“Việt Nam là cột trụ chính của Thế giới Tự do ở Đông Nam Á, viên đá đỉnh vòm, cái nút đậy trong con đập. Nó là đứa con của chúng ta, chúng ta không được phép bỏ rơi nó, và chúng ta không thể làm ngơ trước những nhu cầu của nó”[1]. Với những lời nói đó, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy đã thể hiện nhiều hơn là một niềm tin cá nhân. Các ý nghĩ của ông phản ánh một đồng thuận cơ bản về chính trị trong giới tinh hoa quyền lực Washington, giới mà đã hình thành trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh xuất hiện và trong những năm năm mươi đã đạt tới tầm của một sự hiển nhiên. Thuyết Truman, NSC-68 và Thuyết Domino là thể hiện về mặt an ninh chính trị của một thế giới quan bao gồm một loạt những cái được cho là sự thật khách quan, những sự thật là có thể được tóm tắt tựu trung như sau: Dân chủ và tự do là các mục tích cơ bản của Hoa Kỳ. Cả những đánh giá không đúng và những sai lầm cũng không thể thay đổi gì được ở điều đó. Điều quan trọng là các động cơ và chủ ý lúc nào cũng phải tốt. Chủ nghĩa cộng sản ngược lại là hung hãn và muốn bành trướng. Lịch sử đã dạy rằng người ta không bao giờ có thể xoa dịu được một kẻ xâm lấn: Hiệp ước München của năm 1938 (mà với nó, các thế lực Phương Tây đã chấp thuận lời yêu cầu chia xẻ nước Tiệp Khắc của Hitler) đã chứng minh điều đó đầy ấn tượng. “Chính sách ngăn chặn” của Truman về cơ bản là đúng. Phương Tây chỉ mạnh như mắt xích yếu nhất trong chuỗi của các quốc gia tự do. Vì vậy mà chiến thắng của cộng sản trong một nước sẽ đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và của Phương Tây tự do nói chung.
John F. Kennedy (phía sau bên phải) trong chuyến đi thăm Việt Nam năm 1951 |
Thế nhưng trong nửa sau của những năm năm mươi, thế giới quan này gây cản trở cho phương án của một chính sách đối ngoại năng động, có định hướng tới các phát triển quốc tế. Tất nhiên, trước sau thì Liên bang Xô viết cũng là một chế độ độc tài được trang bị vũ khí hạt nhân ngày một nhiều hơn, chế độ mà trong vùng ảnh hưởng của nó đã đối phó với những người bất đồng chính kiến bằng mọi sự cứng rắn – ví dụ như trong nước CHDC Đức năm 1953 và ở Hungary năm 1956. Nhưng hệ thống Xô viết biến đổi. Việc chấm dứt cuộc đàn áp hàng loạt sau cái chết của Stalin và những cố gắng của giới lãnh đạo mới để “chung sống hòa bình” với Phương Tây là thể hiện của những thay đổi đó. Cũng mang tầm quan trọng như vậy là bước vùng lên về chính trị của Thế giới thứ ba. Khắp nơi trong châu Phi và châu Á, ước muốn được độc lập bắt đầu lớn tiếng hơn. Trong khi nước Pháp sa vào trong một cuộc chiến tranh thuộc địa mới, tổn thất còn nhiều hơn nữa ở Algeria sau 1954, Liên hiệp Anh bắt đầu dẫn dắt thuộc địa của mình vào trong “Commonwealth of Nations”. Malaya [Bán đảo Mã Lai] độc lập năm 1957, và trong cùng năm đó Kwame Nkrumah, với sự chấp thuận và giúp đỡ của London, đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Ghana. Năm 1960, thủ tướng Anh Harold Macmillan chê trách các nhà cầm quyền của chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, rằng họ đã không nhận ra dấu hiệu của thời đại: “Làn gió thay đổi” (winds of change) đang thổi qua châu Phi. Nhiều quốc gia độc lập non trẻ không muốn bị ép vào trong khung khổ của cuộc xung đột Đông-Tây. Họ hướng tới đường lối của thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal “Pandit” Nehru và “Chủ nghĩa trung lập năng động” của ông. Nehru đại diện cho một chính sách trung lập nhất quán giữa Đông và Tây. Quan hệ hòa bình với tất cả các quốc gia, từ chối liên minh quân sự, tiếp nhận viện trợ kinh tế của tất cả các nước nào muốn viện trợ, và ủng hộ về mặt đạo đức và chính trị cho các phong trào giải phóng quốc gia, đó là những mối quan tâm chính của ông trong chính sách đối ngoại. Đường lối chính trị của Nehru được thể hiện qua “phong trào không liên kết”, một cộng đồng lỏng lẻo của các quốc gia có những hệ thống xã hội khác nhau, được thành lập tại hội nghị ở Bandung trong tháng Tư 1955, để chống lại chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc và vũ khí hạt nhân.
Trong nửa sau của những năm năm mươi, chính sách đối ngoại của Mỹ đã bỏ lỡ dịp để phản ứng một cách linh hoạt và mang tính xây dựng tới những thay đổi chính trị thế giới này. Trong khi cộng đồng quốc tế luôn trở nên khác biệt và đa nguyên hơn, Eisenhower, Dulles và giới ngoại giao ở Washington chỉ từ giã những mô hình ý tưởng đó một cách hết sức ngần ngừ, những mô hình thuộc về thời chiến đấu chống lại mối đe dọa của Quốc Xã và thách thức của Stalin. Việc chính phủ Eisenhower vẫn bám chặt vào những suy nghĩ lỗi thời cũng có thể quan sát thấy trong chính sách đối nội và đặc biệt là trong chính sách chủng tộc. Họ dùng một chính sách không còn hợp thời của “những bước đi nhỏ” để đối phó lại với yêu cầu có quyền công dân không giới hạn của những người Mỹ da đen, và lời yêu cầu tích hợp và bình đẳng cho các chủng tộc của Martin Luther King. Vào cuối thập niên đó, nhiều người Mỹ có cảm giác rằng ổn định đã đông cứng lại thành trì trệ, và thủ cựu thành bất động.
Trong tháng Mười 1954, để nhận được một sự trợ giúp lâu dài, Tổng thống Eisenhower đã yêu cầu Diệm phải có những cải cách xã hội cần thiết, thiết lập một chính phủ có khả năng hoạt động và thúc đẩy một nhận thức quốc gia Nam Việt Nam. Một năm sau đó, dường như là Diệm đã hoàn thành xuất sắc các mong đợi của Eisenhower. Sự đối kháng của các giáo phái, của tội phạm có tổ chức, của nhiều phần trong quân đội và của bộ máy hành chánh đã bị phá vỡ – Diệm dường như đã ngồi vững chắc trên lưng của “con cọp Việt Nam”. Thế nhưng cái mà ông không có là sự thấp thuận chiếm của đa số người dân đối với chính phủ của ông và sự gắn bó của người dân với nước Việt Nam Cộng hòa mới mẻ.
Robert S. McNamara và Tướng Maxwell D. Taylor gặp Kennedy sau chuyến đi thăm Nam Việt Nam của họ năm 1963. |
Chính phủ ở Washington nhận ra rất đúng rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tạo nền tảng cho ổn định chính trị. Ngay Tổng thống Truman cũng đã hứa hẹn viện trợ kinh tế cho các vùng ngoại biên trong chương trình “Point Four” của ông năm 1949. Trong những năm năm mươi, một loạt quốc gia lần đầu tiên nhận được sự giúp đỡ về kinh tế, kỹ thuật và nhân sự. Tại các trường đại học Mỹ, nhiều nhà khoa học đã lập ra nhiều chương trình phát triển, chính họ nói chung là đã đưa ra những khái niệm như “giúp phát triển” hay “Thế giới thứ ba”. Bầu không khí nói chung là lạc quan. Vì vậy mà ví dụ như nhà kinh tế học Walt W. Rostow đã gắn kết các phân tích lịch sử với những quan sát đương thời. Trong quyển sách The Stages of Economic Growth (1959) của ông, ông đã đưa ra một thuyết hiện đại hóa được nhiều người chú ý đến để làm nền tảng. Rostow cho rằng những thay đổi về xã hội, kinh tế và văn hóa, đã diễn ra trong thời của cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Tây Âu và Hoa Kỳ, cũng sẽ xảy ra trong những vùng đất của Thế giới thứ ba. Tương tự với sự phát triển của Phương Tây, ông đưa ra triển vọng của một giai đoạn “cất cánh” cho các xã hội ở Đông Nam Á, vẫn còn mang nhiều dấu ấn của nông nghiệp, giai đoạn mà trong đó nhờ vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ họ sẽ được đẩy bật tới thời hiện đại tân tiến.
Vì mục đích này, từ 1955 cho tới 1961, Washington viện trợ kinh tế cho chính phủ Nam Việt Nam tổng cộng là 1,447 tỉ dollar. Thêm vào đó là 508 triệu dollar viện trợ quân sự. Ngoại trừ Lào và Nam Hàn, không đất nước nào nhận được một sự giúp đỡ trên đầu người cao hơn Nam Việt Nam. Tiền viện trợ chiếm toàn bộ ngân sách của quân đội Nam Việt Nam cũng như tám mươi phần trăm của ngân sách quốc gia. Cho tới năm 1975, một phần lớn viện trợ tài chính của Mỹ được tiến hành qua một “Chương trình Nhập khẩu Thương mại” (Commercial Import Program, CIP). Trong đó, Washington giao dollar cho chính phủ Việt Nam, và chính phủ Việt Nam tiếp tục chuyển giao phân nửa giá trị đó sang tiền đồng nội tệ. Hưởng lợi chính từ quy định này là tròn 20.000 người buôn bán, đã nhận loại giấy phép được nhiều người thèm muốn mà Sài Gòn ban hành trong khuôn hổ của CIP. Chương trình này tạo khả năng cho họ mua sản phẩm nước ngoài bằng nội tệ. Người ta trả tiền cho hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia, rồi ngân hàng này chuyển giao tiền đồng đó lại cho chính phủ. Vì vậy mà không cần phải đưa ra một loại thuế thu nhập đáng kể. Chương trình này có nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và giới hạn thâm hụt thương mại (cái mà vào cuối những năm năm mươi đã là tròn 180 triệu dollar hàng năm tuy rằng đã có CIP). Thế nhưng nó thúc đẩy tham nhũng, vì nhân viên nhà nước và những người có giấy phép đó trên thực tế là đã có một cỗ máy in tiền qua CIP. Do vậy mà vào giữa những năm sáu mươi, những cái được gọi là “windfall profits” [lợi nhuận trời cho] đã lên tới 200 đến 600 triệu dollar hàng năm. Tất nhiên là người dân thành thị hưởng lợi rất lớn từ CIP. Nó bảo đảm một mức sống hoàn toàn không tương xứng với các khả năng về kinh tế của đất nước. Nhưng nằm trong đó là một điểm yếu lớn. Chương trình này cản trở công cuộc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng riêng và tăng cường sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Ngay từ năm 1961, nhà kinh tế phát triển Milton Taylor đã đi đến kết luận, Nam Việt Nam là “mẫu thử nghiệm của một nền kinh tế phụ thuộc”, và ông tiếp tục. “Sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đã xây một lâu đài trên cát”.[2]
Cùng với sự giúp đỡ về kinh tế, các chuyên gia hành chánh và những người giúp phát triển cũng đi đến. Ví dụ như Michigan State University, theo nhiệm vụ do CIA giao cho, đã gửi năm mươi nhân viên sang để tái tổ chức bộ máy hành chánh của Diệm. Trong lĩnh vực văn hóa, những cái được gọi là “trung tâm tự do” được thành lập ở Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng, mở khóa dạy tiếng Anh hay truyền đạt kiến thức trong lịch sử Nam Kỳ và An Nam, để thúc đẩy một ý thức quốc gia Nam Việt Nam. Thế nhưng trọng tâm về nhân sự và vật chất trong sự giúp đỡ của Mỹ lại nằm trong lĩnh vực quân sự. Sau 1955, “Nhóm Cố vấn và Hỗ trợ Quân sự” (Military Assistance and Advisory Group, MAAG) đã được thành lập năm năm trước đó, tăng từ 360 lên gần 700 người. Họ phân phối viện trợ quân sự và tiếp nhận đào tạo quân đội Nam Việt Nam (Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, QLVNCH). Về mặt tổ chức, MAAG hướng tới quân đội Mỹ: lực lượng phụ trợ được trang bị kém của quân đội thực dân Pháp, bao gồm khoảng 250.000 người, được giảm xuống còn 150.000 người lính và được trang bị với quân phục, súng ống, xe cộ và xe tăng mới. Đầu những năm sáu mươi có thêm thủy quân lục chiến, những nhóm công binh, nhảy dù, các đơn vị hải quân và một lực lượng không quân. Ngay cả một học viện quân đội cũng được thành lập theo kiểu mẫu của Mỹ. Qua đó, QLVNCH phát triển trở thành một bản sao thu nhỏ của quân đội Mỹ. Trên bình diện chiến lược, các chuyên gia đào tạo người Mỹ hướng tới những kinh nghiệm của cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Trong các kế hoạch của họ, MAAG và Lầu Năm Góc xuất phát từ việc rằng Nam Việt Nam và quân đội của nước này bị miền Bắc đe dọa. Tương ứng với điều đó, MAAG đào tạo cho QLVNCH đối phó với một cuộc chiến tranh thông thường mà trong đó quân đội chính quy Bắc Việt sẽ vượt vĩ tuyến 17. Thế nhưng ngay từ năm 1958, điểm cố định này đã lộ ra là một sai lầm nghiêm trọng: sau khi cuộc nội chiến trong miền Nam bắt đầu, QLVNCH đã chứng tỏ là hầu như không có khả năng để chấm dứt cuộc kháng chiến vũ trang trong đất nước của chính mình. Quân đội đã được chuẩn bị sai cuộc chiến.
Học viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt |
Một vấn đề khác trong việc xây dựng một quân đội hùng mạnh là những khác biệt về văn hóa. Người Mỹ chắn chắn là có những ý định tốt, thế nhưng các rào cản ngôn ngữ và định kiến ở cả hai bên đã thường xuyên cản trở một đối thoại mang tính xây dựng. Hầu như không một người sĩ quan Mỹ nào biết nói tiếng Pháp, nói chi đến tiếng Việt. Nỗi bực tức về việc được cho là thiếu tinh thần muốn học của những người lính Việt Nam không hiếm khi đã xác nhận các định kiến phân biệt chủng tộc và đã bùng phát ra qua những lời chửi rủa như “natives” (thổ dân) và “gooks” (người Đông Á, thứ dơ dáy, bẩn thỉu). Về phần họ, nhiều người Việt lại nhanh chóng đưa ra lời lên án chủ nghĩa thực dân, khi họ thấy một người Mỹ xuất hiện không như là một người cố vấn, mà giống như một người giám hộ nhiều hơn.
Nhưng vấn đề lớn nhất, vượt xa những vấn đề khác, lại chính là Tổng thống Diệm. Ông chống lại một sự hợp tác được thể chế hóa giữa các binh chủng. Các quyết định về đường lối nhân sự nằm hầu hết dưới sự kiểm soát của Dinh Tổng thống. Qua đó, tuy Diệm ngăn chận không cho thành lập một giới lãnh đạo quân đội có nhiều quyền lực, cái có thể gây nguy hại cho ông, nhưng ông lại giáng cấp các sĩ quan lãnh đạo xuống thành những người nhận mệnh tầm thường không có trách nhiệm của bản thân. Ví dụ như một trong những sĩ quan cao cấp nhất, Trung tướng Dương Văn Minh, đã bị đẩy vào chức vụ của một “chỉ huy” mà không có quân lính riêng. Một Esprit de corps [tinh thần đồng đội] không thể hình thành qua cách đó. Tinh thần chiến đấu của quân đội không cao, và đối với nhiều người lính, quân đội không phải là lực lượng chiến đấu của quốc gia Việt Nam, mà là công cụ để giữ quyền lực cho người Tổng thống được Mỹ cố vấn. Cả trong việc xây dựng một lực lượng tựa như cảnh sát, ông Tổng thống cũng để cho các cân nhắc chính trị dẫn dắt thay vì là những điều cần thiết về quân sự. “Lực lượng tự vệ” hoạt động ở bình diện địa phương cũng như “Bảo An” được thành lập để bảo vệ an ninh trong tỉnh đều được trang bị kém và bị cản trở bởi cơ cấu chỉ huy phân tán. Nhìn chung, tình trạng của quân đội phản ánh các thiếu sót chung của chính quyền Diệm.
Phong cách nắm quyền và quan điểm về nhà nước của Diệm tương ứng với những ý tưởng của giới quan lại Việt Nam trong thế kỷ 19. Mặt tiền dân chủ, cái mà ông ban bố cho nhà nước sau cuộc bầu cử năm 1955, chỉ có thể che đậy được cấu trúc chuyên chế ở bề ngoài. Trên lý thuyết, tổng thống do người dân bầu lên qua những cuộc bầu cử tự do và kín; đứng đối diện với ông là Quốc Hội và một nền tư pháp độc lập. Một loạt những quyền cơ bản bảo vệ người công dân không bị nhà nước xâm phạm đến và bảo vệ quyền con người. Thế nhưng những gì mà Diệm hiểu dưới khái niệm nắm quyền thì không hề tương ứng với các nguyên tắc của cuộc Cách mạng Mỹ: “Cần phải tôn kính người cầm quyền. Trong lúc tiến hành thờ cúng dân tộc thì ngài là người trung gian giữa dân và trời”[3]. Ý thức hệ Nho giáo, các ý tưởng cai trị Kitô giáo, chuyên quyền-đoàn thể và nhiều mảng lý thuyết chính trị khác nhau tụ hội vào trong một triết lý của “chủ nghĩa cá nhân”. Ngay người em của Diệm, nhà tư tưởng đứng đầu Ngô Đình Nhu, cũng không thể ghi nhận lại những ý nghĩ cơ bản của “chủ nghĩa cá nhân” này. Trong khi đó thì nguyên lý cơ bản lại hết sức đơn giản: Người cai trị không cần phải dựa vào sự chấp thuận của người dân, ngược lại – người dân cần phải tuân theo lời của ông.
Trong một thời gian ngắn, nhà nước và bộ máy hành chánh Nam Việt Nam phát triển trở thành một công việc thuần túy của gia đình. Ngồi trong chính phủ đầu tiên của Diệm là ba người họ hàng của ông, người em út là đại sứ quán ở Liên hiệp Anh. Người anh cả, Tổng giám mục Ngô Đình Thục, lo chăm sóc về mặt tinh thần cho những người Công giáo, những người tạo thành một trụ cột của chế độ. Một người em khác, Ngô Đình Cẩn, nắm quyền như một người cai trị tự trị ở miền Trung Việt Nam, trong khi Trần Lệ Xuân, Madame Nhu, tụ hợp phụ nữ vào trong những đơn vị chiến đầu quanh bà và gây ảnh hưởng đáng kể đến chính trị. Cha của bà đảm nhiệm chức vụ của một người đại sứ ở Washington. Người em Ngô Đình Nhu cũng có nhiều quyền lực giống như Diệm. Chính thức là người cố vấn của Tổng thống, ông giật dây ở hậu trường. Các thành viên của Phong trào Cần Lao “cá nhân chủ nghĩa” của ông chiếm các vị trí đứng đầu trong hành chánh và có ảnh hưởng đáng kể trong quân đội. Đặc trưng cho tư tưởng nhà nước chuyên quyền của Nhu và nỗi lo sợ sẽ có những trung tâm quyền lực khác thành hình là việc thành lập không phải một, mà là hai cơ quan mật vụ dò xét lẫn nhau. Nói ngắn gọn, họ Ngô thống trị như gia đình của một nhà vua, và họ nắm quyền Nam Việt Nam giống như đó là sở hữu của họ. Điều đó đã mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng: nhân viên hành chánh chối bỏ mọi sáng kiến, đùn đẩy trách nhiệm qua lại hay rơi vào trong những cuộc chiến tranh quan liêu. Kinh tế bè nhóm, lạm dụng quyền hành và tham nhũng là những hiện tượng phổ biến, và chúng có khả năng chống lại được các cố gắng cải cách dè dặt của Diệm.
Sau khi quyền lực của các giáo phái bị bẻ gãy và phần lớn Việt Minh sống ở miền Nam đã đi ra Bắc, Diệm cố gắng đập tan những phần còn lại của Đảng Cộng sản ở miền Nam. Năm 1955, một “chiến dịch tố cáo” chống cộng sản [Tố Cộng Diệt Cộng] bắt đầu được tiến hành, cái đã gây xáo động trong nhiều vùng rộng lớn của đất nước. Hàng ngàn người bị bắt giam và bị ném vào trong trại giam một cách tùy tiện. Không chỉ riêng người cộng sản bị ảnh hưởng, mà cả lãnh tụ các giáo phái và thành viên của các đảng nhỏ, nhà báo đối lập và người của công đoàn. Một quy định của Diệm từ tháng Sáu 1956 đe dọa bắt giam tất cả những người nào có thể gây nguy hại cho nhà nước. Việc thực hiện đạo luật này nằm trong tay những người sếp hành chánh tại địa phương, những người mà hay lợi dụng cơ hội này để thanh toán các đối thủ cá nhân và đe dọa người dân. Ba năm sau đó, Diệm ban hành đạo luật 10/59 nổi tiếng, dự kiến có các toàn án quân sự. Những tòa án này có nhiệm vụ không chỉ khóa miệng các đối thủ chính trị, mà còn bắt giam lâu dài hay giết chết họ. Bị cáo không được phép có luật sư bào chữa độc lập, và các bản án duy nhất được đưa ra là tù chung thân hay tử hình. Con số nạn nhân được đưa ra dao động. Chính phủ Sài Gòn nói có tròn 50.000 tù nhân chính trị từ 1954 tới 1960. Ước tính độc lập lên đến 150.00 người bị bắt; chỉ riêng từ 1955 đến 1957 được cho là đã có cho tới 12.000 người chết.
Cả cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành dưới áp lực của đại sứ quán Mỹ cũng không góp phần khiến cho người nông dân ủng hộ chính quyền Diệm. Cuối cùng thì Việt Minh đã lấy nhiều phần đất từ địa chủ và trao lại cho người nông dân trong thời gian họ chiến đấu chống người Pháp. Bây giờ đất này, nếu như đó không phải là của người Pháp, được giao lại cho những người chủ cũ, cho tới 115 hecta (ở Nhật và Hàn Quốc, các chuyên gia người Mỹ đã giới hạn mức cao nhất cho sở hữu ruộng đất cá nhân ở mức một cho tới hai hecta). Địa chủ được bồi thường cho các thiệt hại mà họ phải chịu đựng. Thế nhưng chỉ có mười phần trăm người nông dân là có đủ tiền để nói chung là có thể mua được đất đai. Cho tới cuối 1961, chính phủ đã trưng thu tổng cộng 650.000 hecta đất; thế nhưng trong số đó chỉ có 244.000 là được phân chia lại. Người hưởng lợi từ cuộc cải cách ruộng đất này trước hết là nhà nước, những người tỵ nạn Công giáo, nhân viên nhà nước và cựu chiến binh. Nếu như năm 1955 có 65% đất đai nằm trong tay 10% người dân thì mười năm sau đó tỷ lệ này chỉ giảm xuống còn 55%. Cả việc hạ mức đóng tô từ 50 xuống còn tối đa 25% số lượng thu hoạch trung bình cũng chỉ cải thiện không đáng kể hoàn cảnh kinh tế của nông dân. Về một mặt, nhiều địa chủ không tuân theo quy định mới, mặt khác việc đóng tô cũng phải được thực hiện không phụ thuộc vào thu hoạch thật sự. Trong những năm xấu mùa, điều đó đồng nghĩa với một thảm họa cho nhiều nông dân.
Bên cạnh chiến dịch tố cáo, đàn áp và cuộc cải cách ruộng đất mà trên thực tế là vô tác dụng, một yếu tố khác cũng góp phần làm cho Diệm không được ưa thích ở vùng nông thôn: việc xóa bỏ các cơ quan tự quản. Thường là một công cụ quyền lực của giới tinh hoa địa phương, tổ chức tự quản ít nhất là có thể tự quyết định về những công việc xây đập và xây đường xá cũng như về những việc quan trọng khác trong làng. Thế nhưng bây giờ Diệm lại đưa những nhiệm vụ đó về cho các nhân viên nhà nước ở bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, những người này là người tỵ nạn Công giáo từ miền Bắc, không quen biết tình hình địa phương và nhận mệnh lệnh của họ từ Sài Gòn. Cả từ góc nhìn quyền lực chính trị thì biện pháp này cũng là một sai lầm nghiêm trọng với nhiều hậu quả lâu dài. Tại nhiều vùng đất Nam Việt Nam, nó đã làm suy yếu mạng lưới quan hệ truyền thống có từ ngày xưa giữa những người sở hữu đất và nông dân, cái đã không giới hạn ở tại lĩnh vực kinh tế. Ở đó, nơi mà Đệ nhị thế chiến và cuộc chiến tranh chống Pháp hầu như không đụng chạm đến các quyền sở hữu, người địa chủ đảm nhiệm các nhiệm vụ của một chính quyền địa phương. Ông ta không chỉ thu tô và mang ra thị trường các sản phẩm do người nông dân sản xuất, mà còn hòa giải các xung đột, có chức năng như là một quan tòa và như là người thi hành án. Ngoài ra, ông cung cấp phương tiện cho những buổi lễ hội, lễ cưới và mai táng. Hệ thống gia trưởng này bây giờ cũng bị thay thế bởi một nền hành chánh nhà nước, tập trung. Nó giải phóng cho ông ra khỏi nhiều nhiệm vụ, thế nhưng đồng thời cũng cướp đi nhiều quyền hạn. Điều này thúc đẩy sự vắng mặt trở thành thói quen của các địa chủ (khuyết tịch) và là nguyên nhân làm cho họ nhanh chóng không còn gắn bó với đất đai của họ. Qua đó, một khoảng không chính trị đã thành hình dưới bề mặt của một nền hành chánh do Sài Gòn điều khiển – một khoảng không mà những người cựu Việt Minh đã có khả năng lấp đầy nó và thay thế bằng một chính phủ địa phương mới một cách hết sức dễ dàng.
Để kiểm soát người dân ở nông thôn có hiệu quả hơn và có thể theo dấu những người đã từng theo Việt Minh dễ dàng hơn, chính phủ bắt đầu thiết lập những cái được gọi là “khu trù mật” ở đồng bằng sông Cửu Long trong tháng Bảy năm 1959. Trên thực tế, người ta ép buộc cư dân nông thôn phải dời vào sống trong những ngôi làng được bảo vệ. Lời hứa hẹn, sẽ tìm thấy những ngôi nhà được xây sẵn và đất tốt trong những khu định cư tập trung mới, thường bộc lộ ra là không đúng. Nhân viên nhà nước tham nhũng bắt buộc những người nông dân phải dỡ nhà cũ của họ, để dùng vật liệu đó mà xây một ngôi nhà mới. Sự giúp đỡ duy nhất thường chỉ là một số tiền nhỏ bé (5,50 dollar) được chi ra, do Hoa Kỳ cung ứng. Thế nhưng ngay cả số tiền này thông thường cũng lại bị lấy đi, vì các nhân viên nhà nước, vì lợi ích riêng của họ mà buộc người nông dân phải trả tiền cho mảnh đất đã được hứa cho họ. So với sự mất mát về vật chất mà nhiều người phải gánh chịu thì việc bỏ lại mồ mã gia đình thường còn nặng nề hơn nữa. Trong suy nghĩ hoàn toàn mang dấu ấn Nho giáo-Phật giáo, tổ tiên là một phần quan trọng của cuộc sống; tách người nông dân ra khỏi tổ tiên đồng nghĩa với việc giật họ ra khỏi gốc rễ của họ và để cho họ phải hứng chịu những mối nguy hiểm của vũ trụ mà không được ai bảo vệ. Phần lớn trong số năm trăm ngàn người cần phải có một quê hương mới trong những “khu trù mật” đã từ chối không chịu dời đi. Nhiều người bỏ phiếu bằng chân, và sau vài tuần thì đã về lại làng của họ. Qua đó, chương trình này tất phải thất bại. Những ai đã tham gia vào đó thường trở thành kẻ thù không đội trời chung với chính quyền Diệm.
Trong tháng Tư 1960, mười tám cựu nhân viên người Việt cao cấp của bộ máy hành chánh thực dân Pháp đã hoài công yêu cầu tự do hóa và dân chủ hóa chế độ. Những người có chức tước trước đây, gặp nhau trong khách sạn Caravelle ở Sài Gòn, lên án các biện pháp khủng bố và cho rằng cuộc bầu cử Quốc Hội được tiến hành trước đó một năm là gian lận. Thật sự thì hàng trăm ngàn người nông dân đã bị bắt buộc phải bỏ phiếu cho Diệm. Ở Sài Gòn, nơi mà sự hiện diện của Mỹ không cho phép có những gì trái quy định quá lộ liễu, vị Tổng thống đã tập trung phân nửa quân đội về trong ngày bầu cử, để nắm chắc lấy số phiếu của những người lính. Không phe đối lập nào được cho phép tham gia, và sự lựa chọn duy nhất khác với đảng của Diệm là Ngô Đình Nhu, người ra ứng cử “độc lập”. Diệm phản ứng lại với tuyên ngôn của “Nhóm Caravelle” bằng cách bắt giam nhà báo đối lập, sinh viên và các trí thức khác. Họ bị tố cáo “có liên hệ với cộng sản”. Ngay cả nhiều phần trong quân đội cũng bất an. Trong tháng Mười Một 1960, vài trăm người lính nhảy dù đã bao vây Dinh Tổng thống và yêu cầu cải cách. Cuộc đảo chính được chuẩn bị không tốt bị đập tan hai ngày sau đó nhờ sự giúp đỡ của các lực lượng trung thành, nhưng nó là một tín hiệu nữa cho sự bất bình lan rộng trong xã hội Nam Việt Nam.
Marc Frey
Phan Ba dịch
Đọc những bài khác ở trang Lịch sử Chiến tranh Việt Nam
———————
[1] John F. Kennedy, “America’s Stake in Vietnam”, trong Vital Speeches 22 ( 01/08/1956), trang 617-619.
[2] Milton C. Taylor, “South Vietnam: Lavish Aid, Limited Progress”, trong: Pacific Affairs 34 (1961), trang 256
[3] Trích dẫn theo Frances FitzGerald, Fire in the Lake. The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Boston và Toronto 1972, trang 87.
(Blog Phan Ba)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét