam có may mắn tham gia hoạch định, đàm phán phân định biên giới trên bộ cũng như trên biển, nghiên cứu về luật pháp có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và biển đảo, tôi xin nêu ra vài suy nghĩ của mình xung quanh những vấn đề Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã đặt ra cho Chính phủ trong phiên chất vấn sáng 17/11.
Nhận viện trợ, vay ODA từ Trung Quốc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền là hai chuyện khác nhau
Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được 3 vị Đại biểu Quốc hội nêu ra, bao gồm Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Tờ VnEconomy dẫn lời Thủ tướng cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày với Quốc hội là tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng, nhất quán, và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cho dù còn không ít khó khăn, thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, nhưng đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyển lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng Hiến pháp, cũng như luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội thì cần tăng cường an ninh, đối ngoại, bảo đảm an ninh xã hội tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về lẽ phải của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 18/11, ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Cá nhân tôi cho rằng câu trả lời này của Thủ tướng đã khá đầy đủ, khái quát nhất phương châm "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng như trong vấn đề Biển Đông. Chúng ta cần vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, nhưng quyết không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc lấy điều đó.
Không có bất kỳ nhà lãnh đạo nào có thể chấp nhận điều kiện đánh đổi chủ quyền quốc gia dân tộc lấy tiền viện trợ, ODA, Trung Quốc họ cũng thừa hiểu điều này.
Tất nhiên không riêng gì Trung Quốc, bất cứ nhà cung cấp ODA nào khi xem xét đối tượng cho vay cũng đều đặt ra điều kiện nào đó chứ chẳng nước nào cho vay không đòi hỏi điều kiện gì. Có điều, những điều kiện họ đặt ra có ảnh hưởng, đe dọa đến lợi ích sống còn, bao gồm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của mình hay không. Nếu có, chắc chắn rằng chẳng có ai dại gì đặt bút ký.
Đúng như Đại biểu Nghĩa đề cập, tiền có nhiều chỗ để vay, không có lý gì phải vay tiền kèm điều kiện "đánh đổi" các vấn đề lợi ích sống còn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Nhưng cũng như đã nói ở trên, không chủ nợ nào cho vay mà không đòi hỏi điều kiện, Trung Quốc cũng vậy. Những điều kiện họ đặt ra có thể chấp nhận được, Việt Nam vay trong khả năng có thể thanh toán và lợi ích được đảm bảo tối đa, hạn chế chi phí thì chúng ta không có gì phải ngần ngại.
Vấn đề còn lại là trước khi đi vay của ai và vay bao nhiêu, chúng ta phải có phương án sử dụng tối ưu hóa từng đồng để mang lại hiệu quả và phương án trả nợ, bởi nhu cầu vay vốn phát triển đất nước là có thật. Còn tâm lý cảnh giác của cử tri với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa là điều có thể hiểu được. Chỉ có điều, chúng ta cảnh giác nhưng phải tỉnh táo.
Cái gì hợp tác được trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp luật pháp quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước cũng như có đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực mà không phương hại đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia thì nên hết sức thúc đẩy.
Suy cho cùng, chuyển nhà vì không ưa hàng xóm đã là chuyện khó, huống hồ lại muốn "cạch mặt" nước láng giềng chỉ vì không ưa nhau là điều không thể.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông là câu chuyện rất phức tạp, khởi kiện là một phương án
Trước phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan về việc có thẩm quyền xét xử vụ án đường lưỡi bò và đang tiếp tục thụ lý, bất chấp các nỗ lực phản đối của Trung Quốc đã khiến dư luận cử tri và xã hội Việt Nam dấy lên mong muốn Việt Nam sớm khởi kiện Trung Quốc để "đòi chủ quyền" như Đại biểu Nghĩa đề cập. Nhưng thực tế câu chuyện pháp lý không đơn giản như vậy.
Mâu thuẫn Việt Nam - Trung Quốc trên Biển Đông phức tạp hơn nhiều, trong đó có vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà riêng Trường Sa đã có 5 nước 6 bên yêu sách;
Vấn đề đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc đè lên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); vấn đề mâu thuẫn trong áp dụng và giải thích UNCLOS trên các vùng biển chồng lấn;
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Vấn đề an ninh, tự do hàng hải hàng không, môi trường sinh thái trên các vùng biển quốc tế ở Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa...
Mỗi một loại tranh chấp có  một cơ chế pháp lý đặc thù riêng để xử lý.
Philippines họ rất khôn khéo khi lựa chọn kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông với yêu sách đường lưỡi bò vô lý, chứ họ không kiện về chủ quyền. Bởi lẽ Philippines biết rằng, về chủ quyền lãnh thổ chỉ khi nào cả hai bên đồng ý ra cơ quan tài phán thì Tòa/Hội đồng Trọng tài quốc tế mới có thể xét xử. Còn Trung Quốc thì chắc chắn rằng không đời nào chịu ra tòa.
Do đó, khi đặt vấn đề "kiện đòi chủ quyền" như Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu ra, nếu xét dưới ánh sáng của Công pháp quốc tế thì phương án này không khả thi. Có khởi kiện, chúng ta phải tính đến những quy chế, thông lệ pháp lý quốc tế hiện hành mà vụ kiện của Philippines cho chúng ta nhiều bài học.
Cá nhân tôi tin rằng các cơ quan chức năng tham mưu chiến lược của Việt Nam đang theo dõi rất sát tình hình và đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án cần thiết, để khi cần là có đủ hồ sơ tiến hành các thủ tục tố tụng phù hợp, làm sao bảo vệ tốt nhất được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam và tôi ủng hộ sử dụng những phương án pháp lý này.
Đã ra đến Tòa án, cơ quan tài phán quốc tế thì chỉ có đúng hoặc sai, thắng hoặc thua. Để bảo vệ được tối đa lợi ích hợp pháp của mình, chúng ta cần có sự nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ, dự phòng mọi phương án, kể cả những kẽ hở của luật pháp quốc tế mà đối phương có thể lợi dụng.
Trước tòa, các thẩm phán chỉ dựa vào bằng chứng, họ không dựa vào lập trường chính trị hay tâm tư, tình cảm, kể cả là của một quốc gia, dân tộc chứ không phải cá nhân, bởi vậy chúng ta không thể nóng vội cứ nói kiện là kiện, nhưng cũng không thể trì hoãn hay né tránh với những phương án pháp lý khả thi khi thời cơ đã đến. Bỏ lỡ thời cơ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đấu tranh hiệu quả bảo vệ/đòi lại các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đấu tranh đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa như thế nào?
Nếu như quần đảo Trường Sa là vấn đề đa phương vì có 5 nước 6 bên có yêu sách, thì Hoàng Sa là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng nói gì thì nói ở Trường Sa có cộng đồng quốc tế can thiệp, bởi lẽ quần đảo án ngữ ngay tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu chiến lược qua Biển Đông nơi 50% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu đi qua nên Trung Quốc không thể cứ muốn làm gì thì làm.
Còn Hoàng Sa lại là "chuyện riêng" giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam chỉ có thể tự mình đấu tranh đòi lại chủ quyền chứ không thể mong chờ sự can thiệp nào từ quốc tế và khu vực. Giả sử có, thì những tiếng nói can thiệp ấy cũng khó phát huy được hiệu quả. Khởi kiện "đòi chủ quyền" thì Trung Quốc không chịu ra tòa, vậy ta sẽ phải đấu tranh đòi chủ quyền bằng cách nào?
Các chiến sĩ trẻ tham quan triển lãm tư liệu khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ảnh: TTXVN.
Công việc chúng ta vẫn làm lâu nay là liên tục phản đối bất cứ hành động nào của phía Trung Quốc tiến hành trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo này với đầy đủ bằng chứng pháp lý, kể cả về mặt lịch sử theo cách đặt vấn đề của Trung Quốc.
Bất chấp khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập, những ngư dân Việt Nam vẫn ngày ngày bám biển, vừa tìm kế mưu sinh trên ngư trường truyền thống của cha ông bao đời, vừa đóng vai trò những chiến sĩ tiên phong thực thi chủ quyền hòa bình và liên tục của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam vẫn có bộ máy chính quyền, hành chính của huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, vẫn tiến hành các hoạt động kinh tế ở vùng biển Hoàng Sa. Đó là về mặt vật chất, còn về mặt tinh thần, chưa bao giờ Nhà nước và Dân tộc Việt Nam chấp nhận từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo này, dù trong thực tế nó đang bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi nhà cầm quyền Trung Quốc từ năm 1956, 1974 đến nay.
Những việc làm này là vô cùng đúng đắn và cần thiết, nhưng như vậy chưa đủ.
Cá nhân tôi cho rằng cần phải khẳng định và thực thi chủ quyền mạnh mẽ hơn nữa đối với quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục, hợp pháp. Về mặt vật chất, nên chăng chúng ta nghiên cứu phương án sáp nhập một số đảo và vùng đất ven bờ gần Hoàng Sa nhất vào huyện đảo Hoàng Sa để tiến hành công tác quản lý thực thi chủ quyền trong thực tế.
Quốc hội có thể nghiên cứu ra một nghị quyết như vậy để thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam vẫn thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục và hiệu quả đối với Hoàng Sa, điều này hoàn toàn hợp pháp, đúng đắn, văn minh và rất có giá trị.
Thứ hai, bộ máy chính quyền hành chính của huyện đảo Hoàng Sa nên dời từ Đà Nẵng ra điểm gần Hoàng Sa nhất, đồng thời tiến hành các hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền. Đơn giản nhất chính quyền huyện đảo có thể xem xét cấp giấy chứng nhân Công dân huyện đảo Hoàng Sa cho những ngư dân đang ngày ngày đánh bắt trên ngư trường và bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa.
Cơ quan này cũng là lực lượng đứng ra hỗ trợ các thủ tục pháp lý, bảo lãnh vay vốn giúp bà con, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm do bà con ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa về, mở ra các tour du lịch, các chương trình quảng bá, giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa với đông đảo người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế, đồng thời lên tiếng kịp thời và mạnh mẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình khi bị xâm phạm.
Thiết nghĩ đó là những biện pháp hết sức hòa bình, văn minh, thiết thực và hiệu quả giúp chúng ta khẳng định ý chí của toàn Dân tộc trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa một cách hợp pháp, hòa bình, liên tục.
Đồng thời về mặt tinh thần, chúng ta luôn nêu vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông trong các cuộc gặp, tiếp xúc song phương với Trung Quốc ở mọi cấp độ. Cần có những hoạt động quảng bá, giới thiệu các tài liệu, căn cứ pháp lý có giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa ra dư luận Việt Nam cũng như quốc tế, phát huy các di sản, giá trị tinh thần của "văn hóa Hoàng Sa" như lễ hội Khao Lề thề lính Hoàng Sa...
Dù có thể chưa đòi ngay được Hoàng Sa, nhưng chí ít chúng ta tránh được cái bẫy thời gian mà Trung Quốc đang giăng ra, nói như dân gian là "để lâu...hóa bùn".
Khi hội đủ các điều kiện để đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc trả lại quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam thì chúng ta sẽ làm không chậm trễ. Từ nay đến ngày đó còn rất nhiều việc phải làm thường xuyên, liên tục, thậm chí nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc mà nhiều người nôn nóng có cảm giác nhàm chán, nhưng vẫn phải làm.
Dù khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn kiên trì tới cùng, quyết không thể bỏ. Nói điều này để cá nhân tôi muốn được chia sẻ với mối ưu tư của cử tri và nhân dân cả nước xung quanh câu chuyện bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đồng thời cũng chia sẻ và góp ý với Đảng, Nhà nước và Chính phủ về các phương án thực thi bảo vệ chủ quyền.
Nụ cười rạng rỡ của người Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong giây phút bên người thân. Ảnh: Bui Tuong Van/Talk Vietnam/TTXVN.
Quan hệ với Trung Quốc nên đề cao "vừa hợp tác, vừa đấu tranh", tránh tâm lý cực đoan bài xích
Tâm lý không ưa Trung Quốc, cảnh giác với Trung Quốc trong xã hội Việt Nam là điều có thật. Vấn đề là chúng ta nên ứng xử như thế nào với chính tâm lý ấy, dư luận ấy trong lòng xã hội Việt Nam?
Sự không ưa, cảnh giác hay thậm chí nhiều người ghét Trung Quốc ấy có nguyên nhân bởi những hành động của nước này trên Biển Đông, đặc biệt là ứng xử thô bạo của họ với ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa hay việc bồi lấp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa.
Hoặc đơn cử như vụ Trung Quốc cắm giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 đã đẩy tâm lý ghét Trung Quốc trong xã hội Việt Nam lên cao trào. Nhưng chúng ta cũng không thể chối bỏ sự liên hệ của xu hướng này với tính cực đoan trong tâm lý, tình cảm người Việt: Yêu nhau yêu cả đường đi; Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.
Mặt khác, chúng ta cũng phải thấy vai trò và trách nhiệm của truyền thông cũng như các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền giải thích cho dư luận xã hội về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là về mặt pháp lý quốc tế cũng như luật pháp trong nước và phân tích rõ chiến lược "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" như thế nào trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Có những thời điểm chúng ta chỉ nặng thông tin đấu tranh, chứ không phải chiến lược đấu tranh có tình, có lý, thuyết phục, hiệu quả.
Người dân thiếu thông tin về bản chất các tranh chấp trên Biển Đông, lịch sử diễn biến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, mà chỉ biết "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", thấy tin ngư dân bị bắt bớ, tàu cá bị đâm chìm, Trung Quốc thì cứ bồi lấp, xây đảo khổng lồ trái phép, và những phản đối ngoại giao mà không thấy những hành động khác.
Chúng ta thiếu những bình luận, phân tích một cách khoa học, khách quan, xác đáng và bình tĩnh thì dư luận xã hội lo lắng, bất bình là điều có thể hiểu được.
Nguyên nhân của tình trạng này, cá nhân tôi cho rằng nó xuất phát từ tư duy duy tình, mọi thứ cứ theo tâm lý, tình cảm cá nhân mà biểu hiện ra chứ không bình tĩnh suy xét, mổ xẻ vấn đề.
Đặc biệt là sự thiếu hụt các kiến thức pháp lý quốc tế trong vấn đề biển đảo, chủ quyên lãnh thổ, UNCLOS, các căn cứ giải quyết mâu thuẫn đã khiến cho một số người né tránh, ngại đụng chạm, sợ "nhạy cảm" khi được báo chí đề nghị trả lời, phân tích về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.
Cũng bởi sự thiếu thông tin và kiến thức pháp lý khiến cho một số quan điểm trở nên nôn nóng, kích thích dư luận, dồn ép Nhà nước đòi phải phản ứng gay gắt với Trung Quốc. Thậm chí có những người phản đối cả hoạt động bang giao thông thường giữa Việt Nam và Trung Quốc, một cơ hội quý để hai bên đối thoại chỉ vì "ghét".
Cả hai thái cực này theo tôi đều đẩy Việt Nam vào chỗ nguy hiểm, chẳng giúp gì cho việc giải quyết vấn đề.
Hai nước mâu thuẫn, việc tâm lý xã hội có ghét, có cảnh giác cũng là điều bình thường. Tuy nhiên nếu chúng ta không nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tỉnh táo dựa theo các nguyên tắc chuẩn mực của Công pháp quốc tế, thì hệ lụy với quốc gia dân tộc chúng ta thực khôn lường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam là một cơ hội tốt để đối thoại. Ảnh: AP.
Ngoài vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, Trung Quốc có những kinh nghiệm hay như chống tham nhũng hay phát triển kinh tế mà chúng ta có thể học thì chúng ta hãy học hỏi họ để làm mình mạnh lên, đừng vì tâm lý yêu ghét thường tình mà phủ nhận tất cả, kể cả sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Trung Quốc cho chúng ta trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Thiết nghĩ chúng ta nên sòng phẳng, chuyện nào ra chuyện đấy. Cái gì hợp tác được, ta cứ hợp tác. Nhưng cái gì phải đấu tranh, thì quyết đấu tranh đến cùng, đặc biệt là về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia...
Những hành vi bạo động, bộc phát của một bộ phận người Việt trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 là một bài học rất đắt giá. Nó không giúp gì cho việc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa hay bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam.
Ngược lại, những hành động bạo động bộc phát ấy lại làm tổn hại nghiêm trọng về hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí điều này có thể tạo cớ cho một số người có quan điểm hiếu chiến với Việt Nam ở Trung Quốc lợi dụng để có hành động, chính sách bất lợi cho chúng ta.
Mọi hành xử của chúng ta với Trung Quốc, đặc biệt là trong quan hệ đối ngoại cần hết sức tỉnh táo và thận trọng, làm sao khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ, đòi lại chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông mà vẫn giữ được hòa bình, ổn định.
Để xảy ra chiến tranh xung đột, chưa biết thắng thua ra sao, nhưng sứt đầu mẻ trán, hao người tốn của, gây thù chuốc oán giữa người dân hai nước là điều khó tránh, dù không ai mong muốn. Chúng ta hãy cứ thiện chí hết khả năng có thể, còn khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, là con cháu Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...chúng ta thà hy sinh tất cả, lịch sử đã chứng minh điều này. Nhưng đừng để đối phương lấy cớ chúng ta khiêu chiến với họ.
Công cuộc đấu tranh của chúng ta trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không phải học đâu xa, học chính cha ông chúng ta với lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước. Sống bên cạnh nước lớn, chúng ta phải rất khôn khéo mới giữ được độc lập tự chủ, hòa bình phát triển, độc lập tự chủ một cách thực sự, thực chất, dù trong xưng Đế, ngoài xưng Vương.
Chưa bao giờ cha ông chúng ta kiêu ngạo, vỗ ngực trước nước láng giềng phương Bắc, ngay cả khi đánh thắng họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Cha ông chúng ta luôn cảnh giác với các nguy cơ, nhưng chưa bao giờ từ chối thiện chí và mong muốn hợp tác hữu nghị, thậm chí chủ động mở rộng bang giao, nâng cao trình độ phát triển nước nhà, tiếp tu chọn lọc cái hay, cái tốt của văn minh nhân loại, trong đó có Trung Hoa.
Nhờ tinh thần hòa hiếu bang giao ấy, dân tộc, đất nước Việt Nam mới trường tồn. Ngày nay, chúng ta đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, chúng ta phải tính đến Thế và Lực của mình, cũng như cục diện khu vực, thời thế quốc tế để vận dụng, tìm kiếm những nhân tố nào có lợi nhất cho mình.
Không thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền chỉ bằng cách thỏa mãn cảm giác bức xúc cá nhân hay sĩ diện hão được.
Có nhiều người vì bức xúc với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong những thời điểm nhất định nên đòi hỏi Việt Nam phải "thoát Trung". Theo tôi chúng ta không nên đặt vấn đề "thoát Trung", bởi chưa bao giờ Dân tộc Việt Nam này, Đất nước Việt Nam này biết "thần phục" Trung Quốc.
Dù ngàn năm Bắc thuộc dài dằng dặc, nhưng khát vọng độc lập tự chủ trong dòng máu Việt chưa khi nào nguôi ngoai. Những chính sách đối ngoại mềm dẻo, biểu hiện thiện chí của chúng ta không thể xem đó là thái độ "thần phục" như ai đó vẫn nói.
Tất nhiên, những vấn đề nội tại của chúng ta làm cho nước nhà yếu kém, chúng ta phải tự tìm cách khắc phục, không thể đổ thừa rằng do "lệ thuộc Trung Quốc" để mà phải tìm cách "thoát Trung".
Công nghệ nào lạc hậu của Trung Quốc, hàng hóa nào độc hại của Trung Quốc chúng ta có quyền và có khả năng từ chối. Nguồn nguyên liệu hay thị trường của chúng ta thì chính chúng ta phải chủ động mở rộng. Đó là những yếu tố mang thuần túy tính chất kinh tế - thương mại - đầu tư chứ không phải "lệ thuộc" hay "thần phục" như hàm nghĩa về mặt chính trị, tư tưởng.
Đó là bài toán bất cứ quốc gia nào cũng phải đưa lên cân nhắc, đặc biệt là Việt Nam tiếp giáp một thị trường lớn, nguồn cung nguyên liệu lớn và cũng là đại công xưởng hàng giá rẻ, chất lượng thấp của thế giới là Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể ép được chúng ta dùng hàng giá rẻ độc hại, trừ khi chính chúng ta "tặc lưỡi" dễ dãi với chính mình.
Có chăng, chúng ta phải tìm cách thoát khỏi chính những tư duy lạc hậu kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm sao xây dựng nước nhà cường thịnh, phát triển.
Thế và Lực của ta có mạnh, uy tín của ta có cao trong khu vực và quốc tế, việc đấu tranh giữ vững, bảo vệ, đòi lại chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông mới có kết quả thực sự.
Ts Trần Công Trụ