Hoàng Đan |
Cử tri 28 tỉnh, thành đề nghị cần có giải pháp đấu tranh quyết liệt hơn để giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hoàn thiện thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc.
Đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng
Theo báo cáo tổng hợp của Ban dân nguyện của Quốc hội, cử tri của nhiều tỉnh, thành phản ánh, hiện nay, diễn biến tại Biển Đông rất phức tạp, đe dọa chủ quyền Quốc gia của Việt Nam.
Nhiều cử tri bức xúc trước những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là hành động bồi lấp phi pháp đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Cùng với đó, tàu Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri kiến nghị Bộ Ngoại giao chủ động và phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến tình hình.
Đồng thời, các Bộ tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, có phương án đấu tranh, phản đối, ngăn chặn kịp thời mọi tình huống phát sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cử tri 28 tỉnh, thành đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc.
Sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế; thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.
Đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh Quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình Biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo...
Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cử tri đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân trong việc khai thác hải sản, phát triển kinh tế.
Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biển, ngăn chặn kịp thời tình trạng tàu nước ngoài có hành vi gây hấn đối với tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ.
Giúp ngư dân yên tâm khai thác trong vùng biển thuộc chủ quyền; đồng thời cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại đảo trường Sa...
Lo lắng trước tình hình ở biên giới Campuchia và Việt Nam
Cử tri nhiều tỉnh cũng bày tỏ, lo lắng trước tình hình ở biên giới Campuchia và Việt Nam diễn biến phức tạp sau vụ việc xảy ra tại Long An vừa qua.
Cử tri đề nghị thông tin cụ thể về tình hình và biện pháp của Nhà nước ta ở Campuchia để cử tri biết và cần hết sức quan tâm, giám sát chặt chẽ để xử lý triệt để vấn đề này không để xảy ra tái diễn.
Cử tri đề nghị cần tiến hành nhanh việc phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Vì thời gian qua biên giới Việt Nam-Campuchia thường xảy ra nhiều bất ổn, người dân rất lo ngại.
Cử tri đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ ngoại giao tiếp tục thúc đẩy nhóm công tác đặc biệt Việt Nam - Campuchia sớm triển khai xác định cột mốc biên giới số 41, 43.
Thống nhất phương án phân giới đoạn biên giới từ Cột mốc số 44 đến tiếp giáp địa phận tỉnh Gia Lai theo tinh thần cuộc họp giữa 2 Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc Biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia ngày 26 – 29/5/2014 tại Đà Nẵng.
Từ đó, nhằm đẩy nhanh tiến trình phân giới, cắm mốc giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.
Tình trạng các tàu cá của ngư dân nước ta liên tục bị tàu của nước ngoài tấn công, như vụ tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị tàu Thái Lan tấn công làm cho ngư dân không yên tâm bám biển, cử tri đề nghị Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ ngư dân hơn nữa.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN ANH SƠN
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Quốc hội, Chính phủ đã đều báo cáo trước cử tri đã được trả lời những câu hỏi chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay việc bảo vệ giữ vững biển đảo chủ quyền của chúng ta vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời một cách trọn vẹn.
theo Trí Thức Trẻ
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc bu vào phá lưới ngư dân Việt
Nam Cường |
Hàng trăm tàu Trung Quốc ngang nhiên uy hiếp, phá nát hơn 40 tấm lưới của tàu cá ĐNa 90370 của ngư dân Đà Nẵng trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Thuyền trưởng và các ngư dân trên con tàu này vừa trở về và trình bày sự việc với cơ quan chức năng…
Trưa nay (16/11), thuyền trưởng tàu ĐNa 90370 Đào Ngọc Đức (Thanh Khê Đông – Thanh Khê. Đà Nẵng) đã cập tàu vào vịnh Mân Quang và vào trình báo sự việc tàu anh bị uy hiếp, phá lưới với Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang (Thọ Quang – Sơn Trà).
Theo lời kể của anh Đào Ngọc Đức, anh cùng 6 thuyền viên trên tàu ĐNa 90370 (làm nghề lưới xù) ra khơi vào ngày 8/11, thả lưới đánh bắt ở vùng biển xung quanh khu vực có tọa độ 17038/ vĩ Bắc – 107056/ kinh Đông (thuộc vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 30 hải lý về phía Tây Nam).
Những thuyền viên vá lưới còn sót lại. Ảnh. Nam Cường.
Đến khoảng 2h rạng sáng ngày 14/11, bất ngờ xuất hiện vô số tàu cá Trung Quốc loại lớn ồ ạt kéo tới neo đậu, tràn sang đội hình tàu cá Việt đang thả lưới.
Hậu quả là trong phạm vi đánh bắt của đội tàu 5 chiếc của Đà Nẵng bị quần nát. 40 tấm lưới đang được thả của tàu anh Đức bị khoảng 30 tàu cá Trung Quốc kéo qua, xé nát tơi tả.
“Anh em kinh hoàng bật cả dậy, ra sức kéo những tấm lưới còn lại lên tàu. Sự việc kéo dài từ 2h rạng sáng ngày 14/11 đến tận hơn 9h sáng cùng ngày. Cuối cùng, 40 tấm lưới chìm hẳn, chỉ còn khoảng 10 tấm rách nát được anh em cứu”.
Theo anh Đức, vì sự việc đến tận 9h sáng nên anh cùng nhiều người đếm được trên vùng biển hẹp nhưng có tới hàng trăm tàu cá Trung Quốc cỡ lớn, kẹp hàng đôi đi với nhau, cùng săn tìm những tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt để chạy tới lui với mục đích phá lưới.
Anh Đức vào khai báo với Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang. Ảnh. Nam Cường.
Anh Đào Ngọc Bé, chủ tàu (anh trai thuyền trưởng Đức) kể, cuối năm 2014 tàu anh cũng bị một vụ tương tự ở vùng biển Hoàng Sa, khi đó thậm chí còn thê thảm hơn với 120 tấm lưới bị xé nát, phải sắm lại hết hơn 800 triệu đồng.
“Giờ thì mới sắm được lưới, nó lại phá nát, tổn hại hơn 300 triệu, tiền thì đang vay ngân hàng.
Lấy đâu mà trả nợ”. Anh Đức cho hay, chuyến biển này, tàu anh cùng 4 tàu trong tổ đội trắng tay trở về vì gặp phải đội tàu cá Trung Quốc hùng hậu tới quấy phá.
“30 năm trên biển, gặp nhiều tàu cá Trung Quốc nhưng chưa bao giờ tôi thấy loại tàu nào lớn và hung hãn như thế” – anh Đức nói.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Tuấn – Trạm trưởng trạm kiểm soát BP Mân Quang, rất có thể sự việc xảy ra trong vùng đánh bắt chung. Ảnh. Nam Cường.
Lực lượng Biên phòng tại trạm BP Mân Quang sau khi ghi lại sự việc và trình bày của anh Đức, cho rằng với tọa độ như thế rất có thể sự việc xảy ra trong vùng đánh cá chung.
Vì thế chưa thể khẳng định tàu cá Trung Quốc có xâm phạm chủ quyền biển đảo hay không mà phải kiểm tra kỹ lưỡng.
Trạm Biên phòng cũng lấy lời khai rất kỹ và cho rằng, chưa thể khẳng định tàu cá phá nát lưới tàu ĐNa 90370 là tàu Trung Quốc hay không mà với những dấu hiệu như thế, chỉ ghi rằng đó là tàu đánh cá nghi là tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên, thuyền trưởng Đào Ngọc Đức khẳng định: “Tôi khẳng định đó là tàu cá Trung Quốc với chữ, cờ Trung Quốc treo trên tàu, người nói tiếng Trung Quốc…”.
Tàu ĐNa 90370 trở về tại vịnh Mân Quang. Ảnh. Nam Cường.
Anh Đức cũng khai với lực lượng Biên phòng, khi xảy ra sự việc, ngoài đội tàu 5 chiếc của Đà Nẵng còn có mấy chiếc tàu của Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ ngư dân Việt, trong đó có tàu với số hiệu KN 762.
Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, tàu nhỏ nên các tàu cá Trung Quốc ngang nhiên quấy phá, khi bỏ đi cũng chạy từ từ. “Tàu cá họ to lắm, bằng sắt và gấp đôi tàu kiểm ngư mình mà. Làm chi được” – anh Đức cho biết.
Anh Nguyễn Ngọc Bé cho hay, sau khi khai ở Biên phòng, anh sẽ làm đơn kêu cứu tới Hội nghề cá Đà Nẵng, Chi đội Kiểm ngư 3, UBND thành phố và đặc biệt sẽ gửi đơn kêu cứu tới Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
theo Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét