Đăng Bởi -
Đó là ý kiến của ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam trong “Hội nghị giao thương Việt Nam – Trung Quốc về thương mại, đầu tư hàng nông sản” tại Hà Nội ngày 24.11.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc là bạn hàng lớn của Việt Nam
Nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Trung Quốc, tận dụng cơ hội hợp tác trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc- ASEAN, Hiệp hội xuất nhập khẩu thực phẩm và nông sản Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam từ ngày 21-26.11.2015.
Nhân dịp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hiệp hội xuất nhập khẩu thực phẩm và nông sản Trung Quốc tổ chức “Hội nghị giao thương Việt Nam – Trung Quốc về thương mại, đầu tư hàng nông sản”.
Tham dự gặp gỡ lần này có đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Trung Quốc- ASEAN và các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các loại hạt sấy khô, dầu thực vật, thức ăn gia súc…
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về thị trường, gặp gỡ trao đổi trực tiếp và mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, bà Dương Tú Bình, Tổng Thư ký Trung tâm Trung Quốc – ASEAN cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc xét về tổng thể có nhiều ưu thế rõ rệt, có nhiều điểm có thể bổ trợ cho nhau và đều là những thị trường quan trọng.
Theo bà Dương Tú Bình, trong 11 năm qua, Trung Quốc liên tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong khối ASEAN của Trung Quốc..
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, trong năm 2014, kim ngạch mậu dịch hai chiều của hai nước đạt 83,6 tỉ USD, tăng 27,7%. Tổng lũy kế các hợp đồng công trình đã ký kết của Trung Quốc tại Việt Nam là 35,55 tỉ USD.
Bà Dương Tú Bình cũng cho rằng, cả Việt Nam và Trung Quốc đang trong quá trình tiến hành cải cách kinh tế sâu sắc. Trong tương lai, Trung Quốc kiên trì đi theo công cuộc mở cửa và hợp tác cùng thắng.
Bên cạnh đó, quan hệ Trung Quốc – ASEAN 10 năm tốt đẹp, Hiệp định quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện trong khu vực (RCEP) đang có những bước tiến triển mới, thỏa thuận hợp tác “2+7” Trung Quốc – ASEAN đang bổ sung thêm nhiều nội dung.
Thêm nữa, việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Quỹ con đường tơ lụa đang cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ to lớn cho việc xây dựng “một vành đai, một con đường” để phát triển tiềm năng và hợp tác sản xuất. Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng được thành lập sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình nhất thể hóa khu vực.
Siết chặt chất lượng thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thẳng thắn nói rằng: “Xin thông báo với ngài Tổng Thư ký, tới đây Việt Nam sẽ siết chặt, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề nhập lậu thức ăn chăn nuôi vào Việt Nam qua đường biên giới”.
Theo ông Lịch, thức ăn chăn nuôi nhập lậu có ảnh hưởng rất xấu đến thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam và cũng gây hại không ít đối với Trung Quốc. Ông Lịch tin tưởng rằng sự hợp tác để đẩy lùi thức ăn chăn nuôi nhập lậu sẽ nhận được sự đồng thuận và hợp tác từ phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Lịch cũng mong muốn rằng Trung Quốc cần tạo điều kiện hơn nữa để nông sản Việt Nam có thể tiến xa hơn vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Rong Weidong - phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu nông sản và thức ăn chăn nuôi Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều tài nguyên và tiềm năng về nông nghiệp và có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Trong ASEAN, Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc. Dù trong năm qua, tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam giảm sút nhưng lượng hàng xuất sang Trung Quốc vẫn duy trì, đạt 2,39 tỷ USD.
Theo ông Rong Weidong, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng hiện nay, thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp lớn. Hội nghị cũng nhằm mục đích “ngồi lại” để bàn cách tháo gỡ những khó khăn này.
Trung Quốc hiện nay cũng đã mở cửa nhiều thị trường và thương mại điện tử xuyên quốc gia, đem đến nhiều cơ hội hội nhập cho cả hai nước. Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ xây dựng nhiều chương trình ưu đãi cho Việt Nam khi tham gia bán hàng nông sản tại Trung Quốc.
Hoàng Long
Dân trí Tại hội nghị ban chỉ đạo áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP tổ chức tại TPHCM, đại diện Bộ NN-PTNT cho hay đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc làm giả thương hiệu rau sạch (VietGAP) gây hại cho người tiêu dùng và thị trường.
Trung Quốc đang làm giả và tuồn vào Việt Nam từ củ khoai đến sắt thép
Dân trí Tại hội nghị ban chỉ đạo áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP tổ chức tại TPHCM, đại diện Bộ NN-PTNT cho hay đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc làm giả thương hiệu rau sạch (VietGAP) gây hại cho người tiêu dùng và thị trường.
>> TPP và lợi ích trong việc chống hàng giả từ Trung Quốc
>> Thất thu hàng ngàn tỷ đồng vì phôi thép Trung Quốc
>> Bất ổn từ hàng giá rẻ Trung Quốc
Trước đó không lâu, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành lệnh cấm khoai tây Trung Quốc vào 1 số chợ của địa phương vì lý do thương lái trà trộn khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt để bán kiếm lời, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu rau Đà Lạt.
Ngoài thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra, cuối tháng 10, Hiệp hội thép Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng điều tra việc doanh nghiệp Trung Quốc "hô biến" phôi thép thường thành phôi thép hợp kim để hưởng thuế 0%. Hiệp hội cho hay, đây là hành vi lách luật, né thuế và gây hại cho thị trường Việt.
Phôi thép Trung Quốc đang lách luật tại thị trường Việt Nam
Vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại ngày càng diễn biên khó lường, theo Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại 389, 10 tháng đầu năm các cơ quan liên ngành của Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ gần 169.000 vụ hàng gian, hàng giả, nhập lậu vào Việt Nam. Số vụ hàng giả, nhập lậu từ nước ngoài gia tăng và được cấu kết với các đối tượng trong nước.
Trước thông tin của Cục Trồng trọt đưa ra, cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã cấm thương lái, doanh nghiệp đưa khoai tây Trung Quốc vào địa phương, các chợ đầu mối. Theo lý giải của địa phương này: khoai tây Trung Quốc được nhập vào Việt Nam, qua địa bàn Đà Lạt để trà trộn, biến thành khoai tây Đà Lạt hoặc pha trộn với khoai Đà Lạt nhằm đánh lừa người tiêu dùng, xuất đi nhiều tỉnh thành phố.
Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng thông tin hiện trên thị trường hoa quả, rau xanh Trung Quốc gần đây xuất hiện nhiều tại các chợ, trong đó nhiều loại rau củ quả có giá bán rẻ hơn rất nhiều so với rau cùng loại của Việt Nam. Nhiều chợ lớn, chợ dân sinh ven đường đều xuất hiện hoa quả, rau xanh của Trung Quốc không ghi nhãn mác.
Ngoài những nguy hiểm rình rập về sức khỏe người tiêu dùng, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái của Trung Quốc cũng khiến thị trường rối loạn. Từ mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng Trung Quốc còn làm giả các thương hiệu Việt uy tín, thương nhân Trung Quốc còn tuồn lậu các mặt hàng sắt thép có giá trị cao vào thị trường Việt Nam để trốn thuế và ảnh hưởng lớn đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, Hiệp hội thép Việt Nam đã lên tiếng về gần 1,1 triệu tấn phôi thép thường của Trung Quốc đội lốt phôi thép “hợp kim” tuồn về Việt Nam để hưởng thuế 0%. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), gần 1,1 triệu tấn phôi thép “hợp kim” Trung Quốc thực chất là phôi thép thường có pha một hàm lượng crom nhằm lách luật, né thuế hưởng ưu đãi của Việt Nam rồi đưa ồ ạt vào thị trường.
Ông Sưa nhấn mạnh, ngoài thủ đoạn lách luật, né thuế khiến Nhà nước thất thu, hành động trên là biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, phá hủy thị trường. Tại thị trường Trung Quốc, phôi thép hợp kim được Chính phủ nước này hoàn thuế (thực chất là trợ giá) hơn 10%, trong khi đó, tại Việt Nam loại phôi thép được hưởng thuế 0% thì không doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước cạnh tranh nổi.
Nếu các doanh nghiệp (DN) sản xuất sắt, thép tặc lưỡi nhập phôi thép từ Trung Quốc vì giá rẻ làm nguyên liệu, DN sản xuất phôi thép sẽ phá sản, ngành thép sẽ phụ thuộc vào phôi từ Trung Quốc và hậu quả sẽ khôn lường.
Năm ngoái, các DN ngành thép Việt Nam cũng lên án tôn mạ màu của Trung Quốc làm giả các thương hiệu của Việt Nam tại Trung Quốc và xuất ngược trở lại Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng, gây mất niềm tin với thương hiệu Việt.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, có hiện tượng móc nối của các thương nhân, DN Trung Quốc với các cá nhân Việt Nam để đưa các mặt hàng gian, hàng giả vào Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị trường, gây khó khăn cho DN Việt. Sự đa dạng của hàng giả, mức độ tinh vi nếu không được phát hiện rất có thể chúng sẽ trà trộn vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, xuất ra các thị trường lớn trên thế giới, nơi hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế xuất 0% như ASEAN, EU và các nước TPP. Đây là mối họa lớn cho thương hiệu quốc gia.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Người tiêu dùng, thị trường Việt Nam đã cảnh giác với hàng chất lượng kém xuất xứ từ Trung Quốc và chuyển sang tin vào hàng Việt, chất lượng Việt. Chính vì tâm lý “bài” hàng Trung Quốc khiến các tư thương nước này quay sang chú trọng hơn vào làm hàng giả mang thương hiệu Việt để tranh thủ thị trường và phá hoại nền sản xuất trong nước”.
Nguyễn Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét