Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Thông tin kinh hoàng: Làm sao phát triển khi mỗi ngày có 3.600 cuộc thanh tra?

Trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tối 13.12.2015, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong năm qua (tức là tính từ 1.1.2015 đến 12.12.2015), ngành thanh tra đã tiến hành 40.000 cuộc thanh tra và 830.000 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 212.000 tỉ đồng sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 313 vụ với 356 đối tượng và, đã thu hồi được 70% số tiền sai phạm (doanhnghiepvn.vn, 09:32:00, 14.12.2015)!

Trước hết, xin bày tỏ nỗi vui mừng đối với sự “phát triển” mạnh mẽ của ngành thanh tra với thành tích thanh tra rất nhiều, phát hiện sai phạm không hề ít; và, nhất là, đã thu hồi rất nhanh số tiền thất thoát, 70% đã thu hồi, tức là 148.400 tỉ đồng!...

Tuy nhiên, cũng cần đặc biệt nhấn mạnh rằng có rất nhiều nghĩ suy, không hề kém là những chuyện đáng bàn từ những con số day dứt trên.

Thứ nhất, nếu tính số ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật của 52 tuần lễ cùng 10 ngày nghỉ lễ, tết và 10 ngày còn lại của tháng 12 (tính từ 13 đến 31 tháng 12, đã trừ đi 6 ngày nghỉ), tổng số ngày làm việc của thanh tra trong năm 2015 là 241 ngày. Với 870.000 cuộc thanh tra và thanh, kiểm tra chuyên ngành, trung bình mỗi ngày, ngành thanh tra nước ta tiến hành 3.610 cuộc thanh tra các cấp(!)

Con số trên đây chắc đạt kỉ lục thế giới về nhiều lẽ: số lượng, “tốc độ” và số nhân viên... khổng lồ đảm trách công tác thanh tra. Mỗi cuộc thanh tra ít nhất phải có 3 người, tính cả “bộ máy” xử lí số liệu, quản lí chính... các thanh tra, thì tổng số cán bộ, nhân viên của ngành thanh tra không ít hơn vài vạn người! Nếu chúng ta đồng ý rằng thời gian cho mỗi cuộc thanh tra không thể ít hơn vài ngày thì con số sẽ là không thể hình dung nổi. Ngược lại, cũng sẽ phát sinh câu hỏi rằng ngày nào cũng có hàng ngàn cuộc thanh tra như thế, tốc độ và cường độ làm việc ấy, liệu đã phanh phui gần đủ số sai phạm hay chưa?

Thứ hai, hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp cần nhất là sự ổn định, tự tin. Nếu cứ liên tục thanh tra, kiểm tra gây nên sự xáo trộn (nếu không muốn nói là đảo lộn trật tự) thường xuyên, căng thẳng như thế, những thiệt hại vô hình về kinh tế, tâm lí, sức khỏe sẽ lớn đến mức nào?

Thứ ba, số tiền chi sai là rất lớn, thu hồi cũng rất nhanh là điều thật sự phải âu lo!

Gần 150.000 tỉ đồng thu hồi NHANH – đồng nghĩa là không cần đến sự trợ giúp của cơ quan hành pháp, cũng đồng nghĩa ngay và luôn rằng “thao tác” để hoàn lại chỉ thông qua... kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc! Cách xử lí như thế liệu có thỏa đáng hay không khi hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền dân của nước thất thoát chỉ cần thu hồi là đủ? Chế tài nhẹ hườu ấy làm sao có thể ngăn chặn thất thoát, sai phạm trong tương lai?

Thứ tư, con số 313 vụ và 356 đối tượng chuyển cho cơ quan điều tra chưa bằng cái số lẻ thanh tra mỗi ngày là điều nhất thiết phải lưu tâm. Về mặt số học, nó không tương xứng với “công lao” mà các thanh tra viên bỏ ra; về mặt thực tế, nó bất cập; về mặt tính chất của vấn đề, vụ việc, nó hoàn toàn vô lí bởi sự tốn kém sức người, sức của trong công tác thanh tra.

Từ 4 vấn đề đặt ra trên đây, nên bắt đầu trả lời bằng một câu nói của người xưa: Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất.

Trong thời đại của lập trình, mọi hoạt động chi – thu đều có thể được mã hóa, tại sao không thiết lập cơ chế thanh quyết toán tài chính theo cách mua vé máy bay hay tàu hỏa: “chỗ ngồi” của khoản chi tiêu ấy đã có, đã đủ định mức, sẽ tự động bật ra mà không một ai có thể điền vào thêm, không cần thanh tra vẫn hiện rõ ngay trên bảng theo dõi? Nếu áp dụng cách thức này (mà nhiều nước đã thực hành từ lâu), sẽ giảm bớt thất thoát và, chắc chắn, ngành thanh tra sẽ ít việc hơn rất nhiều.

Điều tiếp theo là cung cách chống thất thoát (nếu không muốn nói thẳng là tham nhũng) bằng kiểm điểm nghiêm túc, phê bình nghiêm khắc chẳng khác gì dùng cái phất trần dọa nạt con voi rất to có tên gọi là tham nhũng. Cái phất trần ấy nhẹ đến mức không làm suy suyển da voi nhưng lại đủ lực để thổi bay voi qua cái lỗ kim cơ chế. Đây là điều hầu như ai cũng thấy và không phải không lặp lại hết năm này sang năm khác.

Làm sao có thể yên tâm phát triển khi mỗi sáng sớm, bất kì doanh nghiệp, cơ quan nào cũng phải nghĩ và tin rằng mình sẽ là một trong ba ngàn sáu trăm mười cuộc thanh tra phải đến?

Suy cho tới cùng, trhanh tra, kiểm soát chỉ là phần ngọn của sự bất lực trước cái lỗ hổng to đùng từ cơ chế mà không vi phạm có nghĩa là kém. Bịt kín cái lỗ hổng ấy, hay ít nhất, làm cho nó nhỏ lại (không quá khó) mới là cái gốc của vấn đề.

Năm 2016 đã chạm ngõ rồi. Đó là năm mở đầu bằng Đại hội Đảng Toàn quốc – được kì vọng sẽ có rất nhiều thay đổi. Rất mong mỏi bằng lời chúc rằng sang năm mới và các năm kế tiếp, “thành tích” của ngành thanh tra sẽ đi xuống, có như thế, đất nước mới có thể ngẩng cao đầu...

Huế, 26.12.2015.

Hà Văn Thịnh

(Dân Luận)


“Người cộng sản mà kiêu ngạo thì chết rồi. Số cán bộ lãnh đạo tha hoá, tham nhũng mà nhiều quá thì mất niềm tin của nhân dân. Đây là vấn đề đáng báo động”

Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối cuộc giao lưu với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH và TS. Nguyễn Minh Phong, Phó ban Tuyên truyền và lý luận Báo Nhân Dân.

Xây dựng con người được coi là yếu tố quyết định. Theo các ông, yếu tố này đã có vai trò tương xứng trong Dự thảo văn kiện hay chưa? Đâu là tiêu chí của con người mới chúng ta cần xây dựng cho đất nước vào giai đoạn tới đây? Và vai trò tiên phong của các đảng viên ra sao trong sự nghiệp xây dựng con người mới? (Lê Văn Nam, 36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội).

Ông Vũ Mão: Xây dựng con người mới đã được nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị, nhưng chưa thật đậm nét. Cách nêu như trong dự thảo phải đày đủ, sâu sắc, mạch lạc hơn rất nhiều so với hiện tại trong Dự thảo để sau Đại hội, mọi người có thể nhận thức rõ ràng, sâu sắc để dấy lên một phong trào xây dựng con người mới đích thực. Điều này là trong Dự thảo chưa đạt yêu cầu. Chúng ta cần làm rõ nội dung, tiêu chí xây dựng con người mới gồm những gì?

Theo tôi tiêu chí ấy phải rất cụ thể để mỗi người nhìn vào đều thấy những việc mình có thể làm và cần làm là:

1. Lòng yêu nước phải được thể hiện bằng động. Cụ thể: phải không ngừng học tập, vươn lên trở thành người có ích trong XH, phải hết lòng cống hiến cho đất nước từ những việc làm nhỏ nhất.

2. Phải luôn rèn luyện, tu dưỡng bản thân để trở thành người tốt, mà bây giờ người ta thường gọi là người tử tế. Phải nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, quan tâm đến cộng đồng, giúp đỡ người nghèo khó và đặc biệt là không vô cảm.

3. Không tham nhũng: Cương vị càng cao càng phải gương mẫu

4. Sống có văn hóa, ăn ở có trước có sau, thủy chung nghĩa tình, tôn sư trọng đạo. Điều rõ nét trong sống có văn hóa là ứng xử phải có văn hóa. Một vấn đề bức xúc hiện nay là văn hóa giao thông, phản ảnh văn hóa nói chung của người Việt hiện còn rất yếu kém.

Vai trò tiên phong của đảng viên trong sự nghiệp xây dựng con người mới: sống mẫu mực, không tham nhũng. Tôi nhấn mạnh yếu tố không tham nhũng vì đa số họ là người có chức quyền; Kiên quyết đấu tranh với cái sai, không bè phái, không nhóm lợi ích. Sự rèn luyện hiện nay của đảng viên còn yếu, nhân dân còn phàn nàn, thậm chí bức xúc nhiều về phẩm chất của đảng viên, nhất là những người có chức quyền.

Trách nhiệm của Ủy viên Trung ương trong hội nghị tới? Trách nhiệm của họ thế nào khi đứng lên phát biểu, khi họ là những người có điều kiện gần cơ sở, gần dân, nắm được hơi thở của cuộc sống. Các vị ấy phải có tách nhiệm như thế nào, ứng xử ra sao trong việc phản ánh, đưa những vấn đề từ thực tế của thời cuộc vào hội nghị? (Phạm Kim Dung, 59 tuổi, Cà Mau).

Ông Nguyễn Minh Phong: Uỷ viên TƯ là những thành viên của Ban chấp hành TƯ và đại diện cho đội ngũ hơn 3 triệu đảng viên; hơn nữa, họ còn có sứ mệnh là "đại cử tri" của 90 triệu dân Việt Nam trong việc đưa ra những quyết sách lớn về chính sách, cũng như trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo, giải quyết các vấn đề trọng đại, quốc kế dân sinh và an ninh của đất nước...

Tuy nhiên, cho đến nay dường như trách nhiệm của vị trí uỷ viên TƯ chưa thật rõ, trên nghị trường, mới chủ yếu được thể hiện với tư cách là người nắm cương vị cụ thể của một bộ, ngành, cơ quan nào đó, thậm chí không loại trừ trường hợp coi vị trí ủy viên TƯ là bước đệm, bệ phóng trên con đường thăng tiến cá nhân.

Vì thế, các uỷ viên TƯ dường như chưa quan tâm đến việc phản ánh các ý kiến, nguyện vọng, những điều tâm huyết và bức xúc của đảng viên, cán bộ đến Đảng và các cơ quan TƯ. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, cần có sự bổ khuyết cả về nhận thức, cả về quy định, cũng như trong thực tế hoạt động "tác nghiệp" của các uỷ viên TƯ trong các  hội nghị Đảng để phát huy tốt hơn vai trò, năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi uỷ viên.

Đồng thời, cần có những quy định mới để giảm thiểu tình trạng "dĩ hoà vi quý", "mũ ni che tai" liên kết bè phái, chạy theo lợi ích nhóm và hành xử theo lối tư duy nhiệm kỳ của các uỷ viên TƯ.
Đại hội Đảng, nhân sự, Nhà nước
 

Đại hội Đảng, nhân sự, Nhà nước
Ông Nguyễn Minh Phong (phải) và Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn tại cuộc giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Vũ Mão: Trách nhiệm của các ủy viên TƯ đã được quy định trong các văn bản của Đảng, nhất là trong quy chế của BCH TƯ Đảng. Các ủy viên TƯ Đảng phẩn lớn đều là những người từng trải được sự tín nhiệm cao và đủ đức, đủ tài. Họ là những người làm việc hết mình, có cống hiến cho đất nước. Đấy là nói chung và mang tính nguyên tắc, lý thuyết. còn trong điều kiện hiện nay, chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường thì không đơn giản chút nào. Điều này đòi hỏi các ủy viên TƯ phải tự rèn luyện hơn nữa, tránh xa Chủ nghĩa cá nhân và không tham nhũng.

Dù thế nào đi chăng nữa, từ nay đến ĐH là quãng thời gian rất ngắn ngủi mà các ủy viên TƯ phải tham gia vào hội nghị với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Vì vậy trách nhiệm của mỗi ủy viên TƯ là phải thấu hiểu lòng dân, nghĩa là phải kiên quyết loại trừ những phần tử tham nhũng, kém đạo đức, cơ hội và tham gia nhóm lợi ích không trong sáng. Vì vậy, ủy viên TƯ có trách nhiệm rất cao ở Hội nghị này. Nhân dân đang chờ đợi họ để sáng suốt chuẩn bị nhân sự chiến lược của Đảng, của đất nước.

Có ý kiến cho rằng, các tiêu chí đề ra để chọn người tài thực ra là chỉ để chọn người có đạo đức (được hiểu là không có lỗi) và trung thành với chủ nghĩa Mác Lê Nin và trung thành với Đảng. Cả 3 tiêu chí này không phải là tiêu chí của người tài và như thế càng khó có thể là người tài mà đất nước cần. Các ông nghĩ sao về ý kiến này? (Minh Dương, Hà Nội).

Ông Vũ Mão: Từ trước tới nay, đức và tài bao giờ cũng quyện vào nhau, khó mà tách rời.

Có ý kiến cho rằng các tiêu chí đề ra để chọn người tài thực ra là chỉ để chọn người có đạo đức (được hiểu là không có lỗi) và trung thành với chủ nghĩa Mác Lê Nin và trung thành với Đảng. Cả 03 tiêu chí này không phải là tiêu chí của người tài và như thế càng khó có thể là người tài mà đất nước cần...., theo tôi cách nêu ý kiến như thế là chưa rõ ràng và chưa thật chuẩn, có lẽ đấy là ý kiến của 1 số ít người mà thôi.

Còn đa số thì cho rằng: Đòi hỏi người lãnh đạo phải có cả đức và tài, hiện nay những người có cả đức và tài là không nhiều. Thực trạng là, không ít người lãnh đạo các cấp hiện nay lại thiếu cả tài và thiếu cả đức. Tình trạng tham những tràn lan, chạy chức chạy quyền là khá phổ biến, nhưng điều nguy hiểm là phát hiện ra thì rất ít. Nguyện vọng và đòi hỏi của đa số là phải khắc phục ngay những thiếu sót này.

Tài năng là một quá trình rèn luyện, học hỏi. Đòi hỏi phải khiêm tốn. Người cộng sản mà kiêu ngạo thì chết rồi. Cơ chế thị trường là cần thiết nhưng phải cảnh giác. Số cán bộ lãnh đạo tha hoá, tham nhũng mà nhiều quá thì mất niềm tin của nhân dân. Đây là vấn đề đáng báo động.

Ông Nguyễn Minh Phong: Có nhiều cách hiểu về tài và đức, có thể có tài trong lãnh đạo chính trị, trong kinh doanh, trong các chuyên môn nghiệp vụ sâu như nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên điểm chung và nhận được sự đồng thuận cao chính là việc hiểu tài là năng lực, nhận thức xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chuyên môn.

Về đức, cần được hiểu đó là những người biết xử lý hài hoà, thậm chí hy sinh quyền lợi của mình cho người khác, cho xã hội một cách xứng đáng. Người có đức cũng là người biết quan tâm, chăm lo, nhìn thấy lợi ích của mình trong lợi ích chung của xã hội, cộng đồng, người thân. Đặc biệt, người có đức là người ngay thẳng, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, biết hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, vì hạnh phúc của nhân loại và của đồng bào mình. Hơn nữa, người có đức không phải là người mải miết tranh đoạt danh vọng, kèn cựa, chèn ép, hạ thấp người khác, nói một đằng làm một nẻo, cơ hội và tìm mọi cách đề cao cái tôi vì những mục tiêu toan tính cá nhân ích kỷ...

Với tinh thần đó, việc trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê Nin, trung thành với Đảng chỉ là một trong số các tiêu chí quan trọng của người lãnh đạo chính trị ở nước ta. Đặc biệt, nếu hiểu đạo đức là không có lỗi là hoàn toàn sai. Nhận thức và năng lực phải được rèn luyện trong thực tiễn, thậm chí trải qua nhiều thất bại, sai lầm...

Vấn đề cần dũng cảm nhận thức những sai lầm đó, tìm được hướng giải quyết đúng đắn, đạt được mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, cũng cần phải cảnh giác với một bộ phận cán bộ, lãnh đạo lấy việc năng lực yếu, sai lầm vô ý trở thành lý do bao biện cho những hành vi cố ý làm trái, vi phạm pháp luật và các lỗi lầm khác trong việc đặt kỳ được những tham vọng cá nhân ích kỷ của mình kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".

Trong thời gian, điều quan trọng là cần làm rõ các tiêu chí Đức và Tài cho từng nhóm lãnh đạo, công việc, hoạt động khác nhau; trong đó, không đánh đồng giữa tài lãnh đạo, quản lý với tài về chuyên môn nghiệp vụ, khoa học và các tài năng khác. Đồng thời, không đánh đồng đạo đức với việc cố "tránh việc" hoặc không làm gì để không phạm lỗi kiểu "ngậm miệng ăn tiền".

Tài và Đức cũng phải được công khai và được cộng đồng thừa nhận, chứ không phải chỉ gói gọn trong sự bằng lòng của một nhóm hẹp hoặc trong sự tuyên truyền quá mức.

Nhân sự là vấn đề lớn của ĐH XII, được nhân dân vô cùng quan tâm. Lần này chưa thể thực hiện ĐH bầu trực tiếp Tổng bí thư nhưng theo các ông, lúc nào sẽ là thời điểm chín muồi để Đảng thực hiện bước tiến bộ về dân chủ này? (Nguyễn Minh Hòa, Hà Nội).

Ông Vũ Mão: Một trong những vấn đề dân chủ trong Đảng là phải thực sự dân chủ trong việc chọn dân sự, nhất là cấp cao. Ở cácnước, họ có tranh cử, thậm chí quyết liệt để bầu ra người xứng đáng vào cương vị lãnh đạo cao nhất.

Tôi nhớ lại ở VN ra cũng từng có việc tranh cử. Cụ thể là ở kỳ họp giữa năm 1988 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 8 đã có 2 ứng cử viên để tranh cử chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Đây là một hiện tượng đặc biệt, dấu son nghị trường. Sự kiện này được nhân dân rất hoan nghênh, được thế giới ca ngợi. Khi đó các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu đưa ra chủ trương đổi mới (perestroika) nhưng không thành công trong kinh tế và cả trong chính trị.

Còn ở nước ta, kinh tế đã khởi sắc, còn chính trị thì rất thận trọng. Cho nên việc tranh cử chức danh Thủ tướng (chủ tịch hội đồng bộ trưởng) là một hiện tượng rất đặc biệt, đáng ghi nhớ.

Tôi nghĩ rằng bây giờ chúng ta phải nghiên cứu bài học kinh nghiệm này để thể hiện trong thời kỳ mới. Có nghĩa chúng ta phải nhận thức sâu sắc và đầy đủ trong việc chọn nhân sự. Đất nước cần những người lãnh đạo mẫu mực về đạo đức và tài năng ở mức cần thiết nhất là việc nắm bắt những nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Đất nước và nhân dân VN với truyền thống tuyệt vời và với lòng yêu nước cao cả đang chờ ngọn cờ đổi mới để đưa đất nước tiến lên.

Làm thế nào để chọn lựa được người có đủ năng lực gánh vác trọng trách trong giai đoạn mới sắp tới? (Phạm Trọng Tuyến, 59 tuổi, Điện Biên)

Ông Nguyễn Minh Phong: Đây là  một câu hỏi hay, đáp ứng được nguyện vọng chung của đông đảo đảng viên, cán bộ và nhân dân. Phải thừa nhận rằng, gần đây công tác nhân sự của Đảng đã được thực hiện với nhiều đổi mới theo hướng: tiêu chuẩn hoá, quy trình hoá và công khai hoá... Tuy nhiên, dường như kết quả sự lựa chọn những người đủ năng lực trọng trách cho Đảng vẫn chưa làm thoả mãn những kỳ vọng lớn lao của người dân, đảng viên, cũng như chưa đáp ứng được với những yêu cầu ngày càng cao hơn trong giai đoạn mới.

Vì vậy trong thời gian tới, việc lựa chọn những người đủ năng lực, đủ tài - đức gánh vác các trọng trách của Đảng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phân nhóm và xây dựng các tiêu chuẩn hoá, quy trình hoá việc lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo và đề bạt cán bộ theo các nhóm lãnh đạo các cấp, đặc biệt phân biệt rõ giữa lãnh đạo Đảng, lãnh đạo chính trị,  lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, chức năng. Thực tế cho thấy rằng, một bác sĩ giỏi chưa chắc đã là  một Bộ trưởng Y tế giỏi và ngược lại.

Cần phải tham khảo các kinh nghiệm bâù cử, ứng cử, đề cử, giới thiệu, tiến cử, tuyển chọn - bổ nhiệm - thanh loại cán bộ và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước của các tổ chức chính đảng và các quốc gia khác. Từ đó chọn lựa những kinh nghiệm tốt phù hợp để vận dụng vào nước ta, nhất là các kinh nghiệm về dân chủ trực tiếp, về thi tuyển nghiêm ngặt và đối thoại công khai.

Hơn nữa, cần đề cao yêu cầu về giám sát và kiên quyết thanh lọc các lãnh đạo, cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, dù chưa hết nhiệm kỳ. Mở rộng diện ứng cử viên lãnh đạo - người tài trong đội ngũ những người chưa phải Đảng, ngoài Đảng.

Cần nhấn mạnh rằng, một đảng viên dù tốt về đạo đức, nhưng năng lực quá yếu kém, lại không được kiểm soát về quyền lực, thì hệ quả tiêu cực trong lãnh đạo của họ cũng có thể không nhỏ... Bởi vì khi đó có thể xuất hiện rất nhiều tình trạng bỏ lỡ cơ hội phát triển, đưa ra các quy định sai lầm hoặc vô tình tiếp tay cho các lợi ích nhóm, dung dưỡng những hành vi sai trái trong Đảng, Nhà nước, làm tổn thương và suy giảm lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước.

(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào: