Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Ông Hồ Chí Minh làm gì ở Trung Quốc từ tháng 8-1942 tới tháng 9/1944 ?

NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI TÊN GỌI HỒ CHÍ 

MINH ĐI TRUNG QUỐC NĂM 1942

Đặng Quang Huy
ST – KK - TL
Ông Hồ Chí Minh bị tướng Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê bắt giam 1 năm; Sau đó Trương Phát Khuê viết thư cho Hồ Chí Minh ra điều kiện để được thả tự do: Phải hợp tác tham gia Ban trù bị Đại hội toàn quốc của Việt Cách tổ chức tại Liễu Châu-Trung Quốc...
Sau khi tham gia tổ chức này do Tưởng Giới Thạch lập, ông Hồ Chí Minh mới được quay về Việt Nam tháng 10/1944...
          Từ sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5 năm 1941, chiến tranh thế giới chuyển biến. Sáng ngày 22/6/1941, Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Liên minh chống phát xít được hình thành với trụ cột là 3 nước Liên Xô, Anh, Mỹ. Sau khi Đức đánh Liên Xô, Nhật đứng trước hai lựa chọn: Một là tấn công Liên Xô từ phía Đông, hai là tiếp tục bành trướng xuống phía Nam. Nhật đã chọn hướng thứ hai. Từ khi Nhật vào Việt Nam, Tưởng Giới Thạch điều động một số lớn quân đội về Vân Nam. Ở Quảng Tây, Tưởng Giới Thạch tăng cường cho lực lượng Đệ tứ chiến khu của Trương Phát Khuê với mục đích ngăn chặn quân Nhật tràn vào Vân Nam và chuẩn bị kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Ở nước ta, Mặt trận Việt Minh sau hơn một năm ra đời đã có cơ sở ở nhiều vùng trong nước, đặc biệt là các tỉnh Việt Bắc. Tại đây, phong trào cứu quốc phát triển rộng rãi, thông suốt từ xã đến liên tỉnh, hoạt động du kích xuất hiện ở nhiều nơi.
          Tuy vậy, Mặt trận Việt Minh vẫn chưa có quan hệ chính thức với một nước nào trong phe Đồng minh chống phát xít. Việc hợp tác với Trung Quốc, một nước lớn trong phe Đồng minh, ở ngay cạnh nước ta, cùng chống Nhật cũng chưa được chính thức cam kết. Trong lúc đó, Tưởng Giới Thạch đang đẩy mạnh việc chuẩn bị vào Việt Nam. Từ đầu năm 1942, quan hệ giữa nhà đương cục Trung Quốc với bộ phận Việt Minh hải ngoại ở Hoa Nam trở nên căng thẳng do bọn Việt Quốc phá hoại. Vì thế, việc tranh thủ Quốc dân Đảng Trung Hoa cho cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc và Việt Nam gặp nhiều bất lợi.
          Để giải quyết vấn đề trọng đại này nên “Bác có việc sang Trung Quốc”. Để chuẩn bị đi Trung Quốc, Người nói với đồng chí Vũ Anh lấy đá mềm khắc cho Người hai con dấu: một con dấu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và một con dấu của Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội. Nguyễn Ái Quốc tự tay viết hai giấy giới thiệu của hai đoàn thể trên “cử cụ Hồ Chí Minh đi gặp chính phủ Trung Quốc”. Cái tên Hồ Chí Minh xuất hiện trong chuyến đi đối ngoại đầu tiên này.
          Ngày 13/8/1942, Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng người Việt Nam và Đồng minh, cùng đi với Người có đồng chí Lê Quảng Ba. Từ ngày 19 đến ngày 24/8, Người đến Quảng Tây. Ngày 25/8, Người đến Ba Mông thuộc huyện Tĩnh Tây và tạm trú tại nhà một người nông dân nghèo có tên là Từ Vĩ Tam. Ngày 26/8, Người ăn Tết Trung Nguyên với những người dân Trung Quốc. Ngày 27/8, Hội gia đình kết nghĩa anh em cử một thanh niên người Choang tên là Dương Đào dẫn đường đưa Người tới huyện Bình Mã để đón ô tô đi Trùng Khánh. Ngày 29/8, Người đến Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây và nghỉ trong một nhà trọ nhỏ. Đêm hôm ấy, đặc vụ do tuần canh Hướng Phúc Mậu ập vào nhà trọ kiểm tra giấy tờ rồi còng tay mọi người dẫn nộp cho trưởng quan Mã Hiến Vinh. Trung tướng Trần Bảo Thương, Tư lệnh an ninh biên giới Tĩnh Tây, chỉ huy tình báo của Tưởng đóng ở Tĩnh Tây nhận được tin báo đã bắt được một người tên là Hồ Chí Minh có thân thế phức tạp, mang nhiều giấy tờ cấp từ năm 1940, đã quy tội cho Người là nghi phạm gián điệp, giam ở Tĩnh Tây, chờ giao cho Uỷ ban Quân sự Quốc dân ở Quế Lâm. Việc này xảy ra là do Trương Bội Công, một người Việt Nam làm thiếu tướng trong quân đội Quốc dân đảng và là một tên đặc vụ cùng đồng bọn tố giác. Lúc này Trương Bội Công đang được Tưởng tin cậy và sử dụng trong việc chuẩn bị “Hoa quân nhập Việt”. Trương Bội Công xuất phát từ việc sợ xuất hiện một đại diện có uy tín của Việt Minh sẽ ảnh hưởng xấu đến địa vị của mình đối với giới cầm quyền Trung Quốc và trong Việt kiều ở Hoa Nam nên đã tố giác Người.
          Trên đường bị giải lên huyện lỵ Tĩnh Tây, tình cờ chị gái của Từ Vĩ Tam nhìn thấy nên quay về báo tin. Trong thời gian này, một nông dân Trung Quốc có quan hệ mật thiết với cách mạng Việt Nam là Vương Tích Cơ đến thăm Người, qua đó Người gửi được tin nhắn cho Lê Quảng Ba. Một phong trào rộng rãi đòi trả tự do cho Hồ Chí Minh được phát động. Hàng trăm bức thư của các hội cứu quốc ở khắp chiến khu Cao - Bắc - Lạng và Việt kiều ở Hoa Nam được gửi đến Tưởng Giới Thạch đòi thả Hồ Chí Minh. Những bức thư vận động kèm theo cuốn “Độc lập đặc san” cũng được gửi đến Trùng Khánh, cho các sứ quán, nhiều tờ báo Trung Quốc, phóng viên các hãng thông tấn như TASS (Liên Xô), UPI (Mỹ), Roi tơ (Anh), các tổ chức và các nhà hoạt động chính trị Trung Quốc yêu cầu họ ủng hộ việc đòi trả tự do cho Hồ Chí Minh.
          Sau khi bắt Hồ Chí Minh, từ ngày 2/9/1942, chúng đã giam giữ và giải Người đi quanh quẩn qua 30 nhà tù của khắp 13 huyện tỉnh Quảng Tây, từ Tĩnh Tây đi Vũ Ninh, đến Nam Ninh, lại quay về Vũ Ninh, lên Liễu Châu, đến Quế Lâm, lại quay về Liễu Châu. Thực tế là việc luân chuyển từ những căn hầm dưới đất hôi thối, đầy dòi bọ sang những nhà kho bằng gỗ xiêu vẹo hoặc những trại lính tối tăm. Trên đường di chuyển phải đi bộ, cổ đeo gông, có lính đi kèm, lần qua đường núi, vượt đầm lầy dưới nắng gay gắt hoặc trong mưa thu lạnh. Bọn cai tù theo dõi chặt chẽ từng hành động của Người và tịch thu ngay tất cả những gì Người viết bằng loại chữ chúng không đọc được. Trong thời gian này, Người đã cặm cụi làm thơ và tập hợp thành cuốn “Nhật ký trong tù” nổi tiếng, nói rõ chí hướng cách mạng của Người, lòng khao khát đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
          Ngày 10/12/1942, Người bị giải đến nhà ngục Quế Lâm. Vì nghi là chính trị phạm nên khoảng tháng 5/1943, chúng đưa Người về giam tại Liễu Châu, nơi đóng Bộ Tư lệnh đệ tứ chiến khu của Trương Phát Khuê để giao cho Cục Chính trị đệ tứ chiến khu tra xét. Lúc này trong tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội (sau gọi tắt là Việt Cách) xảy ra nhiều lục đục, bê bối, làm cho hội này gần như bị tê liệt. Đây là một tổ chức giả danh cách mạng Việt Nam được Tưởng Giới Thạch giao cho tên đặc vụ người Việt là Nghiêm Kế Tổ thành lập tháng 10/1942 để làm bình phong cho việc thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” sau này. Tướng Lương Hoa Thịnh đại diện cho Tưởng ở Quảng Tây chỉ định 7 uỷ viên chấp hành của Việt Cách, trong đó có 3 tên được Tưởng chú ý nhất là Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần. Ba tên này không ai phục ai, tên nào cũng tự cho mình là lãnh tụ, giữa chúng diễn ra một cuộc xâu xé kịch liệt để giành ghế chủ tịch và chia tiền phụ cấp của Tưởng ngay từ khi Việt Cách mới được thành lập. Đồng thời cũng nổ ra sự tranh giành lãnh đạo Việt Cách giữa phái Tưởng và phái Lưỡng Quảng, cụ thể là giữa Lương Hoa Thịnh và Trương Phát Khuê, với mục đích để gây ảnh hưởng nhiều hơn cho phe mình khi vào Việt Nam.
          Sang năm 1943, Anh và Mỹ bắt đầu phản công Nhật ở Thái Bình Dương và khả năng quân Đồng minh vào Đông Dương đã xuất hiện. Đối với Tưởng, việc hoàn thành kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” càng trở nên cấp bách. Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Khuê đều thấy cần gấp rút củng cố lại Ban lãnh đạo Việt Nam cách mạng đồng minh hội và phải lôi kéo Việt Minh vào hội này vì Việt Minh có thực lực ở trong nước. Lúc đó họ mới nghĩ đến Hồ Chí Minh mà họ biết rõ Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, một lãnh tụ có uy tín của Việt Minh đang bị giam ở Quảng Tây. Họ thấy cần tranh thủ đưa Hồ Chí Minh vào Ban lãnh đạo Việt Cách mặc dù biết Hồ Chí Minh là cộng sản. Họ không muốn điều này nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Hoặc là để Việt Cách tiếp tục tồi tệ và Tưởng không có công cụ nào có giá trị khi vào Việt Nam. Hoặc là cố xây dựng một tổ chức liên hiệp các đảng phái chính trị Việt Nam do Trung Quốc bảo trợ để trở về Việt Nam. Giải pháp thứ hai được cả Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Khuê tán đồng, với hy vọng sẽ làm cho vị trí của Hoa quân ở Việt Nam và địa vị của Trung Quốc ở châu Á sau này được đề cao.
Sau khi ra tù, Hồ Chí Minh ở lại Liễu Châu một thời gian để một mặt tập luyện phục hồi sức khoẻ, mặt khác liên lạc với những người Việt Nam yêu nước đang ở Liễu Châu, tìm cách liên lạc với Đảng ta ở trong nước. Công việc hàng ngày của Người là rèn luyện thân thể, trồng cây, đọc sách, vận động giác ngộ đồng bào Việt Kiều. Lúc này, sức khoẻ của Người sút kém nên Người năng tập thể dục vào buổi sáng. Tập xong Người tắm. Lúc đầu, tắm nước ấm, dần dần tắm nước lạnh, kể cả mùa đông.
Trương Phát Khuê đã mời Người tham gia Ban trù bị Đại hội toàn quốc của Việt Cách. Lúc đầu Người không nhận và muốn về nước ngay để hoạt động, nhưng sau Người nhận được thư của Trương Phát Khuê đích thân viết cho Người với yêu cầu coi sự đồng ý của Người như là điều kiện trả tự do cho Người. Đồng thời, Người nhận thấy việc mời Người vào Ban trù bị chứng tỏ Tưởng Giới Thạch có thay đổi chủ trương: Chấp nhận những đảng phái cánh tả của cách mạng Việt Nam vào Việt Cách. Thấy từ chối không có lợi nên Người đã nhận lời và làm việc với tinh thần xây dựng trong Ban trù bị Đại hội Việt Cách.
          Sau nhiều lần họp, hội nghị Ban trù bị bế tắc vì không nhất trí về thời gian họp, số lượng đại biểu Việt Minh tham gia. Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn đã mở lối thoát bằng cách đưa ra sáng kiến họp hội nghị đại biểu hải ngoại trước để thống nhất các lực lượng cách mạng Việt Nam ở ngoài nước và để trù bị cho đại hội toàn quốc. Đại hội Việt Cách sẽ họp sau một năm cuộc họp đại biểu hải ngoại và sẽ do Hồ Chí Minh phụ trách việc bố trí địa điểm. Sáng kiến này được Trương Phát Khuê tán thành và nhờ Hồ Chí Minh dự thảo kế hoạch tiến hành. Hai kế hoạch đã được dự thảo và đưa lên Trương Phát Khuê: Kế hoạch hội nghị hải ngoại và kế hoạch đại hội toàn quốc. Trương Phát Khuê rất vui mừng, đã mời Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần và các thành viên của hội nghị trù bị cùng xem hai bản dự thảo của Hồ Chí Minh. Tất cả cùng thống nhất sẽ sử dụng những kế hoạch đó.
          Khoảng cuối tháng 3/1944, Hội nghị đại biểu hải ngoại Việt Cách đã họp kín tại Liễu Châu, do Trương Phát Khuê chủ trì. Hồ Chí Minh đã đọc hai bản báo cáo. Một là: Về phân hội quốc tế chống xâm lược của Việt Nam. Hai là: Về đảng phái trong nước. Trương Phát Khuê thường vỗ tay khi Hồ Chí Minh đọc báo cáo và tỏ ra tự hào về Người vì nhờ có Người mà hội nghị Việt Cách mới được như vậy. Trương Phát Khuê theo dõi sát hội nghị cho đến khi Hồ Chí Minh được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Trung ương hội Việt Cách (vài tháng sau Hồ Chí Minh trở thành uỷ viên chính thức).
          Nhận định về kết quả hội nghị, Người nói với Lê Tùng Sơn, đại ý là: Thắng lợi! Ta tham gia hội nghị này là đúng. Không nên có ảo tưởng với Tưởng Giới Thạch, nhưng phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước đồng minh. Trên thực tế, qua hội nghị này, Tưởng Giới Thạch đã phải chấp nhận để Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh vào trong Mặt trận liên minh Trung - Việt chống kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít.
Vì thế, Hồ Chí Minh cũng được tương đối tự do hoạt động ở phía Nam Trung Quốc. Sau một thời gian, Trương Phát Khuê xin ý kiến Tưởng Giới Thạch về việc để cho Hồ Chí Minh về nước hoạt động. Trương Phát Khuê đã nhận được điện trả lời của Trương Trị Trung, Viện trưởng Viện hành chính, thừa lệnh Tưởng Giới Thạch, báo cho biết: Hội nghị đại biểu hải ngoại của Việt Cách đã họp xong, để cho Hồ Chí Minh về nước hoạt động. Nhưng đến ngày 9/8/1944, Trương Phát Khuê mới để cho Hồ Chí Minh hoàn toàn tự do, chuẩn bị việc về nước. Trước khi về nước, Người đã dự thảo một bản kế hoạch công tác và một số yêu cầu viện trợ cụ thể để đưa cho Trương Phát Khuê.
          Ngày 20/9/1944, Hồ Chí Minh đã cùng 18 cán bộ rời Liễu Châu, qua Long Châu, Tĩnh Tây, về Cao Bằng. Tại đây, tháng 10/1944, Người viết thư gửi đồng bào cả nước, nói rõ phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt, các nước Đồng minh sắp giành được thắng lợi. Thời cơ giải phóng dân tộc ta đang đến gần, chỉ trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian gấp lắm rồi. Người kêu gọi đồng bào phải làm nhanh. Bức thư của Người được lan truyền nhanh chóng trong cả nước. Tháng 12/1944, Người chỉ thị thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiếp tục trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta theo đường lối, chủ trương mà Người và Đảng Cộng sản Đông Dương đã vạch ra, giành độc lập dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta./.
Nguồn:
- See more at: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/articledetail.aspx?articleid=532&sitepageid=556#sthash.qB2XD1k5.dpuf

Không có nhận xét nào: