Triết học Đường phố
Joseptuat
25-12-2015
Một đất nước luôn nằm trong những top đầu khó hiểu và ngược đời
như tham nhũng, nợ công cao so với GDP, số người chết vì ung thư và tai nạn
giao thông thì việc trở thành á quân thế giới về tiêu thụ mì ăn liền cũng không
mấy là khó hiểu với chúng ta. Thế nhưng đối với những ai luôn tự hào về ẩm thực
và chỉ số hạnh phúc của mình trên bảng xếp hạng quốc tế có lẽ sẽ khó chấp nhận
khi nghe điều này.
Tại sao một đất nước có nhiều nhiều món ăn ngon, rẻ và nổi tiếng
từ bắc tới nam, và chỉ số hạnh phúc luôn đừng đầu thế giới lại có thể là nước
tiêu thụ mì ăn liền thứ hai thế giới cho được?
Chúng ta đều biết mì ăn liền là thực phẩm rẻ tiền, nhanh và tiện
lợi. Vậy phải chăng nó phán ảnh người dân Việt Nam là giống dân bận rộn và rất
tiết kiệm. Chắc chắn là không. Nếu người Việt Nam bận rộn và tiết kiệm thì đã
không có cái văn hoá ngồi và nhậu như bây giờ.
Ngồi ở đây không chỉ là ngồi vỉa hè trà chanh, trà đá, hay
quán cóc, quán ổi để nhấm nháp ly cà phê, mà nó còn thể hiện cái xu hướng
hướng thụ của người Việt. Khi tiền bạc được sử dụng một cách hoang phí thì việc
chọn lựa một gói mì để no cái bụng là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, đó
không phải là ý nghĩa thật sự mà danh hiệu về á quân mì ăn liền muốn nói tới,
thực tế là vì người dân Việt Nam
có rất ít sự lựa chọn để làm no cái bụng so với những điều kiện sẵn có. Điều
này phác hoạ sự thật về thực trạng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Có hai đối tượng tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất ở Việt Nam đó là sinh
viên và công nhân. Cứ đầu tháng thì hầu như họ rất ít đụng đến gói mì nhưng khi
đến giữa tháng thì mì ăn liền là chiếc phao cứu sinh để giúp họ cầm cự đến
tháng tiếp theo.
Tại
sao lại như vậy?
Từng là sinh viên sống xa nhà và có thời gian làm công nhân thời
vụ ở khu công nghiệp Sóng Thần, tôi thấy nguyên nhân đơn giản là do nguồn thu
hạn hẹp nhưng nguồn ra thì nhiều nên làm cho hầu bao lúc nào cũng cạn kiệt mặc
dù mới chỉ giữa tháng. Đối với sinh viên thì số tiền mà phụ huynh chu cấp làm
sao đủ với bao nhiêu nhu cầu, bao nhiêu mối quan hệ. Đối với một công nhân thì
số tiền lương tháng làm sao đủ cho những chi tiêu như tiền phòng, tiền điện,
tiền xăng, tiền ăn… còn tiền góp nhặt gửi về quê phụ giúp gia đình.
Không chỉ vì hầu bao cạn kiệt mà gói mì được chọn, thực tế là vì
nó đáp ứng được quỹ thời gian hạn hẹp của công nhân Việt Nam . Khi thế
giới đang cố rút ngắn thời gian lao động một tuần từ 7/7 xuống 5/7, và một ngày
từ 12 tiếng xuống 8 tiếng, hay 6 tiếng thì người lao động Việt Nam lại cố gắng
ngược lại.
Tại
sao lại như vậy?
Phải chăng là chúng ta chăm chỉ và chịu khó để làm giàu? Chăm
chỉ và chịu khó thì có đó nhưng làm nhiều ngày trong tuần, nhiều giờ trong ngày
không phải vì muốn giàu có mà đơn giản là thực trạng nền kinh tế chung của nước
mình nó tệ quá, nếu không làm nhiều, không tăng ca, không cày ngày 12-14 tiếng
thì không có đủ tiền để trang trải các sinh hoạt bình thường trong cuộc sống.
Với một quỹ thời gian làm việc liên tục và hiếm ngày nghỉ như
vậy thì lấy đâu thời gian cho những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng, nên mì ăn liền
là lựa chọn tốt nhất cho quỹ thời gian đó.
Dừng lại ở việc soi mói về tiêu thụ mì ăn liền của người dân
Việt do sức ép từ nền kinh tế yếu kém, tôi muốn các bạn nhìn sâu hơn về mối
liên hệ giữa mì ăn liền và bệnh lười suy tư của phần đông người dân.
Thực ra có một món mì ăn liền mà không được thống kê nhưng lại
được rất nhiều người dân Việt Nam
ưa dùng: mì ăn liền trí tuệ. Tôi dùng chữ trí tuệ vì bao gồm nhưng tri thức và
thông tin chúng ta tiếp nhận hàng ngày.
Mì ăn liền có phải là thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng không?
Đương nhiên là không. Phần lớn ăn mì chỉ vì nó giúp giải toả cơn đói và làm cho
no bụng, còn về mặt dinh dưỡng thì nó chiếm rất ít. Ăn cho no bụng, ăn để không
phải đói có vẻ rất giống cái cách người Việt đang nhồi nhét tri thức vào đầu.
Học thật nhiều nhưng cũng chỉ là nhồi cho đầy bộ não những kiến thức không cần
thiết, nhiều khi còn nguy hại đến khả năng nhận thức…”.
Bên cạnh tiếp nhận tri thức một cách thụ động và để khoe khoang
thì cải cách truyền đạt tri thức của chúng ta giống như một món ăn liền. Tôi
hình dung nền giáo dục Việt Nam
bây giờ như bức tranh mì ăn liền. Giáo viên là cái tô đựng mì, kiến thức như
sợi mì và học sinh, sinh viên là người ăn mì. Giáo viên đến truyền đạt tri thức
như một tô mì nóng hối, còn học sinh, sinh viên không có cơ hội để lựa chọn,
sàng lọc, phản biện tri thức được tiếp nhận, chỉ cần nhồi vào đầu mớ tri thức
ăn liền đó. Và chính cách học cũng như cách dạy kiểu này đã sản sinh ra những
con người lười suy tư. Mọi câu trả lời đã sẵn có, mọi vấn đề dù nhỏ hay to đều
đã có kẻ khác lo, nên xã hội Việt Nam bây giờ toàn những con robot
được lập trình sẵn. Và đây chính là nguồn gốc gây ra bệnh lười suy tư ở phần
đông người Việt trong nước hôm nay.
Với nền giáo dục ăn liền chúng ta đã có được những thế hệ nhiều
bằng cấp nhưng thiếu tính sáng tạo, và tệ hơn là những con người ấy chỉ biết
tìm kiếm những thông tin ăn liền, dễ nuốt, và cần ít suy tư. Hãy xem những vấn
đề mà phần lớn thanh niên Việt Nam
quan tâm và không quan tâm thì chúng ta biết được điều tôi nói sai đúng thế
nào.
Trường học là nơi chúng ta đón nhận những tri thức nền tảng và
khơi mở những khả năng tư duy sáng tạo, còn xã hội là nơi chúng ta tiếp nhận
những tri thức mới mẻ nhưng phức tạp cần những kỹ năng tư duy phản biện độc
lập, khả năng tự chọn lọc. Nhưng cái thứ nhất là trường học đã không dạy chúng
ta những thứ cần thiết và giúp khai mở những kỹ năng tự tư duy để chúng ta có
thể tự lập trong cuộc đời, mà ngược lại nó cướp đi của chúng ta những hành
trang cần thiết để chúng ta tự trưởng thành, nên hầu như khi bước chân ra khỏi
xã hội chúng ta trở nên thụ động và lười biếng. Chúng ta trốn tránh những vấn
đề đáng lẽ là cần thế hệ trẻ quan tâm, nhưng lại chạy theo những vấn đề vô bổ,
lố bịch chỉ làm phí phạm tuổi trẻ và tài năng của chúng ta. Âu cũng là hậu quả
từ một nền giáo dục ăn liền nên chúng ta chỉ biết ỷ lại và trở nên ngu ngơ
trước những vấn đề xã hội.
Bạn thân mến! Tôi không hề chê trách bạn ăn mì ăn liền hay lên
án việc tiêu thụ mì ăn liền, tôi viết về mì ăn liền là vì nó sao giống cái cách
chúng ta đang thu nhận tri thức. Chúng ta trở nên lười biếng trong suy tư, lưới
biếng quan tâm các vấn đề của xã hội, thay vào đó chỉ biết tiếp thu và chay
theo các thông tin, sự kiện nhảm nhí và vô bổ. Tôi có thể khẳng định người Việt
không chỉ giỏi tiêu thụ mì ăn liền mà họ còn rất khoái trá tiếp nhận tri thức
và thông tin ăn liền. Bởi thế, chỉ cần đầu độc các gói mì và cho thêm thật
nhiều tin tức, sự kiện khiến bộ não không cần tư duy, không cần phản biển thì
cũng đủ để xoá số dân tộc Việt Nam
khỏi bản đồ thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét