Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Quyền im lặng chính thức được công nhận


Tin Hà Nội - Sáng 27 tháng 11, Quốc hội CSVN đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, chấm dứt các cuộc tranh luận về quyền im lặng, về việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp.

Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Nhằm giám sát việc tôn trọng quyền im lặng, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, theo Điều 183 của Bộ luật này.

Theo đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội, biện pháp này cũng đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo. Một trong những quy định mới đáng chú ý của bộ luật này là Quốc hội đã quyết định bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, thay thế bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này là để đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tránh nhận thức cho rằng phải có cấp phép bào chữa.

Việc bãi bỏ, thay thế thủ tục này là thành công của giới luật sư tại Việt Nam, trong việc đấu tranh chống lại những rào cản khi hành nghề, cũng như từng bước nâng cao vị thế, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng theo đúng chuẩn mực.

Nhật Nam 

(SBTN)

Việt Nam bỏ 7 tội danh bị án tử hình

mediaẢnh minh họa.Reuters/Stéphane Mahé
Ngày 27/11/2015 Việt Nam loan báo bãi bỏ 7 tội danh trong số những tội phải lãnh án tử hình. Theo AFP, đó là nhờ áp lực của dư luận, tuy vẫn duy trì hình phạt cao nhất này. Đáng chú ý là nếu nộp lại ba phần tư số tiền tham nhũng sẽ thoát được án tử.
Báo chí trong nước cho biết, bảy tội danh được bỏ án tử hình gồm cướp tài sản ; sản xuất hay buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm ; tàng trữ ma túy ; chiếm đoạt ma túy ; phá hủy các công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia ; chống mệnh lệnh ; đầu hàng địch.
Điều 40 Luật Hình sự sửa đổi quy định miễn thi hành án tử hình, chuyển thành chung thân đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người từ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham ô, hối lộ nhưng sau đó đã nộp lại ít nhất 75% số tiền chiếm đoạt. Bộ Luật Hình sự mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
Ý kiến bãi bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng đã được thảo luận tại Quốc hội nhưng rốt cuộc không được chấp thuận. Ý tưởng này đã gây ra các tranh cãi dữ dội trong dân chúng của đất nước độc đảng vốn là một trong những quốc gia tham nhũng nhiều nhất trên thế giới.
Việc sửa đổi bộ Luật Hình sự đã được tranh luận từ nhiều tháng qua, theo đề nghị của Bộ Tư pháp. Như vậy các tội nhẹ liên quan đến ma túy không còn bị xử phạt mức án nặng nhất, ngược lại tội buôn bán ma túy vẫn bị tử hình. Việt Nam có luật lệ thuộc loại nghiêm khắc nhất thế giới về tội danh này.
Hiện có khoảng 700 tử tội đang chờ đợi bị hành quyết tại Việt Nam. Năm 2011, Hà Nội quyết định thay thế việc xử bắn bằng cách tiêm thuốc độc, nhưng sau đó việc thi hành án đã bị ngưng lại trong hai năm do không thể nhập khẩu số thuốc độc cần thiết. Số lượng tử tội bị hành quyết mỗi năm chưa bao giờ được Việt Nam công bố.

Không có nhận xét nào: