Đăng Bởi -
Cuộc họp quan trọng cuối cùng của năm 2015 của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa kết thúc vào cuối ngày thứ Hai 21/12/2015 đã vạch ra những chiến lược phát triển kinh tế chủ đạo của nước này trong năm 2016.
Có thể bạn quan tâm
Theo đó, Hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc nhấn mạnh vào việc tăng cường chính sách tài khóa như một đòn bẩy chủ đạo để cơ cấu nền kinh tế và kích thích tăng trưởng. Trọng tâm về tăng cường đầu tư được nhấn mạnh đến mức, Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận tăng mức thâm hụt ngân sách để thực hiện chiến lược cơ cấu kinh tế dựa trên con át chủ bài là đầu tư này. Chỉ có điều, chiến lược ấy của Trung Quốc đang có quá nhiều nghịch lý.
Theo đó, Tân Hoa Xã dẫn lời một số nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi hội nghị kinh tế trung ương kết thúc, rằng trong năm 2016 Trung Quốc tăng cường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thậm chí chấp nhận tăng mức thâm hụt ngân sách để cơ cấu lại nền kinh tế. Chủ yếu trong đó là kích thích để phá băng thị trường nhà đất, và tăng cường đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đó, mục tiêu cụ thể mà Trung Quốc cần đạt được theo chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu là nước này phải duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% mỗi năm kể từ nay đến năm 2020.
Bằng việc phá băng thị trường nhà đất và thúc đẩy đầu tư công, Trung Quốc hy vọng thị trường nội địa sẽ tăng trưởng theo hướng tiêu dùng mà chính phủ nước này mong muốn. Song song với động thái đó là tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố vào cuối tháng 11 sau khi IMF chính thức xếp nhân dân tệ vào giỏ tiền quốc tế, rằng Trung Quốc sẽ chi 1000 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa và đầu tư ra thị trường nước ngoài là chiến lược mà chính phủ Trung Quốc đang hướng tới để thay thế cho mô hình tăng trưởng trước đó là dựa trên xuất khẩu.
Xu hướng này bắt đầu được khởi động vào giai đoạn quý 4 năm 2015, khi chính phủ Trung Quốc tăng gấp đôi chi tiêu công vào tháng 11 so với mức thu ngân sách. Chi tiêu công của Bắc Kinh vào tháng 11 đạt 1,61 ngàn tỷ nhân dân tệ (tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2014), trong khi thu ngân sách chỉ đạt 1,11 ngàn tỷ nhân dân tệ (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2014). Nói cách khác, chính phủ Trung Quốc đang chấp nhận mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng để đặt cược cho chiến lược tăng trưởng kinh tế mới.
Tuy nhiên, chiến lược mới này mà vấn đề chủ đạo trong đó là đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh đang bị đặt khá nhiều dấu hỏi. Thứ nhất, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc dù đạt quy mô tương đối lớn (khoảng hơn 560 tỷ USD trong 10 năm qua), nhưng số lĩnh vực đầu tư thì hết sức hạn chế. Chủ yếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, năng lượng và khai khoáng. Thứ hai, một phần lớn trong số đó là nhằm mục đích đảm bảo nguyên vật liệt và năng lượng cho quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc hơn là vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Theo thống kê có khoảng trên 70% các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc là không có lợi nhuận. Và khi mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhu cầu nguyên vật liệu và năng lượng đã không còn nhiều như trước, thì các dự án đầu tư này bắt buộc phải thoái vốn và chấp nhận chịu lỗ.
Không giống như nhóm các dự án đầu tư ra nước ngoài trước năm 2015, khi Trung Quốc chưa quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng và thay đổi cách thức đầu tư ra nước ngoài, nhưng các dự án đầu tư kể từ năm 2015 của Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Họ thiếu các tập đoàn đủ sức cạnh tranh ở nước ngoài.
Các tập đoàn lớn nhất Trung Quốc hiện nay hầu hết là các tập đoàn trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng, trong khi chính phủ nước này lại muốn tăng cường đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ và tài chính như các nước phát triển đang làm. Ngoại trừ một số tập đoàn điện tử viễn thông như Huawei, Trung Quốc gần như không có các tập đoàn đủ sức cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính ở nước ngoài. Trung Quốc không có những Sony, Toyota hay Honda như Nhật; cũng không có những Samsung hay Hyundai như Hàn Quốc.
Điều này dẫn tới việc Trung Quốc đang hướng tới chiến lược mua lại các công ty nước ngoài để bù đắp điểm yếu đó. Các công ty lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc đang là các công ty nước ngoài ăn nên làm ra ngay tại thị trường quốc nội, và bằng cách thâu tóm các công ty này Trung Quốc sẽ tiếp quản thị phần ngay tại thị trường nội địa của các quốc gia đó. Các lĩnh vực được Trung Quốc ưa thích là các ngành công nghệ cao, tài chính, y tế.
Mức vốn mà Trung Quốc bỏ ra để thâu tóm các công ty nước ngoài này đang tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, chỉ ở riêng Hàn Quốc mức đầu tư của Trung Quốc trong việc thâu tóm các công ty của nước này trong năm 2015 đã tăng 119% so với năm 2014, đạt mức 1,9 tỷ USD. Hầu hết các lĩnh vực được Trung Quốc quan tâm là bảo hiểm, y tế, công nghệ và mỹ phẩm, vốn là các lĩnh vực then chốt trong đề án phát triển các ngành công nghiệp không khói mà chính phủ Hàn Quốc bắt đầu phát triển từ 20 năm trước.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Singapore, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Mức chi mà Trung Quốc bỏ ra để thâu tóm các doanh nghiệp ở nước ngoài trong năm 2015 đã tăng 83% so với năm 2014. Từ các tập đoàn danh tiếng như hãng lốp Pirelli danh tiếng của Ý cho đến hãng chip Western Digital của Mỹ.
Tổng cộng số tiền mà Trung Quốc bỏ ra để mua bán, sáp nhập, thâu tóm các doanh nghiệp trên thế giới trong những năm qua đã lên tới khoảng 500 tỷ USD. Trong đó 2 mục đích chủ đạo mà Trung Quốc hướng đến là: các công ty đang ăn nên làm ra ở thị trường nội địa và trên thế giới, và các công ty này đang sở hữu những công nghệ đáng giá.
Việc các công ty nước ngoài đang ăn nên làm ra ở thị trường nội địa và thế giới sẽ đảm bảo lợi nhuận về tài chính cho các ông chủ Trung Quốc, cũng tương đương với việc các tập đoàn Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Còn việc các công ty này đang sở hữu những công nghệ đáng giá là để các ông chủ Trung Quốc đưa về thị trường trong nước, để rút ngắn khoảng cách về công nghệ và khoa học với các nước trên thế giới.
Đây có thể được xem là một chiến lược khôn khéo để bù đắp việc các tập đoàn Trung Quốc không thể cạnh tranh ở nước ngoài, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.
Thứ nhất, các tập đoàn quốc nội Trung Quốc không thể cạnh tranh ở nước ngoài sẽ buộc phải tiết giảm quy mô khi phạm vi hoạt động chủ yếu là ở trong nước, nó sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp cũng như hàng loạt các hệ lụy khác.
Vì suy cho cùng, một tập đoàn Trung Quốc với nhân lực là người Trung Quốc ra đầu tư ở nước ngoài vẫn khác với việc một tập đoàn có ông chủ là người Trung Quốc nhưng nhân lực lại là người nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chuyển mô hình kinh tế sang tiêu dùng nội địa của Bắc Kinh, thậm chí thị trường nội địa cũng nước này cũng sẽ gặp những xáo trộn lớn, thu nhập giảm có thể dẫn tới giảm tổng cầu.
Thứ hai, kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các tập đoàn hoạt động ở nước ngoài mà chỉ có ông chủ là người Trung Quốc. Nó đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng từ các biến động kinh tế thế giới nhiều hơn.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nền kinh tế Trung Quốc có là một kế hoạch Ponzi?
Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc chờ đợi giây phút này đã lâu: bong bóng nợ cuối cùng cũng đã đến thời khắc nổ.
Chúng ta còn chưa chứng kiến vụ nổ, nhưng chúng đang tiến đến gần hơn, theo một báo cáo mới đây của Bloomberg dẫn chứng từ sàn chứng khoán Hua Chuang.
Phát hiện gây sốc: các công ty Trung Quốc đang dùng tới 45 phần trăm phát hành nợ mới chỉ để trả lãi trên nợ hiện có. Năm nay Trung Quốc phải trả lãi đến 1,2 nghìn tỷ đôla.
“Một trong những lý do tín dụng đang gia tăng là bởi vì họ sử dụng vốn vay để chi trả cho các khoản thanh toán lãi suất. Nhu cầu cấp thiết nhất khi sử dụng giãn tín dụng tư nhân chỉ là để có tiền chi trả cho các khoản thanh toán lãi suất,” theo lời Richard Vague, tác giả cuốn “Thảm hoạ kinh tế tiếp theo”.
Điều này được gọi là “tài chính Ponzi”, đặt theo tên một người Mỹ gốc Ý Charles Ponzi. Ông đã lập một kế hoạch nhập khẩu tem bưu chính giá rẻ từ Ý và bán chúng với giá cao hơn tại Hoa Kỳ.
Ông vay tiền từ các nhà đầu tư cho kế hoạch của mình và trả cho các nhà đầu tư cũ bằng tiền của các nhà đầu tư mới. Bernie Madoff là một ví dụ gần đây hơn.
Vấn đề đối với các kế hoạch Ponzi là: Chúng không có tác dụng, bởi vì việc đầu tư cơ bản không sinh ra năng suất và không tạo ra bất kỳ lời lãi nào.
Thông thường, các công ty vay vốn để đầu tư vào sản xuất hoặc nghiên cứu hoặc vào đội ngũ nhân viên mà sau đó sẽ tạo ra lợi nhuận để trả lãi và vốn vay.
Vay tiền để trả lãi từ các khoản vay trước đó không phù hợp với “tiêu chí năng suất” này và thường là một phương sách cuối cùng trước khi phá sản.
Các công ty Trung Quốc đã vay mượn rất nhiều trong quá khứ và dường như không sử dụng các nguồn vốn một cách khôn ngoan. Nếu không, họ đáng lẽ đã có thể thanh toán lãi suất mà không làm tăng thêm khoản tiền mới.
Gần đây ngân hàng đầu tư Macquarie phát hiện ra rằng hơn 20 phần trăm các công ty mà họ đang phân tích không thể trang trải chi phí lãi vay của họ với thu nhập từ các hoạt động thông thường.
Tổng mức nợ của công ty bao gồm các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, cũng như hệ thống ngân hàng song hành, là vào khoảng 125 phần trăm GDP ở mức 10 nghìn tỷ đôla, theo McKinsey.
“Nếu bạn quay trở lại thời điểm Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc là nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ. Sau hai kỳ Olympics Trung Quốc giờ là một câu chuyện nợ nần, không còn là một cốt chuyện tăng trưởng nữa”, theo lời Fraser Howie, tác giả cuốn “Chủ nghĩa tư bản đỏ”.
Khi các ngân hàng cắt đứt phương kế tài chính Ponzi cuối cùng này, công ty sẽ có cùng số phận với Charles Ponzi hoặc Bernie Madoff: vỡ nợ.
Chỉ ba năm trước đây thuật ngữ “vỡ nợ” là chưa từng có ở Trung Quốc, nhưng năm nay đã có sáu công ty không thể trả được các khoản nợ của họ.
“Khi tôi còn làm bao tiêu trái phiếu ở Trung Quốc vào cuối thập niên 90, người ta đã mặc định là không có nguy cơ mất khả năng chi trả, chính phủ sẽ bảo lãnh cho bạn,” Howie nói.
“Liệu họ có để cho vỡ nợ hay không? Điều này là rất quan trọng để xem liệu họ có để thị trường tự vận hành hay không,” Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng tại Lombard Street Research cho biết.
Với số lượng vốn Ponzi khổng lồ, câu trả lời có lẽ là không, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
“Một trong những mối nguy hiểm khi để cho một sự bùng nổ tín dụng như thế tiếp diễn là bạn quá sợ với việc để nó lớn hơn. Nếu bạn để nó tiếp diễn lâu hơn nữa, bạn sẽ vấp phải một vấn đề còn tồi tệ hơn khi mà rốt cuộc bạn vẫn phải dừng lại,” theo lời Adair Turner, cựu giám đốc dịch vụ tài chính uỷ quyền của Anh và là tác giả cuốn “Giữa nợ nần và ma quỷ”.
“Nhưng bạn sợ hãi với việc chặn đứng nó bởi vì thời điểm bạn ngừng lại, bạn sẽ hứng chịu toàn bộ gánh nặng từ các nhà xây dựng thất nghiệp và công suất dư thừa của các nhà máy thép.”
Một năm đầy sóng gió và hỗn loạn của ông Tập Cận Bình
Mặc dù được tung hô bởi hàng nghìn binh lính trong buổi lễ duyệt binh hồi tháng 9 tại Quảng trưởng Thiên An Môn nhưng năm 2015 vẫn là một năm khó khăn đối với Chủ tịch Trung Quốc khi nước này phải hứng chịu hết khủng hoảng này đến khó khăn khác.
Các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với hệ quả của dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc sau khi ngân hàng trung ương nước này bất ngờ hạ giá đồng nhân dân tệ xuống gần 2%. Một số nhà điều hành môi giới bị kiểm soát chặt chẽ vì bị nghi ngờ làm “bốc khói” 5 nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực làm sạch chất độc từ vụ nổ nhà máy hóa chất Thiên Tân khiến hơn 170 người thiệt mạng. Sự kiện này làm gia tăng những nguy cơ ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều thập kỷ sau cùng với sự tăng trưởng kinh tế bấp bênh ở Trung Quốc.
Những tuần lễ hỗn độn này cho thấy một năm với nhiều thách thức nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012. Trong khi lãnh đạo Đảng Cộng sản nêu ra những thắng lợi như đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế thì việc ông giải quyết những tồn đọng của thị trường hay đầu ra chậm làm dấy lên các câu hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có cam kết thực hiện những biện pháp cứng rắn cần thiết để xóa bỏ sự phụ thuộc vào nợ công của nên kinh tế hay không.
Steve Tsang, nhà phân tích đến từ Viện Chính sách Trung Quốc, ĐH Nottingham, cho rằng: “Về chính sách đối nội, năm 2015 là một năm khó khăn cho ông Tập nhưng cũng chưa hẳn là một năm kinh hoàng. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông ấy không lên kế hoạch cho một năm 2016 lấy lại phong độ. Nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào và đảng lãnh đạo có thể đảm bảo hoạt động tốt ra sao sẽ là những vấn đề chính trong năm tới”.
2015 là một năm đầy thách thức của ông Tập. Nguồn: Getty |
Năm 2016 sẽ giúp làm sáng tỏ chính quyền của ông Tập có thể làm gì để điều chỉnh tất cả các vấn đề trên cũng như nhiều tồn tại khác, bao gồm các nỗ lực sắp xếp hợp lý hóa các doanh nghiệp nhà nước và đối mặt với một lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng. Cân bằng sự phát triển kinh tế phi mã vẫn là trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ba thập kỷ qua và sự xói mòn niềm tin vào năng lực duy trì sức mạnh kinh tế của chính phủ sẽ càng khiến nhiệm vụ này thêm nhiều thách thức.
Kế hoạch năm 2016
Ngày 21/12, tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã vạch ra kế hoạch cho năm 2016, theo đó sẽ triển khai thêm nhiều tác nhân kích thích tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ Bắc Kinh đang phấn đấu mức tăng trưởng 6,5% trong những năm tới và hội nghị tuyên bố các nhà lãnh đạo lên kế hoạch gia tăng thâm hụt, làm dấy lên những lo ngại mới rằng Trung Quốc vẫn chưa chuẩn bị để kiểm soát tổng nợ công ước tính khoảng 280% tổng sản phẩm quốc nội.
Theo kế hoạch của Hội nghị, bên cạnh tăng trưởng ở mức sàn là 6,5% thì như ông Tập cam kết trước báo giới, nước này sẽ hướng tới một khái niệm mới, đó là tăng trưởng chậm hơn nhưng ổn định, dựa ào tiêu dùng trong nước chứ không phải những dự án lớn như sân bay hay tàu điện cao tốc. Một viễn cảnh mà lãnh đạo Trung Quốc muốn tránh né, đó là “kỷ nguyên mất mát” với khoản nợ lớn và mức tăng trưởng nhỏ như Nhật Bản.
Arthur Kroeber, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Gavekal Dragnomics có trụ sở ở Bắc Kinh, cho hay: “Các cải cách tăng cường năng suất còn khá lâu mới thành hiện thực và ngân hàng trung ương vẫn thừa nhận rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi đòn bẩy. Đó là một chiến lược có thể thực hiện được nhưng rõ ràng là không thuận lợi và đặt ra nguy cơ Trung Quốc có thể kết thúc giống Nhật Bản trong một vài năm tới”.
Một số sự kiện khác trong năm nay cũng cho thấy các thách thức mà ông Tập sẽ phải đối mặt trong giai đoạn chuyển giao của nền kinh tế Trung Quốc. Các ngành công nghiệp nhà nước đã chờ đợi từ lâu để được đa dạng hóa các nhà đầu tư cũng như thoát khỏi cái bóng kiểm soát quá lớn của đảng lãnh đạo.
Quy mô gia đình
Thay vì hạn chế quy mô của một gia đình và xóa bỏ cơ quan kế hoạch hóa gia đình quốc gia với hàng nghìn nhân viên, ông Tập thay thế chính sách một con thành chính sách hai con. Và mặc dù chứng khoán đã tăng 13% trong năm nay nhưng việc chính phủ can thiệp bắt giữ đám đông trên thị trường chứng khoán hồi tháng 7 vừa qua đã cho thấy hành động không giống với lời cam kết của ông Tập về cải cách thị trường.
Giống như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, vụ nổ chết người ở Thiên Tân cũng dẫn đến nguy cơ sụt giảm sự ủng hộ dành cho đảng lãnh đạo giữa tầng lớp trung lưu, một lực lượng mà ông Tập cố lấy lòng bằng cái gọi là “Giấc mơ Trung Hoa”. Nguyên nhân của vụ nổ là bởi 700 tấn natri xyanua cất giữ một cách thiếu an toàn tại kho hàng gần khu dân cư sinh sống. Điều này đã làm bùng nổ làn sóng chỉ trích về kỷ nguyên sức mạnh của ông Tập.
Việc thiếu các quy định về an toàn dẫn đến vụ nổ Thiên Tân cùng với nạn tham nhũng và ô nhiễm môi trường đã quá sức chịu đựng của người dân Trung Quốc, đủ để họ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối. Bên cạnh những thách thức đó, việc cải cách kinh tế của ông Tập cũng gặp không ít khó khăn theo sau sự tụt dốc của nền kinh tế cùng với chất lượng lao động đi xuống đe dọa đến bất ổn xã hội.
Ông Tập đã kiểm soát chặt chẽ những chỉ trích đối với chính phủ, kể cả trong các thành viên của đảng. Tổng biên tập báo Tân Cương là người đầu tiên phải chịu kỷ luật theo bộ quy tắc hành xử được ban hành hồi tháng 10, theo đó cấm “các cuộc thảo luận không phù hợp” về chính sách và đường lối của đảng.
Kiểm soát truyền thông
Rana Mitterr, giáo sư lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại ĐH Oxford, phân tích: “Việc tiếp tục kiểm soát truyền thông cho thấy sự thiếu tự tin và những nguy cơ tụt giảm của nền kinh tế do thiếu tính minh bạch và văn hóa doanh nghiệp cần thiết. Chúng ta có lẽ vẫn phải chứng kiến một khoảng thời gian hẹp hòi này trong những năm sắp tới”.
Chủ tịch Trung Quốc đã đạt được một số thành công rõ ràng trong năm 2015. Ông đưa được đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ thế giới và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, thu hút sự tham gia của một số đồng minh Mỹ bất chấp sự phản đối của Washington. Ông làm việc với Tổng thống Barack Obama tại Paris để đưa ra một hiệp định toàn cầu chống biến đổi khí hậu và thực hiện một vài chuyến viếng thăm cấp cao gồm chuyến đi tới Anh với một tinh thần thoải mái.
Cuộc gặp hồi tháng 11 của ông với nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai bên. Và sáng kiến sắp xếp lại đội quân 2,3 triệu người của quân đội Trung Quốc đã giúp ông tăng cường thêm quy định vững chắc của đảng.
Joseph Fewsmith, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Boston, cho rằng: “Ông Tập đã có một khoảng thời gian khó khăn hồi giữa năm nay nhưng việc cải cách quân đội cho thấy ông đã quay trở lại cuộc chơi. Không phải là năm thành công nhất nhưng cũng kết thúc với một dấu ấn đáng kể”.
Thách thức của ông Tập là kể từ khi nhậm chức, ông đã nắm quyền kiểm soát đối với các vấn đề bao gồm tài chính và cải cách kinh tế, các lĩnh vực mà trước kia do Thủ tướng nắm giữ. Dù tầm ảnh hưởng của ông đã mở rộng nhưng điều đó cũng có nghĩa là ông sẽ phải đối mặt với trách nhiệm khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra, dù đó là điều tốt hay xấu.
Zhang Lifan, nhà lịch sử Bắc Kinh, kết luận: “Sau hai năm đầu của quá trình củng cố quyền lực nhanh chóng, năm thứ ba đánh dấu bằng câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Tập. Nhìn về tương lai, càng ở trung tâm của cuộc chơi thì càng dính chặt lấy quyền lực. Các nguy cơ chính trị càng lớn thì việc kiểm soát càng phải chặt chẽ hơn”.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét