Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về dự án lấp sông Đồng Nai

(Xã hội) - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về dự án lấp sông Đồng Nai.


Không gian Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” nhìn từ trên cao.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIII: “Tại các buổi tiếp xúc, cử tri tiếp tục phản ánh dự án lấp sông Đồng Nai để làm dự án phát triển đô thị ven sông sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân các tỉnh phía Nam và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì các Bộ, ngành có liên quan đang xem xét, xử lý vấn đề này.

Đề nghị Thủ tướng thông tin cho đại biểu Quốc hội biết về tình hình hiện nay của dự án, việc thẩm định, đánh giá lại dự án đã tiến hành đến đâu; có tiếp tục thực hiện dự án nữa hay không? Nếu ngừng thực hiện dự án thì phương án khắc phục như thế nào? Và việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những đơn vị có liên quan?”
Về chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết:
1. Về tình hình hiện nay của dự án:
Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (Dự án) do Công ty cổ phần đầu tư-kiến trúc-xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được khởi công từ tháng 9/2014.
Dự án có quy mô 8,4ha, trong đó 7,7ha lấn sông Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 1,3km, chiều rộng lớn nhất khoảng 100m. Việc xây dựng kè bờ lấn ra sông được thực hiện tại đoạn sông có chiều rộng khoảng 800m (đây là đoạn sông rộng nhất tính từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh).
Nằm trong phạm vi Dự án có trạm bơm của Nhà máy nước cấp cho thành phố Biên Hòa và trạm thủy văn Biên Hòa. Để phục vụ cho việc phát triển Dự án, vị trí lấy nước của trạm bơm và trạm thủy văn dự kiến sẽ được di dời. Vị trí xây dựng Dự án cách luồng giao thông thủy khoảng 280 m, nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng giao thông thủy.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2015, Dự án đã thực hiện san lấp khoảng 600m chiều dài, trong đó có khu vực trung tâm hình bán nguyệt chiều rộng lớn nhất là 100m, chiều dài 500m, khối lượng san lấp khoảng 70%. Cao trình mặt kè cao hơn lòng sông khoảng từ 5-8 m; đã xây dựng một phần cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, san nền…).
2. Quá trình chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với Dự án:
Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo quy định, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền (công văn số 2089/VPCP-KTN ngày 27/3/2015).
Từ ngày từ ngày 28/3, Chủ đầu tư Dự án đã dừng toàn bộ việc thi công, duy trì bốn chốt bảo vệ trực 24/24 giờ bảo đảm an ninh công trường và đội công nhân dọn dẹp vệ sinh, tưới nước mặt bằng để chống bụi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan kiểm tra, có báo cáo đánh giá sơ bộ về Dự án. Tuy nhiên, Dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai thẩm định, phê duyệt, cấp phép thực hiện, để bảo đảm khách quan, khoa học, quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, đặc biệt là các tác động của Dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai như vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý Dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật (công văn số 4520/VPCP-KTN ngày 17/6/2015).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng liên ngành thực hiện thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án (19 thành viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước, thủy văn, bùn cát, chỉnh trị sông, môi trường sinh thái).
Kết quả đánh giá của Hội đồng cho rằng các tài liệu cơ bản đưa vào nghiên cứu, tính toán của Dự án là các số liệu cũ, chưa đầy đủ, không đồng bộ (thiếu số liệu về bùn cát; kiểm nghiệm, hiệu chỉnh mô hình chưa chính xác), chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động của Dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai, đặc biệt là những nội dung về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ bãi sông, chất lượng nước sông, chưa định lượng cụ thể được các tác động Dự án.
Đây là vấn đề khoa học phức tạp, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, chính xác, khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Hội đồng thẩm định khẩn trương lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực, uy tín để thực hiện nghiên cứu, đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của Dự án (công văn số 8470/VPCP-KTN ngày 16/10/2015).
Sau khi các đơn vị tư vấn hoàn thành, Hội đồng thẩm định tiếp tục xem xét, đề xuất phương án xử lý cụ thể nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Hội đồng lựa chọn hai đơn vị tư vấn độc lập, có đủ uy tín, năng lực là Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Thủy lợi (thực hiện tính toán, đánh giá bổ sung các vấn đề về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng sông Đồng Nai) và Viện Sinh thái học miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (thực hiện đánh giá bổ sung các vấn đề về hệ sinh thái, thảm thực vật khi triển khai Dự án) để đánh giá các tác động của Dự án. Các đơn vị nêu trên đang khẩn trương triển khai việc khảo sát, bổ sung số liệu và nghiên cứu, bổ sung, cập nhật các mô hình tính toán để đánh giá tác động.
3. Quan điểm xử lý những vấn đề liên quan đến Dự án:
Chủ trương cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông đã được nhiều nước trên thế giới và Việt Nam áp dụng.
Dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cấp phép thực hiện. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện Dự án hay không và phương án xử lý cụ thể đối với Dự án phải dựa trên các cơ sở khoa học, kỹ thuật (sau khi hai đơn vị tư vấn độc lập do Hội đồng lựa chọn đã bổ sung, cập nhật số liệu, đánh giá định lượng các tác động của Dự án – kể cả các phúc lợi xã hội đối với cộng đồng mà Dự án mang lại, Hội đồng sẽ tiếp tục họp đánh giá tác động của Dự án) để quyết định phương án xử lý tối ưu, hạn chế các tác động tiêu cực của Dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai.
Việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ được xem xét sau khi có kết quả đánh giá đầy đủ tác động và giải pháp khắc phục cụ thể. Tùy thuộc mức độ sai phạm, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân (nếu có) sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
(Theo Vietnam+)

(Kinh tế) - Tăng trưởng gần 50% so với năm 2015, ngành rau quả được coi như “hiện tượng” bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu nông sản năm nay.

Kỳ vọng rau quả Việt Nam
Kỳ vọng rau quả Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả đạt 2,2 tỉUSD, tăng tới 47% so với năm 2014. Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục của một ngành sản xuất có nhiều lợi thế, thế mạnh này. Trong năm, nhiều loại trái cây, như nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính, như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản… góp phần giúp cho xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.
Việc tiếp cận những thị trường này có được là do thời gian qua, nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như trong tháng 9/2015, đã có trên 20 ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, sản phẩm thanh long cũng đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận.
Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Những biến động của thị trường này đã và đang gây nên những bấp bênh về giá cả, khiến các nhà vườn thanh long và nông dân điêu đứng.
Theo ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit): “Nhiều mặt hàng hoa quả, rau củ quả của Việt Nam có thừa chất lượng nhưng rất thiếu bộ nhận diện thương hiệu. Các chỉ dẫn địa lý mới chỉ áp dụng cho thanh long ruột đỏ, các mặt hàng khác không được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý nên rất khó đi vào các chợ, trung tâm thương mại của các nước. Sản phẩm được tiêu thụ vẫn phần lớn do cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài và bán được nhiều chủ yếu là do các đối tác nước ngoài chủ động nhập khẩu, đóng gói theo quy trình và công nghệ tiên tiến”.
Tuy xuất khẩu rau quả có bước tiến bất ngờ, nhưng vẫn còn bấp bênh về thị trường. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu hoa quả Việt Nam sang các nước có thị trường giá trị cao như Nhật, EU, Mỹ, Australia không nhiều khiến giá trị gia tăng của mặt hàng này không cao và thường gánh chịu rủi ro. Theo Vinafruit, trong các điều kiện để gia tăng xuất khẩu, chỉ cần áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn Globalgap, rau quả Việt Nam sẽ tự vươn xa không chỉ 2 tỷ USD/năm.
Cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp trong số này có giấy phép xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm đầu mối thu mua và bán lại cho các thương lái nước ngoài để ăn chênh giá nên chưa có chiến lược xâm nhập thị trường bài bản đến từng thị trường.
Xuất khẩu nông sản đạt 30,14 tỷ USD
Tuy nhiên, bức tranh chung về xuất khẩu nông sản năm 2015 lại không được tươi sáng như xuất khẩu rau quả.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,95 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2015 ước đạt 629 nghìn tấn với giá trị đạt 267 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2015 ước đạt gần 6,7 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, tăng 5,8% về khối lượng nhưng giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2015 với 31,73% thị phần.
Đối với ngành hàng cao su, ước tính này năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 1,13 triệu tấn, giá trị đạt 1,52 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2015, chiếm 72,73% thị phần.
Khối lượng xuất khẩu chè năm 2015 ước đạt 123 nghìn tấn với giá trị đạt 211 triệu USD, giảm 6,8% về khối lượng và giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 1.712 USD/tấn.
Khối lượng hạt điều xuất khẩu năm 2015 đạt 328 nghìn tấn với 2,39 tỷ USD, tăng 8,3% về khối lượng và tăng 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 7.291 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 12/2015 ước đạt 8 nghìn tấn, với giá trị đạt 72 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu năm 2015 lên 135 nghìn tấn với giá trị 1,26 tỷ USD, giảm 13% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 9.335 USD/tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 12/2015 đạt 629 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 6,77 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2015 – chiếm 67,46% tổng giá trị xuất khẩu…
(Theo Chính Phủ)

Không có nhận xét nào: