Cập nhật : 01:00 | 27/12/2015
Tham vọng gia tăng ảnh hưởng với kinh tế toàn cầu động cơ thôi thúc Trung Quốc đưa ra quyết định quyết định bất ngờ trong 2015. Điều này tạo ra một cú sốc và sự dè chừng cho thị trường tài chính thế giới.
Bước ngoặt lịch sử
Tháng 8/2015, Ngân hàng Trung ương TQ (PBoC) đã có một quyết định khiến cả thế giới bất ngờ: đưa cơ chế quản lý đồng nhân dân tệ (NDT) sang một trang mới, chuyển từ neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ.
Với quy chế xác định tỷ giá tham chiếu hàng ngày dựa trên diễn biến trên thị trường, liên tiếp trong 3 ngày từ 11-13/8/2015, PBoC đã 3 lần hạ tỷ giá tham chiếu lần lượt là 1,9%, 1,6% và 1,1%, đưa đồng NDT giảm tổng cộng gần 5% xuống còn 6,45 NDT/USD, mức thấp kỷ lục trong suốt 4 năm trước đó.
Quyết định bất ngờ của PBoC là một thay đổi rất lớn và ngay lập tức được cho là đã khơi mào cho cuộc chiến tranh tiền tệ ở châu Á và buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải trì hoãn nâng lãi suất.
Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT (yuan) trong năm 2015. |
Hàng loạt các đồng tiền trong khu vực đã ngay lập tức lao dốc. Ringgit Malaysia sụt giảm xuống mức thấp nhất gần 2 thập kỷ so với USD; đồng Rupiah Indonesia cũng xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm. Đô-la Australia, New Zealand, Singapore, won Hàn Quốc… đều giảm mạnh.
Điều mà các đối tác xuất khẩu lớn nhỏ trên thế giới của TQ nhìn thấy sau động thái này là một đòn giáng mạnh vào sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của họ. TQ phá giá đồng NDT làmột tin xấu đối với các đồng tiền châu Á. Sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu khiến các nước đồng loạt theo chân TQ hạ giá đồng nội tê.
Làn sóng giảm giá còn kéo dài sau đó và đây được xem là cuộc chiến tiền tệ mới bởi trước đó trừ Mỹ, NHTW các nước đã liên tục lỏng chính sách tiền tệ với mục tiêu chống giảm phát và bảo vệ nền kinh tế trước đồng USD tăng giá và giá dầu lao dốc.
Một tuần sau đó, nền kinh tế mới nổi Kazakhstan - nước có 2 đối tác thương mại lớn nhất là TQ và Nga - thậm chí còn thả nổi tỷ giá, xóa bỏ biên độ tỷ giá, khiến đồng Tenge sụt 23% xuống mức thấp chưa từng có.
Quyết định phá giá NDT của TQ được xem là bất ngờ. Eurozone và Nhật Bản không hề có sự phòng bị đối với một động thái như vậy. Đây chính là nguyên nhân khiến ECB phải kéo dài thời gian thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE). Trong khi Nhật đối mặt với thách thức lớn hơn khi mà chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe với trọng tâm nới lỏng tiền tệ và kích thích tiêu dùng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Cú sốc "gây chiến" và âm mưu toàn cầu Trung Quốc.
|
Tại Việt Nam, sau khi NDT phá giá, NHNN đã phải 2 lần nới biên độ, mỗi lần 1% (vào 12/8 và 19/8) và một lần tăng tỷ giá (1% hôm 19/8). Giá USD trên thị trường tự do sôi sục, tăng tổng cộng 1.000-1.100 đồng, có lúc lên 22.950 đồng/USD (chiều bán).
Thị trường dầu thế giới xuất hiện tình trạng bán tháo, giá sụt xuống đáy 6 năm rưỡi. Trong nước TTCK, DN và người dân TQ cũng bị ảnh hưởng. Giới tỷ phú TQ sau khi mất 100 tỷ USD hồi tháng 7 khi TTCK biến động, đã mất thêm hàng chục tỷ USD do NDT giảm.
Cuộc chiến chưa dừng?
Sau cú “bẻ lái” lịch sử, đồng NDT khá ổn định trong khoảng 3 tháng rưỡi sau đó. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tuần sau khi được IMF lựa chọn vào giỏ tiền tệ quốc tế, đồng NDT của TQ lại liên tục lao dốc, xuống mức thấp hơn mức đáy ghi nhận sau cú sốc phá giá hồi tháng 8/2015.
Trong tuần thứ 2 của tháng 12, NHTW TQ (PBoC) đã nhiều phiên liên tiếp thiết lập giá tham chiếu ở mức thấp dần đều. Tính tới hết 11/12, tỷ giá USD/NDT đã xuống tới 6,455, mức thấp nhất trong 4,5 năm. Tổng cộng trong tuần, NDT giảm 0,8% trong nước và giảm 1,2% trên thị trường quốc tế.
Hiện tượng này khiến giới đầu tư lo ngại về một toan tính dần dần phá giá khoảng 10% của TQ mà nhiều chuyên gia đã dự báo từ trước. Tỷ giá có thể xuống tới 6,8 NDT đổi 1 USD vào khoảng cuối 2016.
Cú sốc phá giá NDT bất ngờ với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cảnh báo này cũng đã từng được đưa ra trước đó, trong bối cảnh nền kinh tế TQ sụt giảm tốc độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 7% so với mức trung bình 10% trong suốt thời kỳ 1980-2012 và được dự báo còn chậm hơn nữa. TTCK trong khi đó đổ dốc không phanh.
Tham vọng vực dậy kinh tế, duy trì tăng trưởng và việc làm nhưng vẫn muốn đồng thời tăng quyền lực cho đồng NDT trong kinh tế toàn cầu được xem là động cơ khiến TQ đưa ra quyết định một quyết định bất ngờ trong năm 2015.
Lợi ích của một đồng tiền mạnh như USD và euro vượt xa biên giới quốc gia, ít nhất trong lĩnh vực tài chính và thương mại toàn cầu. Đây là điều TQ khát khao trong bối cảnh đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đích đến của NDT là đồng tiền dự trữ toàn cầu đã thành hiện thực vào cuối tháng 11/2015.
Một đồng NDT yếu hơn nữa nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu là một lựa chọn. Vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu của NDT đã được xác định sau quyết định của IMF. TQ sẽ buộc phải giữ giá đồng NDT để được sử dụng rộng rãi trên thế giới và tránh dòng vốn tháo chạy. Tuy nhiên, đó là về dài hạn. Đầu xuôi đuôi sẽ lọt. Trong ngắn hạn, có lẽ TQ muốn một đồng nội tệ yếu, vừa để vực dậy nền kinh tế vừa để phản ứng với khả năng Fed bước vào một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, ứng với một đồng USD mạnh lên.
M. Hà
Ông Tập nhắn nhủ quân đội thực hiện Giấc mộng Trung Hoa
Chủ tịch Trung Quốc gửi lời chúc mừng năm mới tới quân đội và mong lực lượng này sẽ giúp Bắc Kinh hoàn thành các mục tiêu của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
|
Ông Tập Cận Bình hôm 25/12 đích thân đăng lời nhắn lên mạng Weibo của tờ nhật báo thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA Daily), khuyến khích quân đội trở nên hùng mạnh hơn, có những đóng góp mới để thực hiện các tham vọng của quốc gia, theoCRI.
Thông điệp mới của chủ tịch Trung Quốc được đưa ra nhân dịp ông đến thăm tờ báo khi sắp kỷ niệm 60 năm thành lập, vào ngày 1/1. PLA Daily cần trung thành với các nguyên tắc của Đảng cộng sản Trung Quốc và kiên định tuân theo sự lãnh đạo của đảng, theo ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 9 công bố một phần kế hoạch cải tổ quân đội, trong đó có tinh giản cấu trúc chỉ huy và cắt giảm nhân sự, nhằm giúp lực lượng này có thể chiến thắng trong chiến tranh hiện đại. Giới quan sát đánh giá đây là đợt cải cách lớn nhất trong hàng chục năm qua.
Ông Tập quyết định hiện đại hóa quân đội vào thời điểm Trung Quốc trở nên kiên quyết hơn trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hải quân Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm và tàu sân bay trong khi không quân phát triển chiến đấu cơ tàng hình.
Khánh Lynh
( Vnexpress )
Báo Mỹ: Trật tự thế giới mới phụ thuộc vào Nga, Trung chứ không phải Mỹ
Tạp chí The National Interest (NI) của Mỹ nhận định, sự giống nhau về lợi ích và hợp tác kinh tế hiệu quả sẽ cho phép Nga và Trung Quốc tạo ra trật tự thế giới mới mà ở đó Mỹ sẽ phải chiến đấu để giành ảnh hưởng và duy trì hình ảnh của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Hãng Ria Novosti trích dẫn bài viết của 2 chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Michelle Shevan Koettsi và Eksel Hellman trên tạp chí The National Interest (NI) của Mỹ cho hay, thời gian gần đây, Nga đạt được thành quả trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng và phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc.
Trong tương lai, việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Washington.
Các chuyên gia của NI nhận định, Nga và Trung Quốc đang thiết lập mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự, kinh tế và năng lượng.
Sự hợp tác ngày càng vững mạnh có lợi cho cả 2 phía. Moscow có thể đảm bảo được thị trường xuất khẩu thay thế (và khu vực ảnh hưởng chính trị mới). Còn Trung Quốc cuối cùng cũng đủ sức mạnh chống lại Mỹ, quốc gia đang cố gắng ngăn chặn việc tạo ra một trật tự thế giới mới.
Mỹ đã nhìn thấy, trong quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc tồn tại một mối đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích của họ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đặc biệt, Nga đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc bằng cách cung cấp những loại tên lửa, thiết bị radar tân tiến và các hệ thống vũ khí hiện đại khác nhằm bổ sung cho chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (mật danh A2/AD) của Bắc Kinh.
Năm 2014, hai nước đã hoàn tất một thỏa thuận về việc Nga cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không di động tầm xa S-400 cho Trung Quốc.
Thỏa thuận này đánh dấu một mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên mua hệ thống vũ khí tân tiến này.
Ngoài ra, việc củng cố liên minh giữa hai cường quốc có thể làm suy yếu khả năng áp đặt các quyền lợi của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và tài chính toàn cầu.
Hợp tác Nga - Trung Quốc cũng có thể giảm thiểu đáng kể những tác động tiêu cực do lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU chống lại Nga mang lại.
Năm 2014, Moscow đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 24,5 tỷ USD với Bắc Kinh. Thỏa thuận một mặt nhằm giảm sự phụ thuộc của Nga vào đồng đô la Mỹ (USD), mặt khác để thúc đẩy đồng nhân dân tệ ra thị trường ngoại hối.
Trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ căng thẳng, các doanh nghiệp Nga nhiều khả năng sẽ xâm nhập vào Bắc Kinh. Điều này có thể làm suy yếu các đòn bẩy tài chính trong tay Mỹ và các đồng minh.
Nhìn chung, sự hợp tác về tài chính giữa 2 nước sẽ góp phần tạo ra một diện mạo mới, và Mỹ như một đối thủ yếu trên trường quốc tế, đặc biệt là vai trò của đồng đô la Mỹ (USD) sẽ giảm sút mạnh trên thị trường ngoại hối toàn cầu, các chuyên gia tiếp tục.
Hai chuyên gia dự đoán: "Thỏa thuận Nga – Trung Quốc và những thách thức mới do nó đem lại sẽ buộc Mỹ phải theo dõi chặt chẽ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và nỗ lực thay đổi thế cân bằng này”.
“Tính năng động trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và khả năng về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và sự ổn định toàn cầu trong thế kỷ XXI”, các chuyên gia kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới. Ngày 9/12/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập tờ Tiếng nói nước Nga và RIA Novosti thành Rossiya Segodnya (hãng tin tức quốc tế Russia Today (RT)).
Đào Cảnh (Lược dịch)
( Infonet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét