(Thời sự) - Sáng 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN” với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo các nước đối tác, đối thoại của ASEAN và Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur, Malaysia, đồng thời là một trong những điểm nhấn quan trọng của hội nghị lần này.
Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN” là sự kiện mang tính lịch sử, công bố chính thức với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết ASEAN và sự hình thành cộng đồng này có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới.
Cộng đồng ASEAN cũng thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.
ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua), không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
Nội dung Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 viết: “Khẳng định hơn nữa cam kết của chúng ta đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể của chúng ta nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội.”
“Tin tưởng rằng sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, đảm bảo hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung.”
“Nhấn mạnh mong muốn của chúng ta nhằm tiến tới một ASEAN thực sự dựa trên luật lệ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, nơi các dân tộc của chúng ta tiếp tục tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ tiến trình liên kết và xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN; và bảo đảm tiếp tục thực hiện các cam kết của chúng ta đối với tiến trình xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN, trong đó có tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN. Theo đó, tuyên bố việc chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng 12 năm 2015.”
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 mang tên “Vững vàng cùng tiến bước,” hướng tới một Cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh; hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN; một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình.
ASEAN sẽ xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh vào năm 2025 là một cộng đồng đoàn kết, dung nạp và tự cường. Người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN; luôn gắn kết, có khả năng thích hợp và ứng phó trong xử lý các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở khu vực; đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài và cùng đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng gắn kết và liên kết chặt chẽ; cạnh tranh, sáng tạo, năng động, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Cam kết hình thành một nền kinh tế khu vực gắn kết và liên kết chặt chẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; gia tăng thương mại, đầu tư và tạo việc làm; đẩy nhanh chương trình nghị sự một thị trường thống nhất thông qua tăng cường các cam kết về thương mại hàng hóa, bao gồm giải quyết hiệu quả các rào cản phi thuế quan, hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, và lưu chuyển thông thoáng hơn về đầu tư, lao động có tay nghề, doanh nhân và vốn.
Xây dựng một cộng đồng cạnh tranh, sáng tạo và năng động, thúc đẩy tăng mạnh năng lực sản xuất, bao gồm thông qua việc thiết lập và áp dụng thiết thực các tri thức, các chính sách hỗ trợ hướng tới sự sáng tạo, áp dụng phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số, thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và các quy định tương ứng cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả; hướng tới tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu;
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, và là một cộng đồng dung nạp, bền vững, tự cường và năng động.
Theo đó, hiện thực hóa một cộng đồng tận tâm với sự tham gia của mọi tầng lớp và có trách nhiệm xã hội; một cộng đồng dung nạp, thúc đẩy chất lượng cuộc sống cao, tiếp cận đồng đều các cơ hội cho tất cả mọi người, và thúc đẩy và bảo vệ quyền cho phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già, người khuyết tật, người lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế khác; một cộng đồng bền vững, thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tới một cộng đồng tự cường với năng lực và khả năng được nâng cao nhằm thích nghi và ứng phó với các biến động dễ tổn thương về kinh tế và xã hội, thảm họa, biến đổi khí hậu cũng như các mối đe dọa và thách thức đang nổi lên; và một cộng đồng năng động và hài hòa, nhận thức và tự hào về bản sắc, văn hóa và di sản của mình, đi đôi với tăng cường khả năng sáng tạo và chủ động đóng góp vào cộng đồng toàn cầu.
Để đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố sẽ hiện thực hóa cộng đồng với năng lực thể chế được tăng cường thông qua cải thiện quy trình hoạt động và phối hợp trong ASEAN, nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc của tất cả cơ quan trong ASEAN và tăng cường Ban Thư ký ASEAN; hiện thực hóa cộng đồng với tăng cường sự hiện diện về thể chế của ASEAN tại từng quốc gia thành viên ASEAN.
(Theo Vietnam+)
(Biển Đảo) - Trưa 22/11/2015, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo các nước Đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc được mời phát biểu với tư cách khách mời của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 27.
Trao đổi tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo tiếp tục khẳng định tính chất của EAS là diễn đàn của các Lãnh đạo để đối thoại chiến lược về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế cùng quan tâm nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á; tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình EAS và cam kết của ASEAN phối hợp chặt chẽ với các nước tham gia EAS để bảo đảm EAS sẽ là cấu thành quan trọng của cấu trúc khu vực; tăng cường EAS thông qua một số biện pháp, nhất là cơ chế triển khai các quyết định của Lãnh đạo Cấp cao.
Nhân dịp 10 năm thành lập, các Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Kỷ niệm 10 năm EAS, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế toàn cầu, môi trường và quản lý thiên tai, và Kết nối ASEAN. Theo đó, Hội nghị hoan nghênh việc kiểm điểm Kế hoạch Hành động về Hợp tác Giáo dục EAS giai đoạn 2011-2015 để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch mới; thông qua Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét của Liên minh các nhà Lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, thông qua các Tuyên bố EAS về tăng cường hợp tác hàng hải khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, phong trào ôn hòa toàn cầu, tăng cường an ninh y tế khu vực liên quan đến bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát thành dịch, các vấn đề an ninh về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Các Lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực nổi bật hiện nay như chống khủng bố, an ninh biển, biến đổi khí hậu… Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp các đảo/đá, làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.
Các nước nhấn mạnh lợi ích chung và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng và thúc đẩy lòng tin, tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết không theo đuổi quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS); hoan nghênh cam kết giữa ASEAN và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn mới về tham vấn xây dựng COC và phấn đấu sớm đạt COC.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ các đánh giá về những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đánh giá cao và đề nghị các nước đối tác tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và đóng vai trò trung tâm ở khu vực, góp phần tăng cường lòng tin và sự tin cậy vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Về các phương hướng tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung vào những lĩnh vực cùng quan tâm như giáo dục, thu hẹp khoảng cách phát triển, nông nghiệp, kết nối, hợp tác tiểu vùng, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập và nhấn mạnh việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
“Hòa bình và an ninh ở Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á luôn gắn với bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển, nhất là ở Biển Đông. Chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗ lực và những kết quả nhất định trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác ở Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá, đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Thực tế đặt ra yêu cầu khách quan là tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển vì mục tiêu kinh tế và phát triển, đồng thời cần sớm xử lý tình hình phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này.
Việt Nam luôn chủ trương làm hết sức mình cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình. Trên tinh thần đó, chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột. Đặc biệt chúng tôi đề nghị các nước chúng ta chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.
(Theo Dân Trí)
(Chính trị) - BBT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10, ngày 22/11/2015.
Thưa Ngài Chủ tịch,Thưa các Quý vị đồng nghiệp,Hội nghị của chúng ta diễn ra vào thời điểm quan trọng, hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Cấp cao Đông Á (EAS) – một cơ chế quan trọng hàng đầu của cấu trúc khu vực đang định hình, góp phần tăng cường lòng tin và sự tin cậy, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên, vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới.Tại Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Hòa bình và ổn định tuy được duy trì, nhưng đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ truyền thống và phi truyền thống, nhất là các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên biển ngày càng căng thẳng. Kinh tế tiếp tục phát triển khá cao và là đầu tầu cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng cũng còn tiềm ẩn không ít rủi ro.Trước tình hình trên, ưu tiên hàng đầu của tất cả chúng ta là duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định để phát triển, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng sau:Một là, tạo dựng được lòng tin chiến lược giữa các nước ở khu vực thông qua đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là các biện pháp ngăn ngừa và quản lý các xung đột tiềm tàng, kể cả minh bạch hóa chính sách an ninh – quân sự.Hai là, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, nhất là các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đây là cơ sở quan trọng cho một trật tự quốc tế mới, dân chủ, công bằng và ổn định.Ba là, tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực, góp phần định hình một cấu trúc khu vực dựa trên các diễn đàn hiện có của ASEAN, hình thành những cơ chế “cảnh báo sớm” và “phản ứng nhanh” để kịp thời xử lý tình hình khủng hoảng hoặc khẩn cấp ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.Bốn là, các nước lớn có vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực, do vậy chúng tôi mong các nước lớn hành xử có trách nhiệm và mang tính xây dựng, duy trì quan hệ ổn định và đoán trước được, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm ở khu vực bằng những hành động cụ thể, kể cả khi đưa ra và triển khai các sáng kiến khu vực.Thưa quý vị,Hòa bình và an ninh ở Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á luôn gắn với bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển, nhất là ở Biển Đông. Chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗ lực và những kết quả nhất định trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác ở Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá, đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.Thực tế đặt ra yêu cầu khách quan là tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển vì mục tiêu kinh tế và phát triển, đồng thời cần sớm xử lý tình hình phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này.Việt Nam luôn chủ trương làm hết sức mình cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình. Theo tinh thần đó, chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột – đặc biệt chúng tôi đề nghị các nước chúng ta chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc vừa thông qua, cũng là ưu tiên và lợi ích chung của tất cả chúng ta. Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác, nâng cao năng lực xử lý những thách thức phi truyền thống và xuyên quốc gia như khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước. Nhân dịp này, tôi xin khẳng định lại Việt Nam, cùng với cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Paris và gửi lời chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Pháp.Cấp cao Đông Á (EAS) có vai trò quan trọng thúc đẩy xây dựng lòng tin và tin cậy chiến lược, chia sẻ các quy tắc và chuẩn mực ứng xử, tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực.Chúng tôi ủng hộ tăng cường Cấp cao Đông Á (EAS) theo hướng: duy trì là diễn đàn Lãnh đạo thảo luận các vấn đề chiến lược có ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; cần có cơ chế phù hợp triển khai các quyết định của lãnh đạo cấp cao; đưa hợp tác biển thành lĩnh vực ưu tiên.Trân trọng cảm ơn./.
(Theo Chính Phủ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét