Đôi lời phi lộ: Nhân sự kiện Bộ Giáo dục đào tạo lập dự án xóa môn Lịch sử trong chương trình học phổ thông; chúng tôi cho rằng đây là chính sách diệt tận gốc văn hóa Việt đã từng được áp dụng dưới thời Minh Thành tổ thế kỷ XV...
Như mọi người đều biết, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, qua nhiều triều đại, nhiều lần Trung Quốc đã đưa quân xâm lược nước ta hòng khôi phục lại ngàn năm bắc thuốc nhưng đều đã thất bại...
Khi nói đến lịch sử Việt Nam thì chủ yếu vẫn là những trang sử đẫm máu trong quan hệ Việt-Trung do chính quyền Trung Quốc dấy động can qua.
Mặc dù thời cận đại các quốc gia như Pháp, Nhật, Mỹ có đưa quân vào xâm lược nước ta, nhưng dấu ấn đậm nét nhất vẫn là quan hệ với Trung Quốc...
Phải chăng Trung Quốc đứng sau, mượn bàn tay của một số kẻ đang lũng đoạn Bộ Giáo dục Đào tạo: dùng người Việt diệt tận gốc lịch sử văn hóa Việt giống như chính sách Minh Thành tổ ban hành: Dĩ Di trị Di;
Nhận sự kiện Trung Quốc định sử dụng một số kẻ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thực thi chính sách " Dĩ Di trị Di" của Minh Thành Tổ;
Minh Thành Tổ là ông vua Tàu chủ trương xóa bỏ tận gốc tộc Bách Việt - đốt sách- bắt nhân tài Việt đem về Tàu. Trong một đạo sắc chỉ của Minh Thành Tổ ( vua nhà Minh) gởi cho Chu Năng, tướng chỉ huy đoàn quân xâm lăng đã minh chứng ý đồ xóa sạch văn hóa Việt của giới lãnh đạo phương Bắc.
Minh Thành Tổ là ông vua Tàu chủ trương xóa bỏ tận gốc tộc Bách Việt - đốt sách- bắt nhân tài Việt đem về Tàu. Trong một đạo sắc chỉ của Minh Thành Tổ ( vua nhà Minh) gởi cho Chu Năng, tướng chỉ huy đoàn quân xâm lăng đã minh chứng ý đồ xóa sạch văn hóa Việt của giới lãnh đạo phương Bắc.
Đạo sắc chỉ đề ngày 21 tháng 8 năm 1406 (theo Kiều thư của Lý Văn Phượng năm 1540) đã ra lệnh cho toàn thể binh lính Tàu vào đất Việt là đốt sạch mọi sách vỡ, văn tự do người Việt Nam viết, kể cả sách dạy trẻ em, một mảnh một chữ cũng không được để lại. Những đống lửa khổng lồ cháy suốt trong hai năm với mưu đồ xóa bỏ tận gốc rễ văn hóa Việt .
Điều đó cho thấy cuộc Nam xâm lần này với hơn 800 ngàn người Tàu (binh lính và phu binh) không phải chỉ là một cuộc xâm lăng thuần túy quân sự mà nhà Minh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lăng để đồng hóa. Cuộc xâm lăng với mục đích chính là xóa sạch nòi giống Bách Việt trên bản đồ thế giới. Nhưng người Tàu hoàn toàn thất bại. Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã lãnh đạo toàn dân đứng dậy đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước.
Đứng trước nguy cơ: Bộ Giáo dục và Đào tạo loại môn lịch sử ra khỏi chương trình học chính thống, chúng tôi đưa lại một số thông tin liên quan tới chính sách diệt tận gốc văn hóa Việt của nhà Minh:
1. CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ MINH VÀO THẾ KỶ 15
Quân Minh đô hộ nước ta từ năm 1407, và thi hành chính sách thuộc địa khai thác. Để thực hiện công cuộc khai thác, trước hết, nhà Minh đổi Đại Việt thành quận Giao Chỉ, sáp nhập Đại Việt vào Trung Quốc, tổ chức hành chánh quận Giao Chỉ như một quận ở Trung Quốc, đưa người Trung Quốc sang nắm những chức vụ then chốt, dùng một số người Việt chịu cộng tác với nhà Minh vào những chức vụ địa phương.
Sau khi sáp nhập Đại Việt và Trung Quốc, quân Minh tiến hành kế hoạch đồng hóa. Quân Minh tịch thu hoặc tiêu hủy tất cả các loại sách vở của nước Nam , kể cả các bia đá ghi lại sự nghiệp của tiền nhân. Quân Minh chở về Trung Quốc hầu như toàn bộ sách vở Đại Việt đã có từ thời Hồ Quý Ly trở về trước. Các sách nầy được Phan Huy Chú ghi lại trong chương “Văn tịch chí” sách Lịch triều hiến chương loại chí. Thay thế sách vở Đại Việt đã tịch thu và tiêu hủy, nhà Minh cho phát hành rộng rãi sách vở Trung Quốc do vua Minh cho san định lại.
Tháng 9 năm 1414 (giáp ngọ), người Minh ra lệnh lập Văn miếu (thờ Khổng Tử), các đàn thờ thần xã tắc, núi, sông, gió, mưa ở các phủ châu huyện. Về phong tục, người Minh buộc thanh niên nam nữ không được cắt tóc mà phải để tóc dài; phụ nữ phải bận áo ngắn quần dài như người Minh. Người Minh còn cấm người Việt không được ăn trầu. Ăn trầu là một tục lệ lâu đời của người Việt. Cũng trong năm 1414, nhà Minh mở trường học ở Thăng Long và các phủ, châu, huyện.
Trong khi từ từ đồng hóa người Việt, nhà Minh tổ chức khai thác kinh tế để phục vụ nhu cầu của Trung Quốc. Về tài nguyên nhân lực, nhà Minh bắt hết nhân tài Đại Việt, những người thông minh, thông kinh, học rộng, quen thuộc việc quan, chữ đẹp, tính giỏi, nói năng hoạt bát, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh, dũng cảm, quen nghề đi biển, khéo nghề sản xuất gạch, làm hương… đưa về Trung Quốc sử dụng.
Về nông nghiệp, quân Minh quy định mỗi mẫu ruộng chỉ có 3 sào, thay vì 10 sào như cũ. Đổi đơn vị đo lường như thế có nghĩa là tăng thuế ruộng đất lên hơn ba lần. Năm 1410 (canh dần), quân Minh ra lệnh đặt đồn điền ở các nơi gần thành Thăng Long, thu mua lúa ở các phủ Tuyên Hóa, Thái Nguyên, Tam Giang, để cung ứng thực phẩm cho đoàn quân viễn chinh; buộc dân Việt trồng hồ tiêu đặc sản để chuyển về Trung Quốc như: hương liệu, hươu trắng, chim vẹt, vượn bạc má, trăn …Người Minh còn bắt dân chúng vùng rừng núi tìm bắt voi, tê giác, và dân chúng làm nghề chài lưới ven biển đi mò ngọc trai.
Tháng 7 năm mậu tuất (1418), người Minh thiết lập trường sở thu ngọc trai tại hai địa điểm có hải phận sinh sản nhiều ngọc trai. Đó là Vĩnh An (Tiên Yên, Vạn Ninh, Quảng Yên) và Vân Đồn (Vân Hải, Quảng Yên). Hằng ngày, hàng ngàn dân bị đưa đi mò ngọc trai cho người Minh.
Về công nghệ, người Minh thu mua vàng bạc, những kim loại quý hiếm chở về Trung Quốc. Tháng 8 năm ất mùi (1415), nhà Minh thiết lập các trường cục cai quản các vùng mỏ vàng bạc, đốc thúc dân đinh khai đào các kim loại quý, kiểm điểm sản lượng và niêm phong nạp lên thượng cấp.
Nhà Minh thực hiện chính sách thuộc địa khai thác một cách triệt để đến nỗi trong bài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã than: “Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay! quan quả điên liên…. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội; dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được.”
Chuyện nhà Minh cướp sách của ta đem về Tàu
- Xem thêm:Thêm những “ vòng kim cô” sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
Hồ Nguyên Trừng, con trưởng của Hồ Quý Ly. Bị bắt đưa về Tàu nhưng Nguyên Trừng đã không bị ghép tội và bị xử cực hình vì ông đã bằng lòng đem tài riêng của mình, tài chế súng thần cơ, và sự hiểu biết của mình về tình hình Đại Việt ra giúp cho nhà Minh hay cung cấp cho nhà Minh những chỉ dẫn cần thiết để diệt nhà Hậu Trần, trái lại, ông đã được trọng dụng, làm quan đến chức á khanh, công bộ tả thị lang và đã được pháo binh Trung Quốc thời đó kính trọng và sau này tế như là thánh tổ của họ
Phạm Cao Dương
Nguồn: dcvonline.net
Trước hiểm họa mất nước một lần nữa: Nhắc lại chuyện nhà Minh cướp sách của ta đem về Tàu
Trong Khởi Hành số 90, tháng 4 năm 2004, dưới nhan đề “Từ Lĩnh Nam Chích Quái Đến Các Tài Liệu Bị Quân Minh Tịch Thu Đem Về Tàu”, tôi đã viết một bài về việc người Tàu tịch thu sách của ta. Vì bài viết quá ngắn và vì tôi không chỉ rõ các nguồn tài liệu nên sau đó nhiều người thắc mắc. Trong số những vị này, có người là độc giả thuần túy, có người là sinh viên cũ của tôi và cũng có người là học giả có uy tín và rất khả kính.
Tác giả Trần Văn Tích là một trong các học giả uy tín và rất khả kính này. Trần tác giả đã bỏ công viết hẳn một bài đăng với nhan đề “Chuyện Người Tàu Lấy Sách Của Ta” trên Khởi Hành số 92, tháng 6 năm 2004 sau đó và gián tiếp đặt câu hỏi với tôi. Vốn ngưỡng mộ tác giả từ lâu nhờ đọc các công trình khảo cứu của ông, đồng thời lại có dịp gặp ông dù chỉ thoáng qua khi ông tới thăm Quận Cam và Viện Việt học sau đó nên tôi thấy cần phải viết bài này để được làm quen với ông, đồng thời giải đáp đôi chút những thắc mắc của các độc giả mà tôi đã nhận được. Gốc gác của bài viết này là như vậy.
Nhưng năm 2004 khác với năm 2012. Năm 2004 hiểm họa xâm lăng nước ta của người Tàu chưa lộ rõ và chưa thật sự nguy hiểm như trong năm 2011 và bây giờ là năm 2012. Cập nhật hóa và phổ biến những gì tôi thấy được cho bạn bè nói riêng và cho tuổi trẻ Việt Nam nói chung là một điều tôi thấy nên làm mặc dầu tôi vẫn muốn kiếm thêm tài liệu để viết thêm nhiều nữa.
Phải nói là chuyện tôi viết bài đăng trên Khởi Hành số 90 kể trên cũng là do tôi đọc Khởi Hành số 89 y hệt tác giả Trần Văn Tích viết bài đăng trên Khởi Hành số 92 vì ông đọc Khởi Hành số 90. Có điều sự thắc mắc của tôi về chuyện người Tàu tịch thu hết các sách vở của ta đem đốt hết hay đem về Tàu là có từ lâu. Thắc mắc nhưng đồng thời cũng là một nỗi ấm ức, bực bội, đau đớn, xót xa, tủi nhục, đặc biệt là mỗi khi tôi có việc phải tìm hiểu về hai thời Lý Trần, hai triều đại đã đóng góp rất nhiều cho vinh quang của xứ sở và của dân tộc mình. Tôi biết nỗi ấm ức, bực bội, đau đớn, xót xa, tủi nhục của tôi cũng là vừacủa chung của cả dân tộc tôi, dù cho là tôi đang làm công chuyện tìm hiểu và nghiên cứu.
Tôi cũng biết tìm hiểu và nghiên cứu là phải có cái đầu lạnh chừng nào hay chừng ấy, càng lạnh càng tốt, nhất là nghiên cứu về quá khứ, nhưng dù muốn hay không tôi vẫn là người Việt Nam. Có lẽ tôi không theo kịp Trần tác giả ở điểm này. Có điều những gì tôi viết ra chỉ là một gợi ý và gợi ý về những sách vở và tài liệu liên hệ tới nước Đại Việt đương thời do chính người Đại Việt viết, trong đó có học thuật, tư tưởng, phong tục, tập quán, sử ký, địa lý và tất nhiên gồm cả văn chương, thi ca…, những gì có thể giúp cho người thời đó và người sau này tìm hiểu về nước Đại Việt và dân tộc Đại Việt.
Những sách vở, tài liệu này tôi tin là nhiều lắm, nhiều hơn là những gì ta hiện có, cộng thêm với những gì được liệt kê trong danh sách những sách đã mất mà các cụ ta sau này còn nhớ được và viết lại trong sử sách do các cụ viết.(1) Tôi dám tin là như vậy vì đây là cả một kho tàng tổ tiên ta đã tạo dựng được trong suốt bốn trăm năm thịnh trị nhất của lịch sử dân tộc mình. Tôi cũng dám tin như vậy vì trong bài tựa của Việt Âm Thi Tập, sưu tập thơ của thời Lý-Trần và thời Lê Sơ do Phan Phu Tiên khởi đầu và Chu Xa thực hiện, Lý Tử Tấn đề tựa. Cả ba đều là người đương thời. Những sự hiểu biết của các ông còn rất nóng.
Phan Phu Tiên đậu Thái Học Sinh năm 1396 đời Vua Trần Thuận Tông, Lý Tử Tấn đậu đồng khoa Thái Học Sinh với Nguyễn Trãi, khoa Canh Thìn (1400) triều Nhà Hồ, còn Chu Xa thì trẻ hơn một chút vì sách được soạn xong năm 1459 dưới triều Vua Lê Nhân Tông, tiếp nối công trình của Phan Phu Tiên hoàn thành năm 1433, niên hiệu Thuận Thiên triều Vua Lê Thái Tổ nên những gì các ông biết về sách vở, thi ca của hai Triều Lý và Trần phong phú đến mực nào cũng như hành động tịch thu sách của người Việt của Nhà Minh là như thế nào. Lý Tử Tấn trong bài tựa của Việt Âm Thi Tập cho biết là sau cơn binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn. Nguyên văn như sau:
“… Như các vua Triều Trần là Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông, cùng là Chu Tiều Ẩn tiên sinh (Chu An), các ông họ Phạm ở Hiệp Thạch (Phạm Sư Mạnh), họ Lê ở Lương Giang (Lê Quát), Nguyễn Giới Hiên (Nguyễn Trung Ngạn) và anh em ông Phạm Kính Khê (Phạm Tông Mại, Phạm Ngộ) đdều có tập thơ riêng lưu truyền ở đời. Về sau, vì binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn.”(2)
Điều cần phải để ý là đây mới chỉ là thơ mà thôi.
Sự thịnh trị này đã được chính Minh Thái Tổ ghi nhận khi ông ban cho sứ thần của ta bốn chữ Văn Hiến Chi Bang vào năm 1368(3) và Trần Nguyên Đán (1325 – 1390), cha vợ của Nguyễn Phi Khanh hay ông ngoại của Nguyễn Trãi đã miêu tả qua câu thơ bất hủ “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” (trăm họ vui ca mừng thời thịnh trị)(4).
Cái gì đã làm cho Đại Việt là một nước văn hiến? cái gì đã làm cho trăm họ Đại Việt âu ca lạc thịnh thì? Cái gì đã làm cho một nước nhỏ bằng bàn tay(5) thắng được quân nhà Tống và luôn cả quân Mông Cổ, điều thượng quốc của người Việt trong nhiều thế kỷ và luôn cả hiện tại, tôi muốn nói là chính nước khổng lồ Trung Quốc, không làm được? [1368 Chu Nguyên Chương đã chấm dứt vai trò thống trị của Nhà Nguyên (Mông Cổ) ở Trung Quốc, sáng lập Minh triều, xưng Hồng Vũ Đế (Minh Thái Tổ). – DCVOnline.] Đó phải là những câu hỏi mọi người nghiên cứu về thời này phải tìm hiểu để trả lời.
Những sách vở do người Đại Việt đương thời biên soạn hay sáng tác chắc chắn là những nguồn hiểu biết vô cùng quan trọng về đất nước và con người Đại Việt mà những ai, kể cả người Tàu đương thời, có nhu cầu tìm hiểu hay chỉ vì vì tò mò, cũng muốn đọc và lưu giữ. Nếu quả như vậy thì phần nào những sách vở, tài liệu này vẫn chưa bị mất và vẫn còn nằm đâu đó bên Tàu, dưới hình thức này hay hình thức khác, nếu kiên trì tìm kiếm và có phương pháp tìm kiếm, người ta vẫn có thể thấy lại được. Tất nhiên là với tất cả sự dè dặt tối thiểu mà một nhà sưu tầm, khảo cứu cần phải có.
Ý được gợi ra nhưng câu trả lời đầu tiên được ghi nhận gần như là không tưởng vì nếu cứ nhất định căn cứ vào tài liệu của thời đó để lại thì làm gì có chuyện người Tàu lấy sách của ta đem về Tàu. Minh Thành Tổ trong hai đạo sắc dụ của ông có hạ lệnh cho tướng lãnh, quân binh của ông đem về Tàu đâu. Câu trả lời của tôi là căn cứ vào các sách sử của ta. Tôi có thể chưa có dịp đọc hết các sách vở, tài liệu có thể chứa những chi tiết về chuyện này, nhưng trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, chính sử của nhà Nguyễn và trước đó, Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong Lê Triều Thông Sử đã viết rất rõ điều này.
Trước hết, trong Lê Triều Thông Sử, phần “Nghệ Văn Chí,” Lê Quý Đôn có viết: ”Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng.”(6)vi Còn trong KĐVSTGCM, phần Chính Biên, quyển XXXIII, sau phần nói về việc vua nhà Minh cho in các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh và Tính Lý Đại Toàn và sai Giám Sinh Đường Nghĩa sang nước ta ban phát cho những người Nho học có chép thêm “Còn các sự tích và sử sách của nước ta từ đời Trần trở về trước đều tịch thu đưa về Kim Lăng.”(7)
Gần ta hơn, Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong tuyển tập nhan đề Văn Hóa Việt Nam, Tìm Tòi và Suy Gẫm cũng viết
“Cướp được nước ta, trong 20 năm trời bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hóa, giặc Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý – Trần. Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418 ), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hóa, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hóa, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!”(8)
Tất nhiên các nhà nghiên cứu thận trọng vẫn có thể nói rằng những ghi chú kể trên đều là bởi những người của nhiều thế kỷ sau này viết nên vẫn chưa đủ thuyết phục, và ta vẫn cần phải có thêm bằng chứng.
Thực sự thì ta không biết Lê Quý Đôn rồi sau này các nhà san định bộ KĐVSTGCM đã căn cứ vào đâu để ghi chép như trên. Có thể các vị này đã căn cứ vào Lê Quý Đôn còn Lê Quý Đôn thì căn cứ vào những gì ông đọc được và nghe được từ những người của thời trước ông. Chúng ta cần ghi nhớ là Lê Quý Đôn là người chịu khó tìm tòi, học hỏi. Ông đã đọc rất nhiều và rất rộng và ghi chép rất cẩn thận. Còn Trần Quốc Vượng thì đã không nêu rõ các nguồn sử liệu ông đã dùng. Nhưng sử gia này cũng là người làm việc rất tỉ mỉ và có phương pháp nên chắc chắn đã không đưa ra những ghi nhận về sự kiện kể trên một cách hồ đồ vô căn cứ. Dù sao, một khi nghi vấn đã được đưa ra, ta vẫn cần phải truy tầm vừa bằng tài liệu nếu có và vừa bằng suy luận cặn kẽ chừng nào hay chừng nấy.
Trước hết ta hãy đọc lại những phần chính liên hệ tới vấn đề sách vở của người Việt trong ba sắc chỉ của Minh Thành Tổ được ghi trong Việt Kiệu Thư, được dịch và in lại trong Thơ Văn Lý Trần, công trình được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu có uy tín và đáng tin cậy của Việt Nam trong thế kỷ trước, để thấy lại phần nào chi tiết liên hệ, nhất là sắc chỉ thứ hai, ban hành vào ngày 16 tháng 6 năm 1407, theo đó thì Minh Thành Tổ đã nhiều lần bảo các tướng sĩ của ông ta là phải hủy diệt lập tức những sách vở của người Việt này, nhưng các tướng lãnh của ông đã không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Còn quân lính thì phần đông không biết chữ…thì khi “đài tải” sẽ bị mất mát nhiều(9).
Tại sao lại “đài tải”? Tại sao lại lo mất mát nhiều?
Đến sắc chỉ thứ ba ban hành ngày 24 tháng 6 năm 1407, Minh Thành Tổ lại ra lệnh cho các tướng lãnh của ông phải cấp tốc thu hồi những văn kiện ông ban hành từ trước:
“Nay An-nam đã bình định xong […] trừ các loại chế dụ ra, còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các ký sự thư thiếp, đã từng phát đi từ trước, cùng với sổ ghi chép mà Thành Quốc Công đã lĩnh hoặc các thứ [sổ sách] trù nghị mọi chuyện, đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại, không cho lưu lại một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại rơi vào tay bọn kia thì rất bất tiện.”(10)
Ở đây người ta thấy sự kiện đã quá rõ rệt là lệnh của vua Nhà Minh đã không được triệt để thi hành và các sách vở quân Minh thu được đã không bị đốt bỏ hết. Một số khác trên đường đài tải đã bị mất mát rất nhiều. Ngoài ra, ngoài ba dụ chỉ hiện được người ta biết tới, chắc chắn còn nhiều văn kiện mật khác hoặc đã được niêm phong gửi lại triều đình Kim Lăng, hoặc đã bị hủy bỏ trong thời điểm này. Chúng chứa đựng những gì hiện tại chúng ta chưa biết được. Do đó nếu chúng ta chỉ căn cứ vào sắc chỉ thứ nhất (được nói tới trong Thơ Văn Lý-Trần), ban hành ngày 21 tháng 8 năm 1406, cho Chu Năng kể trên, mà bảo rằng không hề có chuyện người Minh đem sách vở của ta về Tàu, tôi e rằng quá vội vã. Chúng ta chỉ có thể biết rõ hơn chừng nào kiếm ra được những tài liệu mật này. Đây gần như là một việc mò kim đáy biển.
Tuy nhiên còn có những lý do khác khiến ta có thể viện dẫn được. Thứ nhất là tính tò mò của các tướng sĩ nhà Minh, một tính tự nhiên và phổ quát của con người mà họ không tránh được, đặc biệt ở những người có học khi họ kiếm được những sách nói về những điều họ đã học; ở đây tôi muốn nói tới các sách về Tam Giáo đặc biệt là sách của Hồ Quý Ly(11) và của Chu Văn An(12), chưa kể tới hoàn cảnh họ phải sống xa nhà. Thứ hai là các nhu cầu quân sự, hành chánh và bình định. Các tướng sĩ trong ban tham mưu của Chu Năng và sau này của Trương Phụ và các nhà hành chánh sau này nữa chắc chắn phải thu thập bất cứ tài liệu gì họ thu thập được, phân tích nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ để hiểu rõ kẻ địch của họ và của dân bản địa mà họ phải bình định và cai trị. Nghiên cứu rồi sau đó đem theo mình và giữ lại làm của riêng là một việc làm tự nhiên của họ; còn triều đình nhà Minh thì ở xa, làm sao có thể theo dõi chặt chẽ được.
Câu hỏi kế tiếp người ta có thể nêu lên là cho đến những ngày hiện tại đã có tác phẩm nào của người Việt sau nhiều thế kỷ luân lạc đã được người ta khám phá ra dưới hình thức này hay hình thức khác chưa? Câu trả lời là có. Đó là Việt Sử Lược và Thiền Uyển Tập Anh. Hai cuốn sách này xuất hiện từ thời nhà Trần và đã được người sau chép hay viết lại. Việt Sử Lược đã bị thất truyền rất lâu, mãi đến thời Càn Long nhà Thanh (1736 – 1795) mới được đem in, nói là theo bản của tuần phủ Sơn Đông thu nhặt được đem dâng lên vua với người hiệu đính là Tiền Hi Tộ, người Giang Tô, người đã san định bộ Thủ Sơn Các Tùng Thư. Việt Sử Lược được lưu trữ ở Thủ Sơn Các Tùng Thư và ở Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của nhà Thanh và đã được nhiều nhà xuất bản Trung Quốc ấn hành. Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã phiên dịch sang Việt ngữ, giới thiệu và chú giải(13).xiii Trong bản dịch này Trần Quốc Vượng có nói tới Thiền Uyển Tập Anh khi ông bàn về việc các người họ Lý bị đổi thành họ Trần, nhưng đến Lê Mạnh Thát thì sau khi đối chiếu nội dung của Thiền Uyển Tập Anh với An Nam Chí Nguyên, nhà học giả Phật giáo uyên thâm này đã khẳng định là: “Khi quân Minh đánh chiếm được nước ta vào năm 1407, Thiền Uyển Tập Anh đã bị chúng thu gom và sau này được dùng một phần để viết An nam chí nguyên.”(14)
Trên đây là những gì tôi ghi tạm để cấp thời chia sẻ với mọi người, đặc biệt là giới trẻ khi hiển họa mất nước của dân tộc ta trước những mưu toan vừa công khai vừa tiệm tiến và vô cùng thâm độc của người Tàu đang diễn ra ở cả ngoài biển đảo lẫn trên đất liền, ở dọc biên giới với những khu rừng đầu nguồn, trên cao nguyên cũng như dưới đồng bằng dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Cà Mau, đối với đất đai cũng như đối với con người.
Tất cả đã trở thành một một mối ưu tư và một đề tài vô cùng nóng hổi cho những ai còn lưu tâm tới tiền đồ của tổ quốc và tương lai của con cháu mình cũng như trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đồng bào và hàng triệu chiến sĩ ở cả hai bên đã hy sinh trong cuộc chiến kéo dài ba mươi năm (1945-1975) vừa qua nhân danh bảo vệ đất nước.
[Trong chiến tranh Việt Nam, nếu tính từ 1945 đến 1975, có nhiều lực lượng hơn “hai bên” tham chiến; từ 1945 đến trước 1954, thực dân Pháp còn đô hộ miền Nam VN (Cochinchina hay là colonie de Cochinchine). Trong Thế chiến Thứ II, quân Nhật chiếm đóng Việt Nam từ 1941-1945. 1 tháng 6, 1946 Pháp lập chính phủ République Autonome de Cochinchine đến 1947 đổi thành “Republic of South Vietnam”, rồi “Provisional Central Government of Vietnam”, 1948, và sau đó là “state of Vietnam” với cựu hoàng Bảo Đại là Quốc trưởng vào năm 1949. Sau 20 tháng 7, 1954 cuộc chiến trở thành chiến tranh Nam-Bắc giữa VNCH (Republic of Vietnam, RVN, với đồng minh chính là Mỹ) và VNDCCH (Democratic Republic of Vietnam, DRV, với đồng minh chính là Liên Xô và Trung Cộng). DCVOnline.]
Bài viết, do đó, chắc chắn còn nhiều thiếu sót và sơ hở. Tôi sẽ xin bổ túc khi có dịp. Riêng về giá trị văn chương của thi phú của ta thì tôi không dám lạm bàn vì sự hiểu biết và khả năng của tôi về khía cạnh này không đủ. Nếu tôi có đọc các tác phẩm thuộc loại này thì chỉ là để tìm hiểu về các thời kỳ hay các nhân vật liên hệ tới lịch sử. Tuy nhiên nếu người Tàu có làm chuyện hủy diệt hay chép lại hay viết lại sách hay đạo văn của ta khi họ xâm lăng nước ta vào đầu thế kỷ XV thì họ chỉ nhằm triệt tiêu khả năng tinh thần, lòng tin tưởng và hãnh diện của dân tộc ta để phòng ngừa hậu họa, không phải chỉ ở thời điểm xâm lăng hay đô hộ mà vĩnh viễn sau này nữa.
Đây là một chính sách vô cùng tàn độc nếu ta dùng tữ ngữ chung của nhiều người khi nói tới hay viết về giai đoạn lich sử này của dân tộc và của đất nước ta. Một chính sách không phải chỉ phát xuất từ tham vọng Đại Hán mà còn có thể được coi như phản ảnh của một mặc cảm, một sự sợ hãi lo âu trước sự thành công không thể ngờ được của Đại Việt trước sự thất bại của Thiên Triều Trung Quốc, một chính sách và một hành vi nếu được thực hiện vào thời điểm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI hiện tại, quốc gia chủ trương sẽ phải chính thức và long trọng xin lỗi. Có điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại…
Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không chấp nhận được. Còn nếu vị Hoàng Đế sáng lập nên Triều Đại Nhà Minh là Minh Thái Tổ ban cho sứ Đại Việt bốn chữ Văn Hiến Chi Bang, vô tình ông đã khai tử cả một nền văn hóa riêng của Đại Việt mà đao phủ là hậu duệ của ông, Minh Thành Tổ. Là người sáng lập nên một triều đại mới, Minh Thái Tổ có thể có một cái nhìn rộng rãi bao dung nhưng những người kế vị ông coi đó là một sự xúc phạm đến thiên triều khi chính tình của nhà Minh đã ổn định. Cuối cùng ta cũng không nên quên là kiêu căng nhưng người Tàu vẫn luôn mở cửa để thu góp chất xám từ các xứ chung quanh bằng cách đòi hỏi các xứ này phải cống những người tài giỏi khi các nước này còn độc lập hoặc ruồng bắt những người này khi các nước họ bị xâm lăng hay đô hộ đem về Trung Quốc. Điều này đã xảy ra trong thời quân Minh xâm lăng nước ta khi vua Minh hạ lệnh cho Trương Phụ và các tướng tá của ông này
“tìm tòi dò hỏi những người ẩn dật ở núi rừng, có tài, có đức, thông suốt năm kinh, văn hay, học rộng, thạo việc, am hiểu thư toán, nói năng hoạt bát, hiếu đễ, chăm làm ruộng, tướng mạo khôi ngô, gân sức cứng rắn, cùng những người hiểu biết nghề cầu cúng, làm thuốc, xem bói, dều đưa sang Kim Lăng, sẽ trao cho quan chức, rồi cho về trấn trị các phủ, châu huyện”.(15)
Lệnh này phải được hiểu là nhằm thâu góp nhân tài của Đại Việt để phục vụ cho thiên triều ở Trung Quốc hơn là để sau này cho về phục vụ trong ngành hành chánh ở Đại Việt vì nếu cho họ phục vụ ngay tại Đại Việt, cần gì phải đưa họ về Kim Lăng, đường xá vừa xa xôi, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm. Đưa về phục vụ ở Đại Việt chỉ là miếng mồi không hơn, không kém, giữ họ lại Trung Quốc để khai thác mới là chính.
Một trường hợp điển hình cho chính sách tom góp và thu dụng nhân tài của nhà Minh đương thời là trường hợp của Hồ Nguyên Trừng, con trưởng của Hồ Quý Ly. Bị bắt đưa về Tàu nhưng Nguyên Trừng đã không bị ghép tội và bị xử cực hình vì ông đã bằng lòng đem tài riêng của mình, tài chế súng thần cơ, và sự hiểu biết của mình về tình hình Đại Việt ra giúp cho nhà Minh hay cung cấp cho nhà Minh những chỉ dẫn cần thiết để diệt nhà Hậu Trần, trái lại, ông đã được trọng dụng, làm quan đến chức á khanh, công bộ tả thị lang và đã được pháo binh Trung Quốc thời đó kính trọng và sau này tế như là thánh tổ của họ. Nói cách khác, người Tàu luôn luôn có chính sách thu góp mọi thứ ở chung quanh về làm giàu cho xứ họ. Đối với họ, nước họ phải là nhất, các nước chung quanh không được phép hơn họ.
Do đó cái gì có giá trị họ thu góp hết, trong đó có sự hiểu biết, có sách vở, có các sản phẩm nghệ thuật, có văn chương, thơ phú… Thu góp và để nguyên như vậy hay sửa đổi đi nhưng tất cả đều phải trở thành di sản văn hóa riêng của họ, điều sau này họ tiếp tục làm, người Nhật cũng làm và người Mỹ, người Anh, người Pháp cũng làm; nhưng ở không thời nào, không người nào có mưu toan thâm độc và tàn bạo như người Tàu dưới thời nhà Minh xâm lăng Đại Việt. Hậu quả là từ sau thời Minh thuộc, người Việt không bao giờ có được những vinh quang đáng nể đối với người ngoài, đáng hãnh diện cho chính mình như thời trước đó nữa.
Phạm Cao Dương
Kỷ niệm Ngày Giỗ Trận Đống Đa năm Nhâm Thìn 2012
——————————————————————————–
——————————————————————————–
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, và minh hoạ. Chú thích của tác giả
(1) Dựa theo phần “Văn Tịch Chí”, trong Lịch Triều Hiến Chưong Loại Chí của Phan Huy Chú, các nhà san định bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục liệt kê các tác phẩm “mà người Minh tịch thu mất” như sau:
Tất nhiên đây chỉ là những tác phẩm được tập trung lại thành sách. Chỉ cần đối chiếu với danh sách các tác phẩm được Lê Quý Đôn ghi trong phần “Nghệ Văn Chí” thuộc tác phẩm Đại Việt Thông Sử người ta thấy còn nhiều sách khác đã bị mai một mà các cụ đã bỏ qua không ghi ra hết, chẳng hạn như Hoàng Tông Ngọc Diệp, 1 quyển, soạn năm thứ 17 đời Lý Thái Tổ (1026); Quốc Triều Thông Chế, 20 quyển, soạn trong thời Trần Thái Tông, Công Văn Cách Thức thời Vua Trần Anh Tông, năm 1299, Nam Bắc phân Giới Địa Đồ, thời Vua Lý Anh Tông, năm 1147… Còn nhiều tài liệu rời thuộc các sinh hoạt chính trị, hành chánh, giáo dục, văn chương, thi ca… có giá trị khác cũng đã bị tiêu hủy hay bị Quân Minh lấy mất, tiêu hủy hay đem về Tàu. Xin xem thêm: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập Một, bản dịch của Viện Sử Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1998, tr. 765-767; Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn Toàn tập, Tập III, Đại Việt Thông Sử, bản dịch ncủa Ngô Thế Long. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 103-113; Lệ ThầnTrần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Saigon : Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971, tr. 212-213.
(2) Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm, Nguồn Tư Liệu Văn Học Sử Học Việt Nam , Tập II. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 26-30; Lại Nguyên Ân, Từ Điển Văn Học Việt Nam . Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1999, tr. 734-35.
(3) Phạm Cao Dương, “Chung quanh hai chữ Văn Hiến trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Đệ Nhất Công Thần Triều Lê: Nguyễn Trãi”, trong Đại Học Văn Khoa Saigon, Tập I. Huntington Beach: Dòng Việt, 1999, tr. 77-80.
(4) Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam , Viện Văn Học, Thơ Văn Lý-Trần, Tập III. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 196.
(5) Lời phê của Vua Trần Nhân Tông về việc Trần Anh Tông phong thưởng quá nhiều quan tước. Nguyên văn: “Một nước to bằng bàn tay, mà sao lại có triều ban nhiều như thế này!”Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, đã dẫn, tr.589; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, bản dịch của Hoàng Văn Lâu. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 103-104.
(6) Lê Quý Đôn Toàn Tập, Tập III, Đại Việt Thông Sử, “Nghệ Văn Chí” , bản dịch của Ngô Thế Long, đã dẫn, tr. 100-101.
(7) Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập Một, đã dẫn.
(8) Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam , Tìm Tòi và Suy Gẫm. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc, Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật, 2000, tr. 754-755.
(9) Thơ Văn Lý-Trần, đã dẫn, Tập I, 1977, tr. 58.
(10) -nt- , tr. 58-59.
(11) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm Quang Thái thứ 5 thời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có dâng lên vua sách Minh Đạo gồm có 14 chương trong đó ông đã đưa ra nhiều nhận định mới và độc đáo. Đại khái “ông cho Chu Công là Tiên Thánh, Không Tử là Tiên Sư, ở Văn Miếu để Chu Công ở chính giữa, nhìn về phương nam, Khổng Tử ở phía bên, nhìn về phương tây, sách Luận Ngữ có bốn chỗ đáng ngờ, cho Hàn Dũ là đạo nho, cho bọn Chu Mậu Thúc, Trình Di, Dương Thi, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử, tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo việc cóp nhặt văn chương người xưa.” Những nhận xét này bị Ngô Sĩ Liên cho là “khinh suất bàn về ngài (Khổng Tử) thì thục là không biết lượng sức mình. Ta không biết lý luận của Quý Ly là như thế nào vì sách này không còn nữa nhưng dù sao nó cũng chứng tỏ lối học của họ Hồ là có suy nghĩ, phê bình chứ không máy móc, thụ động như sau này. Còn Vua Tự Đức thì cho rằng những nhận định này chưa phải đã hoàn toàn sai. Ngoài Minh Đạo, Quý Ly còn làm Quốc Ngữ Thi Nghĩa và viết bài Tựa để dạy cho các cung nữ Sách này cũng có điểm đặc biệt là tác giả phần nhiều đã chép theo ý mình chử không theo tập truyện của Chu Tử. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, đã dẫn, tr. 184-185, 190. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển Thứ XI, đã dẫn, tr. 688-689.
(12) 1292-1370. Ngoài vai trò của một sư biểu của Việt Nam, Chu Văn An còn là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có Tứ Thư Thuyết Ước, Tiều Ẩn Thi, Thanh Trì Quang Liệt Chu Thị Di Thư, Quốc Ngữ Thi, Thất Trảm Sớ.
(13) Tác giả khuyết danh đời Trần, Thế kỷ XIV, Việt Sử Lược, bản dịch và chú giải của Trần Quốc Vượng. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Sử Địa, 1960.
(14) Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh. Saigon: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam , tr.24.
(15) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, đã dẫn, tr. 755.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét