Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Nông thôn Việt: Từ lãng mạn trong thơ Tố Hữu đến những tùy bút u hoài của Trần Đăng Khoa, Phạm Quang Long


...Đường thống nhất chân ta bước gấp 

Miền Bắc ta xây đắp nhanh tay 

Năm năm mới bấy nhiêu ngày 
Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều... 
Dân có ruộng, dập dìu hợp tác 
Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê 
Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê 
Sớm trưa tiêng trống đi về trong thôn 
Máu áo mới nâu non nắng chói 
Mái trường tươi roi rói ngói son 
Đã nghe nước chảy lên non 
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài 
Đã nghe gió ngày mai thổi lại 
Đã nghe hồn thời đại bay cao... 
Núi rừng có điện thay sao 
Nông thôn có máy làm trâu cho người 
Đời hết kẻ sống lười ăn bám 
Đời của ai dũng cảm hy sinh 
Những người lao động quang vinh 
Chúng ta là chủ của mình từ đây... 
Nghìn năm giấc mộng đêm ngày... 
( Ba mươi năm đời ta có Đảng...)

Hình minh họa

Phạm Quang Long - Làng và nước mắt thời mở cửa

Làng tôi nhỏ như cái khoẳm bò nằm ôm lấy dòng sông Sinh thơ mộng. Tuổi thơ tôi đã gắn bó với làng tất cả mọi niềm vui và nỗi buồn. Tôi lớn lên, nhờ công ơn nuôi dạy của mẹ tôi là chính nhưng dân làng, cả họ hàng và người khác họ đã giúp chúng tôi rất nhiều, kể cả làm sao để sống lẫn làm cho hết những công việc của một gia đình chỉ có bà goá và những đứa trẻ như nhà tôi. Mẹ tôi đã hơn một lần nói rằng nếu không có bà con dân làng, không biết chúng tôi sẽ ra sao.
Làng tôi nghèo, hồi cải cách ruộng đất chỉ có hai nhà địa chủ- nghĩa là mỗi nhà ấy chỉ có cái sân gạch, vài gian nhà tre với dăm mẫu ruộng. Cũng có cây mít, ao cá đấy nhưng chưa bao giờ tôi thấy những nhà đó là giàu có cả. Nếu so với bây giờ thì người làng tôi thành địa chủ gần hết làng rồi. Họ chỉ thua địa chủ kia mỗi khoản ruộng thôi chứ thóc và tiền, chắc địa chủ xưa không sánh được.

Suốt những năm tuổi thơ cho đến khi rời làng đi học, tôi thấy không khí làng xóm quê tôi đầm ấm lắm. Cả làng chỉ có dăm sáu họ nhưng dù khác họ, cũng vẫn là bà con cả, không họ nội thì họ ngoại, hoặc là thông gia. Thành ra, khi mỗi nhà có việc gì là cả làng cùng đến giúp. Không kể chuyện vui hay chuyện buồn lớn như nhà nào chẳng may có cha già, mẹ héo, hay con cái lớn phải dựng vợ, gả chồng, dựng nhà, dựng cửa... là cả làng đến mỗi người một chân một tay hỗ trợ. Người mang cho mấy nón chè tươi, người giúp dăm bơ gạo...nói tóm lại, lúc nào không khí trong làng cũng vui. Tôi để ý suốt bao nhiêu năm, tôi không thấy có đám đánh nhau giữa những người lớn bao giờ, chỉ có trẻ con đánh nhau nhưng bất cứ người lớn nào trông thấy cũng can ra, phân giải phải trái đàng hoàng. Làng tôi an bình và hoà thuận dù nghèo. Chả thế mà tôi vẫn cứ đùa làng ta nghèo nhất xã, xã ta nghèo nhất huyện, huyện ra nghèo nhất tỉnh, tỉnh ta nghèo nhất miền Bắc. Nhưng làng tôi vui, đầm ấm. Mọi người dựa vào nhau, quan tâm đến nhau vừa như cái lẽ phải thông thường phải thế. Và nhường nhịn khi có sự bất hoà. Những ngày Tết nhất, tiếng cười nói, chào hỏi nhau, vui lắm. Nhìn rộng ra xã tôi, vùng tôi ở không khí cũng na ná như nhau cả. Cái thủa yên bình ấy, cứ nhạt dần và đến bây giờ thì tôi không còn thấy nữa. Quê tôi giàu lên nhưng những mất mát thì không gì bù đắp được, nhất là những nhạt nhoà về tình người và người ta trở nên thờ ơ với nhau hơn xưa. Bây giờ, khi nhà nào có việc, dân làng vẫn đến nhưng đó là theo những quy định đã thành văn, nó như nghĩa vụ bắt buộc và tôi đọc thấy trong tâm trạng mọi người là điều này đã như " khế ước xã hội", không làm không được chứ trong lòng không có cái tình cảm tự nhiện, nhi nhiên như xưa. Và nếu một nhà nào đó không " đạt chuẩn" thì sẽ có sự bàn tán, bình phẩm theo kiểu sòng phẳng chứ không phải là những lo lắng cho nhau, đầy sự sẻ chia như xưa nữa.

Khi bước vào đổi mới, quê tôi có nhiều người đi các tỉnh phía Nam làm ăn và cũng có những người được nhà nước ưu tiên cho đi xuất khẩu lao động. Ở đâu đó người ta xuất khẩu cán bộ kỹ thuật nhưng quê tôi lạc hậu, nghèo, toàn xuất khẩu lao động giản đơn hoặc phụ nữ đi làm oshin thôi. Thôi thì cái số mình nó thế, đói bụng, đầu gối phải bò. Làm gì có lựa chọn khác. Bỏ chồng, bỏ con ở nhà, dấn thân vào cuộc sống mới cũng chả sung sướng gì đâu. Tôi cứ nhớ mãi một câu thơ của ông nhà thơ Nguyễn Duy, viết về cảnh ngộ chia tay của những cảnh ngộ như thế mà ứa nước mắt: " những cuộc chia ly toe toét cười". Ai cũng cười gượng cả. Chỉ để cho yên lòng nhau nên phải cố. Mà cố thì giả dối nên nụ cười ngày chia ly còn đau hơn những giọt nước mắt.

Tôi về quê, nghe kể chuyện ở mấy xã gần làng tôi có một chị đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho chồng con, khá lắm, chị khác xây được cả nhà cho chồng không kém gì biệt thự ở thành phố. Người nhà tôi hỏi có quen ai không xin cho người này, người kia một suất. Tôi chỉ lắc đầu. Vì mình không quen đã đành, mà nếu có quen tôi cũng không làm. Tôi không biết ở những nơi họ đi làm thuê ấy thế nào chứ Nga, Hàn, Nhật tôi cũng đã từng qua, đã biết ít nhiều. Không có gì đảm bảo cho một tương lai " bền vững" cả.

Và, những điều lo ngại của tôi đã xảy ra. Tôi nghe kể có chị sau vài năm gửi tiền về cho chồng con rồi tìm bến đỗ mới với những người khác, theo kiểu " thế là mợ nó đi tây" của Nguyễn Công Hoan. Có người bị cái thằng " hoàn cảnh" nó xô đẩy nên tiếng tăm đồn về nhà. Anh chồng nổi giận ném tất cả đồ đạc của vợ gửi về ra sân châm lửa đốt sạch và tuyên bố " không sống bằng tiền bán cái l.của vợ". Anh bắt chị phải bỏ dở hợp đồng, về nhưng chị không chịu, lại còn gia hạn nữa. Thế là anh chán nản, sa vào rượu chè, bỏ bê con cái. Con cái không có người chăm bỏ bê học hành, rồi thành lêu lổng. Có chị khổ hơn, tiền gửi về, chồng đem đi ăn chơi với bồ hết, ngày vợ về, chuyện vỡ lở, lại chia tay và tay trắng lại hoàn tay trắng nhưng nỗi khổ thì không biết bao nhiêu mà kể. Hơn chục người đi như vậy, chỉ có vài ba nhà không xảy ra chuyện to thôi chứ chuyện nhỏ nghe nói đều có cả.

Ông anh họ tôi, ba đứa con nhưng lớn lên, chúng nó bồng bế nhau đi làm ăn xa cả. Nhà chỉ còn hai vợ chồng già lọ mọ trong cái nhà to đùng ( trước làm cho chúng nó ở, giờ càng vắng tợn). Rồi anh ốm, chị chăm. Ruộng nương cho người ta thuê rồi mình lại đi đong thóc ngoài chợ. Có lúc cả hai cùng ốm. Ai dậy được thì cơm cháo phục vụ người kia. Có hôm cả hai ốm quá, đến bữa đành hỏi nhau bà có dậy được không rồi nhìn nhau ứa nước mắt. Anh cười buồn, bảo tôi: " Nhà tôi còn đỡ đấy chú ạ. Chỉ có hai ông bà. Chứ có nhà, chúng nó quẳng con cái cho, không trông không được. Mà giờ nhiều khi trông không nổi, có chuyện gì xảy ra, lại khổ cả chùm". Xa hơn chút nữa, có đứa cháu, vợ con, nhà cửa đề huề, đi làm ăn xa. Rồi về bỏ vợ chả vì lý do gì ngoài chuyện, đi biền biệt, có bồ, rồi lỡ ra, có con, đành vứt bỏ vợ con, nhà cửa để đèo bòng. Nhà giờ đóng cửa để đấy, cứ như nhà hoang. Vợ con dắt díu nhau về ở với ông bà ngoại vì một mình mẹ nó cũng không nuôi nổi ba đứa đang tuổi lớn. Ông anh tôi bảo: " Đi cũng chết mà không đi cũng chết chú ạ. Ở nhà thì vài sào ruộng, làm chả đủ ăn. Mà đi thì cứ như đánh bạc ấy. Thôi thì đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Đánh liều với giời vậy thôi. Giá chịu khó ăn tiêu ít đi thì còn đỡ. Đằng này, người ta thế, mình cũng không khác được. Chả biết bao giờ mới hết cảnh này."

Sắp Tết rồi, tôi lại chuẩn bị về quê chạp họ. Mọi năm, cứ độ rằm tháng Chạp, lũ cháu đi làm ăn xa cũng đến lúc phải lo về với bố mẹ chúng, chăm sóc mồ mả ông bà, tổ tiên, để sum họp. Nhưng, năm nào cũng vắng khoảng 1/3. Chả biết năm nay vắng bao nhiêu? Mà ngay mình đây, cũng chả biết còn về được bao nhiêu lần nữa? Không về, không được. Nhưng, về lại chứng kiến những nỗi buồn như thế, lại đâm nghĩ ngợi.

19.12.2015

Phạm Quang Long

Nhà quê và về quê - Tùy bút của Phạm Quang Long


Hình minh họa

Là trai nông thôn, học xong làm việc ở thành thị, lấy vợ là người Hà Nội, công việc, con cái ổn cả, nhà cửa chẳng sang trọng gì nhưng cũng đủ để sống một cuộc sống yên ổn mà sao những suy nghĩ về quê cứ luôn thấp thỏm trong tôi?

Trước đây, thỉnh thoảng vợ và con vẫn đùa: "bố nhà quê lắm". Tôi hiểu, đó như một lời chê. Thì tôi vốn là người nhà quê, không quê sao được?.Dù xa quê đã lâu và thực sự, tôi đã là một tay nhà quê mất gốc nhưng cái chất quê, kiểu quê nó lặn vào máu tự bao giờ. Ẩn kín đến đâu rồi cũng có lúc cũng bật ra, gây khó chịu cho người khác bởi cái sự thiếu văn minh của mình.

Ngày làm ở sở Văn hoá ở Hà Nội, tôi cứ nói đùa với các bạn là tôi đang " lấy nông thôn bao vây thành thị", đang " nhà quê hoá" đất kinh kỳ. Chả biết mình đã làm hỏng và phá đất thần kinh những gì do ngu dốt, kém cỏi...nhưng phải nói rằng chính những ngày này tôi mới có dịp nhận ra nhiều cái " nhà quê" vẫn đang tiềm ẩn nơi thị thành, đang làm cho nơi đây giầu có thêm lên. Đi sâu vào các khu phố cổ, lật những lớp bao phủ bên ngoài, nhìn sâu hơn vào phía sau tôi nhận thấy rất nhiều chất " nhà quê" của dân tứ chiếng đã góp phần tạo nên mảnh đất kinh kỳ này. Và, ẩn sau những lớp bụi thời gian, bụi " kinh thành", cứ lấp lánh nét đẹp của những người nhà quê thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã cùng góp sức lực, trí tuệ tâm huyết ( cả tài sản và sinh mạng của mình nữa) cho vùng đất mới mà họ đã chọn làm nơi lập nghiệp của mình.

Chỉ riêng những đình chùa của các hội làng nghề thôi đã thấy rất rõ điều đó. Xa xôi gì đâu, độ trên dưới một thế kỷ nay thôi-những gì mà tôi thấy và biết chứ các nhà lịch sử thì chứng minh được từ nhiều thế kỷ trước nữa, những tốp thợ lành nghề của các nơi đã lập thành những phường, những khu của riêng mình. Bằng tài hoa và công sức của họ, họ đã tạo lập cả một nghề, dựng xây một nghiệp cho một gia đình, dòng họ, phường nghề cho đến ngày nay. Những người ấy, trước đây không hề tự ti về nguồn gốc nhà quê của mình, họ đã đặt tên cửa hiệu, phường nghề, hội đoàn của mình là người ở làng X., tỉnh Y. là để nhắc nhớ đến quê hương bản quán, đến tổ tiên mình. Bây giờ đã mất đi khá nhiều (và đó là điều đáng tiếc ) nhưng bạn đi trên phố cổ vẫn còn những ngôi nhà xây đầu thế kỷ XX ghi tên hiệu, làng ở cổng nhà, các đình, quán, nơi thờ thành hoàng, tổ nghề của các làng nghề khắp đất Bắc mà đông nhất vẫn là xứ Kinh Bắc, xứ Đông và xứ Đoài. Đúng như nhà thơ đã viết, khi đi đến một nơi nào đó, người dân đã gánh trên vai cả đất nước đi theo. Đến tận đầu thế ký XX người ở phố vẫn ngại bị người khác chê mình là dân tứ chiếng, không có quê quán nên luôn tự hào mình vốn là người nhà quê bây giờ lập nghiệp ở vùng đất mới. Mối dây liên hệ giữa họ- người thành thị với quê quán, xứ sở vẫn còn rất khăng khít và thiêng liêng. Điều đó bây giờ đang nhạt dần.

Cũng vì làm văn hoá, tôi cũng hay được đến dự những lễ khánh thành các loại từ đường, các quỹ khuyến học do những người con của một làng quê nào đó, giờ thành những đại gia, bỏ tiền ra xây dựng cho quê. Những ngày ấy vui lắm. Người bỏ công của ta làm lợi cho quê vui vì mình đã nhìn thấy kết quả. Người nhà quê vui vì quê mình có thêm điều này điều kia để mở mày mở mặt với thiên hạ. Những ngày ấy cả làng vui như có hội. Và mối giây liên hệ giữa người gốc quê và quê nhà cũng bớt lỏng lẻo đi. Có người làm điều này điều nọ cho quê cũng như một sự đền ơn món nợ sinh thành với cha mẹ, làng xóm. Dù xuất phát từ điều gì thì đó cũng là một nếp hay.

Giờ, do nhiều nguyên nhân và cũng là điều khó tránh, có hai luồng suy nghĩ trái nhau của hai thế hệ: thế hệ cha và con. Thế hệ cha-những người sinh ra và lớn lên độ 18-19 tuổi mới rời quê lên thành thị lập nghiệp. Thế hệ này vẫn nhớ quê và coi đó là chốn đi về của tuổi già, là " chốn nương thân" lúc cần yên ổn và cũng là nơi " trở về với cát bụi". Với họ, nghĩa vụ với làng quê, phần mộ tổ tiên, ông bà còn quan trọng lắm. Hàng năm, thế nào cũng cố về vài lần, với ít nhiều ngậm ngùi, cảm khái, bất lực trước những đổi thay của thế thái nhân tình, lòng người. Tình quê còn nặng nhưng lực bất tòng tâm.
Thế hệ con cái không sinh ra ở quê mà ở thành thị nên quê hương đối với họ là ngôi nhà họ sinh ra và đang ở với tất cả niềm vui, nỗi buồn, những lo lắng mưu sinh và hạnh phúc họ có ở chốn thị thành. Họ cũng biết quê hương bản quán không phải ở đây nhưng sự gắn bó với quê cha không sâu đậm. Không sống ở quê, không có những ràng buộc thiết thực, hàng ngày, quê với họ chỉ là những kỷ niệm mỗi lần theo cha mẹ về thăm họ hàng, là những ràng buộc cũng rất lỏng lẻo. Họ không thờ ơ nhưng cũng không ai " bắt" họ phải gắn bó với quê hương như cha mẹ họ được- những người bây giờ vào mùa đông, kéo ống quần lên, lấy tay gãi vào ống chân, bụi của nước mặn, chua phèn vẫn còn rơi trắng nhà và trên móng chân, móng tay họ, dấu ấn của những ngày làm ruộng, dù ít, vẫn còn khắc vệt thời gian trên đó.

Tôi có ông bạn nhà quê, lấy vợ thị thành. Hơn 10 năm cưới vợ đã có "thành tích" đưa vợ về quê được hai lần. Ngày ấy, đi về quê, cơ cực lắm chứ không như bây giờ. Vậy nên, sau lần mới cưới, lần về vì việc trọng, những ngày lễ, tết chị đều có lý do để không phải về mà lý do nào cũng chính đáng: con bé, con ốm, em không khoẻ, em bận đi công tác... Không thể trách mà chỉ lặng lẽ buồn. Khi con lớn lớn một chút, rủ con về quê. Nó đã biết quê là thế nào nên trả lời rất hồn nhiên: " Thôi, quê bố, bố về!". ( Tất nhiên, giờ thì đã khác. Anh có con xe loại khá, vợ con thích đi về quê để hưởng khung cảnh làng quê, anh chỉ lái nửa ngày về đến nhà). Giờ về nhiều hơn mà cảm giác đi tham quan lại lấn át cảm giác về nhà.

Thì ra câu chuyện nhà quê, về quê, tưởng nhỏ mà không nhỏ. Hay tại tôi cứ lẩn thẩn mà " chẻ sợ tóc làm tư" ra thế chứ nó cũng chả quan trọng gì.Thôi thì dù sao, đó cũng là chuyện bắt mình phải nghĩ còn nó cần thế hay không, chưa biết.

Có lúc, ngồi uống rượu, đã " cảm khái" mấy câu:

Ba mươi năm biệt quê nhà
Ba mươi năm ấy ta là tha hương
...Chén buồn, như thực, như mơ
Chén vui, cứ ngỡ ta giờ ở quê...

Quê, người quê, về quê, chuyện giờ đã khác xưa nhiều lắm.

01.09.2015

Phạm Quang Long

(Blog Tễu)

Làng phố - tùy bút của Trần Đăng Khoa



 

Ngay cái tên đã nhập nhằng rồi. Làng phố. Làng là làng. Mà phố là phố. Làng ở thôn quê. Còn phố nơi phồn hoa đô thị. Đấy là hai vùng địa giới, hai miền văn hóa hoàn toàn riêng biệt. Bây giờ, trong công cuộc đổi mới, đời sống cũng bắt đầu xuất hiện nhiều vẻ đẹp mới. Lại còn có cả những vẻ đẹp của sự nhập nhằng.

Ấy là cái làng quê của tôi.

Cách đây chỉ chừng trên chục năm thôi, làng tôi dù không cách sông cách đò, nhưng vẫn có cảm giác như nó rất hẻo lánh, cô lẻ như một ốc đảo, dù không xa Hà Nội bao nhiêu, nếu tính theo đường chim bay. Ngày mưa, đường quê lụt lội. Làng có đám cưới, người ta phải dùng trâu để đón cô dâu. Bây giờ, cái làng heo hút ấy đã hoá thành đô thị rồi. Đường làng đổ bê-tông. Đêm đêm, những bờ tre, khóm chuối bỗng mỡ màng, óng nuột trong ánh sáng của những ngọn đèn đường. Làng đã có karaoke. Rồi cơm bụi. Rồi dịch vụ cưới xin. Rồi khách sạn, nhà nghỉ cao tầng lấp ló sau những gốc sung, bụi duối. Trống, nhạc xập xình. Những gì thành phố có thì ở cái xó làng này cũng có. Các cô thợ cấy, các bà chăn lợn giờ cũng phấn son, váy áo loè xoè. Ông bạn tôi, một cựu chiến binh lắc đầu ngán ngẩm: “Mình chẳng phải thằng ham hố gì đâu, nhưng nhiều lúc cũng chỉ muốn thành một lão có chức sắc thật to, để làm gì cậu hiểu không? Để ký một sắc lệnh: Cấm tất cả các em chân cẳng khùng khoèo, đen nhẻm …không được mặc váy ngắn!”.

Cũng may, ông bạn tôi vẫn chỉ là một thợ cày. Nhờ thế, các em chăn lợn của làng vẫn nhóng nhánh đua sắc.

Làng lúc nào cũng tưng bừng như Tết. Đèn lồng đỏ treo đầy đường. “Đấy, cháu thấy đẹp không? - Ông bác tôi bình luận - Ở quê bây giờ vui lắm. Chẳng dị mọ khổ hạnh như dân đô thị chúng mày đâu. Khốn nạn! Có lần, tao đến thăm thằng anh mày, nó đưa đi ăn đặc sản. Mà đặc sản là gì cháu biết không? Cơm niêu, rau lang rồi chả nhái. Khiếp! Toàn những món khoái khẩu của lợn gà, trâu chó ở quê, thế mà chúng mày coi là đặc sản! Giời đất đúng là lộn tùng phèo hết cả rồi!”

Ông cụ cười hể hả. Nụ cười của một lão thợ cày luôn coi mình là “cái rốn của vũ trụ”.

- Ở quê bây giờ hay lắm.- Ông bác tôi tiếp tục câu chuyện - Đồng đất vẫn đồng đất ấy nhá. Con người cũng vẫn con người ấy, chỉ thay đổi cách lãnh đạo là đời sống biến đổi như có phép lạ. Có năm lại lũ lụt liên miên ở miền Trung, rồi miền Nam, rồi cả vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng coi như là mất trắng. Người làng mình phải nhường cơm sẻ áo cho bà con mình ở trong kia, vậy mà bữa cơm cũng có vơi đi đâu. Vậy cháu thử cắt nghĩa xem sự thể nó như thế nào?

Ông bác ruột tôi nhìn tôi lom lom. Ông già có thú vui, hầu như cứ lần nào tôi về quê, ông cụ cũng kéo tôi sang nhà rồi lại rỉ rả bàn chuyện chính trị. Mà toàn chuyện quốc gia, chuyện thế giới. Rồi chuyện sắp tới Đại hội Đảng. Ông nào làm gì. Một lão nông cóc cáy mà sắp xếp nhân sự cho cả Quốc Gia. Thế mới kinh. Tôi ngồi im lặng, vì chưa đoán được ý ông cụ muốn câu chuyện sẽ đi tiếp theo hướng nào.

- Phải công nhận con cháu Cụ Hồ rất tài, cháu ạ. Bí bách kiểu gì rồi cũng thoát được. Trong khi nhiều nước đổ liểng xiểng nhá. Thế mà mình thì có sao đâu nào. Vẫn vững như bàn thạch. Vấn đề lại không phải cứ trẻ mà được đâu. Trẻ như Góc bu chóp đấy, loạng quạng thế nào để vỡ bố nó cái Liên Xô và Đông Âu. Rõ thật đau hơn hoạn.

Nói rồi, ông già quát đứa con út, xem có cái gì ngon thì đãi “thằng em mày”. Cứ như lời ông già thì “thằng em” ở mãi trên Trung ương. Mà trên Trung ương thì khổ rồi, đến cả cái tăm tre xỉa răng cũng không có, cũng phải bỏ cả đống tiền ra mua. Lát sau, một mâm dưa đầy ngật được đặt lên phản. Dưa đỏ mà trông cứ trắng nhợt. Ông già hể hả:

- Ở quê bây giờ mùa nào thức ấy cháu ạ. Tao nói thật, mâm dưa như thế này thì đến cả mấy lão Góc bu chóp, lão Tin Tin với Bap Ba ma cũng chẳng có mà ăn đâu...

Ông già nói với vẻ mặt rất phấn chấn. Còn tôi thì không sao nuốt nổi mấy miếng dưa sậm sật như khoai sống. Tôi lựa lời bảo ông già:

- Vâng, quả thực ông Gorbachev có nhiều tội lắm. Ông ấy trẻ người non dạ nên loạng quạng làm vỡ mất cái Liên Xô với Đông Âu của cụ. Nhưng dưa của ông ấy thì ngon lắm...

- Anh bảo sao cơ?

- Là cháu nói dưa của nước ngoài ấy. Ngon lắm. Họ chỉ thua ta cái họ không có, như chuối, mít, na. Chứ hoa quả gì ta có mà họ cũng có thì ta không thể so được với họ đâu...

Tôi mới nói một chút sự thật về hoa quả, mà cũng chỉ thuần chuyện thực phẩm thôi, ông già đã gườm gườm nhìn tôi như nhìn một thằng Bạch vệ. Rồi ông tìm bà mẹ tôi. Hai người rì rầm bàn bạc với nhau. Tưởng chuyện gì, hoá ra vẫn chuyện của tôi, mà chuyện rất nghiêm trọng.

- Đấy, thì tôi đã nói ngay với thím rồi. Thằng này cứ để nó ở nhà đi cày thì nó lại tốt, lại vững lập trường quan điểm. Cho nó đi học Tây là hỏng rồi. Bây giờ nó đích thị là một thằng Tờ dốt kít..

Bà mẹ tôi run rẩy:

-Tờ dốt kít là gì, hả chú?

- Tờ là i - tờ. I tờ còn không biết thì là dốt chứ còn gì nữa. Mà dốt đến độ kít. Nghĩa là rất dốt. Rất nguy hiểm. Tờ dốt kít chính là một tên chống Đảng ở bên Liên Xô!

- Chết chết. - Bà mẹ tôi rên rẩm. - Con tôi sao lại sang đến tận Liên Xô để chống Đảng. Làm sao lại đến nông nỗi này, hở giời. Bác cứ để đó cho em dạy cháu!

Thế rồi suốt đêm ấy, mẹ tôi nói với tôi bao chuyện. Toàn những chuyện “cơm nặng áo dày” của Đảng và Chính phủ. Một người như tôi mà còn bị nghi ngờ thì buồn cười quá. Tôi cứ cười thầm một mình. Nhưng đến khi thấy bà cụ khóc thì tôi phát hoảng. Hoá ra sự việc rất nghiêm trọng chứ không đơn giản như tôi nghĩ.

Có lần nhá nhem tối, tôi mới về đến làng. Làng thay đổi nhiều quá. Một chiến dịch xây dựng và tôn tạo nhà cửa. Quẩn quanh mãi mà tôi vẫn không tìm thấy lối vào nhà. Tôi tạt vào quán "Hương Quê" hỏi thăm. Bà thợ cấy chủ quán "Hương Quê", nhưng bán toàn đồ điện tử rẻ tiền, tròn mắt nhìn tôi:

- Chú làm sao thế? Say rượu à? Ối giời đất ơi, làm sao mà chú đến “lông lỗi” này hở Giời!

Thế là sáng hôm sau, cái tin tôi về đến cổng còn hỏi thăm đường đã lan ra khắp xóm. Ông bác lại ngán ngẩm: "Hỏng! Không ngờ nó quan liêu bao cấp quá! Đời sống phố xá làm nó hư hỏng nhanh quá! Thằng này mà làm quan to thì chỉ có chết dân!".

Khổ! Nào tôi đâu có thay đổi gì. Cái dải khoai của làng, dù có bứng ra trồng ở đâu thì cũng vẫn chỉ là cái dải khoai thôi. Tại làng quê thay đổi nhanh quá mà tôi không theo kịp. Lại còn có dạo nghe đồn, không lâu nữa, làng tôi sẽ trở thành ngoại ô của Hà Nội cùng với mấy tỉnh lân cận. Thế là giá đất tự nhiên tăng vòn vọt. Mấy năm trước, mẹ tôi bán 360m2 đất vườn cho ông chủ tiệm vàng thị trấn với cái giá 30 triệu bạc. Thế rồi đùng cái, ông ta bán lại cho anh chàng lái xe đường Hà Nội - Quảng Ninh. Thế rồi ông lái xe ấy lại trao tay qua mấy ông nữa. Khi làm lại giấy tờ cho ông chủ mới, mẹ tôi tưởng như ngất xỉu. Số tiền đã lên đến trên một tỷ đồng. Bà cụ đổ bệnh. Cơ chừng này không khéo nguy kịch. Tôi phải nhào về làng cứu nguy: "Con chúc mừng mẹ đấy!". "Mừng gì?". "Mừng vì cái vụ bán đất của mẹ ấy!". "Mất hàng núi vàng mà mày lại mừng à?". "Mất đâu. Tiền sinh năm, đẻ bảy thì sao lại gọi là mất? 1 trăm ngàn mẹ cho con Cún, nhà con coi như lộc của bà, đem đi mua xổ số. Mua chơi thôi. Ai ngờ lại trúng đậm". "Cái gì?". "Trúng xổ số! Trúng độc đắc 3 tỷ, mẹ ạ!". "Ối giời đất ơi!". “Chúng con coi đấy như tiền dưỡng già của bà. Hay là chúng con chuyển về đây cho mẹ nhé!”. "Chết chết! Tao có tiêu gì đâu mà phải dùng tiền! Nhà chẳng có gì, mấy thằng nghiện còn cưa song cửa sổ. Bây giờ lại có tiền thì nó bóp cổ tao à?". Mẹ tôi tỉnh hẳn. Bệnh cũng tan vèo. Cái vé trúng độc đắc ấy là chuyện tôi bịa. Nhưng lời nói dối cần thiết và đúng lúc lại hóa vị thuốc thần tiên, cứu mẹ tôi thoát cơn đột quỵ. Làng đang vỡ. Trong cuộc vươn mình ấy, tất sẽ có người vui và cả người buồn. Nỗi buồn của một cá nhân, nhưng lại là niềm vui của cả làng, cả nước. Thế thì làm sao mà ta lại không vui?


Nhà thơ Trần Đăng Khoa

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi lại nhớ những câu thơ cảm thán của nhà thơ Trần Tế Xương:
...
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò.
Việc đời nghĩ đến mà lo,
Giàu sang có phận, đói no có trời.