(Quốc tế) - Tham vọng thúc đẩy kế hoạch Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh đang gây căng thẳng địa chính trị, khiến các nước lo ngại về nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ công bố thoả thuận chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỷ USD với Trung Quốc. Chương trình được tuyên bố nhằm đẩy mạnh hoả lực cho quân đội và đặt nền móng cho hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, Ankara bất ngờ tuyên bố huỷ bỏ vài tuần trước khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo New York Times, nguyên nhân cản trở kế hoạch này do đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ là một công ty Trung Quốc. Các nước phương Tây sợ lộ bí mật quân sự nếu công nghệ Trung Quốc được đưa vào hệ thống phòng không của Ankara.
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia dọc con đường tơ lụa thông qua hoạt động thương mại đường bộ và đường biển. Nhưng “Sáng kiến Vàng đai và Con đường”, toan tính của Bắc Kinh nhằm làm sống lại các tuyến đường thương mại cổ xưa, đang gây căng thẳng địa chính trị và khiến các quốc gia ngày càng lo ngại về nguy cơ phụ thuộc vào nền kinh tế số 2 thế giới.
Kazakhstan đã hạn chế đầu tư và người di cư Trung Quốc vì lo sợ bị lấn át, trong khi Kyrgyzstan xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Moscow nhằm cân bằng với Bắc Kinh.
Lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc
Trong khi đó, với thỏa thuận tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào NATO. “Lợi ích của chúng tôi và của NATO có thể không giống nhau trong một số hành động”, Thứ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho biết.
Mehmet Soylemez, chuyên gia châu Á tại Viện Nghiên cứu Xã hội và Chính trị ở Ankara, nhận định rằng dự án tên lửa Trung Quốc “là một trong những lý do điều khiến mọi người thực sự nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển hướng”. Theo ông, Trung Quốc muốn tái cơ cấu cấu trúc tài chính và kinh tế toàn cầu. Với lợi thế thị trường và sự giàu có, họ đang là một đối tác hấp dẫn.
Các quốc gia dọc Con đường tơ lụa trước đây đều gặp khó khăn trong việc phát triển quan hệ kinh tế với Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, họ còn được cảnh báo rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại lớn của khu vực, có thể đem lại lợi thế cho Malaysia và Việt Nam.
“Vì vậy, nhiều năm qua, chúng tôi vẫn đang chờ đợi và mọi người đều mất hy vọng. Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia TPP và các vấn đề của thế giới Arab đang đẩy chúng tôi đến những lựa chọn khác”, Sahin Saylik, tổng giám đốc Kirpart Otomotiv, một nhà sản xuất bộ phận ôtô của Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc với kim ngạch 25 tỷ USD mỗi năm, thì kim ngạch xuất khẩu chỉ 3 tỷ USD. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cửa hàng bán đầy hàng hóa Trung Quốc, từ máy hút bụi đến bộ đồ ăn.
Công ty Trung Quốc mua than và đá cẩm thạch mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ và có cổ phần 65% trong cảng container lớn thứ ba của nước này. Bắc Kinh còn giúp Ankara xây dựng gần chục tuyến đường sắt, đồng thời là nhà cung cấp vũ khí và tên lửa chiến trường công nghệ thấp.
Nhiều công ty đang chuyển huớng sang Trung Quốc vì lý do chi phí, mua linh kiện hoặc nhập khẩu các sản phẩm lắp ráp hoàn chỉnh. Arzum – một trong những nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, chịu trách nhiệm về kỹ thuật và tiếp thị cho hãng cafe Okka nổi tiếng, nhưng máy pha lại được sản xuất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc lại nhanh chóng cắt đứt nhiều mối làm ăn. Năm ngoái, Tập đoàn Cơ khí Máy móc Trung Quốc đột ngột rút thỏa thuận mua cổ phần 75% trong mạng lưới điện ở Eskisehir và các tỉnh lân cận của Thổ Nhĩ Kỳ, trị giá 384,6 triệu USD. Họ không cung cấp lý do chính thức và từ chối đưa ra bình luận.
Công ty Phân phối điện Thổ Nhĩ Kỳ đang kiện các công ty Trung Quốc với hy vọng lấy được tiền bồi thường. Giám đốc điều hành Mukremin Cepni nói rằng ông đã dành công sức cho dự án này 18 tháng và không còn hào hứng bất kỳ mối liên hệ với Trung Quốc.
Các cản trở đối với Trung Quốc
Sau tuyên bố về thoả thuận tên lửa, các nước thành viên NATO đã tổ chức một chiến dịch nhằm lật đổ quyết định này. Tổng thống Obama, lãnh đạo các nước Tây Âu và chỉ huy hàng đầu của NATO đã liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO khẳng định nước nào cũng có quyền lựa chọn thiết bị của riêng mình. Nhưng họ công khai bày tỏ quan ngại rằng tên lửa Trung Quốc có thể không tương thích với thiết bị của NATO, và ngầm cảnh báo họ khó có thể chia sẻ các chi tiết kỹ thuật.
Tập đoàn nhập khẩu và xuất khẩu máy móc chính xác của Trung Quốc là đối tượng phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt vì đã cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Iran, Triều Tiên, Pakistan và Syria. Hoạt động xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn dựa trên quan hệ đối tác với nhà cung cấp này, cũng có thể chịu chung số phận.
Tên lửa trở thành vấn đề căng thẳng từ hai năm trước, khi Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ quyết định thầu của Trung Quốc. Trong khi đó, nước này cũng nhận được đề nghị bán tên lửa Patriot của Mỹ cũng như các giao dịch tương tự với Tây Âu và Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn sản xuất tên lửa, tham vọng xuất khẩu trong một vài năm và muốn ngăn chặn việc triển khai thường xuyên tên lửa Patriot của NATO.
“Bạn không thể bảo vệ đường biên giới dài 911 km chỉ với hệ thống phòng không Patriot”, Merve Seren, chuyên gia an ninh của một tổ chức ủng hộ chính phủ ở Ankara cho biết.
Theo ông Demir, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, loại từng bắn hạ phi cơ của Nga hồi tháng 11, không thể tuần tra liên tục. Trong khi đó, hệ thống tên lửa có thể sẵn sàng mọi lúc.
Khi xung đột Syria trở nên tồi tệ hơn, NATO chỉ có thể cung cấp tên lửa Patriot ở ba thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ và rút dần khi máy bay của Nga bị bắn hạ. “NATO triển khai các hệ thống phòng không khá thất thường. Tôi không biết liệu nó có mang thông điệp rằng các đối tác có thể dựa vào họ hay không”, ông Demir nói.
Demir cho biết các phân tích của chuyên gia quân sự nước này đã được một uỷ ban, bao gồm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và quan chức an ninh, phê duyệt. Nhưng không ai hỏi ý kiến của Bộ Ngoại giao về phản ứng của các nước đồng minh.
“Họ được thông báo sau khi quá trình thảo luận hoàn tất. Nó không được coi là một dự án đặc biệt có thể đem lại kết quả chính trị”, ông Demir cho hay.
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định sẽ thầu lại một số bộ phận để sản xuất ở nước ngoài, có thể là Tập đoàn nhập khẩu và xuất khẩu máy móc chính xác Trung Quốc. Demir nói rằng thời gian đàm phán với các nhà sản xuất Bắc Kinh có thể giúp quan hệ hợp tác quân sự trong tương lai dễ dàng hơn.
Ngoài ra, vấn đề dân tộc và tôn giáo cũng là một yếu tố làm phức tạp thêm các quan hệ của Trung Quốc, khi trong khu vực có nhiều nước theo đạo Hồi và hàng chục quốc gia giống Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng leo thang khi Bắc Kinh áp đặt các chính sách nghiêm ngặt với người Ngô Duy Nhĩ, người Hồi giáo ở Tân Cương.
Ở cương vị tổng thống hiện nay, Erdogan ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc. Ông giải quyết vấn đề này bằng cách kêu gọi người dân cảnh giác trước những tin đồn trên phương tiện truyền thông xã hội về chính sách của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ.
Các nhóm dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ như tổ chức Anatolia Youth, trước đây từng thẳng thắn lên tiếng về người Ngô Duy Nhĩ, nay đã mềm mỏng hơn. Mahmut Temelli, Chủ tịch cơ quan đối ngoại, nói rằng thoả thuận tên lửa lẽ ra nên được duy trì.
(Theo Tri Thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét