Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Malaysia cho hải quân Trung Quốc sử dụng cảng ngay sát Trường Sa

HỒNG THỦY

(GDVN) - Kế hoạch này bao gồm cả việc xây dựng căn cứ hải quân mà Trung Quốc đã và đang tiến hành (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam)...
Ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận sử dụng dịch vụ tại cảng Kota Kinabalu, Malaysia, ảnh: CCTV.
South China Morning Post ngày 21/11 đưa tin, Malaysia đã cho phép hải quân Trung Quốc sử dụng cảng Kota Kinabalu của nước này gần sát quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) nhằm "cân bằng" với Hoa Kỳ, "không đứng về bên nào".

Thỏa thuận được thực hiện khi Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tuần trước thăm Malaysia. Tàu Trung Quốc có thể sử dụng cảng Kota Kinabalu như một điểm dừng chân. Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự từ Thượng Hải cho rằng động thái này nằm trong kế hoạch dài hạn của hải quân Trung Quốc.
Kế hoạch này bao gồm cả việc xây dựng căn cứ hải quân mà Trung Quốc đã và đang tiến hành (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) cũng như đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Một ngày sau khi đạt được thỏa thuận sử dụng cảng Kota Kinabalu với Malaysia, Trung Quốc cũng được bảo đảm quyền sử dụng tại cảng Gwadar ở Pakistan, nằm ở cửa vịnh Ba Tư, ngay bên ngoài eo biển Hormuz.
Trên Biển Đông, Malaysia đã không muốn trực tiếp đương đầu với Trung Quốc như Philippines và Việt Nam, học giả Hoo Tiang Boon từ đại học Quốc gia Singapore nhận định. Hai quốc gia này đã tăng cường quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
"Người Malaysia vẫn còn tương đối thận trọng trong việc đương đầu với Trung Quốc về vấn đề này", Hoo Tiang Boon cho biết. Theo ông, cũng có quan điểm ở Malaysia không hài lòng về hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển nước này mà hải quân, hải cảnh Trung Quốc tiến hành. 
Ngư dân Malaysia cũng kêu ca phàn nàn về nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép. Tuy nhiên Hoo Tiang Boon lưu ý, cho phép Trung Quốc cập cảng và sử dụng dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở Kota Kinabalu không có nghĩa là biến cảng này thành căn cứ của Trung Quốc.
"Đó là một cử chỉ trung lập", ông Hoo bình luận, cũng giống như việc mở cửa cảng khẩu cho người Mỹ, người Pháp sử dụng dịch vụ. Tháng trước tàu khu trục USS Lassen đã cập cảng Kota Kinabalu sau khi tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi.
Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: