Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Ông Trương Trọng Nghĩa: 'Vay ODA Trung Quốc dễ há miệng mắc quai'

Vốn vay chưa chắc rẻ, kèm nhiều điều kiện cũng như gây khó cho cuộc chiến pháp lý đòi chủ quyền... là những lý do khiến vị đại biểu Quốc hội, đồng thời là luật sư cho rằng Việt Nam không nên sử dụng ODA Trung Quốc.
- Trong phiên chất vấn ngày 17/11, ông từng đề nghị Chính phủ không nên vay tiền hay nhận viện trợ của Trung Quốc. Vì sao ông lại đưa ra đề xuất này?
- Nhận viện trợ và vay vốn ưu đãi (ODA) nói chung khác với quan hệ thương mại đầu tư thông thường. Hợp tác đầu tư cần theo các nguyên tắc quốc tế chung như không phân biệt đối xử nước này với nước kia, trong nước và quốc tế… Với ODA, bên vay có quyền chọn lựa, xem xét trên nhiều yếu tố, phụ thuộc quan hệ các nước với nhau.
Yếu tố đầu tiên là lãi suất rẻ. Thứ hai thường là do các ràng buộc, mỗi nước đưa ra một tiêu chí khác nhau như sử dụng công nghệ, trang thiết bị của nước cho vay... nhưng thường không có yếu tố lao động. Trung Quốc thì ngược lại, họ đưa sang rất nhiều lao động với lý do người Việt chưa làm được.
Một lý do nữa mà tôi kiến nghị thận trọng là Trung Quốc có thêm yếu tố các nước khác không có: Họ đã chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam. Do đó, quan hệ với Trung Quốc là hết sức nhạy cảm.
- Dù vậy nhưng vốn ODA vẫn là quan hệ thương mại, có vay có trả. Ông nghĩ sao về việc phải tách bạch chính trị với kinh tế?
- Về lý thuyết là như vậy nhưng trong lịch sử quan hệ hai nước, từng có tiền lệ họ đưa những dẫn chứng về giúp đỡ kinh tế để làm khó khi đàm phán chính trị. Mới đây tại Singapore, ông Tập Cận Bình lại nói Hoàng Sa, Trường Sa từ xưa đã là của Trung Quốc. Thậm chí một Thứ trưởng ngoại giao của họ còn nói Trung Quốc có quyền chiếm lại 2 quần đảo này nhưng chưa làm... Những điều này là sai trái.
Điều tôi từng chờ đợi ở lãnh đạo Trung Quốc về việc tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, chứ không phải những lời hứa như viện trợ một tỷ nhân dân tệ mà ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm gần đây. Cuối cùng thì không có những cam kết như vậy. Do đó, tôi cho rằng Việt Nam càng không nên dễ dãi trong các quan hệ kinh tế, trong đó có nhận viện trợ ODA. Ta phải có những suy xét, điều kiện để không cản trở việc khẳng định chủ quyền và sau này đi kiện cũng để họ không có lý do gì mà vặn vẹo, không "há miệng mắc quai".
ong-truong-trong-nghia-vay-oda-trung-quoc-de-ha-mieng-mac-quai
Ông Trương Trọng Nghĩa lo ngại sẽ khó đòi chủ quyền một khi lệ thuộc vào ODA Trung Quốc. Ảnh: Giang Huy
- Ngoài yếu tố chính trị, còn lý do nào khác khiến ông cho rằng không nên vay ODA Trung Quốc?

- Với Trung Quốc, tôi không chỉ nói về riêng ODA mà là cả quan hệ kinh tế nói chung, quan hệ đấu thầu, mua sắm thiết bị... Qua trao đổi với các chuyên gia, tôi được biết dự án họ làm tưởng rẻ nhưng lại hóa đắt. Nhiều nơi nhà thầu họ không đủ năng lực, đòi tăng vốn, thậm chí bỏ về nửa chừng. Tình trạng này diễn ra ở khắp nơi, ở địa phương tôi là TP.HCM cũng đã có.
Tại không ít dự án ODA Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước cho biết rất khó tham gia, không chỉ từ thiết kế, thi công mà đến lao động phổ thông, cung cấp thiết bị... Đến cái đinh ốc họ cũng làm. Trong khi đối với các dự án nhận ODA các nước khác, thì tỷ lệ công việc mà người Việt tham gia vào rất cao. Ngay với dự án vay các nước phát triển, công nghệ hiện đại thì ta cũng tham gia thầu phụ 80-90% và họ đồng ý chuyển giao công nghệ vì thấy doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được. Tất cả yếu tố đó buộc Việt Nam phải cân nhắc khi làm ăn với họ.
- Khi thảo luận về vấn đề nhận viện trợ, ODA trong Luật Tham gia các điều ước quốc tế, có đại biểu đề xuất Quốc hội phải có ý kiến về vấn đề vay vốn Trung Quốc. Ý kiến của ông như thế nào?
- Quốc hội hay Chính phủ cũng đều là Nhà nước cả, chưa kể còn có sự lãnh đạo của Đảng. Trong tất cả các trường hợp, tôi nghĩ đều cần có xem xét kỹ lưỡng của Đảng, Nhà nước.
Tôi phản ánh tại Quốc hội chỉ là chuyển tải sư băn khoăn, lo ngại của người dân, nhất là trước các hành vi hiếu chiến, xâm lấn ngày càng tăng của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền của ta. Theo đó, nhân dân cảm thấy nếu bị ràng buộc ngày càng nhiều thì sẽ có trở ngại, khó khăn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tôi chuyển nguyện vọng, băn khoăn ấy của cử tri để Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước suy ngẫm.
- Trả lời chất vấn của ông và một số đại biểu về vấn đề này ngày 18/11, Thủ tướng có nói với Trung Quốc thì chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thủ tướng không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi mà chỉ nói những nguyên tắc chung về quan hệ với Trung Quốc. Điều tôi muốn nói là nhân dân chờ đợi không chỉ một câu nói trên diễn đàn Quốc hội, mà là lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có hành động cụ thể gì cho thấy đã tôn trọng nỗi băn khoăn chính đáng của họ. Tôi cho rằng khi ra chủ trương cụ thể trong quan hệ với Trung Quốc cần thể hiện sự lắng nghe ấy. 
Chí Hiếu

Đà Nẵng đã chấp thuận 300 lao động Trung Quốc vào làm việc

Đà Nẵng đã đồng ý cho 300 lao động Trung Quốc sang làm việc. Số lao động này sẽ làm việc từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017. (Ảnh: soha.vn)
Đà Nẵng đã đồng ý cho 300 lao động Trung Quốc sang làm việc. Số lao động này sẽ làm việc từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017. (Ảnh: soha.vn)



Đã có kết luận xung quanh việc bàn tán xôn xao của dư luận trong những ngày qua về việc đề xuất của Sở LĐTBXH Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi Việt Nam đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) qua Đà Nẵng xây khách sạn JW Marriott.
UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý cho nhà thầu là công ty TNHH Sichuan Hua Shi được phép sử dụng lao động là người nước ngoài trên cơ sở điều chuyền nội bộ từ công ty mẹ (có trụ sở ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) sang làm việc tại Đà Nẵng, theo báo Tuổi Trẻ đưa tin..

Theo đó, 300 lao động kỹ thuật người Trung Quốc sẽ làm việc tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott tại lô 8, đường Võ Nguyên Giáp (P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores đầu tư.
Dự án công trình khách sạn năm sao JW Marriott nằm cạnh sân bay Nước Mặn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) – một cứ điểm quân sự quan trọng ở Đà Nẵng.



Khách sạn năm sao JW Marriott đang xây trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn - (Ảnh: motthegioi.vn)
Khách sạn năm sao JW Marriott đang xây trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn – (Ảnh: motthegioi.vn)

Hai công ty đã nêu giải trình thêm về việc xin điều chuyển 300 lao động người Trung Quốc đến Đà Nẵng là do: dự án đang chậm tiến độ, việc thi công bị trì trệ do nhân viên quản lý và thiết kế là người nước ngoài, ngôn ngữ bất đồng dẫn đến việc giao tiếp với người bản địa khó khăn. Ngoài ra, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp nên phần lớn lao động bản địa không thích ứng được dẫn đến hiệu quả công việc thấp và lại bận việc đồng áng, nghỉ phép nhiều, theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh cho biết trên báo Người Lao Động, đây là hành động có phần vội vã, nếu Đà Nẵng thực sự thiếu nhân lực, thiếu đội ngũ lao động kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu công việc mới tính đến chuyện cho nhà đầu tư nước ngoài đưa người của họ vào làm việc.



Trại công nhân trước khách sạn JW Marriott của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores. – (Ảnh: motthegioi.vn)
Trại công nhân trước khách sạn JW Marriott của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores. – (Ảnh: motthegioi.vn)

Công ty Silver Shores (có lãnh đạo là người Trung Quốc) hiện đã và đang đầu tư nhiều dự án ở Đà Nẵng. Qua kiểm tra, các dự án này đều nhắm vào những nơi rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng trên địa bàn.



Khu resort giải trí casino của Công ty Silver Shores đối diện sân bay nước mặn Đà Nẵng – (Ảnh: phapluattp.vn)

Trên tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp ở Đà Nẵng, cũng không khó để bắt gặp những nhà hàng, khách sạn để biển quảng cáo, biển hiệu bằng chữ Trung Quốc.
Trước đó, nhiều người dân Đà Nẵng cùng đã bàn tán xôn xao việc người Trung Quốc “núp danh” người Việt ồ ạt mua đất ven biển Đà Nẵng.
Theo Sở TN-MT Đà Nẵng, đã ghi nhận hơn 10 trường hợp giao dịch mua đất đứng tên người Việt nhưng thực chất là người Trung Quốc đứng đằng sau đầu tư; khu vực đất được mua chủ yếu là nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn nằm sát sân bay Nước Mặn.
Từ Ân tổng hợp
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: