Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Chất vấn các bộ trưởng về môn lịch sử, về các vụ án oan sai

(Chính trị) - Chiều 16/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời các chất vấn đại biểu Quốc hội.


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Không xem nhẹ môn ​Lịch sử
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn về Đề án cải cách chương trình sách giáo khoa, dư luận rất quan tâm đến môn ​Lịch sử vì có ý kiến cho rằng không thấy tên của môn ​Lịch sử trong chương trình giáo dục mới (Chương trình Phổ thông Trung học), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định rằng môn ​Lịch sử không bị coi nhẹ mà được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.
Bộ trưởng cho biết hiện tại, cấp học trung học phổ thông đang học 1,5 tiết ​Lịch sử/tuần, trong thiết kế dự thảo đang được lấy ý kiến, đối với học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội sẽ học bình quân 2,5 tiết ​Lịch sử/ tuần, tăng 1 tiết. Những học sinh phân ban học khoa học xã hội học bắt buộc 4 tiết/tuần. Bộ trưởng nêu rõ nội dung và khối lượng kiến thức về lịch sử là tăng lên.
Giải thích vì sao lại đưa môn ​Lịch sử vào môn Giáo dục công dân và Tổ quốc, Bộ trưởng cho biết: thứ nhất việc này thực hiện theo chủ trương tích hợp; thứ 2, trong Luật giáo dục quốc phòng và an ninh mà Quốc hội mới thông qua có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng, chính vì vậy dự kiến đưa môn ​Lịch sử vào môn học Giáo dục công dân và Tổ quốc để tránh trùng lặp.
Bộ trưởng cho biết thêm, ngoài nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần Giáo dục công dân với Tổ quốc, ở các môn học các Bộ dự kiến đều có giáo dục lịch sử. “Giảng dạy về văn học sẽ gắn với lịch sử, chúng ta giảng cho các cháu về Hịch tướng sỹ, Bình ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập… mà không gắn với lịch sử thì học sinh không hiểu được, không thể có rung động được. Không chỉ trong văn học, trong địa lý cũng sẽ gắn với lịch sử, tên đất, tên đảo gắn với chiến công, với quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc của cha ông của vùng đất đó; giáo dục âm nhạc, mỹ thuật và nhiều môn học khác cũng vậy, sẽ gắn kết hỗ hợ cho giáo dục lịch sử,” Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vấn đề cần thảo luận làm rõ là cần phải để riêng thành một môn ​Lịch sử hay là để lịch sử gắn bó, tích hợp với các môn học khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm của Bộ sắp tới môn Lịch sử có được là môn độc lập trong sách giáo khoa hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện nay Ban soạn thảo và Bộ đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của người dân, trên cơ sở đó sẽ có thảo luận, tiếp thu. Bộ sự kiến sẽ có báo cáo làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội đồng quốc gia giáo dục, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, các hiệp hội sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của Bộ trưởng là nếu việc tích hợp làm giảm nhẹ môn lịch sử thì không tích hợp; việc tích hợp vẫn đảm bảo đảm, nâng cao hơn chất lượng giáo dục lịch sử thì mới tích hợp. Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ cùng lắng nghe các chuyên giáo giáo dục, chuyên gia lịch sử… để có câu trả lời cuối cùng.
Vẫn còn tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đã được đề cập nhiều lần nhưng tình hình chưa được cải thiện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng việc thành lập các trường đại học phát triển với số lượng quy mô khá nóng của giai đoạn vừa qua bắt nguồn từ chỉ tiêu phấn đấu 2020 đạt 450 sinh viên/vạn dân trong Nghị quyết 14 của CP ban hành năm 2005.
Trong chỉ đạo, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện ra vấn đề bất cập và đã đề xuất giải pháp, thứ nhất kiến nghị Thủ tướng ban hành Quyết định 37 điều chỉnh chỉ tiêu sinh viên trên 1 vạn dân từ 450 xuống 256 sinh viên vào 2020. Thứ 2, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới, giảm nhịp độ thành lập mới các trường đại học và nâng cấp các trường đại học…
Hiện nay, công việc này vẫn đang tiếp tục triển khai. Bộ đã thực hiện việc thanh, kiểm tra việc đẩm bảo chất lượng của các trường đại học; không cho phép mở nhiều ngành của nhiều trường đại học mà không đáp ứng chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng cũng như tổ chức hoạt động không đáp ứng được yêu cầu…
Bộ trưởng cho biết đã áp dụng 2 chỉ tiêu: thứ nhất số lượng sinh viên trên thầy, cô giáo, khuyến khích các nhà trường tăng cường nâng cao chất lượng và số lượng của giáo viên; thứ hai là mét vuông xây dựng đất sử dụng để phục vụ việc học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng cho biết qua áp dụng 2 chỉ tiêu này, cho thấy tình hình tuyển dụng mới, bổ sung thầy, cô giáo, đào tạo nâng cao chất lượng thầy, cô giáo của mấy năm vừa rồi tăng lên rõ rệt; số lượng nhà trường đi thuê cơ cở vật chất chật chội đã giảm đi, nhiều trường đã mua đất hoặc được cấp đất để đầu tư xây dựng công trình kiến trúc, đầu tư trang thiết bị để dậy và học của thầy vào trò….
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong 3 năm gần đây Bộ đã điều chỉnh quy mô đào tạo tại chức, đào tạo từ xa và chấm dứt việc đào tạo từ xa đối với lĩnh vực sư phạm; chấm dứt việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở các cơ sở không phải là trụ sở chính của nhà trường. Quyết định này đã mang lại chuyển biến rõ rệt nâng cao mặt bằng chung chất lượng trình độ đào tạo đại học, sau đại học.
Triển khai Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ đang gắn kết đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường thông qua việc thành lập Hội đồng trường, yêu cầu có đại diện của giới doanh nghiệp, các nhà khoa học ngoài nhà trường, trong đó có nhiều trường đã mời các chuyên gia, giáo sư nổi tiếng của các trường đại học nước ngoài.
Việc đó góp phần vào việc thẩm định các chương trình, đánh giá chất lượng đào tạo của các nhà trường theo chuẩn chung thống nhất của Bộ ban hành và hướng tới quy chuẩn chung của quốc tế. Đồng thời các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế được khuyến khích đẩy mạnh.
Bộ trưởng cho rằng: “không phải thừa thầy, chúng tôi vẫn đang thiếu thầy, vẫn đang phải khuyến khích các trường đại học phải tăng cường giáo viên, thầy cô giáo, các kỹ sư, tiến sỹ chúng ta cũng đang thiếu, chúng ta chỉ thừa người kém, thiếu thợ, nhưng là thiếu thợ giỏi.”
Làm rõ các vụ án có dấu hiệu oan, sai
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về vụ án ở thị xã Đồng Xoài, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tóm tắt sau khi chợ Đồng Xoài được xây dựng đã thành lập Ban quản lý chợ. Anh Bùi Văn Quỳnh, chị Phạm Thị Hồng Vân đã được tham gia Ban quản lý chợ và một trong những nhiệm vụ là thu tiền các tiểu thương.
Tuy nhiên, trong quá trình thu tiền, cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện Ban quản lý chợ đã sử dụng một số khoản tiền không đúng như: ăn, tiêu, mua điện thoại, quà biếu, tiếp khách… Đặc biệt, anh Quỳnh và chị Vân đã dùng tiền cá nhân của mình cho Ban quản lý chợ vay và dùng số tiền đó để trả tiền lãi cho họ.
Vì vậy, Cơ quan Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án. Sau đó, Tòa sơ thẩm ở Bình Phước đã xét xử lần đầu và tuyên Bùi Văn Quỳnh 7 năm 3 tháng tù giam và Phạm Thị Hồng Vân 36 tháng nhưng được hưởng án treo. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo nên vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm. Kết quả xét xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại và chuyển hồ sơ vụ án trực tiếp cho cơ quan điều tra cấp sơ thẩm.
Về việc vụ án có bị kéo dài hay không, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho rằng vụ án được khởi tố tháng 7/2009, xét xử tháng 7/2011, đến tháng 10/2013 đã đình chỉ vụ án và không xem xét nữa. Sở dĩ vụ án kéo dài cho đến nay là do việc xem xét và trả lời đơn thư cũng như ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội. Như vậy, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng vụ án kéo dài 10 năm là chưa thỏa đáng- Viện trưởng khẳng định
Đối với trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong vụ án này, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết tháng 12/2014, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội tiến hành giám sát và đến tháng 6/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết 96 về giám sát oan sai. Sau khi có nghị quyết, Quốc hội giao cho các cơ quan tư pháp xem xét lại một số vụ án, trong đó có vụ án ở Đồng Xoài.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Viện Kiểm sát đã tổ chức đoàn công tác liên ngành vào Đồng Xoài kiểm tra, xem xét, đánh giá và kết quả không như mong đợi của anh Quỳnh và chị Vân là vụ án oan sai. “Chúng tôi đã trả lời là không có oan.
Vì hai người này đã tự nguyện trả lại tiền thu cho vay đối với Ban quản lý chợ, đồng thời có nhân thân tốt, nên các cơ quan tư pháp liên ngành của Bình Phước xét thấy và báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Được sự đồng ý của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước và Ban Nội chính Bình Phước là cho đình chỉ vụ án, nhưng không phải là đình chỉ vô tội. Cho nên không có việc bồi thường oan sai trong trường hợp này,” Viện trưởng nêu rõ.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết ngày 20/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước có công văn hỏi về vụ án này. Ngày 2/10, Viện Kiểm sát đã có văn bản trả lời cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, ngày 1/10, đại biểu Bùi Mạnh Hùng lại có công văn tiếp về vụ án. Ngày 19/105, Viện Kiểm sát lại có công văn trả lời với nội dung rất thỏa đáng. Đó là việc đình chỉ vụ án là đúng và trong trường hợp này không phải là vô tội.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm vụ án này trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nói có dấu hiệu oan, chứ không phải oan.
Đối với vụ án Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết chị Yến bị bắt giam về tội cố ý gây thương tích, do đã đánh nhau với hàng xóm. Tòa án sơ thẩm của Phú Yên đã xét xử và tuyên chị Yến có tội với hơn 2 năm. Nhưng do có kháng cáo kêu oan, nên Tòa phúc thẩm của Phú Yên tuyên hủy án để điều tra lại và làm rõ thêm một số nội dung.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị mở phiên tòa phúc thẩm, chị Yến đã chết trong quá trình giam giữ tại trại. Nguyên nhân bị chết theo cơ quan giám định pháp y là do tự sát. Không đồng tình với kết quả này, gia đình chị Yến đã làm đơn kiến nghị xem xét lại nguyên nhân dẫn đến cái chết của Yến ở trong trại tạm giam.
Trước vấn đề này, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã cử đoàn công tác vào họp liên ngành với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên, trong đó có sự tham gia của Tòa án và lãnh đạo Bộ Công an. Sau phiên họp, đoàn liên ngành đã kết luận sẽ xem xét lại vụ vệc.
Mặt khác, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, giao Bộ Công an tiến hành điều tra lại cả hai nội dung: khởi tố vụ án đúng hay không và nguyên nhân chết của Hải Yến. Việc này, Bộ Công an đang tiến hành và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang theo dõi sát vụ án. Kết quả vụ án đang chờ kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an.
Chậm trong triển khai trường nghề chất lượng cao
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc triển khai các trường nghề chất lượng cao chậm so với Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nghề, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tháng 4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nghề giai đoạn 2012-2020, trong đó giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu xây dựng các trường nghề chất lượng cao.
Đến tháng 5/2014, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình và Thủ tướng Chính phủ đa phê duyệt 45 trường nghề chất lượng cao. Tháng 6/2014, Bộ đã mời các bộ, ngành, trường nghề được phê duyệt đến bàn kế hoạch triển khai và xây dựng lộ trình triển triển thực hiện các trường nghề chất lượng cao đó.
Trong số 45 trường nghề chất lượng cao, Bộ đã bám vào nhu cầu phát triển cũng như yêu cầu, nguồn nhân lực của từng vùng. Cụ thể, vùng đồng bằng Đông Nam Bộ có 10/45 trường nghề chất lượng cao, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 4 trường, Đồng Nai 3 trường, Bà Rịa-Vũng Tàu 2 trường, Bình Dương 1 trường.
Về lộ trình thực hiện trường chất lượng cao, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đã có kế hoạch triển khai để các trường nghề chất lượng cao sớm đi vào hoạt động và có hiệu quả. Đồng thời, Bộ đã trình Chính phủ đề án đổi mới công tác dạy nghề, trong đó có đề xuất đầu tư về cơ sở vật chất, nhất là thiết bị cho các trường để đảm bảo yêu cầu chất lượng cao.
Bộ đã nhập 20 bộ giáo trình của các nước tiến để phù hợp với các nghề chất lượng cao; đưa đi đào tạo đội ngũ giáo viên đối với các trường chất lượng cao để về đổi mới công tác dạy nghề và phù hợp với công tác dạy nghề. Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với Australia tổ chức đào tạo và cấp bằng chứng chỉ của nước nay cho trên một nghìn học sinh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng, so với quy định thì việc triển khai trường nghề chất lượng cao còn chậm, do đến năm 2014 mới quy định hướng dẫn thực hiện và cần phải có sự phối hợp từ các ngành, vùng, địa phương để xác định trường chất lượng cao.
Đối với việc chậm hướng dẫn về quy trình đặt hàng dạy nghề, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đang chờ trình Chính phủ phê duyệt và dự kiến trong tháng 12 sẽ có quy định về hướng dẫn quy trình đặt hàng dạy nghề.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hướng dẫn, Bộ đã triển khai một mô hình điểm thí điểm về đặt hàng dạy nghề; đồng thời cho Tổng cục dạy nghề ký với 39 nghề về đào tạo nghề theo địa chỉ với 12.000 học sinh và hiện đã đào tạo được 7.000 học sinh. Tới đây, Bộ sẽ đánh giá việc thí điểm mô hình này và trên cơ sở đó sẽ nhân rộng thêm.
Chú trọng thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng
Về chính sách đối với người có công, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ thực hiện chính sách đối với người có công, đặc biệt giải quyết cho người bị nhiễm chất độc da cam đang là vấn đề khó về hồ sơ, nhất là việc giám định loại bệnh thế nào là ảnh hưởng do chất độc da cảm gây ra.
Chính vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế chủ động, phối hợp với Hội đồng y khoa các tỉnh khám giám định, xác định mức độ bệnh tật của các đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, làm cơ sở để thực hiện chính sách.
Cũng về vấn đề này, trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) về những khó khăn cho việc xác định bị nhiễm chất độc da cam đối với người tham gia kháng chiến, trong đó có việc xác định thần kinh ngoại biên cấp tính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng vấn đề xác định người nhiễm chất hóa học rất khó khăn, đặc biệt đối với chuyên ngành y cơ sở xác định bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính thì chưa có cơ sở khoa học. Bởi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm và khi muốn xác định người đó có nhiễm chất độc điôxin, thì thực chất phải lấy máu xét nghiệm chất đó ở trong máu. Tuy nhiên, phương án đó rất không khả thi.
Đồng thời, theo chỉ đạo của Chính phủ qua nhiều năm, các Bộ, ngành khó thực hiện, năm 2008 Bộ Y tế đã ban hành danh mục các bệnh, tật, dị tật liên quan đến phơi nhiễm điôxin.
Tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1488 về hướng dẫn chuyên môn, chuẩn đoán các dạng bệnh tật đó. Đến năm 2013, thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về Pháp lệnh đối với những người có công, liên Bộ (Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội) đã ban hành Thông tư 41 về hướng dẫn, chuẩn đoán các bệnh, tật, dị tật, dị dạng đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Vấn đề này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế và các giám định viên y khoa phải làm việc nghiêm túc, khách quan. Theo báo cáo không đầy đủ của 35 tỉnh, năm 2013, đã có khoảng 2.480 người đã được xác minh. Thơi gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo để việc xác minh hồ sơ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam được tốt hơn- Bộ trưởng cho biết.
Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và xác định tiêu chí công nghiệp công nghệ cao cũng như công nhận công nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân cho biết trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ có từ rất sớm.
Chính phủ đã nhận thức được vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ Khoa học – Công nghệ đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Sau đó thấy chương trình này cần một nguồn lực đủ lớn, Bộ đã báo với Thủ tướng và đã phê duyệt thành lập Quỹ đổi mới công nghệ.
Bộ trưởng khẳng định, cả chương trình và quỹ điều nhằm mục đích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, luật pháp của Việt Nam chưa đồng bộ, vì thế, trong quá trình xây dựng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, có những vướng mắc.
Bộ trưởng cho biết, để tháo gỡ những vướng mắc đó, Bộ Khoa học-Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia năm nay đã được bố trí kinh phí đi vào hoạt động. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp đã có hồ sơ và Bộ đang chuẩn bị xét duyệt để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp hàng đầu làm chủ công nghệ, nhập khẩu công nghệ cũng như tạo ra công nghệ mới từ chính doanh nghiệp của mình. Mặt khác, các văn bản ban hành về công nghiệp công nghệ cao đã được ban hành tương đối đầy đủ.
Hàng năm Quốc hội cho phép dành 2% để phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên do điều kiện ngân sách khó khăn, Bộ chỉ bố trí được 1,3% hoặc 1,5% tổng chi phí chi ngân sách cho ngành khoa học công nghệ; trong đó hầu hết dành cho chi đầu tư và chi thường xuyên. Phần kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài, dự án, kể cả hỗ trợ cho doanh nghiệp) chỉ chiếm 10% của 2% trong tổng số ngân sách cho nên nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp ko có nhiều.
Phần kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài, dự án, kể cả hỗ trợ cho doanh nghiệp) chỉ chiếm 10% của 2% tổng chi ngân sách. Cho nên nguồn lực dành cho hỗ trợ doanh nghiệp không có nhiều. Do đó, Bộ đã tận dụng tối đa năng lực của các viện, trường khi giao đề tài nghiên cứu cũng phải dành một phần năng lực của họ cho hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là sự phối hợp hợp tác công tư trong khoa học công nghệ- Bộ trưởng nêu rõ.
Theo chương trình, ngày mai, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
(Theo Vietnam+)

​Không cần thiết thì không thay bản dịch “Nam quốc sơn hà”

16/11/2015 15:27 GMT+7
TTO - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 16-11.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận
Cụ thể, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về việc thay thế bản dịch mới bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” trong sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định quan điểm cá nhân là làm SGK lần này nếu không cần thiết và không có hiệu quả cao thì không thay thế bản dịch mới.
Tuy nhiên, sau đó đại biểu Lê Văn Lai, Quảng Nam cho rằng bản dịch mới đã được in chính thức trong SGK, trong khi bản dịch cũ đã đi vào lòng dân, đã có chỗ đứng trong lịch sử. “Theo tôi là bản dịch mới không đạt yêu cầu so với bản dịch cũ. Nhất là trong tình hình hiện nay gắn lịch sử với bảo vệ chủ quyền quốc gia” - ông Lai nói.
Liên quan đến dự kiến chương trình mới không còn môn lịch sử, Bộ trưởng Luận khẳng định môn lịch sử không coi nhẹ mà coi trọng hơn so với chương trình hiện hành, lâu nay học 1,5 tiết lịch sử/ tuần, theo chương trình mới thì không chuyên ban học 2,5 tiết/tuần, còn phân ban khoa học xã hội học 4 tiết/tuần, đều là các tiết học bắt buộc, nghĩa là nội dung và khối lượng kiến thức về lịch sử là tăng lên.
Về việc vì sao đưa môn lịch sử vào môn giáo dục công dân với tổ quốc, Bộ trưởng Luận nói đó là chủ trương tích hợp. Hơn nữa Luật giáo dục quốc phòng và an ninh, có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng, “vì vậy anh em đưa nội dung môn lịch sử vào chỗ đó để tránh trùng lắp”.
Cũng theo Bộ trưởng Luận, ngoài các nội dung của môn lịch sử đưa vào môn giáo dục công dân với tổ quốc thì còn đưa vào các môn học khác. “Không hề có ý không bắt buộc môn lịch sử, vấn đề là để riêng hay để tích hợp với các môn khác. Đó là chỗ cần thảo luận”- Bộ trưởng Luận nói.
Tham gia điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu lại câu hỏi: “Theo quan điểm của bộ trưởng thì có bỏ môn lịch sử như là một môn độc lập trong SGK không?”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Bạn soạn thảo đang lắng nghe ý kiến rộng, rãi, chúng tôi sẽ thảo luận, tiếp thu, làm việc với các quan khác, và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của chúng tôi là nếu tích hợp mà làm nhẹ, không làm tăng thì không tích hợp, nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo thì cho tích hợp”.
V.V.THÀNH

Ngày đầu đột phá trong chất vấn ở quốc hội: Không như kỳ vọng

Hô 'quyết liệt' nhưng cả nhiệm kỳ không chuyển biến

TP - Ngày đầu tiên của phiên thảo luận và “chất vấn lại những điều đã chất vấn” (ngày 16/11), ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết, cử tri hiện nay rất bức xúc trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Cử tri cũng nói rằng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hô chống hàng giả rất quyết liệt nhưng sau cả nhiệm kỳ mọi việc vẫn như cũ.
Làm chưa hết trách nhiệm
Theo ông Thuyền, hiện nay cử tri rất lo lắng về tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng bày bán tràn lan. Đây là vấn đề được nói rất nhiều nhưng suốt cả nhiệm kỳ đến nay không thấy có chuyển biến gì cả. 
“Bộ trưởng nói quyết liệt nhưng mọi việc vẫn như cũ” 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền. 
“Nhiều lĩnh vực Bộ trưởng làm rất tốt, nhưng riêng công tác quản lý thị trường thì yếu kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cử tri rất bức xúc khi Bộ trưởng lúc nào cũng nói “quyết liệt, quyết liệt” nhưng rồi mọi việc vẫn cứ như cũ”, ông Thuyền chất vấn.
Hô 'quyết liệt' nhưng cả nhiệm kỳ không chuyển biến - ảnh 1ĐB Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá trăn trở, trước tình trạng phân bón, vật tư nông nghiệp làm giả tràn lan, sử dụng chất cấm vô tội vạ ảnh hưởng đến uy tín và sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Nguyên nhân theo bà Khá là do các biện pháp đấu tranh phòng chống gian lận, buôn lậu, xử lý ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng nhất chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn. Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm.
“Chúng tôi đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được chưa nhiều”. 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. 
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là vấn đề bức xúc của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên trong thời gian qua Bộ Công Thương đã có rất nhiều cố gắng.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do độ mở của thị trường ngày càng lớn, mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày càng tác động sâu hơn. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là biên giới của ta rất dài, dù đã tăng cường tuần tra kiểm soát nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Thêm nữa, một bộ phận người tiêu dùng, dù nhỏ thôi, vẫn còn tâm lý thích dùng hàng ngoại, vô hình trung làm hàng giả, hàng nhái phát triển. Trong khi một số chế tài, xư lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Hô 'quyết liệt' nhưng cả nhiệm kỳ không chuyển biến - ảnh 2Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Như Ý.
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Hoàng cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực, phẩm chất của lực lượng quản lý thị trường, vốn là nguyên nhân chủ quan của vấn đề. Chính phủ dự định cho phép chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành mua sắm thêm trang thiết bị. Đồng thời có đề án nâng cấp Cục quản lý thị trường lên thành Tổng cục để thống nhất quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động. Hy vọng những vấn đề trên sẽ được thực hiện ở nhiệm kỳ sau.
Hô 'quyết liệt' nhưng cả nhiệm kỳ không chuyển biến - ảnh 3Mặc dù “quyết liệt” nhưng hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn tràn lan. Ảnh: PV.
Cán bộ giàu nhanh chóng
Nhắc tới vụ Chủ tịch Tập đoàn dầu khí (ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia - PV) mới được bổ nhiệm nhưng đã bị bắt  vì vi phạm pháp luật, ông Thuyền tỏ ra băn khoăn vì sao lại có tình trạng trên. “Các đồng chí cứ nói là việc bổ nhiệm làm đúng quy trình. Cử tri rất băn khoăn,  lo lắng khi đề bạt cán bộ như vậy”. Ông Thuyền cho rằng, lâu nay chúng ta cứ tạo ra các khuyết điểm và khi khắc phục các khuyết điểm xong thì lại lấy đó làm báo cáo thành tích là rất bất cập.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thẳng thắn nói cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã tiến hành rất mạnh mẽ nhưng quốc nạn tham nhũng vẫn còn nhức nhối trong đời sống. Cử tri nhận ra rằng, hình như vào những năm cuối của nhiệm kỳ QH, trước Đại hội Đảng các cấp, cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên một bước quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.
“Trong điều kiện bối cảnh đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, hàng triệu người nông dân, hàng triệu người lao động công nhân đang hàng ngày vật lộn mức lương vài ba triệu đồng thì có nhiều cán bộ của chúng ta, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp giàu lên một cách rất nhanh chóng mà không có một trợ cấp khác nào cả là một thực trạng đáng lo ngại”, ông Sơn nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng lãng phí do những yếu kém về chất lượng quy hoạch. Ông Hùng dẫn chứng: Hiện nay tại Thái Nguyên có một nhà máy xây dựng hơn 8.000 tỷ đồng nhưng đang có nguy cơ trở thành đống sắt gỉ; Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam ở Hải Phòng có nguy cơ đóng cửa. Ký túc xá ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng mới chỉ có một sinh viên đến ở… “Đó là những công trình lớn có giá trị nghìn tỷ còn những công trình nhỏ, có giá trị vài tỷ thì lãng phí cũng rất nhiều”, ông Hùng nói và dẫn ví dụ cụ thể về việc xây dựng cầu treo có tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng ở Hà Tĩnh nhưng chỉ phục vụ cho cho hai hộ dân, trong đó có một hộ dân là cán bộ xã (Đây là vụ việc đã được báo Tiền Phong đề cập trong nhiều số báo). Từ những ví dụ trên, ông Hùng đề nghị làm rõ trách nhiệm và chấn chỉnh công tác quy hoạch….
Hôm nay, những vấn đề được các đại biểu nêu ra ở trên sẽ được các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.
Đem hình ảnh vào phiên chất vấn
Tại phiên chất vấn chiều 16/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã gây ra sự bất ngờ cho các đại biểu khi trưng ra trước nghị trường hình ảnh cột sóng viễn thông lắp đặt ở các khu dân cư bị gãy gục. Theo ông Phương, việc lắp đặt các cột sóng viễn thông hiện nay còn nhiều bất cập, gây nguy hiểm cho các người dân, cần phải có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.
Viện kiểm sát hủy lệnh bắt gần 1.500 người
Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong thời gian qua VKS đã thực hiện gần 16.000 cuộc kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, trại tạm giam. Qua đó Viện đã không phê chuẩn quyết định bắt khẩn cấp hơn 310 trường hợp; hủy quyết định tạm giữ, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ gần 800 người; hủy quyết định tạm giữ, yêu cầu trả tự do cho 385 người.
Cũng theo ông Bình, VKSNDTC đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương  tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng. Một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình và vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Điển hình như các vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội). Ông Bình khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật, thiếu sót trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, nhất là những vi phạm pháp luật dẫn đến oan sai.     
 Văn Kiên

"Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế"

(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh đã ví von như vậy khi truy lời hứa của Bộ trưởng Cao Đức Phát từ kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa XIII, tức là cách đây 4 năm.

Là một trong hai đại biểu cuối cùng phát biểu và đặt câu hỏi trong ngày chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đánh giá, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tại sao việc thực hiện nghị quyết chất vấn của  Quốc hội tại một số bộ ngành chưa đạt kết quả mà Quốc hội đã đề ra; chưa chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào để xảy ra tình trạng trên.
Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, tình trạng quản lý giá thuốc và vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều bất cập. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chất lượng đào tạo một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Việc đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng gây bức xúc trong xã hội.
Trong lĩnh vực giải quyết việc làm mới chỉ làm rõ được số lượng người được dạy nghề chứ chưa nêu được chất lượng dạy nghề có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không? Có bao nhiêu lao động được đào tạo nghề có thể tự kiếm kế sinh nhai? Lĩnh vực quản lý đất đai cũng còn nhiều bất cập, rất nhiều đơn thư tố cáo về giải quyết mặt bằng giá tái định cư trong một dự án.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đại biểu Vinh nêu thí dụ, tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề với Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm.
Tuy nhiên, vấn đề này không giảm mà có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Thí dụ, thịt lợn thì chứa chất cấm. Chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu. Rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định cho phép.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh chỉ rõ, Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chế biến lương thực, thực phẩm từ kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa XIII, nhưng thực tế tình hình đang nguy hiểm hơn. ảnh: Ngọc Quang.
Vấn đề ông Vinh đặt ra là: Tại sao Bộ trưởng đã thực hiện nhiều giải pháp như báo cáo của Bộ đã nêu, song tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng? Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng do chính sách chưa đủ răn đe hay do sự thiếu quyết tâm của Bộ?
Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành Nông nghiệp Phát triển Nông thôn trước cử tri cả nước như thế nào, khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc?
Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sự tàn nhẫn của chính một nhóm người vì cái lợi trước mắt đang hàng ngày tàn phá sức khỏe của chính đồng bào mình đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra, yêu cầu Chính phủ có biện pháp mạnh để ngăn chặn triệt để.

"Nhà nước đang nuôi báo cô nhiều công chức, viên chức"

Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (đoàn Long An) đề cập tới hai chất cấm nguy hiểm phát hiện ra trong thực phẩm là Salbutamol và vàng ô.
"Kiểm tra an toàn thực phẩm trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Salbutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt dư lượng có chất kháng sinh vượt chuẩn; 10,3% mẫu rau có dư lượng bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép.
Salbutamol là chất độc bảng B và chỉ có những công ty có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập. Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược. Chất này chỉ bán theo đơn và dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Vậy việc thực phầm tồn dư chất cấm, độc bảng B là do đâu? Có hay không công tác buôn lỏng quản lý?”, bà Khanh đặt vấn đề.
Còn với “vàng ô” (loại phẩm màu công nghiệp) chưa phải là chất nghiêm cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nhưng cũng không nằm trong danh mục cho phép sử dụng và bán tràn lan trên thị trường.
Theo Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh, mức xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng với hộ gia đình và từ 10-20 triệu đồng với trang trại không đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc để xử phạt còn gặp khó khăn, khi người dân, thương lái cùng bắt tay thảo thuận ngầm với nhau, bởi rõ ràng sử dụng chất cấm, lợi nhuận thu lớn hơn rất nhiều. 
Trước thực trạng trên, cử tri cho rằng, các cơ quan nhà nước đang bất lực với người kinh doanh - khi họ làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân, và họ đặt câu hỏi: "Nguồn gốc các chất này là từ đâu?".
Cần phải có biện pháp xử lý mạnh đối với những trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. ảnh minh họa: Hà Nội Mới.
Đại biểu Đỗ Văn Đương – Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn TP.HCM) thì lên tiếng: "Tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước thì đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt"
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) nhận định, đất nước ta với 90 triệu dân, lương thực, thực phẩm trong nước đảm bảo nuôi sống nhân dân ta, có dư thừa để xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước hàng hơn 30 tỷ USD theo số liệu năm 2014.
Tuy nhiên vấn đề an toàn thực phẩm đã đến hồi báo động. Tâm trạng của mỗi chúng ta, của nhân dân ta thực sự bất an trong quá trình sử dụng tiêu dùng thực phẩm được sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn, kém vệ sinh thực phẩm, sử dụng hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc để tẩm ướp, pha chế ngâm rửa.
Sử dụng bảo quản phân bón thuốc, vật tư để rồi kích thích vào quá trình tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi tăng cân. Do thực phẩm không an toàn khi con người sử dụng nên đã gây ra hàng ngàn vụ ngộ độc, nhiều trường hợp tử vong trong mỗi năm.
Nguy hiểm hơn, không chỉ gây ngộ độc tức thời mà có nguy cơ tích lũy thấm dần trong các mô cơ thể con người gây ra nhiều bệnh tật nan y, trong đó có căn bệnh ung thư quái ác, thậm chí còn là tác nhân làm suy yếu nòi giống, làm tiêu tốn khá nhiều chi phí tài chính, nhân lực xã hội cho điều trị và gây suy giảm niềm tin của thế giới đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam.
Nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm cấp thiết nhất bởi vì sức khỏe con người là vốn quý, ưu thế nước ta có nhiều mặt hàng trong nông nghiệp xuất khẩu đến với hơn 100 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và trong điều kiện Việt Nam cam kết hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hàng hóa cần đảm bảo sức cạnh tranh.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật an toàn thực phẩm vào năm 2010. An toàn thực phẩm đã được pháp luật điều chỉnh nhưng xem ra tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ngày càng nhiều, chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nguyên nhân do người sản xuất ham lợi, không có ý thức, không nhận thức được hậu quả nguy hại của thực phẩm không an toàn.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa tốt, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. 
Ngọc Quang

Bộ trưởng Tuấn Anh: "Thời gian không còn nữa làm sao bây giờ..."

Hoàng Đan | 
Bộ trưởng Tuấn Anh: "Thời gian không còn nữa làm sao bây giờ..."
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, những gì cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì ông xin chịu trách nhiệm và trách nhiệm sẽ truyền đạt cho Bộ trưởng kế tiếp.

Du lịch Việt Nam bao giờ bằng Thái Lan?
Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, qua Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng của ngành dịch vụ du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, qua thực tế ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn như tình trạng chặt chém, trấn lột, ăn xin chèo kéo, ô nhiễm môi trường v.v... đã gây bức xúc cho khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Nhìn sang các nước trong khu vực, chúng ta không so sánh với Thái Lan, vì đây là một nước phát triển mạnh về du lịch.
Chúng ta chỉ so sánh với Lào và Campuchia. Nếu như năm 2000 Campuchia chỉ đón hơn 400.000 lượt khách thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên gấp 10 lần với 4,5 triệu khách.
"Tại Lào con số du khách đã tăng từ 700.000 lượt khách sau 10 năm đã tăng lên trên 4 triệu lượt khách. Trong khi đó Việt Nam đã mở cửa từ lâu nhưng theo báo cáo của Bộ thì đến năm 2014 cũng chỉ gần 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm được những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng ngành du lịch.
Liệu rằng đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam có thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có vị trí xứng đáng trong khu vực như Nghị quyết 52 của Quốc hội đã đề ra.
Bộ trưởng lý giải như thế nào về trách nhiệm của ngành, của cá nhân Bộ trưởng với vai trò là Tư lệnh ngành?", đại biểu Hải hỏi.
"Tôi không dám trả lời"
Trước câu hỏi này của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, ngành du lịch thời gian qua đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Từ năm 2010 đến nay đã tăng trưởng 1,6 lần và cuối năm nay có khả năng đạt 320.000 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD.
Về ý kiến so sánh du lịch Việt Nam với Lào, Campuchia, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cùng Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã cam kết “5 quốc gia, 1 điểm đến”.
Việt Nam mong muốn du lịch Lào, Campuchia phát triển mạnh hơn nữa, vì qua đó Việt Nam cũng hưởng lợi. Tất nhiên, từ cách làm du lịch của các nước bạn, Việt Nam cũng học được nhiều bài học kinh nghiệm để phát triển du lịch trong nước.
Về phát triển du lịch trong nước, theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đứng trước những đặc điểm cơ bản: chính trị xã hội ổn định; danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng; ẩm thực phong phú, hấp dẫn; người dân thân thiện, mến khách…
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho du lịch của nước ta còn hạn chế. Để đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thành ngành mũi nhọn thì ngành du lịch phải tham gia vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành khác phát triển (giao thông, công nghiệp, thương mại, y tế…).
Giải quyết lao động (hiện ngành du lịch giải quyết 3,8 triệu lao động mỗi năm), nâng cao đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn, phát triển các khu du lịch quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước...
"Tôi nhớ phiên chất vấn trước đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có đặt câu hỏi là bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore, tôi bỏ ngỏ, để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời.
Tôi không dám trả lời, vì cái điều đại biểu Hải nêu ra sẽ lý giải vì sao chúng ta chưa đạt được", Bộ trưởng Tuấn Anh nêu.
Bộ trưởng Tuấn Anh cũng cho rằng, khi chúng ta tổ chức IPU 132, nhiều vị đại diện các nước về làng văn hóa du lịch Việt Nam ở Đồng Mô, sau đó tìm Bộ trưởng để hỏi mô hình, bài học.
"Đi ra quốc tế thì món phở và nón lá (nón bài thơ) của Việt Nam nổi tiếng. Ngay nón lá của chúng ta tại Hội chợ triển lãm Ý là sản phẩm hấp dẫn xếp thứ 4", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng cũng cho hay, người dân chúng ta thân thiện, mến khách còn việc chặt chém thì có một số ít, không nhiều "nhưng gây bức xúc".
Thời gian tới, theo ông Tuấn Anh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất bổ sung sửa đổi Luật Du lịch cho phù hợp với tình hình hiện nay, dự kiến trình tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV; tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghị quyết chính phủ về phát triển du lịch.
Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý miễn thị thực, visa cho 5 nước châu Âu, tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng ý miễn thị thực cho khách du lịch đi theo tour của các công ty lữ hành…
"Ngành của chúng tôi là ngành tổng hợp, chất lượng du lịch dịch vụ phụ thuộc vào 7 yếu tố là hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ý thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.
Về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm. Với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, những gì cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm.
Và trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt cho Bộ trưởng kế tiếp", Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh trong tiếng cười của các đại biểu ở hội trường.
"Thời gian không còn nữa, làm sao bây giờ...", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói thêm và tiếng cười lại tiếp tục vang lên ở hội trường.
Từ bàn chủ toạ, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hóm hỉnh chốt lại phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Bộ trưởng cho Quốc hội đi du lịch rất nhiều!”.
theo Trí Thức Trẻ



Không có nhận xét nào: