Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Lê Kiên Thành - Chúng ta đã thực sự tin nhân dân?

Chưa bao giờ ở thời đó Đảng đặt vị trí của giai cấp, vị trí của Đảng lên cao hơn mục đích, lý tưởng của cả dân tộc này. Và khi biết đặt mục đích của dân tộc, của đất nước lên cao, không phải vì một nhóm người nào, Đảng đã quy tụ được những người ưu tú nhất vào trong hàng ngũ của mình và có được sự ủng hộ mãnh liệt nhất của cả đất nước này.


Tiến sĩ Toán - Lý Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Là con trai của một người Cộng sản đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, Tiến sĩ Toán - Lý Lê Kiên Thành có một khao khát tột cùng, là Đảng sẽ thực sự vững mạnh, sẽ thực sự là Đảng của dân tộc, của nhân dân, quên mình vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân…

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra. Đến thời điểm này, Đảng đã tròn 85 tuổi, với 70 năm lãnh đạo đất nước.

Là con trai của một người Cộng sản đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, tôi có một khao khát tột cùng, là Đảng sẽ thực sự vững mạnh, sẽ thực sự là Đảng của dân tộc, của nhân dân, quên mình vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân…

Nhưng những đêm vắt trán nằm suy nghĩ về đất nước, tôi hiểu chúng ta còn thiếu và sai nhiều. Một trong những cái sai đó là chúng ta chưa thực sự biết tin dân!

Ở châu Âu, Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ bé, không giáp biển, không tài nguyên thiên nhiên. Đất nước Thụy Sĩ không có ngôn ngữ chung: 40% nói tiếng Pháp, 30% nói tiếng Đức, 20% nói tiếng Italia và một số nói thổ ngữ…

Nhưng nước Thụy Sĩ có thịnh vượng không? Rất thịnh vượng!

Vì sao nước Thụy Sĩ thịnh vượng, với hoàn cảnh đất nước phức tạp như thế?

Đó là vì cái gì họ cũng trưng cầu dân ý. Mọi quyết định lớn nhỏ của đất nước giàu có đó, đều được Chính phủ Thụy Sỹ thực hiện trưng cầu dân ý, hỏi ý kiến nhân dân.

Khi Chính phủ trưng cầu dân ý có nên hạn chế lương của người giám đốc công ty chỉ được cao hơn 12 lần so với lương của công nhân không? Người Thụy Sĩ bảo không. Họ nói người tài đã ít, chúng ta muốn giàu thì phải tôn trọng người tài!

Khi Chính phủ hỏi nhân dân, người Pháp làm 35 giờ một tuần, chúng ta có nên làm theo không? Người Thụy Sĩ nói không, nước mình nghèo nên mình vẫn phải làm 40 giờ một tuần… Nhờ đó, Chính phủ Thụy Sĩ biết nhân dân cần gì, muốn gì. Mọi quyết định hệ trọng của đất nước đều được sự góp ý và đồng thuận của nhân dân.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi sang gặp Tổng thống Thụy Sĩ, đã từng được Tổng thống Thụy Sĩ tiếp đón trong một bốt bưu điện, với chỉ một cái giường, một cái bàn, hai cái ghế. Theo luật, Tổng thống nước họ không được ở khách sạn mà phải ở nhà của bưu điện. Và người làm Tổng thống của họ không có quyền hành gì ghê gớm mà là do các Bộ trưởng thay nhau làm tổng thống trong vài tháng. Tổng thống chỉ đơn thuần sẽ có vai trò báo cáo lại với nhân dân. Nghĩa là ở đất nước đó, người dân giám sát chính phủ một cách gần như tuyệt đối và có quyền đồng ý hay phủ quyết với mọi việc chính phủ làm.

Đó chính là ví dụ rõ nét nhất về sự giám sát và làm chủ của nhân dân.

Đó là lý do khiến Thụy Sĩ trở thành quốc gia được cả thế giới tôn trọng về những thành tựu đã đạt được.

Việc thừa nhận vai trò của người dân và lắng nghe ý kiến của người dân là bài học mà chúng ta phải học từ đất nước này!

Năm 1284, khi quân Nguyên Mông mang 50 vạn quân xâm lược nước ta lần thứ hai, nhà Trần đã biết tổ chức Hội nghị Diên Hồng, để hỏi ý kiến nhân dân về việc chủ hoà hay chủ chiến. Nhờ nhân dân cả nước đồng lòng đánh giặc, nhà Trần đã đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới khi đó.

Nghĩa là từ cả nghìn năm trước, những người đứng đầu đất nước ta thời kỳ đó đã biết hỏi ý kiến nhân dân, biết tin nhân dân, và biết cách để quân dân trên dưới một lòng trong những quyết định lớn lao của dân tộc.

Và thực tế đã chứng minh, khi có được sự đồng lòng, thì một dân tộc nhỏ bé cũng có thể trở thành vĩ đại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta cũng mang vóc dáng đó, và cũng vì thế mà ta đã chiến thắng được Mỹ.

Nhưng ngày hôm nay, Đảng còn tin vào sự sáng suốt của dân như đã từng tin trong quá khứ hay không?

Tôi vẫn thường nghĩ đi nghĩ lại, là tại sao, Đảng Cộng sản Việt Nam chọn con đường theo tư tưởng của Karl Marx, lấy giai cấp công nhân là nòng cốt, ngay từ thuở ban đầu chưa có thành công gì mà lại có thể hấp dẫn quần chúng nhân dân ở một đất nước nông nghiệp như nước ta thuở trước? Điều đặc biệt là Đảng đã thu hút được những người tinh túy nhất của xã hội vào trong lòng nó, hấp dẫn được cả dân tộc tham gia vào sự nghiệp đó.

Năm xưa, khi bà mẹ miền Bắc gửi con vào miền Nam đánh giặc, khi bà má miền Nam đào hầm nuôi giấu bộ đội, họ - những người phụ nữ ấy, chẳng thể hiểu thế nào là Chủ nghĩa Xã hội, cũng chẳng biết ông Karl Marx, ông Lenin là ai. Nhưng họ vẫn theo Đảng, theo Bác Hồ. Không phải họ chọn chúng ta vì lý thuyết đó, mà vì thời điểm ấy, ngay khi ra đời Đảng đã đặt mục đích của giai cấp, mục tiêu của giai cấp nằm trong lòng mục đích, mục tiêu của dân tộc.

Chưa bao giờ ở thời đó Đảng đặt vị trí của giai cấp, vị trí của Đảng lên cao hơn mục đích, lý tưởng của cả dân tộc này. Và khi biết đặt mục đích của dân tộc, của đất nước lên cao, không phải vì một nhóm người nào, Đảng đã quy tụ được những người ưu tú nhất vào trong hàng ngũ của mình và có được sự ủng hộ mãnh liệt nhất của cả đất nước này. Suốt một thời gian dài, Đảng gần như dựa hết vào người dân, người dân nuôi, người dân bảo vệ, người dân ủng hộ. Người Cộng sản có thể gửi gắm cả tính mạng mình cho nhân dân khi bị kẻ thù uy hiếp.

Nhưng khi sự nghiệp lớn đã thành công, những người Cộng sản trở thành những người lãnh đạo đất nước, họ dần dần trở thành giai cấp cầm quyền và có lúc “nhìn xuống” nhân dân của mình.

Bác Hồ nói “người lãnh đạo là người đầy tớ của nhân dân”. Nhưng một số người Cộng sản, khi đã trở thành quan chức, khi đã đi xe hơi, ở nhà lầu thì họ không còn nhìn thấy phần “đầy tớ” thực thụ của họ trước nhân dân. Tôi cho anh quyền ở cái nhà này, đi cái xe này, nhưng anh phải làm như trâu như ngựa cho tôi. Đó mới là thân phận thực sự, là ý nghĩa thực sự, bản chất thực sự của hai từ “đầy tớ”.

Cũng có nghĩa là, anh chỉ là người lái xe ôtô, còn người chủ thực sự là tất cả những người mua xe đó, ngồi trong xe đó, và bất kể anh muốn lái chiếc xe đó đi theo con đường nào, lái nhanh hay lái chậm, đều phải có được sự đồng thuận từ chủ nhân thực sự của nó, là nhân dân.

Người lãnh đạo ở Thụy Sĩ hiểu một điều, nếu người dân không đồng ý thì anh sẽ không được nắm quyền. Quyền đó là người dân trao cho anh, chứ không phải tự anh sinh ra đã có.

Người Cộng sản Việt Nam cũng phải hiểu điều đó!

Nhưng tôi vẫn lo sợ rằng, cách mà chúng ta đang điều hành bây giờ có thể đó đây phần nào đã làm lu mờ đi vai trò của nhân dân với tư cách “làm chủ”.

Những cụm từ “Đảng soi đường”, “Đảng chỉ lối”, “Đảng dẫn dắt” mà chúng ta vẫn hay dùng, vô hình trung đã khiến cho tất cả chúng ta đều có cảm giác Đảng đang vượt lên cả dân tộc và làm cho vai trò rất lớn của nhân dân phần nào bị lu mờ đi. Tôi rất lo sợ, qua năm tháng, chính những câu chữ đó cũng đã tạo ra sự ngộ nhận cho chính những người trong Đảng. Nhưng người Cộng sản không được phép quên rằng, Đảng sinh ra là từ dân tộc này, tồn tại được cũng nhờ dân tộc này, vinh quang được cũng là nhờ dân tộc này, thành công này cũng là do cả dân tộc cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu. Vượt lên trên dân tộc là điều không bao giờ được phép!

Năm nay là tròn 70 năm Đảng lãnh đạo đất nước, nhưng theo tôi nhớ chúng ta chưa một lần trưng cầu ý dân. Phải mãi đến ngày 25/11/2015, đúng một tháng trước, sau rất nhiều lần nâng lên đặt xuống, Luật Trưng cầu dân ý mới được Quốc hội chính thức thông qua, trong khi đó đáng lẽ là điều phải làm từ lâu lắm rồi!

Lẽ nào đất nước mình tốt đẹp đến mức, hùng mạnh đến mức không còn bất cứ vấn đề nào cần thiết để trưng cầu ý dân?

Tất cả chúng ta đều biết sự thật không phải vậy! Những người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã báo động về sự tồn vong của Đảng, sự tồn vong của dân tộc trước sự tha hoá của một bộ phận không nhỏ đảng viên. Những ai thẳng thắn nhất, sòng phẳng nhất đều phải đối diện với sự thật này.

Một đảng cộng sản đã từng được nhân dân che chở từ những ngày đầu, nhờ nhân dân mà trở nên hùng mạnh, nhờ dân tộc mà trở thành Đảng lãnh đạo, không có lý do gì lại không nhờ nhân dân hiến kế để sửa chữa những vấn đề của mình.

Nếu không làm được việc này, chỉ có thể là vì chúng ta đã chưa thực sự tin vào nhân dân và không hiểu được đến tận cùng sức mạnh của nhân dân. Mà, muốn tin nhân dân, thì phải có trí tuệ, phải có lòng dũng cảm.

Tôi mãi băn khoăn một điều, tại sao ở nước ta, hình thức bầu cử là “Đảng cử, dân bầu” mà không phải là “Đảng cử, dân cử, dân bầu”, để nhân dân cũng được quyền trực tiếp đề cử và lựa chọn những người lãnh đạo mà họ thực sự mong muốn?

Tôi cũng mãi băn khoăn một điều, khi Quốc hội - cơ quan đại diện cho nhân dân giám sát Đảng và Nhà nước mà lại có đến 90% là đảng viên thì mình sẽ hình dung được cách làm của Quốc hội như thế nào? Khi một cơ quan của dân và không nhiều người dân ở trong đó đến như vậy, thì chúng ta đã tin dân hay chưa? Tất nhiên Quốc hội đang phấn đấu thay đổi tỷ lệ này trong khóa tới.

Với những chính sách ràng buộc khiến 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, vô hình trung, chúng ta đã khiến Quốc hội không còn là cơ quan nói lên tiếng nói của dân. Mà cơ quan dân cử phải là của dân, đó là lẽ đương nhiên. Những sự ràng buộc đó chỉ chứng tỏ rằng bản thân chúng ta không tự tin vào sự sáng suốt của người dân, chúng ta không đủ dũng cảm để tin vào người dân như chúng ta đã từng tin trong quá khứ.

Trước đây sự sống còn của Đảng là do người dân, và tất cả những đảng viên đều hiểu điều đó. Vậy mà giờ đây, khi vận mệnh của Đảng đang khó khăn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, chúng ta lại không dám hỏi ý kiến dân.

Trước đây khi chúng ta muốn nói điều gì với dân, chỉ dùng một tờ truyền đơn là người dân tin. Trong khi đó hiện chúng ta có đến khoảng 800 đầu báo mà chúng ta lại lo sợ nhân dân sẽ hiểu sai về Đảng khi đọc những tiếng nói trái chiều trên những trang báo lề trái. Đó là điều phi lý mà tôi không cắt nghĩa được.

Lẽ nào chúng ta không đủ tự tin vào sự nhận thức của nhân dân? Vào khả năng phân biệt đúng sai của nhân dân trước những luận điệu đó?

Thật ra có lẽ điều đáng sợ nhất hôm nay, điều mà người Cộng sản nên lo lắng nhất hôm nay, không phải là những bài viết mà chúng ta quy kết là “phản động”, là “chống phá” trên mạng xã hội. Điều đáng sợ là tại sao người dân bây giờ lại ít mua báo?

Ngày xưa những bài báo làm nức lòng người nhất là trên báo Nhân Dân, ngược lại ngày nay những tờ báo như vậy hầu như không bán được ở sạp, vậy mà không lãnh đạo nào để ý, hay cảm thấy lo lắng, khi mà điều đó đã đánh động rằng, tiếng nói của Đảng và dân đang ngày càng cách xa nhau.

Thế giới đang thay đổi theo từng giờ, từng ngày. Mọi thứ đều phải đổi mới, đương nhiên dòng sông không chảy thì sẽ thành một vũng nước, con chim không đập cánh thì sẽ trở thành một bộ xương ở gốc cây và cá nhân một người Cộng sản, mặc dù vẫn là con người ấy, chính thể ấy nhưng vẫn phải đổi thay từng bước. Ngày hôm nay, Đảng Cộng sản cũng cần phải thay đổi để tránh những nguy cơ ấy.

Đầu tiên, có lẽ là học cách tin vào sự sáng suốt của nhân dân!

Tiến sĩ Lý Lê Kiên Thành

(CAND)



Cái tình cá nước, ý đảng lòng dân ngày nay chả biết nó là hài kịch hay bi kịch nữa.

Nghe bảo chính quyền Hà Nội chỉ đạo cho huyện Gia Lâm thông báo với dân và công luận việc tạm ngưng xây cái trung tâm thương mại ở xã Ninh Hiệp, sát chợ Nành nổi tiếng, để đến sau Tết ta rồi tính tiếp. 

Ai đời một xã đã có đến 2 cái trung tâm thương mại và 1 cái chợ vào loại to nhất nước, giờ bị dân phản đối, họ đã không quyết dẹp bỏ dự án mà còn định câu giờ, mưu mẹo chờ dân hạ hỏa rồi tính tiếp. Dĩ nhiên nếu họ tính tiếp thì sẽ ma lanh hơn nhiều, không để tức nước vỡ bờ như vừa qua.

Lão Maddox cạnh nhà tôi bảo, ngày xưa tiền nhân của họ dùng mưu mẹo với kẻ thù, nay họ hết kẻ thù thì quay ra dùng mưu mẹo với dân. Dân mà biết họ tắc kè hoa vậy, ngày ấy đã chẳng bao bọc che chở để đến nỗi bị đối xử thế này.

Nguyễn Thông

(Blog Nguyễn Thông

Ông Vũ Mão

Minh Dương, người Hà Nội, hỏi: 

“Có ý kiến cho rằng, các tiêu chí đề ra để chọn người tài là chỉ để chọn người  có đạo đức (được hiểu là người không có lỗi) và trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và trung thành với Đảng. Cả ba tiêu chí này  không phải là tiêu chí của người tài và như thế càng khó có thể là người tài mà đất nước cần. Ông nghĩ sao về ý kiến này?”

Gã phải thừa nhận câu hỏi của ông bạn có tên là Minh Dương này vừa tinh tế, vừa nóng với thời sự cả nước đang “làm” nhân sự chứ không riêng gì các bác trong Đảng.

Gã cũng có nhời khen trang Tuần Việt Nam tạo được diễn đàn có tâm để người có tâm, có tầm có lòng với non sông lên tiếng... hỏi. Gọi là hỏi thôi nhưng thông điệp rõ rồi. Và cả câu trả lời  cũng rõ trong người hỏi rồi. Thông điệp ấy là: Vận nước đang  bập bềnh nổi trôi  đấy các quý vị ạ.

Ngài Vũ Mão, nguyên ủy viên TW Đảng, nguyên ủy viên Thường vụ QH đáp:

“Đa số cho rằng: Đòi hỏi người lãnh đạo phải có cả đức và tài, hiện nay những người có cả đức và tài không nhiều.Thực trạng là, không ít người lãnh đạo các cấp hiện nay lại thiếu cả tài và thiếu cả đức. Tình trạng tham nhũng tràn lan, chạy chức, chạy quyền là khá phổ biến, nhưng điều nguy hiểm là phát hiện ra thì rất ít.

Tài năng là một quá trình rèn luyện, học hỏi. Đòi hỏi phải khiêm tốn. Người cộng sản mà kiêu ngạo thì chết rồi. Cơ chế thị trường là cần thiết nhưng phải cảnh giác. Số cán bộ lãnh đạo tha hóa, tham nhũng mà nhiều quá thì mất niềm tin của nhân dân. Đây là vấn đề đáng báo động”.

Ôi dào, gã này thật méo mó, ngài Vũ Mão trả nhời vậy là quá tích cực, quá hay rồi còn gì nữa, vậy sao gã lại bảo là... dở ẹc?

Dở ẹc vì giản đơn là ngài Vũ Mão hoặc cố tình không hiểu thông điệp của công dân ất ơ có tên là Minh Dương tung ra, hoặc thực sự là ngài không hiểu. Vì giả vờ không hiểu để né tránh trả nhời vào cái lõi của câu hỏi rất hóc búa hay vì thực sự không hiểu nên ngài tuyền chỉ được cái nói điều rất đúng nhưng lại...trật lất chủ đề. 

“Tham nhũng” là cái đích mà ngài Vũ Mão và không ít quan ngài khác đang rỉa rói nhắm tới tiêu diệt, với cái thói “không khiêm tốn, kiêu ngạo cộng sản” vớ vẩn ấy nữa thì liên quan gì ở câu chuyện đang và đáng bàn lúc này khi mà vận nước như thông điệp của câu hỏi là... bập bềnh nổi trôi?

Người hỏi câu hỏi trên trong thời cuộc rất thời sự này, thì ai luôn quan tâm tới sự tồn vong của dân tộc, sự phát triển tương lai của đất nước đều có thể cảm nhận được là: Mối nguy lớn nhất cho dân tộc lúc này là Đất nước đang ở ngã ba đường hoặc tiếp tục những gì đã ôm khư khư bấy lâu cùng với những cái gọi là lòng trung thành chủ thuyết,  lòng tận tụy đảng phái, phe nhóm nào đó cùng cái gọi là đức độ nào đó, hoặc phải quyết liệt thay đổi cùng cả nhân loại văn minh đang rần rần thay đổi.

Cái chọn lựa sinh tử này đòi hỏi tiêu chuẩn đầu tiên và tiên quyết của người lãnh đạo quốc gia lúc này chính là phải dũng cảm từ bỏ lợi ích của đảng phái phe nhóm, cá nhân, nhân danh bất cứ chủ thuyết nào dù hay ho đến đâu, để  đặt lợi ích của dân tộc, của giang sơn tổ tiên lên trên hết. 

Và với chọn lựa ấy thì thước đo duy nhất còn lại cho người lãnh đạo như bà thủ tướng  Angela Markel của nước Đức, một người từng sống ở Đông Đức cộng sản từng là thành viên của thể chế cộng sản nói với ngài  thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng:

“Những gì có lợi cho người dân Đức, có lợi cho nước Đức là tôi làm chứ  tôi không quan tâm tới bất cứ chủ thuyết nào hết”.

Vâng, câu trả lời mà ngài Vũ Mão kính mến của gã cần trả lời là tài và đức thể hiện rõ ràng nhất lúc này trong thời điểm mang tính bước ngoặt đối với một người lãnh đạo quốc gia là sự... chọn lựa.

Đối với người dân như gã và có thể như  cả ông bạn Minh Dương thì anh hùng hay tội đồ quyết định bởi sự dũng cảm chọn lựa đúng đắn bất chấp cả những sai lầm mang bất cứ màu sắc gì trước đó dù có lớn đến đâu. 

28.12.2015.

Lưu Trọng Văn

(Chính trị) - “Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin xấu độc, đặc biệt trước các kỳ Đại hội Đảng và khi chuẩn bị về công tác nhân sự”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trao đổi với PV.

Bên lề Hội nghị báo chí toàn quốc sáng 30/12, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn chia sẻ với PV về những thông tin thiếu kiểm chứng, nói xấu lãnh đạo trên mạng Internet.
- Gần đây, trên mạng xã hội tái xuất hiện những thông tin nói xấu lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan quản lý đã có biện pháp đấu tranh với các thông tin xấu độc này như thế nào? 
– Hiện trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin xấu độc, đặc biệt trước các kỳ Đại hội Đảng và khi chuẩn bị về công tác nhân sự. Các các trang này hầu hết xuyên tạc đường lối chính sách và bôi xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh lại các thông tin xấu độc này.
Trước hết người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Cần có những bài viết có tính chiến đấu sâu sắc hơn, vạch trần âm mưu thủ đoạn xuyên tạc của những kẻ xấu, những thế lực thù địch dùng các chiêu bài bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Thứ hai nữa, cần có bài viết nâng cao tinh thần cảnh giác để người dân biết đó là thông tin xấu độc.
'Nhiều thông tin bôi xấu lãnh đạo trước Đại hội Đảng'
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Công Khanh.
Thực sự, chúng ta cũng phải trực diện đấu tranh với vấn đề này cần quyết liệt hơn. Và không chỉ Đại hội Đảng, chúng tôi dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện những thông tin xấu độc ồ ạt hơn.
- Trong Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã nêu lên vấn đề lộ lọt những thông tin mật của nhà nước lên mạng xã hội. Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý vấn đề này thế nào?
– Về việc làm lộ, hay để lọt thông tin mật của Nhà nước, Bộ Công an đã có biện pháp xử lý của mình.
Chúng tôi đề nghị tất cả cơ quan thực hiện tốt việc bảo mật thông tin theo quy định của Chính phủ.
– Ngoài nâng cao tính phản biện của báo chí, Bộ có giải pháp kỹ thuật gì để ngăn chặn thông tin xấu độc?
– Quan điểm của chúng ta không chặn mạng xã hội. Tự do báo chí và tự do Internet là quan điểm nhất quán của Nhà nước.
Tuy nhiên đối với những trang xấu độc, xuyên tạc, có tính chất vu cáo để chia rẽ nội bộ thì chúng ta dùng nhiều biện pháp, trong đó có cả biện pháp kỹ thuật nếu cần thiết.
- Xin ông cho biết, chúng ta đã tìm ra kẻ sử dụng mạng xã hội nói xấu, xuyên tạc lãnh đạo?
– Những trang xấu độc hầu hết được thành lập ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các cơ quan chuyên môn, các cơ quan nghiệp vụ đã từng bước tìm ra các đối tượng và từng bước xử lý.
Chủ động đấu tranh bác bỏ thông tin xấu độc
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc 2015, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho biết, trong thời điểm hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước, tung ra nhiều thông tin sai trái. Các cơ quan báo chí phải chủ động đấu tranh bác bỏ các thông tin này.
(Theo Tri Thức)

(FB Lưu Trọng Văn)

Không có nhận xét nào: