Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (phần 3)


Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế và Tuần tin Thanh Niên

Những kẻ giấu mặt tung lên mạng những “bằng chứng” vu cho anh Khế “đuổi Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi nghề báo, cướp ghế Tổng Biên tập Báo Thanh Niên”. Việc bẻ cong sự thật khiến cho nhiều người kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm nhưng không hiểu chuyện đặt vấn đề về tư cách Nguyễn Công Khế.

Câu chuyện về mối quan hệ giữa hai người sáng lập ra Tuần tin Thanh Niên trong những ngày tháng sơ sinh của tờ báo đã ngót nghét 30 năm rồi, nay không còn mấy người biết thực hư. Hầu hết những người làm báo Thanh Niên bây giờ cũng không hiểu thực chất câu chuyện. Nhưng tôi thì biết và còn nhớ rõ.

Hồi đó tôi chưa về báo Thanh Niên, nhưng tôi là Ủy viên Ủy ban Trung Ương Hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, tất cả các cuộc họp của Trung Ương Hội bàn về Tuần tin Thanh Niên tôi đều tham dự. Tôi biết những chuyện công khai chính thức và cả những chuyện nhạy cảm bên lề.

Cho đến bây giờ, dù điều gì xảy ra thì tôi trước sau đều kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm. Phải nói anh Mẫm là người có công đầu khai sinh ra tờ báo, không có anh, không có sự quyết tâm đi hết cửa này cửa khác của anh thì Thanh Niên không thể ra đời. Nhưng bảo rằng anh Mẫm lập ra tờ Tuần tin Thanh Niên rồi mới xin anh Khế về làm ở đó là nói không đúng. Anh Khế được chuyển công tác từ báo Phụ Nữ về Ban Mặt trận Thanh Niên Trung Ương Đoàn vào năm 1985, đã cùng với anh Mẫm chuẩn bị cho sự ra đời của tờ báo. Anh Khế chẳng có một mỗi quan hệ quen biết nào ở Trung Ương Đoàn cũng như các cơ quan Trung Ương, còn anh Mẫm thì đã là người nổi tiếng.
Từ công tác chuẩn bị của hai anh, một công văn của Ban Bí thư Trung Ương Đoàn do Bí thư Trần Phương Thạc ký, trình Ban Tuyên huấn Trung Ương Đảng xin phép xuất bản một tờ báo mang tên Tuần tin Thanh Niên, Ban Bí thư Trung Ương Đoàn cũng có công văn đề nghị anh Huỳnh Tấn Mẫm làm Tổng Biên tập và anh Nguyễn Công Khế làm Phó Tổng Biên tập. Ngày 2-1-1986, Ban Tuyên huấn Trung Ương có công văn số 1-TH/TW gửi Ban Bí thư Trung Ương Đoàn đồng ý cho ra tờ báo và đề nghị Ban Bí thư Trung Ương Đoàn làm việc với Cục xuất bản và báo chí về các thủ tục cần thiết.  Ngày này chính là Ngày thành lập Báo Thanh Niên. Giấy phép xuất bản đã được cấp ngay trong ngày hôm sau. Cũng trong ngày 2-1, Ban Tuyên huấn Trung Ương ra tiếp công văn số 2-TH/TW nhất trí với Ban Bí thư Trung Ương Đoàn cử anh Mẫm làm Tổng Biên tập và anh Khế làm Phó Tổng Biên tập.

Tuần tin Thanh Niên đã ra đời từ đó. Tuy nhiên, từ ngày thành lập báo cho đến ngày 8-6-1987, cả anh Mẫm và anh Khế đều không được Ban Bí thư Trung Ương Đoàn bổ nhiệm làm Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập như tờ trình gửi Ban Tuyên huấn Trung Ương. Bạn đọc lớn tuổi nếu để ý thì sẽ nhớ, trong thời gian này Tuần tin Thanh Niên không hề ghi tên Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập, mà chỉ ghi : Biên tập : Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế. Tuần tin Thanh Niên, mãi cho đến ngày 4-9-1987 chỉ là một bộ phận của Ban Mặt trận Thanh Niên Trung Ương Đoàn, không phải là một đơn vị độc lập trực thuộc Trung Ương Đoàn và không có Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập được bổ nhiệm. Anh Mẫm lúc đó là Trưởng Ban Mặt trận Trung Ương Đoàn, Phó Tổng thư ký thường trực UB Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên, đương nhiên là người phụ trách cao nhất của tờ báo.

Đến ngày 8-6-1987, anh Nguyễn Công Khế được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tuần tin Thanh Niên, là người đầu tiên được bổ nhiệm. Và cho đến khi rời khỏi Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và Tuần tin Thanh Niên, anh Huỳnh Tấn Mẫm chưa bao giờ được Trung Ương Đoàn bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tuần tin Thanh Niên cả.

Việc không bổ nhiệm anh Mẫm, sau này Ban Bí thư Trung Ương Đoàn có giải thích lý do với Ban Tuyên huấn Trung Ương. Là người hoạt động ở Hội Liên hiệp Thanh Niên nhiều năm tôi hiểu rõ, anh Mẫm không được bổ nhiệm không phải do vụ án có liên quan đến vợ anh, mà thực chất là quan điểm của anh Mẫm về Hội Liên hiệp Thanh Niên khác với quan điểm chính thống của Trung Ương Đoàn. Đối với Trung Ương Đoàn, Hội trên danh nghĩa là một tổ chức rộng lớn nhất của Thanh Niên, nhưng trong thực tế không phải là một tổ chức độc lập mà chỉ là một bộ phận của Đoàn. Đối với anh Mẫm, Hội phải là một tổ chức độc lập, Đoàn là hạt nhân nòng cốt. Nhiều cuộc tranh luận xung quanh quan hệ Đoàn – Hội lúc đó, nhưng về tổ chức thì phải tuân thủ theo quan điểm chung. Ai cũng thừa nhận Đoàn là hạt nhân nòng cốt của Hội, nhưng Đoàn nằm ở đâu, Hội nằm ở đâu ? Nếu Đoàn là hạt nhân thì Hội phải “nằm” trong Đoàn, nếu Đoàn nằm ngoài Hội hay Hội chỉ là một bộ phận của Đoàn thì làm sao Đoàn có thể làm hạt nhân được. Trong những cuộc tranh luận, có người nói vui, gọi là hạt nhân mà nằm ở ngoài thì chỉ có đào lộn hột. Tôi nói dài dòng chuyện này là vì quan điểm của anh Mẫm lúc đó không chỉ là những ý kiến của một cán bộ bình thường mà có thể khiến cho Hội Liên hiệp Thanh Niên bị biến dạng khỏi sự lãnh đạo của Trung Ương Đoàn, vì anh đang làm Thường trực Trung Ương Hội. Tôi là một trong những thành viên Trung Ương Hội ủng hộ quan điểm của anh Mẫm. Anh Khế cũng ủng hộ quan điểm của anh Mẫm, nhưng anh chỉ biết làm báo và đăng hăng hái với công cuộc đổi mới, anh không quan tâm đến những điều nhạy cảm về tổ chức. Cái dòng chữ “Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh Niên” đặt dưới măng-sét Thanh Niên cũng là dòng chữ “nhạy cảm”, nhiều người đã đặt vấn đề thay đổi, nhưng nó vẫn tồn tại từ số báo đầu tiên cho đến bây giờ.

Tiếp đó, có vụ án liên quan đến vợ anh Huỳnh Tấn Mẫm. Anh Khế chẳng liên quan gì và cũng chẳng biết chuyện đúng chuyện sai gì về vụ án đó. Anh Mẫm rời khỏi Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và Tuần tin Thanh Niên theo quyết định của tổ chức. Tôi biết trong thâm tâm, lập ra tờ Tuần tin Thanh Niên là để anh Khế làm, anh Mẫm quan tâm đến những sứ mệnh lớn hơn chứ không có ý định làm báo chuyên nghiệp. Một thời gian anh có quay về định chuyên tâm làm Tuần tin Thanh Niên, nhưng đâu có được bổ nhiệm.

Còn cái quyết định kỷ luật khiển trách anh Khế được ban hành cùng với quyết định kỷ luật anh Mẫm, đó là một chuyện bình thường trong công việc, là giải pháp xử lý của những người làm tổ chức, chẳng có gì đáng bình luận.

Sau khi quyết định bổ nhiệm anh Khế làm Phó Tổng Biên tập, Ban Bí thư Trung Ương Đoàn ra một Nghị quyết, đó là Nghị quyết số 60 NQ/BBT ngày 4-9-1987 về việc “thành lập Tuần tin Thanh Niên trực thuộc Ban Bí thư”. Điều 1 của Nghị quyết này ghi rõ : “Tách Tuần tin Thanh Niên ra khỏi Ban Mặt trận Thanh Niên, tổ chức thành đơn vị độc lập trực thuộc Ban Bí thư”. Là người cùng với anh Mẫm sáng lập ra Tuần Tin Thanh Niên, anh Khế đương nhiên quý trọng anh Mẫm, nếu anh Mẫm được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập thì rất tốt cho anh Khế, nếu không thì ai làm cũng được, miễn là phải chính danh, nếu không rõ ràng thì chỉ làm cản trở sự phát triển của tờ báo.

Cuối cùng thì anh Lương Ngọc Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong được cử qua làm Tổng Biên tập Báo Thanh Niên một thời gian, sau đó anh Khế được cử làm Quyền Tổng Biên tập, đến ngày 24-9-1991, anh Khế được bổ nhiệm chính thức làm Tổng Biên tập. Nói anh Khế tìm cách gạt anh Mẫm để “cướp” chức Tổng Biên tập là nói hồ đồ. Anh Khế không có tà tâm, không có khả năng và không có thế lực để làm việc đó. Sự thật là, nếu anh Mẫm tiếp tục làm Hội và phụ trách tờ báo thì với tư cách là người làm báo chuyên nghiệp, anh Khế sẽ dễ làm việc hơn, tờ báo sẽ phát triển thuận lợi hơn theo hướng là “Diễn đàn của Hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam”.

Sự thật về mối quan hệ Huỳnh Tấn Mẫm-Nguyễn Công Khế và Tuần tin Thanh Niên là như thế đó.

Hoàng Hải Vân 

(Blog hoanghaivan.com)

Phần 1: http://www.hoanghaivan.com/2015/12/nhung-chuyen-it-nguoi-biet-ve-nguyen_19.html.
Phần 2: http://www.hoanghaivan.com/2015/12/xung-quanh-cau-chuyen-o-tu-cua-nguyen.html.

Không có nhận xét nào: