Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Mỹ muốn các bên cùng vạch mặt cường quốc bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông


HỒNG THỦY

(GDVN) - Khi chúng ta thấy trường hợp một cường quốc mà ứng xử trái với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, chúng tôi hy vọng bạn bè và các đối tác, đồng minh...

Đài VOA Hoa Kỳ ngày 20/11 cho biết, các quan chức Nhà Trắng khẳng định rằng, việc giữ gìn trật tự dựa trên nguyên tắc ở Biển Đông sẽ được Tổng thống Barack Obama tiếp tục nêu ra tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày hôm nay 21/11.
Dan Kritenbrink, Cố vấn chính sách châu Á của Hoa Kỳ, ảnh: Cogit Asia.
Cố vấn chính sách châu Á của Hoa Kỳ, Dan Kritenbrink đã nói: "Chúng tôi có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm cả việc thông qua cơ quan tài phán quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)". Ý kiến này được ông nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC.

Trước đó ở Manila, Philippines, Tổng thống Obamâ cũng kêu gọi Trung Quốc giảm căng thẳng trên Biển Đông bằng cách ngừng ngay các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trong khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông.
"Khi chúng ta thấy trường hợp một cường quốc mà ứng xử trái với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, chúng tôi hy vọng bạn bè và các đối tác, đồng minh của chúng tôi trong khu vực cùng đứng dậy với chúng tôi để chỉ ra các hành vi đó", Kritenbrink kêu gọi.
Phó cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes cho biết, việc kêu gọi các nước ASEAN có liên quan đến Biển Đông cung cấp các diễn đàn phù hợp cho đôi thoại, thương lượng vấn đề này là rất quan trọng. "Chúng tôi tin rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cần có một diễn đàn để giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh, cũng như các vấn đề kinh tế."
Tạp chí Nikkei Asian Review ngày 21/11 cũng xác nhận, Biển Đông sẽ tiếp tục làm nóng diễn đàn Hội nhị Thượng đỉnh Đông Á sau APEC. Tổng thống Hoa Kỳ Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ cùng tham dự hội nghị này diễn ra trong hôm nay và ngày mai 22/11.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự hội nghị, dự kiến ông tiếp tục nêu bật vấn đề điểm nóng trên Biển Đông. Phản ứng của ASEAN cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên sẽ khó có một bước đột phá nào của cộng đồng này. Dự thảo tuyên bố chung có thể sẽ đề cập đến tự do an ninh hàng hải ở Biển Đông, nhưng nhiều khả năng né tránh việc Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp).
Về thái độ của Nga, tờ Tsrus.cn ngày 20/11 dẫn lời Thủ tướng Dmitry Medvedev bên lề diễn đàn APEC trả lời câu hỏi Moscow có ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ kiện đường lưỡi bò nếu Philippines chiến thắng hay không, ông Medvedev cho biết:
"Chúng tôi thực sự không phải là một bên tranh chấp, nhưng tranh chấp vẫn tồn tại. Chúng tôi trước hết cho rằng cần giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hữu nghị, phương pháp này tốt hơn so với tất cả các phương pháp khác. Hiển nhiên bất cứ kết quả đàm phán nào cũng có thể ó tranh cãi. Do đó chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên. Hy vọng vấn đề được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan".
Ông Medvedev nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Tranh chấp Biển Đông dự đoán sẽ bao phủ Hội nghị cấp cao Đông Á

(GDVN) - Trung Quốc không dễ dàng bắt các nước ASEAN im lặng về Biển Đông, hơn nữa, Việt Nam đang tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, quan hệ chiến lược với Philippines.
Hãng tin BBC Anh ngày 20 tháng 11 đưa tin, Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia vào cuối tuần này, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á dự đoán sẽ trở thành vấn đề không thể né tránh của hội nghị.
Nhà lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga đều sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần này.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông
Phóng viên Jonathan Head của BBC từ Bangkok Thái Lan cho biết, các nước thành viên ASEAN như Việt Nam và Philippines đã đưa ra phản đối các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở các đá ngầm trên Biển Đông, đồng thời đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN đối với họ.
Trung Quốc trước đó từng vận dụng thành công vai trò ảnh hưởng đáng kể của họ ở Hội nghị cấp cao ASEAN để ngăn chặn 10 nước ASEAN ra bất cứ tuyên bố mang tính thực chất nào về tranh chấp Biển Đông.
Jonathan Head cho rằng, khi đến Kuala Lumpur tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phát hiện, muốn bảo đảm các thành viên ASEAN duy trì lặng im tương đối trong vấn đề Biển Đông hoàn toàn không phải là chuyện dễ.
Trung Quốc kiên trì cho rằng, Trung Quốc cùng với Việt Nam và Philippines cần thông qua "đàm phán song phương" để giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo đá ở Biển Đông.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục USS Lassen Hải quân Mỹ trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Nhưng, Mỹ đã cho biết, sẽ đưa ra vấn đề Biển Đông tại hội nghị cấp cao. Cách đây không lâu, Mỹ điều tàu chiến và tàu sân bay hải quân đi lại ở vùng biển lân cận tranh chấp Biển Đông, việc làm này "bị Trung Quốc phản đối", Trung Quốc đòi chủ quyền bất hợp pháp đối với hầu hết các đảo trên Biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter ngày 5 tháng 11 đã lên tàu sân bay USS Theodore Rosevelt Mỹ tuần tra ở Biển Đông.
Tháng trước, Mỹ điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen đến đi lại ở vùng biển 12 hải lý lân cận đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) trong thời gian vài giờ, điều này đã làm nóng tình hình Biển Đông.
Quan chức Mỹ cho rằng, họ sử dụng quyền tuần tra trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế để đảm bảo tự do thông suốt của tuyến đường thương mại ở Biển Đông.
Trung Quốc lại đòi Mỹ phải suy nghĩ kỹ rồi mới hành động, không được quấy rối và tránh các hành vi khiêu khích (đối với các hành động bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc).
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, biểu tượng cho sự viện trợ của Mỹ đối với Philippines. Ông tuyên bố khoản viện trợ tăng cường năng lực an ninh biển cho các nước ASEAN, sẽ chuyển giao bổ sung 2 tàu chiến cho Philippines.
Việt Nam và Philippines gần đây tìm cách phát triển quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ, đồng thời cùng ký kết quan hệ đối tác chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc tăng cường hiện diện ở đá ngầm tranh chấp trên Biển Đông, bao gồm bồi lấp xây đảo nhân tạo và thi công đường băng máy bay có thể dùng để cất cánh máy bay quân sự.
Tuy nhiên, theo phóng viên BBC, để các nước thành viên ASEAN đưa ra tuyên bố cứng rắn đối với vấn đề này hầu như là một việc khó.
Bởi vì, Hội nghị cấp cao ASEAN được vận hành theo phương thức đạt được đồng thuận, chỉ cần Trung Quốc giành được sự ủng hộ của một nước thành viên ASEAN thì nước này đứng về phía Trung Quốc, có thể làm cho tuyên bố của ASEAN bị mềm hóa.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Việt Nam và Philippines ký kết quan hệ đối tác chiến lược
Đông Bình
Hồng Thủy

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Philippines đã kiện rồi còn bảo đàm phán gì nửa.Quân lẻo mép.