Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Chủ tịch tỉnh An Giang đưa bằng chứng " vô can" chuyện phạt cô giáo 5 triệu ?

Vụ chê chủ tịch tỉnh: "Tôi không chỉ đạo, không biết"

20/11/2015 08:33 GMT+7
TT - Ông Vương Bình Thạnh, chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ xử phạt 5 triệu đồng vì "chê" chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Ông Vương Bình Thạnh - Ảnh: Chí Quốc
Ông Vương Bình Thạnh - Ảnh: Chí Quốc
Làm lãnh đạo mà lính ở dưới nó có trật một cái mà mình trù dập, xử nghiêm khắc thì không xứng làm lãnh đạo. Lãnh đạo phải có cái tầm, cái tâm
Ông Vương Bình Thạnh
- Ông Thạnh nói: Xuyên suốt chuyện này bản thân tôi rất khách quan. Cơ quan chức năng tự làm, tôi không chỉ đạo, không biết.
Sau khi xử lý cán bộ xong, Đảng ủy khối Dân chính đảng mới báo cáo Tỉnh ủy và cơ quan liên quan thì tôi mới biết.
* Giới luật sư cho rằng việc phạt hành chính kèm xử lý về mặt Đảng và chính quyền là không đúng. Nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang cũng cho rằng việc xử lý như thế là nặng. Ở góc độ lãnh đạo tỉnh và là người trong cuộc, quan điểm của ông thế nào?



- Chuyện xử lý nặng nhẹ thì mấy anh bình luận thôi. Sau khi báo chí đăng tải, sáng nay UBND tỉnh có tổ chức cuộc họp với các cơ quan liên quan như công an, các sở Công thương, Giáo dục - đào tạo, Thông tin - truyền thông, Ủy ban kiểm tra, Ban nội chính Tỉnh ủy thì anh em đều nói xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền là đúng quy định, ba cá nhân này cũng thừa nhận vi phạm.
Đảng viên thì xử lý theo quy định của Đảng, công chức thì xử lý theo quy định của Nhà nước về công chức. Cơ quan có thẩm quyền xử vậy, người bị xử lý không thừa nhận thì có quyền khiếu nại.
* Nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là góp ý, không có gì là xúc phạm chủ tịch UBND tỉnh. Bản thân ông có thấy rằng mình bị xúc phạm, ảnh hưởng gì không?
- Đúng ra chuyện này báo chí trung thực, thông tin chính thống kết luận từ đầu, kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan chức năng, nhưng báo lại cắt khúc nhưng không logic đưa lên nên người dân bình luận, gặp cán bộ hưu này, luật sư nọ nên có ý kiến khác nhau là đúng.
Có người nói xử lý như vậy là không đúng. Đúng hay không đúng thì có luật hết.
* Xin hỏi lại, cá nhân ông thấy mình có bị xúc phạm gì không?
- Mình làm lãnh đạo đại diện cho chính quyền một tỉnh, giờ làm vậy dư luận lên mạng rộng rãi, đưa trước đại hội Đảng um sùm hết trơn.
Nếu tôi có gì thì trước đại hội Đảng cũng đi rồi. Việc này xảy ra trước đại hội Đảng nhưng các cơ quan chức năng xử lý kéo dài tới sau đại hội mới xong.
* Hiện tại Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang có chỉ đạo xem xét lại quyết định của các cơ quan chức năng trong vụ này không, thưa ông?
- Tại cuộc họp sáng nay thì các cơ quan chuyên môn khẳng định xử lý như vậy là đúng hết rồi. Còn quan điểm của tôi thì tôi cũng nói thẳng luôn là đối với một lãnh đạo mà nhân viên của mình biết sai rồi thì tôi tha thứ, không có vấn đề gì mà đề xuất xử lý nghiêm cả.
Mình rất vô tư, không có việc gì đâu. Làm lãnh đạo mà lính ở dưới nó có trật một cái mà mình trù dập, xử nghiêm khắc thì không xứng làm lãnh đạo. Lãnh đạo phải có cái tầm, cái tâm.
Hiện nay mới chỉ có cô Trang (bà Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn ngữ văn Trường THPT Long Xuyên, An Giang) gửi đơn xin giảm nhẹ mức phạt tiền, còn chưa có ai gặp tôi cả.
Sắp tới cơ quan chức năng sẽ báo cáo Tỉnh ủy cho khách quan, vì chuyện này từ đầu tôi không tham gia. Sau đó sẽ mời các báo đài trả lời có tiếng nói chung.
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện






Tướng Rinh lên tiếng vụ phạt tiền vì chê chủ tịch trên facebook

Hoàng Đan | 
Tướng Rinh lên tiếng vụ phạt tiền vì chê chủ tịch trên facebook
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh







Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, việc bị phạt vì chê chủ tịch tỉnh trên facebook sẽ khiến cho người dân xa lánh chính quyền, những người có chức có quyền.







Dân có quyền khen, chê
Chê chủ tịch UBND tỉnh "nhìn cái mặt kênh kiệu" trên facebook, bà Lê Thị Thùy Trang, giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Long Xuyên và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang đã bị Sở TTTT An Giang xử phạt mỗi người 5 triệu đồng.
Lý do cả hai đã vi phạm quy định truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác.
Còn bà Phan Thị Kim Nga, phó văn phòng Sở Công thương bị nhắc nhở trong vụ việc, không bị xử phạt.
Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ĐBQH đoàn Hải Dương).
PV: Gần đây có chuyện 2 công dân ở An Giang bị phạt 5 triệu đồng vì chê Chủ tịch tỉnh An Giang. Theo quan điểm của ông, khi viết trên facebook chê Chủ tịch tỉnh có mặt kênh kiệu mà đã bị phạt thì có hợp lý không?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Đó là quyền tự do công dân, tất cả mặt trái và phải của xã hội người công dân đều có quyền tự do ngôn luận, những bình luận đó không ảnh hưởng gì đến cá nhân hay vị trí.
Nếu nói về công dân thì ông cũng là một công dân, tôi và ông đều có quyền bình luận là khen hay chê.
Còn khác là xúc phạm đến danh dự của một người đang giữ chức vụ cao ở địa phương. Lời nói đó chưa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, chức danh của ông Chủ tịch chứ cá nhân là quyền con người.
Theo tôi, mức phạt đó không đúng với luật pháp vì luật pháp không quy định phải như vậy.
PV: Thưa ông, Sở Thông tin & Truyền thông căn cứ Nghị định của Chính phủ và cho rằng hành vi của đôi vợ chồng này là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch tỉnh An giang. Liệu quy kết như vậy có phải là gượng ép không?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nói như vậy là Chính phủ đã có Nghị định quy định việc nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là không cho phép nên Sở Thông tin Truyền thông An Giang tiến hành phạt.
Nhưng nếu có trong Nghị định của Chính phủ, thậm chí trong Luật vi phạm hành chính đi chăng nữa thì cũng chưa quy định mức phạt như thế và cũng không đến mức phạt từng ấy tiền.
Căn cứ vào Luật pháp cho phép mới được phạt. Tôi cho việc phạt đó là không thuyết phục. Ở đây, chúng ta nên có cảnh báo với ông, bà ấy làm như thế là sai còn phạt thì nặng quá.
PV: Ông có cho rằng việc phạt này sẽ tạo ra một lệ xấu là khiến người dân không giám nói ra tiếng nói của mình?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nếu như thế này thì ai chê ông phạt hết à. Nếu Sở Thông tin Truyền thông phạt thì cũng phải có sự chỉ đạo.
Nhưng người ta không nói là Chủ tịch chỉ đạo mà Sở phạt. Người ta băn khoăn liệu bình luận về ông Chủ tịch mà bị phạt như vậy thì sẽ như thế nào đây?
Rõ ràng người ta bình luận dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ kiểm điểm Chủ tịch tỉnh An Giang?
Theo quan điểm của đại biểu nhận xét như vậy thì cũng chưa đủ để cho rằng là đang xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, cho dù người đó là công dân bình thường, chứ không phải Chủ tịch tỉnh.
Kênh kiệu thì nhiều nghĩa. Ông ấy cũng là một con người, một công dân chứ không ai nói đến chức vụ Chủ tịch.
Người dân xa rời chính quyền?
Thông qua vụ việc này ông có thấy vị trí của người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương dần dần xa cách khi cứ áp dụng hình phạt kiểu như vậy?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Theo tôi nếu cứ phạt như vậy mà người dân không có quyền nói, quyền khiếu nại thì dân sẽ xa lánh hết người có chức có quyền.
PV: Như vậy, có sợ người dân sau này sẽ không nói, không góp ý với những chủ trương, chính sách của tỉnh?
Sau này dân sẽ không dám nói hay đụng chạm gì tới lãnh đạo, người có chức có quyền, tránh hết. Vậy thì còn gì là nghe dân?
PV: Phải chăng quyền tự do ngôn luận của người dân đang bị xâm phạm?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Ở đây, tôi thấy chỉ là ở mức độ nhẹ thôi. Còn rõ ràng phạt 5 triệu đồng phạt là to rồi, nếu xem đó là phạt hành chính thì ngang với tội gì, phạm vào tội gì.
Nói và phạt người ta 5 triệu đồng thì ở đây cần phải xem là phạt vào khung hình phạt gì? Cần phải nói rõ.
PV: Nếu pháp luật cũng có quy định mức phạt như thế, theo ông đánh giá khi nói những lời như vậy mà bị phạt 5 triệu là to?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nếu muốn phạt hành chính thì phạt bao nhiêu cùng được, tra xem rơi vào khung phạt gì.
Còn phạt hành chính là vi phạm thủ tục hành chính, giao thông đi đường cũng không có hình phạt nào 5 triệu đồng như thế đâu.
PV: Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu tiếp tục sẽ tạo ra tiền lệ xấu khiến người dân không nói gì?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Đúng như vậy, việc này sẽ làm cho người dân xa lánh chính quyền, những người có chức có quyền.
Đã phạt người ta, còn lấy quyền cấp trên để điều người ta đi chỗ khác, rồi lại xử lý về Đảng thì đó cũng là một hình thức kỷ luật nặng nề.
ĐẠI BIỂU DƯƠNG TRUNG QUỐC
Tôi chưa thấy có luật nào quy định nói xấu lãnh đạo khác với nói xấu người dân thường. Nếu xúc phạm cá nhân thì phải xử lý tất cả, chứ ở đây lại đưa ra hoàn cảnh là trước đại hội. Người lãnh đạo phải biết lắng nghe, phải chấp nhận những nhận xét gai góc, thậm chí sai lệch về mình. Việc đầu tiên trong trường hợp đó là hãy soi vào mình. Công chúng - những người đọc cái đó - sẽ phán xét đúng hay sai như thế nào. Nếu xử lý bằng hành chính thì phải đúng luật. Đúng luật thì mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Thế nên tôi cho rằng việc này là không đáng làm, không nên làm. Cụ Hồ đã nói khái niệm “dân chủ” rất dân dã rằng dân chủ làm sao cho dân mở miệng. Cái sợ nhất là dân không thèm nói, không thiết nói nữa. Cái đó là cái nguy hiểm nhất. Đừng để dân sợ mà không nói. Nhưng nguy hiểm nhất là đừng để dân chán mà không tha thiết, không gắn bó với cái sự lãnh đạo của anh nữa.
theo Trí Thức Trẻ


Phạt người chê Chủ tịch tỉnh trên Facebook: 'Xử như vậy là không chấp nhận được'



Liên quan đến vụ phạt người dân chê Chủ tịch tỉnh An Giang trên Facebook, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, khen hay chê lãnh đạo là quyền của người dân, không thể coi đó là chuyện “vu khống” rồi dùng quyền lực trấn áp.
duong-trung-quoc
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trả lời báo chí sáng 20.11 - Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khi trao đổi với báo chí bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 20.11, về vụ “bị phạt vì chê Chủ tịch tỉnh kênh kiệu” đang gây ồn ào dư luận những ngày qua.
* Ông có suy nghĩ gì về việc các vị lãnh đạo bộ ngành hay địa phương khi mới nhậm chức thường có những tuyên bố hoặc hành động rất mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ của dư luận. Nhưng cuối nhiệm kỳ lại có những chuyện rất đáng buồn như việc bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ hưu?
Tôi nghĩ rằng cảnh báo của anh Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội - PV) là rất đúng đắn. Hiện tượng đó tồn tại lâu rồi và chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn bằng pháp luật. Ví dụ như cần quy định trước khi nghỉ hưu anh không được bổ nhiệm, việc bổ nhiệm phải đúng pháp luật…
Những chuyện bổ nhiệm ồ ạt số lượng lớn, rồi đưa các biến thể như “hàm” vụ trưởng, vụ phó chẳng hạn nó đè nặng lên ngân sách nhà nước và để lại hậu quả rất khó xử lý sau này về nhân sự. Những chuyện đó người dân bình thường còn biết thì làm sao các nhà lãnh đạo có trách nhiệm lại không biết. Vấn đề là chúng ta đã để dung túng kéo dài.
* Ở các nước, các nhà lãnh đạo để lại dấu ấn cá nhân rất lớn nhưng ở Việt Nam chưa thấy điều này. Ông nghĩ gì về chuyện đó?
Ở Việt Nam do cơ chế lãnh đạo tập thể nên chuyện dấu ấn cá nhân bị mất đi, kể cả phong cách cá nhân cũng vậy. Nhưng cũng có trường hợp như ông Nguyễn Bá Thanh, mất rồi nhưng đã để lại một phong cách lãnh đạo mà nhiều người rất quý trọng. Tại sao mỗi nhà lãnh đạo không tạo ra được điều đó? Tôi nghĩ chuyện ấy hết sức quan trọng. Đừng nhân danh chống chủ nghĩa cá nhân. Người ta vẫn nói vui là trách nhiệm thì tập thể mà quyền lợi thì cá nhân là vậy. 
* Theo ông cần làm thế nào để có thể tạo được điều đó?
Ở nhiều nước có vấn đề gì thì quan chức phải chịu trách nhiệm đến cùng. Chuyện hồi tố rất quan trọng. Thứ hai nữa là dư luận xã hội. Vụ việc ở An Giang vừa qua chỉ một bình luận của người dân trở thành việc xử lý như vậy là không chấp nhận được. Dư luận xã hội như các cụ nói “bia đá, bia miệng”. Những chuyện như thế sẽ góp phần tích cực vào điều chỉnh nhận thức xã hội và trách nhiệm xã hội.
Không nên dùng quyền lực trấn áp
* Trong vụ việc ở An Giang vừa qua, khi người dân vừa “chê” lãnh đạo đã bị xử lý. Ông có ngại chuyện đó sẽ tiếp diễn không? Vụ việc này có phải là một ví dụ của chuyện lạm dụng quyền lực hay không?
Từ hiện tượng này, các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Tôi nhớ Bác Hồ từng có một định nghĩa rất giản dị về dân chủ, đó là “Dân chủ là làm sao để dân được mở miệng ra”. Dân không được mở miệng, nguy hại hơn là dân không thiết mở miệng nữa. Khi người dân không cộng tác thì chúng ta đánh mất nguồn lực quan trọng cho thể chế. Cho nên cần vào cuộc để xử lý nghiêm túc, công bằng và để lại một quy định có thể là “thành văn” hoặc không về quan hệ giữa lãnh đạo và người dân.
* Trong vụ việc ở An Giang, các cơ quan chức năng địa phương dường như đã không căn cứ vào pháp luật mà dùng những công cụ khác để xử lý người “vi phạm”. Theo ông có cách thức nào để ngăn chặn những câu chuyện tương tự như thế?
Xử lý thì phải theo luật. Nếu tôi nhớ không lầm thì bình luận đó không có gì vu khống cả mà chỉ là bình luận mang tính chất cảm nhận thôi. Họ có thể khen anh đẹp hay chê anh xấu thì đó là quyền người dân chứ. Tại sao lại gắn chuyện đó vào lý do “sắp Đại hội Đảng” để xử lý. Lẽ ra cần thấy chính cái đó là thuốc thử. Nếu số đông họ không tán thành với những bình luận ấy thì đó là ủng hộ cho lãnh đạo. Không nên dùng quyền lực trấn áp không đúng luật.
* Trong văn hoá Việt Nam, chuyện người dân “chê bai” quan chức trước nay dường như ít được nói đến công khai, thậm chí bị coi là cấm kỵ. Theo ông, cần nhìn vụ “chê” lãnh đạo ở An Giang như thế nào?
Đây là chuyện phải gắn với Hiến pháp và pháp luật. Chưa nói đến chuyện “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Đây cũng là cơ hội để chúng ta điều chỉnh nhận thức xã hội về những vấn đề liên quan đến pháp luật. Một xã hội dân sự thì đó là quyền đương nhiên, tất nhiên lời lẽ có thể bị coi là khiếm nhã nhưng không thể nói đó là vu khống được, vì đó là nhận xét của người ta. Nhất là trên mạng nữa.
Theo tôi, nên coi đây là vấn đề giáo dục nhiều hơn, người dân ứng xử xã hội cần có sự lịch thiệp đúng mức và nhất là bày tỏ trên mạng cần thận trọng, vì có thể có những hiệu ứng ngoài ý muốn. Đây cũng là hiện tượng cần được quan tâm để góp phần điều chỉnh chung trong quan hệ xã hội cũng như quan hệ giữa lãnh đạo và người dân. Khi chúng ta đang kêu gọi việc gần dân, nghe dân mà anh lại hành xử như thế thì không được.
Trường Sơn (ghi)

Công văn nghiêm cấm giáo viên… “like” thông tin “nhạy cảm”!

Đăng Bởi  - 
giao vien

“Nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách…”, đó là nội dung công văn do Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang), ký gửi các trường để phổ biến cho giáo viên…

Công văn này vừa được phát hiện - do chỉ lưu hành nội bộ, dù được bà Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Châu Đốc - Nguyễn Thị Hồng Loan, ký từ ngày 2.11.2015. Ngoài các lĩnh vực trên, nội dung công văn còn nghiêm cấm việc đăng tải, like, share… thông tin liên quan đến chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác… trên mạng xã hội. Công văn ghi rõ là: “Nghiêm cấm!”, nhưng không đề cập đến hình thức xử lý!
giao vien
Công văn của Phòng GD-ĐT thị xã Châu Đốc 
Một giáo viên cho biết: “Những vấn đề như chính trị… thì tôi chấp nhận, nhưng riêng về chế độ, chính sách, chẳng lẽ tôi bị nợ lương cũng không được nêu bức xúc? Làm giáo viên khổ vậy?”.
Ngoài đối tượng là cán bộ, giáo viên, thì đối tượng áp dụng này còn có cả… học sinh! Công văn này cũng đề cập đến việc trước đó, Sở TTTT tỉnh An Giang và UBND thị xã Châu Đốc đã có công văn đề cập đến vấn đề này.
Như vậy, đây phải chăng là “chỉ thị” trong toàn tỉnh An Giang, ngay sau khi các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt 3 cán bộ của tỉnh An Giang (quyết định vào giữa tháng 10.2015), khi đăng thông tin “chê” nhan sắc của ông chủ tịch tỉnh và người khác thì like…?

Hồ Nguyễn

Không có nhận xét nào: