Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận với báo điện tử Một Thế Giớirằng ông đã tiếp nhận "Đơn đề nghị sắp xếp lịch làm việc để giải quyết tranh chấp quyền tác giả bài thơ Tổ quốc gọi tên" của luật sư Ngô Anh Tuấn (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), người nhận mình là “đại diện hợp pháp cho ông Ngô Xuân Phúc theo Giấy ủy quyền được ký kết ngày 17.11.2015”. 
Chủ tịch Hội Nhà văn cho biết thêm, ông đã chuyển đơn của ông Ngô Anh Tuấn, người đại diện pháp lý cho ông Ngô Xuân Phúc sang Ban kiểm tra của Hội Nhà văn Việt Nam để xem xét giải quyết. Ngoài ra ông không đưa ra thêm bất cứ bình luận nào về vụ việc. 
Trong đơn, ông Ngô Anh Tuấn đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam "sắp xếp 1 buổi làm việc để ông Ngô Xuân Phúc, bà Nguyễn Phan Quế Mai và những người làm chứng trình bày quan điểm, chứng cứ rõ ràng nhằm khẳng định ai là tác giả đích thực bài thơ Tổ quốc gọi tên".
Lý do đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra sắp xếp cuộc gặp giữa bà Nguyễn Phan Quế Mai và ông Ngô Xuân Phúc được luật sư Ngô Anh Tuấn giải thích: “Sau khi nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ mà ông Ngô Xuân Phúc đã đưa ra trong đơn thư của mình, tôi nhận thấy rằng những nội dung ông đưa ra là có cơ sở và cần được hỗ trợ, giải quyết một cách thấu tình, đạt lý để đảm bảo uy tín, danh dự cho các bên liên quan”.
Ông Ngô Anh Tuấn mong muốn vụ việc được giải quyết thông qua đối thoại. Trong trường hợp tất cả những phương pháp đối chất không thành công thì mới đưa ra nhờ tòa án giải quyết. 
Về mặt chứng cứ, ông Ngô Anh Tuấn cho biết: "Bây giờ chúng tôi chưa tìm được bằng chứng cụ thể, mà chỉ có những nhân chứng. Nhưng chúng tôi không ngụy tạo chứng cứ. Chúng tôi chỉ dựa vào niềm tin".
Doi-tac-quyen-ong-ngo-xuan-phuc-goi-don-len-hoi-nha-van-hinh-anh-1
Đơn của ông Ngô Xuân Phúc và luật sư Ngô Anh Tuấn gửi cho Hội Nhà văn Việt Nam
Trao đổi với luật sư Phan Vũ Tuấn, Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM về hướng giải quyết việc này, luật sư Tuấn đưa ra ý kiến: “Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện. Hội được hoạt động theo điều lệ của Hội nhằm đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp cho hội viên. Ở trường hợp cụ thể này, bản thân ông Ngô Xuân Phúc không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Việc Hội đứng ra nhận đơn của ông Ngô Xuân Phúc là chưa hợp lý. Mặt khác, cho dù Hội Nhà văn Việt Nam có đứng ra làm trung gian cho tranh chấp này thì sự việc vẫn không đâu vào đâu được. Về mặt pháp lý, bản thân Hội Nhà văn Việt Nam vẫn không đủ quyền thẩm để đưa ra phán quyết cuối cùng. Để giải quyết một cách triệt để và có hiệu lực về tác quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên thuộc về ai thì chỉ có thể là tòa án”.
Chúng tôi cố gắng liên lạc với bà Nguyễn Phan Quế Mai (hiện đang ở Bỉ) để xác minh là bà đã nhận được thông báo của Hội Nhà văn Việt Nam về sự việc nêu trên hay chưa, nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được câu trả từ phía bà Mai. 
Trở lại vụ tranh chấp bài thơ Tổ quốc gọi tên, như Một Thế Giới đã phản ảnh, vào ngày 28.09.2015, ông Ngô Xuân Phúc ở Nghệ An đã lên tiếng khẳng định bài thơ Tổ quốc gọi tên do chính anh sáng tác và yêu cầu nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trả lại bài thơ cho mình. Đáp lại, vào ngày 1.10.2015, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cũng đã có thông báo gửi đến báo chí và yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải cải chính cũng như đưa ra bằng chứng và xin lỗi bà trước ngày 10.10.2015.
Đến ngày 20.10.2015, bà Nguyễn Phan Quế Mai bất ngờ thông báo sẽ không tiến hành vụ kiện đối với ông Ngô Xuân Phúc và khẳng định: “Tôi xin khép lại sự việc trên và sẽ không đưa ra phát ngôn nào về việc này nữa, trừ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng”.
Y Quyên