Theo khẳng định của ông Putin, không thể đánh giá hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bằng từ ngữ nào khác ngoài chữ “phản bội”, nhất là trong bối cảnh Nga luôn coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác và đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Putin ngày 26/11 đã lên tiếng khẳng định hành động bắn hạ máy bay Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn đi ngược với luật pháp quốc tế, Nga coi hành động này là “sự phản bội” và đặt ra các điều kiện yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cần nhanh chóng thực hiện để có thể xoa dịu Nga.
Theo khẳng định của Tổng thống Putin, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thực hiện 3 điều kiện để có thể xoa dịu Nga gồm: chính thức lên tiếng xin lỗi Nga, đền bù các thiệt hại đã gây nên và trừng phạt những kẻ có tội.
Trước đó, trong ngày 24/11, máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phải bắn hạ máy bay Nga vì máy bay này xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ dù đã được cảnh báo.

Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga tuyên bố rằng Su-24 vẫn chưa đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay bị bắn hạ khi vẫn cách biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ 1 km.
Tổng thống Nga Putin lên tiếng coi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga là hành động “đâm sau lưng” của những kẻ đồng lõa với các phần tử khủng bố.


“Những gì đã diễn ra hai ngày trước trên bầu trời Syria hoàn toàn đi ngược lại với các thông lệ và luật pháp quốc tế. Máy bay bị bắn hạ trên bầu trời Syria. Chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ lời xin lỗi nào của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, không nghe được bất cứ lời đề nghị đền bù thiệt hại nào, không có lời hứa nào sẽ trừng phạt những kẻ đã gây nên tội ác này”- Tổng thống Nga Putin tuyên bố trong buổi lễ trình Thư ủy nhiệm của các đại sứ nước ngoài tại Điện Kremlin.
Theo khẳng định của ông Putin, không thể đánh giá hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ bằng từ ngữ nào khác ngoài chữ “phản bội”, nhất là trong bối cảnh Nga luôn coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác và đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Quan hệ song phương Nga-Thổ đang đi vào ngõ cụt
Tổng thống Nga Putin bày tỏ tiếc nuối rằng sự vụ vừa qua đang đẩy mối quan hệ song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đi vào ngõ cụt: “Tôi có cảm tưởng rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tình đẩy quan hệ Moscow-Ankara vào ngõ cụt. Chúng tôi tiếc vì điều đó”.
Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang đi vào ngõ cụt
Bên cạnh đó, ông Putin cũng ám chỉ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang có những hành động đồng lõa với chủ nghĩa khủng bố và hợp tác với lực lượng này để thu lợi bất chính.
“Hiện vẫn có những lực lượng đã và đang bao che những kẻ khủng bố, tiến hành mua dầu trái pháp luật của chúng, mua bán ma túy, vũ khí cho chúng và nhờ đó tiếp tục kiếm hàng trăm triệu và hàng tỷ USD”- ông Putin tuyên bố.
Theo giới phân tích Nga, đây dường như là những lời chỉ trích thẳng vào Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, các kênh truyền hình và truyền thông Nga đã cho công bố những bức ảnh và đoạn video về việc con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chụp ảnh chung với các phần tử chỉ huy của lực lượng IS.
Nga đang soạn thảo tổng thể các biện pháp đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Thủ tướng Nga D.Medvedev, Chính phủ Nga mới đây đã được giao soạn thảo tổng thể các biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo để đáp trả các hành động hiếu chiến của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi muốn nói về các biện pháp kinh tế (đối với Thổ Nhĩ Kỳ). Hôm qua tôi và tổng thống đã trao đổi vấn đề này tại thành phố Ekaterinburg. Kết quả là chính phủ đã được giao soạn thảo hệ thống các biện pháp phản ứng trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo đối với các hành động hiếu chiến. Quyết định sẽ được thông qua dựa trên cơ sở đạo luật về các biện pháp đặc biệt. Về bản chất, điều luật này được soạn thảo có tính đến các trường hợp tương tự (như trường hợp Su-24 bị bắn hạ) để đảm bảo an ninh quốc gia Nga”- Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh.
Các biện pháp trả đũa đầu tiên của Nga
Ngày 26/11, cảnh sát Nga đã bắt giữ tổng cộng 39 công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi họ tham gia vào một cuộc triển lãm công-nông nghiệp được tổ chức tại thành phố Krasnodar với lý do họ vi phạm vào điều luật nhập cư của Nga.
Các công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt
Theo tuyên bố của cảnh sát Nga, những người bị bắt vào Nga với tư cách là khách du lịch nhưng sau đó lại thực hiện hoạt động chào hàng các sản phẩm của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cho khách Nga. Những người này bị bắt vì làm việc trên lãnh thổ Nga mà không có visa làm việc.
Theo Phó Giám đốc Cơ quan di trú tỉnh Krasnodar, những người Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt này có thể sẽ chịu phạt tiền và sau đó bị trục xuất khỏi nước Nga.
Giới phân tích Nga nhận định rằng đây mới chỉ là bước đi thực tế đầu tiên của Nga để đáp trả các “hành động thiếu suy nghĩ” của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Medvedev trước đó còn lên tiếng cho rằng Nga còn có thể ban hành lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ Thổ Nhĩ Kỳ. 
Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng nhiều khả năng Nga sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ cả trong dự án xây dựng đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, xây dựng nhà máy điện hạt nhân “Akkuyu”, cũng như cấm nhập hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga.
Bắt đầu từ ngày 25/11, Nga đã tiến hành “đóng băng” đến 30 dự án đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga.
Dự kiến trong thời gian tới, nhiều biện pháp trong các lĩnh vực khác nhau cũng sẽ được Nga áp dụng để trả đũa hành động “thiếu suy nghĩ” của Thổ Nhĩ Kỳ khi bắn hạ Su-24 của Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, “Quan điểm”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.
Đức Dũng

Putin siết vòng kim cô trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ

Nga thực hiện một loạt biện pháp cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ vì bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của nước này ở khu vực biên giới Syria.

putin-siet-vong-kim-co-tra-dua-tho-nhi-ky
Chiếc Su-24 bốc cháy sau khi trúng tên lửa của máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency
Việc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga trên biên giới Syria ngày 24/11 gây chia rẽ sâu sắc giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp phía Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, những người lâu nay vẫn thể hiện hình ảnh của chính trị gia quyền lực, mạnh mẽ và can thiệp ngày một sâu vào cuộc xung đột tại Syria, theo Washington Post.
Giới chức cả hai nước ngay hôm sau bác bỏ khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp vì vụ việc. "Chúng tôi sẽ không phát động chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định với các phóng viên, cho dù Moscow xem vụ tấn công là "hành động khiêu khích được lên kế hoạch từ trước".
Tuy nhiên vụ việc cũng cho thấy nguy cơ xung đột giữa các cường quốc ở hai phe, một bên hậu thuẫn và bên kia muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, cho dù có mục tiêu chung là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cụ thể hơn, các cuộc không kích của Nga nhằm vào các nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã khiến Ankara tức giận.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi một thông điệp rõ ràng với vụ bắn rơi máy bay Nga", Mustafa Alani, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu Vùng Vịnh, nhận định. "Đây chính là lời cảnh báo về chính sách của Nga trong khu vực. Nga không thể cứ làm bất kỳ điều gì họ muốn".
Còn tại Moscow, vụ việc đang được nhìn nhận không chỉ là một vụ tấn công vào một chiếc máy bay. "Xung đột xảy ra bởi Nga đang tấn công các nhóm nổi dậy có quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ", Alexander Baunov, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow nói khi được hỏi về khả năng xảy ra đụng độ do tình cờ. "Hoàn toàn sai khi cho rằng việc này xảy ra do những nguyên nhân như kiểu bầu trời tại đó quá đông đúc".
Siết dần
Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/11 tuyên bố, các chiến đấu cơ Nga từ nay sẽ hộ tống các máy bay ném bom, và Moscow đồng thời đưa hệ thống tên lửa phòng không mạnh S-400 tới Syria. Đây là những hệ thống có thể vươn sâu vào trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khi được đặt tại căn cứ không quân Nga ở Latakia, tây bắc Syria.
Ngoài ra, các nhà phân tích nhận định, Nga sẽ lựa chọn từ một danh mục những phản ứng bất đối xứng để đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, gồm các lệnh trừng phạt kinh tế phi chính thức và hỗ trợ quân sự cho đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có các chiến binh người Kurd.
vi-sao-putin-to-tho-nhi-ky-dong-loa-voi-khung-bo-1
Quan hệ chồng chéo giữa các thế lực trong khủng hoảng Syria. Xem chi tiết.
"Tất nhiên Nga sẽ tăng cường không kích tại khu vực đó ở Syria, và những nhóm có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ", Fyodor Lukyanov, một nhà phân tích kỳ cựu về chính trị Nga nói đến khu vực biên giới phía bắc Syria, nơi Su-24 Nga rơi.
Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu tối 25/11 cho biết, các cuộc không kích của Nga giờ đang nhắm vào đoàn xe chở hàng cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn biên giới Azzaz của Syria. Ít nhất 7 lái xe thiệt mạng. Thị trấn này là đầu mối tập kết hàng tiếp viện từ Thổ Nhĩ Kỳ cho phe nổi dậy Syria đang chiến đấu với lực lượng chính phủ tại thành phố Aleppo gần đó. Chi tiết về vụ việc mới này vẫn chưa thể kiểm chứng độc lập.
Shady al-Ouaineh, một đại diện truyền thông của nhóm Determined Storm, có liên hệ với lực lượng nổi dậy Quân giải phóng Syria (FSA), khẳng định Nga đã gia tăng mạnh mẽ các cuộc không kích vào khu vực phe đối lập kiểm soát tại tỉnh Latakia.
Lực lượng của chính phủ Syria và các chiến binh Shiite đồng minh từ Iraq, với sự yểm trợ trên không của Nga, đang nỗ lực tiến quân vào một số cứ điểm cuối cùng của phe đối lập tại tỉnh này, Ouaineh nói. Đây cũng là khu vực gần với hiện trường chiếc Su-24 bị bắn rơi.
"Rõ ràng rằng Nga đang trả đũa chúng tôi tại đây", thành viên nhóm Determined Storm nhận định.
Thái độ của người Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn một năm trước còn khá thân thiện, đã chuyển sang lạnh lùng nhanh đáng báo động. Hầu hết các hãng lữ hành Nga dừng bán tour tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ 25/11. Người biểu tình tại Moscow ném trứng và gạch đá vào đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, làm vỡ nhiều cửa sổ.
Các nhà lập pháp Nga cũng đề xuất xử lý hình sự với những người nào phủ nhận sự kiện hàng loạt người Armenia năm 1915 bị Đế chế Ottoman giết là "tội diệt chủng". Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay thừa nhận những tội ác này đã diễn ra nhưng không công nhận đó là tội diệt chủng.
Tháng 12 năm ngoái, Nga đã chuyển hướng một đường ống khí đốt từ châu Âu sang Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa phương Tây. Nhưng giờ số phận của dự án này lại là dấu hỏi lớn.
"Hậu quả sẽ rất lớn", Lukyanov nói.
Nga sẽ tìm cách trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đồng thời không muốn kích động phương Tây, Baunov nhận định. "Nếu vụ việc trở thành cuộc chiến giữa Nga và phương Tây, thì như vậy đã đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chiến dịch can thiệp: đó là thoát khỏi sự cô lập quốc tế gắn với các lệnh trừng phạt", chuyên gia này cho biết. Các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ phe ly khai tại miền đông nam Ukraine.
Sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, một phi công trên máy bay khi đang nhảy dù đã bị phiến quân dưới mặt đất bắn chết, người còn lại may mắn thoát nạn. Nhưng nỗ lực tìm kiếm phi công thoát nạn này còn chịu thêm tổn thất, khi một lính thủy đánh bộ trên chiếc trực thăng Mi-8 thiệt mạng do bị trúng tên lửa chống tăng của phiến quân.
Ông Putin từng hứa hẹn với công chúng Nga về những can thiệp có giới hạn tại Syria, không triển khai bộ binh để hạn chế thương vong. Cho dù quân đội Syria đã chặn được đà tấn công của phe đối lập, các cuộc không kích của Nga vẫn chưa thay đổi lớn cục diện cuộc chiến.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã giáng một đòn mạnh vào Putin, và giờ ông ấy đang ở thế tiến thoái lưỡng nan", Fawaz A. Gerges, giáo sư quan hệ quốc tế Trường kinh tế học London nhận định. "Tình thế có thể trở nên đáng sợ khi Nga bị sa lầy trong một cuộc chiến không thể thắng".
Hoàng Nguyên