(Quốc tế) - Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift hôm 17/11 cho biết, ông không nhìn thấy có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã điều chỉnh hành vi của mình ở Biển Đông, sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9 vừa qua.
Phát biểu trên của ông Swift được đưa ra khi trả lời phỏng vấn của một nhóm nhỏ các phóng viên ở Thượng Hải, nhân dịp khu trục hạm hỏa tiễn USS Stethem của Hải quân Mỹ cập cảng Thượng Hải hôm 16/11 và sẽ có 1 tuần lễ diễn tập chung với quân đội Trung Quốc về truyền tin và cứu hộ.
Đây là lần đầu tiên Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đến thăm Trung Quốc, trong một hoạt động viếng thăm được ông Swift cho biết là nhằm “xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau” giữa hai quân đội và “để đảm bảo những khác biệt trong chính sách của hai nước không biến thành những va chạm trên biển”.
Trong chuyến viếng thăm này, dự kiến, Đô đốc Swift sẽ có cuộc hội đàm với Phó Đô đốc kiêm Chỉ huy Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc và ngoài ra, tàu USS Stethem sẽ có một chặng dừng chân tại Bắc Kinh.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới Trung Quốc ở Thượng Hải nói trên, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho rằng, hòa giải quốc tế là cách tốt nhất để giảm căng thẳng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông – một tuyên bố gián tiếp ủng hộ chiến lược mà Manila đã và đang theo đuổi trong tranh chấp với Bắc Kinh.
Theo Đô đốc Swift, là chỉ huy hải quân hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương, ông rất quan tâm đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cũng như Việt Nam, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan ở Biển Đông và thấy có không ít những tuyên bố thiếu sự minh bạch.
Đô đốc Swift khẳng định rằng, sự mơ hồ trong cơ sở pháp lý của những tuyên bố như vậy, cần phải được giải quyết thông qua trọng tài ở một cơ quan quốc tế – đặc biệt là một tòa án được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn như Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye – tòa án gần đây đã đồng ý tiếp tục xử lý vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, bất chấp việc Bắc Kinh bác bỏ thẩm quyền của tòa án về vấn đề này, cũng như đã từ chối tham gia.
Bên cạnh đó, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, chắc chắn không thể nào sử dụng các biện pháp ép buộc, cưỡng chế để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Từ năm 2012, Trung Quốc đã âm thầm ráo riết bồi đắp, xây dựng phi pháp 7 đảo nhân tạo trên nền các bãi ngầm, rạn san hô mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực và thủ đoạn để giành quyền kiểm soát từ tay Việt Nam và Philippines. Hành động của Bắc Kinh đã khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại và cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc sẽ dùng những đảo nhân tạo này để phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, từng bước lấn tới, độc chiếm vùng biển này, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 vừa qua đã cam kết rằng các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông không ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải ở Biển Đông và Bắc Kinh không “có ý định quân sự hóa” các đảo nhân tạo này.
Sự kiện ngày 27/10/2015, khu trục hạm USS Lassen của Hải quân Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh bãi Đá Su Bi – một trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa phi pháp ở Trường Sa được giới quan sát cho là một trong các động thái cứng rắn của Washington nhằm kiểm tra sự chân thực trong cam kết nói trên của ông Tập Cận Bình.
(Theo Petrotimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét