Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Đà Nẵng: Lộ diện ông chủ bí ẩn showroom chỉ tiếp khách Trung Quốc

Lần gần đây nhất, nhân vật này đi theo visa doanh nghiệp, vào Việt Nam từ ngày 10/12/2015 và sẽ hết hạn ngày 9/3/2016, do Công ty Quốc Đô bảo lãnh với danh nghĩa khảo sát thị trường.

Như tin đã đưa, liên quan đến showroom H.A Cao su thiên nhiên (148 Xuân Thủy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng; thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân) chỉ tiếp khách Trung Quốc mà cấm cửa khách Việt Nam có một nhân vật “bí ẩn” tên là Shao Can Hui (Thiệu Xán Huy) với chức danh Tổng Giám đốc.

Nhà nghỉ Minh Phương, nơi Shao Can Hui đang thuê tạm trú cùng 14 người Trung Quốc! (Ảnh: HC)
Theo nguồn tin của Infonet, Shao Can Hui sinh ngày 18/1/1986, quốc tịch Trung Quốc, đã vào Việt Nam nhiều lần. Những lần trước Shao Can Hui do Công ty Tuệ An (Hội An, Quảng Nam) bảo lãnh vào Việt Nam.

Lần gần đây nhất, nhân vật này đi theo visa doanh nghiệp, vào Việt Nam từ ngày 10/12/2015 và sẽ hết hạn ngày 9/3/2016, do Công ty Quốc Đô bảo lãnh với danh nghĩa khảo sát thị trường.

Nguồn tin của Infonet cũng cho biết, hiện Shao Can Hui tạm trú ở nhà nghỉ Minh Phương (23 Trịnh Đình Thảo) cùng với 14 người Trung Quốc khác nữa. Đường Trịnh Đình Thảo nằm ngay bên hông showroom H.A Cao su thiên nhiên; và nhà nghỉ Minh Phương chỉ cách showroom này vài chục mét (cùng thuộc phường Khuê Trung). Toàn bộ số người Trung Quốc ở trong nhà nghỉ Minh Phương được cho là đều có liên quan đến Công ty TNHH TM&DL Tuệ Dân và showroom H.A Cao su thiên nhiên.

Theo phản ảnh của người dân trong khu vực, showroom H.A Cao su thiên nhiên được đặt ở một vị trí mà ngay bên cạnh (đối diện qua đường Trịnh Đình Thảo) là một cơ sở của quân đội (có mặt tiền hướng ra đường Xuân Thủy), được bảo vệ 24/24 ghi chữ “Khu vực cấm”.

Showroom H.A Cao su thiên nhiên nằm ngay bên cạnh khu vực cấm do Quân đội quản lý. (Ảnh: HC)
Showroom H.A Cao su thiên nhiên nằm ngay bên cạnh khu vực cấm thuộc Quân đội quản lý, nhà nghỉ Minh Phương, nơi có 15 người Trung Quốc đang tạm trú (trong đó có Shao Can Hui) nằm ở phía sau, chỉ cách vài chục mét.

HẢI CHÂU

(Infonet)


Tướng Cương: Người Trung Quốc đứng sau mua đất Đà Nẵng là vì sao?

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, cần phải làm rõ vì sao người Trung Quốc mua được nhiều đất như vậy ở khu vực quân sự nhạy cảm như Đà Nẵng?


Thông tin từ cơ quan quản lý đất đai quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng mới đây về việc người Trung Quốc đứng đằng sau mua gần 250 lô đất ven biển khiến dư luận xã hội lo lắng. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an.
   Tướng Cương: Người Trung Quốc đứng sau mua đất Đà Nẵng là vì sao? - Ảnh 1
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an.
Phóng viên: Thiếu tướng có quan điểm như thế nào về việc, người Trung Quốc đứng đằng sau mua gần 250 lô đất ở Đà Nẵng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tại sao lại để người Trung Quốc núp dưới danh nghĩa người Việt Nam mua được nhiều đất như vậy? Tại sao, người Trung Quốc lại có thể làm được điều đó ở trên lãnh thổ Việt Nam?


Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là, các cơ quan chức năng, cụ thể là Chủ tịch TP. Đà Nẵng - cơ quan thẩm quyền chung chịu trách nhiệm toàn bộ những vấn đề diễn ra trên địa bàn TP phải trả lời được những câu hỏi này trước dư luận.
Muốn trả lời những câu hỏi này, tôi nghĩ, Chủ tịch TP. Đà Nẵng phải mời các cán bộ quản lý, các nhà khoa học liên quan cả trong và ngoài TP để thảo luận và đưa ra lý giải cho sự việc này. Khi nào tìm ra đúng nguyên nhân người Trung Quốc đứng đằng sau mua đất thì mới tính được đến những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn những ý đồ xấu nếu có.
Trên thực tế, có nhiều việc xảy ra mà chúng ta không tìm được nguyên nhân chính xác. Cho nên, lần này, phải làm rõ vấn đề đến cùng, tại sao lại như vậy.
Phóng viên: Được biết, đất tại vệt biệt thự sân bay Nước Mặn – nơi người Trung Quốc thu gom kể trên, là một trong những khu vực nhạy cảm. Ông nghĩ sao về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng, một vấn đề có liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia thì phía quốc phòng và an ninh phải có ý kiến.
Tôi thấy vấn đề này vượt ra ngoài thẩm quyền của TP. Đà Nẵng. Vì quốc phòng là việc của cả quốc gia chứ riêng thành phố không thể quyết được. Cho nên, trước hết, Bộ chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng phải có ý kiến, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng phải có ý kiến. Nếu Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng và Bộ chỉ huy quân sự TP nói được thì những người ký văn bản bán số đất này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vấn đề xảy ra.
Một thực tế, chúng ta không thể yêu cầu Chủ tich TP thông thạo hết tất cả mọi việc. Do đó, trước khi quyết định cho một tổ chức cơ quan hay cá nhân nước ngoài đầu tư vào, tôi đề nghị Bộ chỉ huy quân sự, thậm chí cả Tư lệnh quân khu phải có ý kiến, lý giải cụ thể. Còn nếu Tư lệnh quân khu và Bộ tư lệnh quân sự TP nói không được thì Chủ tịch TP không thể ký duyệt quyết định bán đất.
   Tướng Cương: Người Trung Quốc đứng sau mua đất Đà Nẵng là vì sao? - Ảnh 2
Người Trung Quốc đứng đằng sau mua nhiều lô đất ở những vị trí trọng yếu của Đà Nẵng.
Phóng viên: Việc người nước ngoài sử dụng những lô đất ở vị trí trọng yếu như thế này, theo Thiếu tướng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong các nghị quyết của Đảng đều nhất quán, chiến lược phát triển kinh tế xã hội đi liền với quốc phòng và an ninh quốc gia. Các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng được phát triển theo vùng lãnh thổ và theo chuyên ngành.
Những vị trí quan trọng như Đà Nẵng hay cả khu vực Đông Bắc, nếu muốn cho ai vào đầu tư phát triển đều phải tính toán thật kỹ. Đây là những vùng đất nhạy cảm. Ví dụ như với Đà Nẵng, nếu lực lượng xấu muốn tấn công để cắt ngang đất nước thì cực kỳ nguy hiểm. Cho nên, không cứ nước nào, quá trình phòng thủ đất nước có những vùng trọng điểm chiến lược về an ninh quốc phòng không thể cho nước ngoài đầu tư được.
Có những vùng trọng điểm có thể cho nước này đầu tư nhưng phải hạn chế và thậm chí là không thể cho nước khác đầu tư. Vì chúng ta không biết ngoài chuyện kinh tế còn chuyện gì khác nữa.
Về việc xảy ra ở Đà Nẵng lần này, tôi nghĩ, ai cũng cần có trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Đúng ra trước khi phê duyệt bán đất, Đà Nẵng phải có sự tham mưu của nhiều bên liên quan như tôi đã nói ở trên.
Phóng viên: Thiếu tướng nghĩ như thế nào về việc xem xét lại và ngừng bán đất ở khu vực này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng, không chỉ ở Đà Nẵng mà ở bất cứ địa phương nào, nếu vi phạm, xâm phạm đến quốc phòng và an ninh quốc gia thì dù bất cứ người nào, kể cả là ai ký đi chăng nữa cũng phải hủy bỏ, bất cứ giá nào cũng phải thay đổi.
Chúng ta hoàn toàn không nên đem những vùng đất nhạy cảm ra để mua bán, trao đổi để đối tượng xấu dễ lợi dụng. Như thế sẽ là thiếu một tầm nhìn chiến lược, thiếu quy hoạch đúng đắn, đe dọa đến an ninh quốc gia.
Nên nhớ rằng, cơ sở quân sự trên đất liền không tổ chức ở chỗ này có thể làm ở chỗ khác, không ở Xuân Mai có thể chuyển sang Hòa Bình,... Còn với địa hình trên biển, tìm được căn cứ quân sự là hiếm lắm, khó lắm, không dễ thay đổi. Chúng ta cần nhớ lại bài học xương máu là mời người Trung Quốc vào nuôi tôm quanh cảng Cam Ranh.
Do đó, tôi cho rằng, phải kiên quyết xử lý một cách dứt khoát vấn đề bán đất ở Đà Nẵng khi có người Trung Quốc đứng sau thu mua. Đó là việc liên quan đến lợi ích quốc gia tối thượng.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!
Dương Thu

Đại tá Lành nói gì về khu đất dân Trung Quốc mua sát sân bay?

Bảo Ngọc | 
Đại tá Lành nói gì về khu đất dân Trung Quốc mua sát sân bay?

Đại tá Nguyễn Lành cho rằng, phải đặt câu hỏi tại sao người Trung Quốc mua ở đấy... Họ mà quản lý cả bờ biển là rất nguy hiểm.

“Họ mua cả bờ biển là nguy hiểm rồi”
Trước thông tin người Trung Quốc đứng đằng sau nhờ người Việt đứng tên mua 246 lô đất ven biển Đà Nẵng, nằm ngay cạnh sân bay Nước Mặn, Đại tá Nguyễn Lành rất lo lắng về vấn đề này.
Đại tá Lành cho biết sân bay Nước Mặn được Sư đoàn 375 tiếp nhận từ ngày giải phóng. Trước đó, sân bay này thuộc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa có nhiệm vụ bảo quản lý, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Theo đại tá Lành, cố Thượng tướng Đào Đình Luyện – Nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng có đánh giá rằng khu vực sân bay Nước Mặn là vô cùng quan trọng đối với quốc phòng.
“Năm 1991, anh Luyện vào khảo sát ở đây. Anh ấy có đề nghị rằng: Khu đất này rất quan trọng, không được giao làm kinh tế, chỉ giao cho phòng quốc quản lý thôi”, đại tá Lành nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Lành, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375
Đại tá Nguyễn Lành, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375
Đại tá Lành cho hay, bây giờ nhà nước bán đất cho dân thì người dân có quyền mua.
“Tôi có tiền thì tôi mua. Điều đó không quan trọng. Tuy nhiên khi khui ra thì thực chất toàn bộ là người Trung Quốc bỏ tiền ra mua...
Phải đặt câu hỏi tại sao họ mua ở đấy. Họ mua cả dãy đất ven sân bay, sát bờ biển thì sẽ do họ quản lý. Họ mà quản lý cả bờ biển này là nguy hiểm rồi.
Chỉ tính chuyện đơn giản trước mắt là dân Đà Nẵng, người Việt Nam không được xuống tắm biển ở khu bờ biển họ mua là đã phức tạp rồi”, đại tá Lành nói.
Đại tá Lành cho hay cả Pháp và Mỹ khi đánh chiếm nước ta đều chọn Đà Nẵng để mở đầu cuộc chiến bằng cách đổ bộ từ biển vào. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của bờ biển Đà Nẵng.
Đất nước mình còn nghèo nhưng không phải thế mà bất chấp để cho làm kinh tế. Làm gì thế làm nhưng việc đầu tiên là phải nghĩ đến an ninh, quốc phòng.
“Họ mua đất ven biển rồi dần dần tiến gần đến chân núi Hải Vân. Mà quản lý được núi Hải Vân thì quản lý được Đà Nẵng. Quản lý được Đà Nẵng thì quản lý được miền Trung", đại tá Nguyễn Lành lo lắng.

Dải đất ven biển, sát cạnh sân bay Nước Mặn nghi người Trung Quốc đứng sau nhờ người Việt Nam mua và đứng tên.
Dải đất ven biển, sát cạnh sân bay Nước Mặn nghi người Trung Quốc đứng sau nhờ người Việt Nam mua và đứng tên.
Cũng theo đại tá, thường người nước ngoài họ chỉ mua chung cư, biệt thự để ở chứ không ai mua đất rồi xây nhà cả.
Theo đại tá Lành, để giải quyết vấn đề người Trung Quốc giấu mặt mua đất thì chính quyền Đà Nẵng phải kiên quyết. Đại tá Lành cũng đưa ra hai giải pháp thực hiện.
“Những lô đất ven biển đã bán cho người Việt Nam hay người Trung Quốc giấu mặt thì không được phép ghép thửa. Anh mua 12 lô đất thì anh xây 12 căn nhà riêng biệt, không được liên kết lại.
Anh xây nhà ở đó cũng không được xây cao quá 3 tầng. Tôi biết có một công trình đang xây dựng tới tầng thứ 7 rồi nhưng chính quyền đã yêu cầu tạm ngưng thi công”, đại tá Lành đề xuất.
Cần thu hồi giấy phép của hàng cấm người Việt
Trò chuyện cùng PV, đại tá Nguyễn Lành vô cùng bức xúc trước thông tin xuất hiện một số cửa hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng cấm cửa người Việt Nam, chỉ bán cho khách Trung Quốc:
“Tôi đi cũng nhiều nơi, từ Nga, Trung Quốc, Mỹ... nhưng chưa thấy ở đất nước nào, cửa hàng nào có quy định kỳ quặc như vậy".

Showroom H.A của Công ty Tuệ Dân chỉ bán cho khách Trung Quốc, cấm khách Việt Nam
Showroom H.A của Công ty Tuệ Dân chỉ bán cho khách Trung Quốc, cấm khách Việt Nam
Đại tá Lành cũng đặt nghi vấn về thiết kế kỳ lạ của các showroom, cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc:
“Làm gì có cửa hàng nào kỳ lạ như thế. Họ thiết kế kín mít, chỉ có một lối ra vào. Bốn bức tường được xây bê tông kiên cố người ngoài không biết bên trong có ai, đang làm gì?
Khách người Việt không vào được thì phải cần đặt nghi vấn họ đang làm gì?”, đại tá Lành đưa ra nghi vấn.
Theo đại tá Lành, TP Đà Nẵng không nên cho phép mở những cửa hàng như thế.
Họ có thể làm đúng pháp luật nhưng chính quyền cần biện pháp quản lý mạnh đối với những cửa hàng như thế này. Ở nước mình mà cấm dân mình là sai rõ ràng, phải thu hồi giấy phép”, ông Lành kiên quyết.
Đại tá Nguyễn Lành nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 từ năm 1975 đến 1995, quản lý vùng không phận từ phía nam Hà Tĩnh đến phía bắc Khánh Hòa.
Sư đoàn 375 cũng là đơn vị tiếp quản sân bay Nước Mặn từ sau giải phóng đến năm 1995. Đây là vị trí rất nhạy cảm mà người Trung Quốc đang giấu mặt phía sau để gom đất khiến dư luận trong nước vô cùng lo lắng.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: