Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Bộ trưởng giải trình về tích hợp môn Lịch sử


Cập nhật : 16:09 | 16/11/2015


- Trong buổi chiều ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời về vấn đề đang “nóng” - những tranh cãi về chuyện môn Lịch sử có còn là môn độc lập, bắt buộc hay là môn tự chọn trong trường học, được tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc...


ĐB Lê Văn Lai (ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đặt câu hỏi về việc dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông thể, với nội dung chất vấn là  về việc môn Lịch sử tới đây có còn là môn độc lập hay tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc, và đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra chính kiến về vấn đề này.
Phạm Vũ Luận, Lê Văn Lai, lịch sử, tích hợp, Bộ GD-ĐT
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn chiều 16/11 (Ảnh: Hoàng Long)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, hiện dư luận rất quan tâm đến môn Lịch sử vì không thấy tên môn này trong chương trình bậc THPT. Riêng ở bậc tiểu học và THCS đã cơ bản nhất trí.

Ông Luận khẳng định: "Môn Lịch sử không bị coi nhẹ. Chúng tôi khẳng định đã coi trọng môn Lịch sử hơn so với chương trình hiện hành. Theo Ban soạn thảo báo cáo, chúng tôi đã kiểm tra, thì hiện nay bậc phổ thông dạy môn Lịch sử với 1,5 tiết/tuần. Trong thiết kế dự thảo đang lấy ý kiến, các cháu không học chuyên ban Khoa học xã hội có 2,5 tiết/ tuần học Lịch sử, các cháu chuyên ban có 4 tiết/tuần môn Lịch sử. Tất cả tiết này đều bắt buộc. Như vậy nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên".
Về chuyện tại sao lại có việc đưa môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc, theo ông Luận:"Thứ nhất là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai, Luật Giáo dục Quốc phòng An ninh được Quốc hội thông qua có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Chúng tôi dự kiến đưa Lịch sử vào đó để tránh trùng lắp.
Ngoài nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần Công dân với Tổ quốc, môn học khác cũng dự kiến có giảng dạy lịch sử. Ví dụ giảng dạy văn học gắn với lịch sử. Chúng ta giảng về "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo", "Tuyên ngôn độc lập" nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không thể hiểu được, không thể dạy được.
Không chỉ trong Văn học mà trong Địa lí cũng sẽ gắn với lịch sử. Không chỉ là tên đất, tên đảo mà các địa danh gắn với chiến công, quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc của cha ông.
Giáo dục âm nhạc, mỹ thuật sẽ hỗ trợ, gắn kiến dạy học lịch sử. Ví dụ dạy học "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Xa khơi" cũng gắn với lịch sử để các cháu cảm thụ được"...
Theo ông Luận, dự thảo đang lấy ý kiến không hề có ý giảm kiến thức môn Lịch sử và vẫn bắt buộc học. "Vấn đề cần thảo luận ở chỗ cần phải để riêng, hay để Lịch sử gắn bó trong tích hợp. Đó là vấn đề thực sự cần thảo luận…".
Tới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị ông Luận trả lời ngắn gọn, tập trung vào vấn đề được hỏi. Ông Hùng nhắc lại câu hỏi của ĐB Lê Văn Lai: “Theo quan điểm của Bộ trưởng thì Lịch sử còn được là môn độc lập trong SGK không?”.
Phạm Vũ Luận, Lê Văn Lai, lịch sử, tích hợp, Bộ GD-ĐT
ĐB Lê Văn Lai (Ảnh Văn Chung)
Trả lời câu hỏi này, ông Luận cho biết hiện nay Ban soạn thảo CT và Bộ GD-ĐT đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó sẽ có thảo luận, tiếp thu. Dự kiến Bộ sẽ báo cáo đại biểu, Ban Tuyên giáo TƯ, Hội đồng lý luận TƯ, Hội đồng Quốc gia giáo dục, Ủy ban văn hóa Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, sau đó sẽ có báo cáo Quốc hội…
Ông Luận khẳng định: “Đây là chuyện hệ trọng. Quan điểm là nếu tích hợp là nhẹ, không thể làm tăng được thì không tích hợp. Nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ tích hợp. Ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các chuyên gia và các nhà khoa học để có kết luận cuối cùng".
Sau phần trả lời của ông Luận, ĐB Lê Văn Lai (ĐBQH Quảng Ninh) trao đổi thêm.
Ông Lai cho rằng “Theo Bộ trưởng chương trình mới coi trọng môn Lịch sử hơn dù áp dụng tích hợp, tăng thời lượng dạy học. Tuy nhiên,  thời lượng chỉ là một khía cạnh. Còn yếu tố quan trọng hơn như ai có thể tiến hành việc dạy tích hợp, Bộ chuẩn bị giáo viên cho việc giảng dạy tích hợp như thế nào thì chưa nhìn thấy sự chuẩn bị đầy đủ. Vì vậy nhân dân, phụ huynh thiếu tin tưởng vào phương án tích hợp của Bộ”.
Ông Lai băn khoăn “Khi môn Lịch sử được dạy độc lập, có hệ thống, có thầy giáo chuyên ngành theo chương trình truyền thống mà còn nhiiều hạn chế, lấy râu ông nọ cắm cắm bà kia… thì liệu rằng chuyển qua theo kiểu mới có đảm bảo nâng cao chất lượng không?”. Trên quan điểm cá nhân, ông Lai cho rằng “Rất khó”.
Văn Chung – Ngân Anh

Đại biểu gọi thay đổi về môn Lịch sử là 'sự xáo trộn tận tâm can'

Vấn đề thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ độc lập sang tích hợp; thay bản dịch 'Nam quốc sơn hà' trong sách giáo khoa lớp 7 được đại biểu đặt ra với bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

"Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Xin Bộ trưởng nêu chính kiến của mình, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó", đại biểu từng 10 năm làm việc trong ngành giáo dục phổ thông gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 16/11.
Ông đề nghị Bộ trưởng nêu dự định giải quyết vấn đề nêu trên, có hoãn thực hiện chủ trương về giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp hay không. "Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề? Sai lầm về phương pháp dẫn đến sai lầm về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ. Sai lầm này không có chỗ cho sự khắc phục", ông Lai nói.
dai-bieu-goi-thay-doi-ve-mon-lich-su-la-su-xao-tron-tan-tam-can
Đại biểu Lê Văn Lai.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu thêm, nhân dân đánh giá cao Bộ Giáo dục đã triển khai đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa với khối lượng đồ sộ trong thời gian ngắn. Có người cho rằng đây là cuộc cách mạng trong giáo dục, mở ra một tia sáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn mới theo một cách làm mới.
Nhưng với góc nhìn của mình, ông Lai cho rằng có những vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ, ảnh hưởng đến ngành chủ quản và các bên liên quan. "Bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng bắt đầu từ sự phá vỡ thành phần", ông Lai nhận định. Cụ thể, một việc Bộ cho rằng rất nhỏ như thay đổi cách dạy môn Lịch sử sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Những ảnh hưởng tiêu cực này đã được nhân dân và nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử phân tích.
Hay như việc thay thế bản dịch Nam quốc sơn hàtừ bản truyền thống đã có chỗ đứng trong lòng dân tộc, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước sang một bản khác. Vấn đề tưởng nhỏ lại nhận phản ứng dữ dội. Theo ông Lai, bản dịch mới được giới thiệu trong sách giáo khoa nhìn ở góc độ phân tích ngôn ngữ, ý nghĩa lịch sử, sát nguyên tác đều không thỏa mãn.
"Bộ Giáo dục cần lưu tâm đặc biệt đến những vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, vấn đề nhạy cảm để khắc phục những sai sót không đáng có, hoàn thành đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa đã được Quốc hội phê chuẩn và nhân dân kỳ vọng", ông Lai đề nghị.
Đại biểu Trương Văn Vở nêu thực trạng thừa thầy, thiếu thợ được Quốc hội yêu cầu thực hiện từ tháng 6/2013, nhưng hai năm qua hầu như bị bỏ ngỏ về lộ trình, thời gian khắc phục. Ông đề nghị Bộ trưởng xác rõ định trách nhiệm trước yêu cầu của Quốc hội về định hướng tuyển sinh, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ đăng đàn trả lời những băn khoăn của đại biểu vào chiều cùng ngày.
Môn Lịch sử, Tiếng Việt - Văn học, Toán vốn được xem là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đưa ra chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". Việc thay đổi này khiến các nhà sử học lo ngại thế hệ trẻ sẽ không hiểu về lịch sử cha ông, hoặc hiểu méo mó, sai lệch.
Sách Ngữ văn lớp 7, Tập 1 đăng bài thơ Nam quốc sơn hà, sử dụng bản dịch của dịch giả Lê Thước - Nam Trân: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ. Bản dịch thơ này gây ra những ý kiến trái chiều và có sự so sánh với bản dịch quen thuộc của nhà sử học Trần Trọng Kim.
Hoàng Thùy

Không có nhận xét nào: