Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Thủ tướng giao 13 bộ sửa 87 văn bản cản trở cải cách

(Chính sách phát triển - Chỉ đạo điều hành) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó chỉ rõ 87 văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung.

Việc phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang là “nút thắt cổ chai” với mục tiêu kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa 
Đây là Đề án rất quan trọng để có thể kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ. Bởi thời gian qua, trong khi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt cải cách các thủ tục hải quan, thì việc phối hợp triển khai các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng XNK (gồm kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch) giữa các cơ quan vẫn là trở ngại lớn nhất, là “nút thắt cổ chai” với mục tiêu kéo giảm thời gian thông quan.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể là giảm thời gian thông quan hàng hóa XK, NK ngang bằng với các nước ASEAN-6. Cụ thể, năm 2016, thời gian thông quan còn dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu; đến năm 2020 còn dưới 5 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.
Đề án nêu rõ quan điểm phải xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải phù hợp với thông lệ quốc tế; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro; thừa nhận kết quả kiểm tra của các nước; ứng dụng công nghệ thông tin…
Đề án nêu 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể, gồm: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; và tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực hoạt động kiểm tra chuyên ngành cho các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Nội dung đặc biệt quan trọng của Đề án là danh sách 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi bổ sung, thuộc lĩnh vực quản lý của 13 Bộ. Đề án có 30 trang nhưng dành tới 23 trang cho nội dung này.
Trong đó, Bộ NNPTNT chiếm tới hơn một nửa với 49 thông tư, quyết định. Tiếp sau là Bộ Công Thương (10 văn bản), Bộ Y tế (9 văn bản), Bộ Xây dựng (4 văn bản). Các Bộ: KHCN, TTTT, TNMT, Quốc phòng, Công an, GTVT cùng có 2 văn bản cần sửa đổi bổ sung, còn các Bộ: LĐTBXH, VHTTDL và KHĐT có 1 văn bản.
Đề án cũng chỉ rõ hướng sửa đổi, bổ sung của từng văn bản. Chẳng hạn, Bộ NNPTNT phải ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 66 năm 2011 về quản lý thức ăn chăn nuôi; ban hành văn bản mới thay thế Thông tư 06 năm 2010 về trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản theo hướng giảm thủ tục, giấy tờ phải nộp, quy định rõ tổng thời gian kiểm dịch cho một lô hàng theo từng loại hình xuất nhập khẩu…
Trong số 87 văn bản, thì có tới 85 văn bản phải được sửa đổi, bổ sung chậm nhất trong quý I/2016. Chỉ riêng có 2 văn bản của Bộ KHCN có thời hạn sửa đổi, bổ sung kéo dài hơn, nhưng cũng chỉ đến cuối năm 2016.
Đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành như thế nào?
Đề án chỉ rõ 5 hướng đối mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành, cụ thể là:
Nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành như kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra sau thông quan với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa có xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển, hàng hóa của doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
Thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan có trọng tâm, trọng điểm đối với hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ cao liên quan đến dịch bệnh, truyền nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân, an ninh xã hội và môi trường.
Ưu tiên và tạo thuận lợi về kiểm tra chuyên ngành với các mặt hàng Nhà nước khuyến khích xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng trong nước chưa sản xuất được
Thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận để giảm tải cho cơ quan kiểm tra.
Phát triển hệ thống kho, bãi bảo quản hàng hóa tại cửa khẩu để đáp ứng yêu cầu quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, trong điều kiện tăng cường kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Có chính sách xã hội hóa để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng làm dịch vụ cho thuê kho, bãi nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả kiểm tra chuyên ngành; xây dựng cơ chế phổi hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan; kịp thời thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan hải quan để thông quan nhanh chóng hàng hóa; quản lý và kiểm tra hàng hóa tại địa điểm bảo quản hàng hóa trong nội địa; xử lý vi phạm trong quá trình tranh chấp pháp luật về hải quan và pháp luật về quản lý chuyên ngành.
(Theo Chính Phủ)

Không có nhận xét nào: