Hai ĐBQH đã bấm nút lần 2, tiếp tục hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về số liệu trồng rừng thay thế và việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Sáng nay (16/11), Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ và lãnh đạo Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao. Phiên chất vấn thật sự "nóng" lên khi 2 đại biểu Quốc hội ấn nút hỏi lần 2 đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề về tiến độ trồng rừng thay thế. Có tình trạng nhiều chủ dự án hoàn thành công trình ảnh hưởng đến rừng nhưng không trồng rừng thay thế. Đại biểu Tám truy trách nhiệm: Tại sao khi xem xét phê duyệt dự án không tính đến vấn đề này, trách nhiệm thuộc cơ quan đơn vị cá nhân nào?
Cũng về vấn đề trồng rừng thay thế, Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) “làm nóng” hội trường khi đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình về việc chậm cụ thể hóa các chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư, ứng dụng KHCN cao vào sản xuất.  Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Công Thương xác định rõ trách nhiệm trước việc “số liệu nhảy múa” về diện tích trồng rừng thay thế dự án thủy điện.

Cũng hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa -Vũng Tàu) chất vấn về  quy định tại Điều 5, Khoản 5, mục B, Thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cầm một bản đơn kiến nghị có 40 chữ ký, con dấu của các doanh nghiệp phản ứng về vấn đề này và chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tại sao lại cho rằng đa số các đơn vị liên quan đã đồng ý?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát
Là vị trưởng ngành đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng tất cả yêu cầu của Quốc hội, chất vấn của các đại biểu đã được Bộ nghiêm túc tổ chức thực hiện. Kết quả có việc đạt tốt, có việc đạt chậm so với yêu cầu.

Về vấn đề đại biểu Tô Văn Tám nêu về chậm thực hiện trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ở giai đoạn trước thì tiến hành duyệt dự án thủy điện trước. Tuy nhiên, sau đó, nhất là khi Quốc hội nhắc nhở mới rà soát lại, siết chặt trồng rừng thay thế nên có sự vênh nhau trong xét duyệt dự án thủy điện và trồng rừng. 
"Chúng tôi đang khắc phục và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng luật và rất nghiêm túc. Doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị rút giấy phép hoạt động. 2 năm nay, tình hình chuyển biến tích cực hơn rất nhiều. Hết năm nay, việc trồng rừng thay thế rừng đã lấy làm thủy điện có thể đạt được kế hoạch của năm 2015" - Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Giải thích với đại biểu Trương Văn Vở về sự chênh lệch con số giữa hai Bộ, Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải là do thời điểm thống kê, đồng thời cho biết: "Chúng tôi đã gửi đến Quốc hội danh sách từng dự án, từng tỉnh đã được rà đi soát lại rất kỹ. Bộ sẽ cùng với Bộ Công Thương rà soát lại để báo cáo con số thống nhất giữa hai Bộ".

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết về Thông tư 21 quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu: "Trước khi Thông tư ban hành, Bộ cho lưu hành 4100 tên thuốc BTVT với 1700 hoạt chất. Chúng tôi thấy số lượng này nhiều quá,  khiến bà con nông dân, nhà quản lý gặp khó khăn khi chọn thuốc cho những bệnh và cây trồng của mình. Để chấn chỉnh, Bộ chủ trương siết chặt lại, quy định đăng ký những tên thuốc.

Trong Thông tư này quy định mỗi tổ chức cá nhân, DN chỉ đăng ký một tên thuốc cho một loại hoạt chất. Trước khi ban hành, Bộ  đã thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi và thể hiện trong biên bản các cuộc họp. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến và xem xét kỹ ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần siết chặt quản lý, bảo đảm lợi ích cho hàng triệu bà con nông dân, vì đây cũng là vấn đề liên quan rất lớn đến vệ sinh an toàn thực phẩm". 
Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng 40 đơn vị không phải là đa số.

Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong lĩnh vực trồng rừng, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công Thương thực hiện. Năm 2015, đã làm được khá nhiều việc, trong đó  có vai trò tích cực của địa phương, sự cố gắng của chủ đầu tư các dự án, công trình thủy điện.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) phát biểu lần 2 tiếp tục truy vấn đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương xác định rõ diện tích rừng thay thế cho các dự án thủy điện. Đề nghị 2 Bộ trưởng không nên lẫn lộn giữa diện tích rừng cho thủy lợi và công trình công cộng, chưa kể số liệu giữa 2 Bộ khác nhau. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương xác định rõ điều này.
Ông Trương Văn Vở đề nghị Bộ Công Thương làm rõ báo cáo về đầu tư đổi mới công nghệ trong 5 năm thời điểm này chưa đạt theo chỉ tiêu của Nghị quyết của Quốc hội. Hiện nay, việc tiếp cận vốn tín dụng rất khó khăn do tiêu chí thế nào là doanh nghiệp công nghệ cao để có chế độ ưu đãi. Thẩm quyền xác nhận cũng chưa rõ bộ ngành. Việc xác định còn phiền hà, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi cho công nghiệp và nông nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cảm ơn bộ trưởng Cao Đức Phát đã lắng nghe nhưng phần trả lời của Bộ trưởng chưa trả lời hết ý câu hỏi. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh: “Tôi hỏi có bao nhiêu nước có quy định như vậy? Quy định này đã được thực hiện gần 25 năm nay nhưng lại ghi là mới siết chặt. Không lý gì vì thực hiện 25 năm mà nhiều doanh nghiệp kiến nghị như vậy.  Bộ trưởng trả lời hơn 40 đơn vị không phải là đa số thì bao nhiêu mới là đa số?”.
Đồng thời, ĐB Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, quy định như vậy là không thống nhất với Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Trả lời câu hỏi lần thứ 2 của đại biểu Trương Văn Vở, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho cho biết, theo quy định Luật Công nghệ cao, Chính phủ giao Bộ KH-CN là đầu mối triển khai các hoạt động ứng dụng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.
“Việc phân bổ nguồn vốn cho các doanh nghiệp công nghệ cao không thuộc phạm vi thẩm quyền của chúng tôi”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, về tiêu chí xác định thế nào là DN công nghệ cao, hiện xây dựng bộ tiêu chí còn chậm và có thể chưa phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục  phối hợp với Bộ KH-CN rà soát lại, trình Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt tiêu chí với DN công nghệ cao để DN không vất vả, mất nhiều thời gian để được xem xét, hưởng các ưu đãi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Bộ trưởng Cao Đức Phát xin được trả lời riêng, trả lời trực tiếp. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng việc siết chặt quy định với hoạt chất trong nông nghiệp sẽ giúp cho nông dân có thuốc tốt và sử dụng có hiệu quả. Nếu thả ra quá rộng rãi sẽ không giúp ích nhiều. Tất nhiên cũng đã tính đến yếu tố cạnh tranh…
Với câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ngoài trồng rừng thay thế cho thủy điện, chúng ta còn phải trồng rừng thay thế cho những mục đích khác.
Hồng Chuyên