Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Đất và máu: Nguồn gốc của Thế chiến II tại châu Á

Posted on  by The Observer

Print Friendly
osaka-sb01s
Nguồn: Panka J. Mishra, “Land and blood: The origins of the Second World War in Asia”, The New Yorker, 25/11/2013.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Đánh giá lại tầm quan trọng của chiến tranh Trung – Nhật
“Chúng ta sẽ có một cuộc chiến của riêng mình”, W. H. Auden nói với Christopher Isherwood trong lúc họ đang trên đường đến Hồng Kông vào tháng 1/1938 để viết một cuốn sách về cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật. Trong khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha, theo Isherwood, “đã đầy những nhà quan sát có tên tuổi”, thì ít ai ở Phương Tây biết đến những Guernica (một thành phố Tây Ban Nha bị tàn phá) của chiến tranh Trung-Nhật lần hai, bao gồm cuộc hãm hiếp và tàn sát hàng vạn dân thường tại Nam Kinh bởi lính Nhật. Auden, trong bài thơ “Trong thời chiến” (In Time of War) (1939) viết, “Bản đồ có thể chỉ những nơi/Mà cuộc sống giờ thật bạo tàn/Nam Kinh. Dachau.” Tại Vũ Hán, thủ đô thời chiến bị vây hãm của Trung Quốc, Isherwood có trực cảm rằng “ẩn chứa ở đây là tất cả những đầu mối vốn cho phép một chuyên gia nếu tìm ra được chúng sẽ có thể dự đoán được những sự kiện trong 50 năm tiếp theo.”
Auden và Isherwood đã sửng sốt trước sự tự mãn của những ông chủ châu Âu tại châu Á lúc bấy giờ, ví dụ như lãnh đạo của Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) Sir Vandeleur Molyneux Grayburn. Grayburn, khi được hỏi quan điểm của ông về chiến tranh, nói rằng, “Vâng, chỉ là bọn bản xứ đánh nhau”.

Những sự kiện sau này cho thấy Auden và Isherwood am hiểu về địa chính trị hơn so với các tài phiệt ngân hàng ở Hồng Kông. Người Nhật lúc đó đã lâm vào thế bế tắc ở Trung Quốc và bị tê liệt bởi những trừng phạt của Mỹ, và họ không thể chống lại được tư duy quân phiệt dẫn tới việc leo thang chiến tranh. Sau khi tấn công căn cứ hải quân Trân Châu Cảng của Mỹ vào ngày 7/12/1941, họ tràn qua những thuộc địa tại Đông Á và Đông Nam Á của Anh, Pháp và Hà Lan chỉ trong vài tuần. Vào năm 1943, Grayburn là một trong số hàng chục ngàn người châu Âu tại châu Á chết dưới sự cầm tù bạo tàn của Nhật.
Các hành động chống Mỹ của Nhật đã lôi kéo Mỹ vào chiến tranh, trong sự vui mừng của Winston Churchill. Cùng lúc đó, Roosevelt và Stalin cũng an tâm vì chiến sự ở Trung Quốc đã tiếp tục cầm chân một nửa quân đội Nhật, với hơn nửa triệu quân rải rác ở một đất nước rộng lớn. Điều này cho phép lực lượng Đồng Minh đánh phe trục ở hai mặt trận châu Âu và châu Á cùng lúc, nhưng nó cũng có nghĩa là Trung Quốc, lúc bấy giờ là một đất nước yếu và thiếu thốn đủ bề, bị tàn phá hoàn toàn. Khoảng 20 triệu người Trung Quốc thiệt mạng, một trăm triệu người bị mất nhà cửa, và các cơ sở hạ tầng sơ khai của Trung Quốc – đường sá, tuyến xe lửa, và các nhà máy – bị phá hủy. Kết quả cuối cùng của nơi mà Isherwood gọi là “một trong những chiến trường quyết định của thế giới” là sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản, cũng như sự trỗi dậy sau nhiều thập kỷ hỗn loạn của một Trung Quốc tự tin hơn, đất nước giờ đang vẽ lại bản đồ địa chính trị và kinh tế thế giới.
Nhưng bây giờ chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi suy nghĩ rằng chiến tranh Trung – Nhật vẫn chỉ là một cuộc xung đột giữa những người bản địa. Các tài liệu lịch sử chính thống của Thế chiến II vẫn tập trung vào mặt trận châu Âu từ năm 1939 và mặt trận Thái Bình Dương từ tháng 12/1941. Cho dù cuốn sách bán chạy của Iris Chang nhan đề “Cuộc thảm sát Nam Kinh” (The Rape of Nanking) (1997) giúp nâng nhận thức về những đau khổ mà người Trung Quốc phải chịu đựng, mức độ khốc liệt của chiến tranh – như là những hy sinh của người Trung Quốc vào năm 1944 trong chiến dịch Ichigo, cuộc tấn công lớn nhất mọi thời đại của quân đội Nhật – vẫn còn mù mờ với các độc giả nói tiếng Anh. Những ý niệm phổ biến về sự trở mặt của Nhật trong “ngày nhục nhã” và sự tàn bạo trong chiến tranh không đủ để giải thích tham vọng trở thành đế quốc của Nhật, ý thức về sự sỉ nhục bởi những cường quốc châu Âu, và nhu cầu mà một quốc gia nghèo tài nguyên với dân số ngày càng tăng cần phải giành được không gian sinh tồn.
Trung Quốc và Nhật nâng niu những truyền thuyết lịch sử của họ, và các chính trị gia ngày nay đã sử dụng nó để gợi nhắc về chủ nghĩa dân tộc. Trong một phiên bản lịch sử có ảnh hưởng tại Nhật, Nhật mong muốn đem hòa bình đến châu Á, nhưng bị đẩy vào chiến tranh bởi các quốc gia châu Âu kiêu ngạo và thủ đoạn, rồi bị trừng phạt bởi bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Lịch sử chính thức của Trung Quốc thì mô tả Nhật như những kẻ mọi rợ bị Mao và những người lính Cộng sản đánh bại. Sự thật là Mao dành ba năm ở Diên An để đọc sách và xây dựng những luật lệ khắt khe của chủ nghĩa hiện thực của Mao. Phần lớn những đợt tấn công của Nhật bị gánh chịu bởi quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch – kẻ thù của Mao trong nội chiến Trung Quốc (Nội chiến đã bắt đầu vào năm 1927, nhưng hai bên buộc phải hợp tác để chống Nhật, rồi tiếp tục đánh nhau thêm 4 năm nữa sau khi Nhật đầu hàng vào năm 1945. Đến lúc đó thì chiến tranh kéo dài với quân đội Nhật hùng mạnh đã làm suy yếu quân Quốc Dân Đảng, đảm bảo thắng lợi cuối cùng cho Mao.)
Làm thế nào để có thể giải cứu lịch sử của cuộc xung đột toàn cầu này khỏi những kiêu ngạo và ảo tưởng của các quốc gia? Một câu trả lời trong những năm gần đây đã được đưa ra bởi những tác phẩm phơi bày những động cơ lẫn lộn và tình trạng khó xử của mỗi bên, và nỗ lực để kết hợp những thay đổi về chính trị xã hội mà chiến tranh, tăng trưởng kinh tế, và chủ nghĩa dân tộc đã mang đến. Trong những thập niên vừa qua, hai cuốn sách mang tính đột phá “Forgotten Armies” (Những quân đội lãng quên) và “Forgotten Wars” (Những cuộc chiến bị lãng quên) bởi các nhà sử học của Đại học Cambridge Christopher Bayly và Tim Harper, đã nhắc lại cách các đế chế châu Âu bị hủy diệt, và các quốc gia đương đại của châu Á đã được tạo dựng bởi sự xâm lược và chiếm đóng của Nhật như thế nào. Gần đây, hai cuốn sách mới – “Forgotten Ally: China’s World War II, 1937-1945” (Đồng minh bị lãng quên: Thế chiến II của Trung Quốc, 1937-45) của Rana Mitter (NXB Houghton Mifflin Harcourt) và “Japan 1941: Countdown to Infamy” (Nhật năm 1941: Đếm ngược đến sự ô nhục) của Eri Hotta (NXB Knoff) – đem đến các quan điểm khác biệt.
Mitter mô tả chiến tranh Trung – Nhật lần hai và phần đầu của cuộc nội chiến giữa Mao và Tưởng như là khúc dạo đầu của Thế chiến II. Ông chứng minh rằng sự xâm lấn của Nhật là lý do quan trọng trong việc thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hơn là những cưỡng đoạt của các đế quốc phương Tây vào thế kỷ 19. Hotta thì tập trung vào tình thế khó khăn về mặt tư tưởng và quân sự mà Nhật đối mặt trong những tháng trước Trân Châu Cảng. Mỹ vào năm 1940 cung cấp 93% lượng xăng dầu cho Nhật, và Hotta miêu tả lại các nhân vật chủ chốt trong giới lãnh đạo bị chia rẽ sâu sắc của Nhật, những người cuối cùng ra quyết định tấn công đối tác thương mại quan trọng nhất của mình.
Sự trỗi dậy của Đế quốc Nhật Bản
Rất dễ để đỗ lỗi những nhà quân phiệt hay những kẻ quá khích, hoặc quá trình hoạch định chính sách không tốt hay sự thiếu dân chủ, là nguyên nhân dẫn đến những mục tiêu sai lầm đến mức thảm họa của Nhật. Đây chính là điều mà những người Mỹ chiếm đóng Nhật sau chiến tranh đã làm, hy vọng rằng điều đó sẽ giúp dân chủ hóa Nhật. Tuy nhiên, ngay cả các nhà lãnh đạo (dân chủ) được hỗ trợ bởi những chuyên gia sáng suốt, như là “những người thông minh và tài giỏi nhất” đã dẫn Mỹ vào Việt Nam, rồi Iraq, cũng có thể lôi đất nước của họ vào một cuộc chiến mà họ không thể thắng. Lý do cho các hành động tự hủy hoại của Nhật thật sự bắt đầu bằng sự hội nhập đầy đau khổ của Nhật vào hệ thống quốc tế trong thế kỷ 19, lúc mà các quốc gia công nghiệp lớn mạnh thường xuyên đe dọa xâm lược các xã hội phong kiến hoặc được tổ chức kém.
Vào năm 1853, tàu chiến Mỹ ép Nhật phải chấm dứt nhiều thế kỷ bế quan tỏa cảng và bước chân vào thế giới hiện đại. Mối đe dọa vũ lực buộc Nhật, tương tự như Ấn Độ và Trung Quốc trước đó, phải chấp nhận các thỏa thuận thương mại có hại cho nền kinh tế và làm xói mòn chủ quyền quốc gia. Giới lãnh đạo Nhật phản ứng bằng cách nhanh chóng thông qua một bản hiến pháp, công nghiệp hóa một nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, và xây dựng một nhà nước hiện đại. Ám ảnh về sức mạnh quốc gia sớm dẫn đến việc bành trướng lãnh thổ và đàn áp quyền cá nhân ở trong nước. Đến cuối thế kỷ 19, Nhật đang trên đường trở thành một đối thủ cạnh tranh với các cường quốc phương Tây trong cuộc đua giành giật châu Á. Vào năm 1895, trong chiến tranh Trung Nhật lần I, Nhật sáp nhập đảo Formosa (tức Đài Loan).
Là người gia nhập sau vào thế giới của người da trắng, Nhật học hỏi theo cách làm của họ. Mô hình tăng trưởng quốc gia đương đại nhấn mạnh việc xuất khẩu (bằng vũ lực nếu cần) các hàng hóa và tài nguyên của thuộc địa về các thành phố công nghiệp tại mẫu quốc, và việc gửi đến các thuộc địa những nông dân và công nhân bị mất quyền lợi vì nền kinh tế công nghiệp hóa. Mức ủng hộ các dự án đế quốc được tăng lên nhờ nền văn hóa đại chúng. Như nước Anh vào thời của Beaverbrook và Kipling, nước Nhật vào đầu thế kỷ 20 là một đất nước hiếu chiến, khuất phục các quốc gia yếu hơn với sự giúp đỡ của các chính trị gia dân túy và báo chí giật gân. Đến khi Thế chiến I kết thúc, đế chế đang lớn mạnh của Nhật đã bao gồm Đài Loan, Triều Tiên và một nửa phía nam của Sakhalin. Ảnh hưởng của Nhật cũng thay thế ảnh hưởng của Nga trong vùng Mãn Châu đầy tài nguyên ở đông bắc Trung Quốc.
Trung Quốc là một mục tiêu dễ dàng kể từ khi cách mạng Tân Hợi đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến, khi Trung Quốc thiếu các thể chế trung ương hiệu quả và bị các lãnh chúa địa phương làm suy yếu. Dù vậy, sự trỗi dậy của Nhật đến cùng lúc với việc các đế quốc kiểu cũ đang bị thách thức bởi những người châu Á mong được quyền tự quyết. Nước Nhật, thông qua việc xâm lấn lãnh thổ Trung Quốc trong và sau Thế chiến I, vô tình trở thành chất xúc tác cho phong trào yêu nước ở Trung Quốc. Thường dân Trung Quốc trước kia chỉ có ý niệm mơ hồ về bản sắc quốc gia, và nhiều nhà tư tưởng và lãnh đạo Trung Quốc đã thất vọng khi không thể huy động họ tham gia công cuộc khôi phục sự vĩ đại của quốc gia.
Phe dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đã nhận được sự giúp đỡ từ những người cộng sản Liên Xô. Lenin và Trotsky coi các cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa chống lại phương Tây ở châu Á đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của cách mạng Liên Xô. Năm 1924, các cố vấn Liên Xô giúp thành lập một học viện quân sự ở gần Quảng Châu, nơi nhanh chóng giúp sản sinh ra một quân đội dưới quyền Tưởng Giới Thạch. Cả Quốc Dân Đảng lẫn Đảng Cộng sản đều xây dựng đảng của mình dựa trên mô hình Bolshevik, và ban đầu thành lập một liên minh. Nằm trong số những mục tiêu tấn công ban đầu của những công nhân và sinh viên cấp tiến người Trung Quốc là các lợi ích thương mại của Nhật ở đây. Năm 1926, khi Tưởng và các đồng minh cộng sản của mình tìm cách thống nhất Trung Quốc, quân đội của Quốc Dân Đảng được Liên Xô hỗ trợ đã làm cho các ông chủ thực dân Nhật Bản khiếp sợ.
Người Nhật đã thở phào nhẹ nhõm khi vào tháng 4 năm 1927, Tưởng đã quay sang chống lại những người cộng sản, giết hại hàng ngàn người với sự giúp sức từ các băng đảng mafia ở Thượng Hải. Cuộc tàn sát đã khơi mào một cuộc nội chiến. Bắt đầu từ năm 1931, người Nhật đã dùng nhiều cớ khác nhau để chiếm quyền kiểm soát quân sự đối với toàn vùng Mãn Châu và đưa các nông dân Nhật sang đây định cư.
Việc Nhật sáp nhập Mãn Châu đã vấp phải sự phản đối quốc tế mạnh mẽ, một phản ứng mà đối với các lãnh đạo Nhật Bản là mang tính đạo đức giả. Rốt cuộc thì Anh đã có một đế quốc nơi mặt trời không bao giờ lặn, và Mỹ, nước đã chiếm đất của Mexico và thổ dân da đỏ, đã chia đôi Colombia để tạo nên quốc gia Panama. Tuy nhiên cả hai nước này đều lên án Nhật, một đất nước nhỏ có dân số đông đúc, vì đã chiếm Mãn Châu từ tay Trung Quốc và phát triển vùng này thành một vùng đệm chống lại chủ nghĩa cộng sản. Vào năm 1933, tại một hội nghị của Hội Quốc Liên ở Geneva, đại diện Nhật đã bỏ bài diễn văn được soạn sẵn của mình, đi ra ngoài và hét vào mặt các đại biểu phương Tây: “Hãy về đọc lại lịch sử của các ông!… Người Mỹ có đồng ý với việc kiểm soát khu vực Kênh đào Panama không? Người Anh có đồng ý với việc Anh kiểm soát Ai Cập không?”
Người Nhật tin rằng họ bị gạt ra khỏi nhóm các đế quốc vì lý do chủng tộc. Vào năm 1919, tại hội nghị hòa bình Paris, Nhật đã đưa ra một đề nghị để bảo đảm bình đẳng chủng tộc tại Hội Quốc Liên, nhưng Woodrow Wilson đã ngăn cản đề nghị này bất chấp sự ủng hộ của số đông. Cùng năm đó, hoàng tử Konoe Fumimaro, người trở thành thủ tướng vào năm 1937, đến thăm Mỹ, và nạn phân biệt chủng tộc mà ông chứng kiến khiến ông tin rằng Anh và Mỹ sẽ không bao giờ xem Nhật ngang hàng với họ. “Người da trắng, đặc biệt là người Anglo-Saxon, căm ghét người da màu là một sự thật hiển nhiên, điều này rất rõ ràng ở Mỹ thông qua cách người Mỹ đối xử với người da đen”, ông viết. Người Nhật, như Hotta quan sát, là học sinh gương mẫu của đường lối đế quốc phương Tây, nhưng họ không thể thay đổi “màu da của họ”.
Nội chiến Trung Quốc và cuộc xâm lược của Nhật
Tới giữa thập niên 1930, Tưởng đã đánh bại phe cộng sản ở vùng quê thông qua những chiến dịch tiêu thổ. Mao buộc phải rút về vùng Diên An hẻo lánh với lực lượng mất mát nặng nề, sự kiện mà Mao sau này thần thoại hóa thành cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Tưởng bắt tay vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cho một xã hội và nền kinh tế hiện đại. Ông cải đạo sang Thiên Chúa Giáo, và săn đón Mỹ với sự trợ giúp của người vợ được đào tạo tại Đại học Wellesley, Tống Mỹ Linh. Ông nhận được nhiều ủng hộ từ giới yêu mến Trung Quốc ở Mỹ, như Henry Luce, người mà bố mẹ từng truyền giáo ở Trung Quốc. Theo Luce, người Trung Quốc là những người đang trên đường trở thành những người Mỹ ủng hộ thị trường tự do. Mitter cho rằng điều này là một “quan niệm sai lầm cơ bản trong cách suy nghĩ của Mỹ về Trung Quốc”.
Tuy nhiên, các bài báo tâng bốc trên tạp chí Time không thể làm giảm thế yếu của Tưởng trước Nhật. Nhật tận dụng cuộc nội chiến để dần gặm nhấm lãnh thổ Trung Quốc từ căn cứ Mãn Châu của họ. Quan điểm của công chúng ủng hộ mạnh mẽ một cuộc đình chiến giữa Đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng để họ có thể chống quân xâm lược tốt hơn, và Stalin giúp làm trung gian cho thỏa thuận này với lý do rằng một Trung Quốc hợp nhất sẽ giúp ông không phải đánh Nhật. Tưởng cũng khinh bỉ Nhật và gọi họ với một tên gọi từ thời phong kiến là “lũ cướp lùn”, nhưng ông ngại tấn công, và điều này làm phía Cộng sản chế nhạo ông là một kẻ xoa dịu Nhật.
Vào tháng 7 năm 1937, Nhật bắt đầu xâm lược toàn diện Trung Quốc. Tưởng quyết định kháng chiến ở Thượng Hải, bởi vì phần lớn phía bắc Trung Quốc đã bị Nhật chiếm đóng. Ông bắt đầu nói về “kháng chiến đến cùng”. Nhưng như Mitter giải thích, Tưởng luôn biết rằng ông không đủ sức đánh Nhật, và Nhật đã tràn qua hết thành phố này sang thành phố khác, buộc Tưởng phải chuyển bộ tư lệnh đến Vũ Hán, và chính phủ đến Trùng Khánh xa xôi.
Quân xâm lược sau nhiều năm bị tẩy não về vị trí thượng tôn của Nhật và sứ mạng của Nhật ở châu Á đã xem người Trung Quốc không phải là con người. Tại Nam Kinh, quân Nhật dùng thường dân để tập kiếm, trói họ thành từng nhóm 100 người rồi thiêu sống. “Đợt cướp phá, hãm hiếp và giết hại không ngừng nghỉ này”, theo Mitter, báo trước một chính sách vào năm 1941 gọi là “Ba sạch”: “giết sạch, đốt sạch, cướp sạch”. Một vài thành công quân sự của Trung Quốc nhanh chóng bị vô hiệu hóa bởi các thảm họa, đôi lúc do tự họ gây ra. Tưởng, trong một nỗ lực vô vọng để ngăn Nhật tấn công Vũ Hán, đã phá đê sông Hoàng Hà. Trận lũ này làm ngập 13 triệu mẫu đất (1 acre = 4050 m2) miền trung Trung Quốc, làm nửa triệu đồng bào của Tưởng thiệt mạng, và làm 5 triệu người phải tỵ nạn. Mitter đánh giá sự kiện này còn tàn ác hơn bất kỳ một hành động riêng lẻ nào của Nhật.
Cuốn sách của Mitter phản ánh một sự thay đổi trong nghiên cứu lịch sử Trung Quốc từ việc quan tâm đến cách mạng và các hệ tư tưởng sang việc xem xét kỹ lưỡng cách mà một Trung Quốc hiện đại được tạo dựng từ lò lửa chiến tranh. Ông mô tả cách chính phủ tạm thời của Tưởng tại Trùng Khánh bắt đầu tạo dựng các khái niệm về quyền công dân bằng việc xây dựng một hệ thống thẻ căn cước. Việc huy động công dân tham gia chiến tranh dẫn đến việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong đời sống cộng đồng, và dân thường bắt đầu trông chờ nhiều hơn từ giới lãnh đạo. Một quan niệm mới đầy tham vọng về lãnh thổ Trung Quốc xuất hiện, bao gồm các dân tộc thiểu số như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.
Mitter cũng cho thấy cách mà Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản nhận thức và chấp nhận việc sử dụng khủng bố như một phần của bộ máy kiểm soát. Hai bên cùng góp phần tạo ra nền móng cho hệ thống chuyên chế của Trung Quốc. Ở Diên An vào năm 1942, Mao phát động “phong trào chỉnh phong”, một chiến dịch sử dụng tra tấn để thúc ép việc chấp hành “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, điều mà Mitter cho là sau này trở thành một “đề cương” cho Cách Mạng Văn Hóa. Cùng lúc đó, những người cộng sản phát triển các “phương tiện thực thụ để huy động quần chúng” như là cải cách ruộng đất và quản lý hành chính hiệu quả. Các hoạt động quân sự của họ phần lớn bao gồm các trận đánh du kích quy mô nhỏ, và việc họ không phải đánh những trận lớn với Nhật cho phép họ xây dựng sức mạnh quân sự lên nhiều lần.
Các cường quốc châu Âu, vì không mong muốn làm Nhật mích lòng, chỉ giúp Trung Quốc rất ít hoặc thậm chí không giúp gì. William Empson viết về sự nghi ngờ “rằng ‘chúng ta’ muốn cả hai bên làm suy yếu lẫn nhau”. Stalin chỉ gửi một vài phi công cho Tưởng, và một sĩ quan không quân Mỹ về hưu tên là Claire Lee Chennault được mời về để huấn luyện cho lực lượng “không quân nhỏ bé của Trung Quốc”. Việc chiến tranh bùng nổ ở châu Âu làm Tưởng càng bị cô lập thêm, và một hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Xô và Nhật vào năm 1941 đã làm ông bị mất sự hỗ trợ từ Liên Xô. Trước sự thúc ép của Nhật, Anh đóng cửa Con đường Miến Điện, lúc đó là cách duy nhất để quân nhu từ Rangoon có thể đến tay quân đội Trung Quốc. Mỹ cũng rất dè dặt trong việc can thiệp vào châu Á cũng như tham chiến chống Hitler ở châu Âu. Các tạp chí của Henry Luce mạnh mẽ kêu gọi ủng hộ Tưởng nhưng không đạt được kết quả gì, cho đến khi cuộc tấn công Trân Châu Cảng làm thay đổi tất cả.
Bước ngoặt Trân Châu Cảng
Trong cuốn “Nhật Bản năm 1941”, Eri Hotta lập luận rằng trận Trân Châu Cảng, điều mà bà mô tả là một “ván cược lớn của quốc gia”, không phải là không thể tránh được. Bà mô tả tỉ mỉ các cuộc đàm phán và xung đột trong giới lãnh đạo dân sự và quân sự trước bối cảnh trong nước và quốc tế ngày càng phức tạp. Nhật trong thập niên 1930 đã trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội và kinh tế nghiêm trọng do cuộc Đại suy thoái lẫn việc kiệt quệ nguồn lực do chiến tranh ở Trung Quốc.
Giới lãnh đạo Nhật xem chủ nghĩa Cộng sản theo đường lối cách mạng là kẻ thù lớn nhất. Việc Nhật mong muốn được bảo vệ trước Liên Xô là nguyên nhân dẫn đến hiệp ước giữa Nhật với Đức Quốc Xã vào năm 1936, và việc nước này tham gia hiệp ước ba bên năm 1940 hình thành phe trục với Đức và Ý. Thỏa thuận này bị chỉ trích dữ dội bởi các lãnh đạo hải quân Nhật, một thành trì của những người thân Anh và Mỹ. Giới lãnh đạo không muốn làm Mỹ phật lòng. Nhưng chính quyền Roosevelt, vốn rút ra bài học từ sự thất bại của châu Âu trong việc ngăn cản sự gây hấn từng bước của Hitler trong thập niên 1930, đã xem chủ nghĩa bành trướng Nhật như một lực lượng phải được chặn lại. Roosevelt lo sợ trước các hiệp ước của Nhật với Đức và việc nước này vào năm 1940 đã chiếm đóng khu vực chiến lược Bắc Đông Dương thuộc Pháp, nguồn cung cấp phần lớn cao su và thiếc cho Mỹ.
Vào tháng 7/1941, quân đội Nhật tiến vào nam Đông Dương, và Mỹ phản ứng bằng cách đóng băng tất cả tài sản của Nhật và cấm vận xăng dầu. Hà Lan, nước bán dầu từ Sumatra cho Nhật, cũng làm điều tương tự. Không có dầu thì Nhật sẽ thua ở Trung Quốc, và Nhật tính rằng họ có 2 năm hoặc ít hơn trước khi nguồn dự trữ của họ cạn kiệt. Các chọn lựa bao gồm đàm phán với Mỹ để nối lại nguồn cung hoặc chiếm đóng Đông Ấn của Hà Lan (giờ là Indonesia), một khu vực nhiều dầu và cao su. Lựa chọn thứ hai sẽ là bất khả thi khi tính đến sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Tham mưu trưởng Hải quân Nhật Nagano Osami cảnh báo Nhật hoàng một cách bất đắc dĩ rằng tấn công phủ đầu Mỹ là sự lựa chọn duy nhất. “Chúng ta có thể mong chờ một chiến thắng lớn không?” Hirohito hỏi. “Thần không dám chắc sẽ thắng”, Nagano trả lời, khiến Hirohito nói “Cuộc chiến đó sẽ là một cuộc chiến liều lĩnh.”
Mong muốn tránh chiến tranh, các lãnh đạo Nhật đã đàm phán liên tục trong nhiều tháng với Mỹ. Nhưng tin vào “vận mệnh hiển nhiên” ở châu Á, họ không đồng ý với đòi hỏi của Washington về việc rút khỏi Trung Quốc, vì điều này tương đương với thừa nhận thất bại trong một cuộc chiến mà họ đã phải trả giá đắt. Thất bại trong việc đi đến thỏa thuận với Mỹ làm phe quân phiệt trong giới lãnh đạo Nhật giành được nhiều ảnh hưởng hơn, và trên báo chí Nhật đã xuất hiện sự bùng nổ giận dữ về “5 thế kỷ người da trắng xâm lược” châu Á. Cho đến tháng 8 năm 1941, thủ tướng Konoe vẫn hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận lớn với Roosevelt tại một cuộc họp thượng đỉnh. Nhưng cuộc gặp đó không bao giờ diễn ra.
Phe chủ chiến dần có thế hơn so với những người chủ hòa, và Roosevelt cũng trở nên cứng rắn hơn sau khi ông biết về các chuyển động quân sự của Nhật ở vùng biển phía nam. Mỹ yêu cầu Nhật phải rút khỏi khu vực đất liền châu Á, còn giới lãnh đạo Nhật thì ngày càng dấn sâu hơn vào cái mà Hotta gọi là “thuyết định mệnh tự sát”. Dường như sự lựa chọn duy nhất của Nhật là phải gây thiệt hại nặng cho Hải quân Mỹ đến mức họ không thể trả đũa, và hành động thật nhanh để chiếm các mỏ dầu ở Đông Nam Á. Nhiều người Nhật sợ phản ứng của Mỹ, và nhận ra rằng họ có thể sẽ bị “nghiền thành bột” như lời của Churchill. Vào tháng 9/1941, đô đốc Yamamoto Irosoku cảnh báo cấp trên của ông rằng “chúng ta không nên tham gia một cuộc chiến với khả năng thành công quá thấp”. Tuy nhiên Yamamoto vẫn tiếp tục chuẩn bị cho trận Trân Châu Cảng cho dù ông nghi ngờ niềm hy vọng đang phổ biến tại Nhật rằng họ có thể vượt qua tất cả nhờ vào tinh thần bất khuất của chiến sĩ Nhật.
Thất bại của Nhật và sự trỗi dậy của Trung Quốc
Khi Tưởng biết về cuộc tấn công Trân Châu Cảng, ông được cho là đã bật nhạc và nhảy mừng. Cuộc chiến của ông đã trở nên một phần của Thế chiến II, và ông viết thư cho Roosevelt, cam kết Trung Quốc sẽ tham gia vào một “cuộc chiến chung”. Ông sớm trở thành một Tổng tư lệnh quân Đồng Minh, và một tướng Mỹ tên là Joseph Stilwell trở thành tham mưu trưởng của ông. Một “cuộc đấu 4 năm” đã diễn ra giữa Tưởng và Stilwell, người được mệnh danh là “Joe Dấm” vì các phát ngôn chua cay của ông. Stilwell nghĩ rằng Tưởng, người mà ông gọi là “Hạt đậu phộng” (the Peanut), quá cẩn trọng và tham nhũng. (Với người Mỹ thời chiến, Tưởng được biết đến với tên “Gửi Ngân Phiếu” (Cash My-Check – chơi chữ tên tiếng Anh của Tưởng – Chiang Kai-Shek – ND).
Mitter thì có quan điểm đồng cảm hơn. Trong nghiên cứu mang tính xét lại của ông, việc Mỹ và Anh đòi hỏi Tưởng phải tấn công Nhật là điều gian xảo. Anh và Mỹ không bao giờ có ý định sử dụng nhiều nguồn lực để cứu Trung Quốc. “Lý do để giúp Trung Quốc”, William Empson viết, “là để ngăn Nhật không trở nên quá mạnh”. Các nước Đồng minh khác không có gì hối hận trong việc làm tiêu hao các nguồn lực hạn hẹp của Tưởng khi ông phải đối mặt với hạn hán ở nơi này và Nhật cướp phá ở nơi khác. Những hứa hẹn về mặt quân sự của Mỹ và Anh thường không thành sự thật, và Mitter mô tả một số lần “Tưởng liên tục buộc phải xuất quân nhằm phục vụ các lợi ích địa chính trị của phe Đồng minh nhưng gây hại cho các mục tiêu của Trung Quốc”. Vào năm 1945, Roosevelt bí mật giao nhiều quyền lợi tại Mãn Châu cho Stalin. Các ghi chép trong nhật ký của Tưởng thường xuyên lên án chính sách ngoại giao của Mỹ, rằng “họ thật sự không có trọng tâm, không có chính sách, vô đạo đức”. Và như ông viết, Mỹ chỉ coi Trung Quốc như “thịt nằm trên thớt”.
Giai đoạn tấn công tuyệt vọng cuối cùng của Nhật ở Trung Quốc càng gây thêm đau khổ cho người Trung Quốc và làm tiêu hao quân đội của Tưởng. Máu của người Trung Quốc tiếp tục đổ sau năm 1945, khi nội chiến tiếp tục giữa Quốc Dân Đảng, giờ bị suy yếu trầm trọng, với lực lượng Cộng sản giờ mạnh mẽ hơn. Dẫu sao thì các đế quốc bị căm ghét, phương Tây cũng như Nhật, cuối cùng cũng đã đánh mất quyền bắt nạt một dân tộc kiêu hãnh trong hơn một thế kỷ. Cuộc chiến, cho dù gây rất nhiều tổn hại, đã giúp Trung Quốc trở thành một quốc gia có chủ quyền. Như Mao tuyên bố vào năm 1949, sau khi đánh đuổi Tưởng qua Đài Loan: “Chúng ta đã đứng lên”.
Nhưng một “Trung Quốc hùng mạnh”, như Empson nghi ngờ vào năm 1938, “có thể cũng là một thứ” giống với một nước Nhật hùng mạnh. Đúng thật, sự trỗi dậy của Trung Quốc từ giữa thế kỷ trước đến nay có những điều giống Nhật một cách đáng lo ngại, dù rằng nạn nhân của nó chính là người dân Trung Quốc hơn là các dân tộc châu Á khác. Nỗi ám ảnh của Mao về xây dựng sức mạnh quốc gia và quyền lực của ông gây ra hết tai họa này đến tai họa khác cho người Trung Quốc. Tách khỏi Mao, Đặng Tiểu Bình tuyên bố, “nếu chúng ta không phát triển thì chúng ta sẽ bị bắt nạt”. Lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tập Cận Bình, khi nói về “Trung Quốc Mộng” hoặc khi phát động chiến dịch “chỉnh phong” mới, vẫn ủng hộ tính cấp bách của việc đoàn kết quốc gia, sức mạnh và niềm tự hào dân tộc trong khi hạn chế các quyền tự do chính trị. Lo ngại về rối loạn trong nước, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã mượn công thức của Nhật về chủ nghĩa chuyên chế và hiếu chiến. Hơn nữa, các tư tưởng bài Nhật ở Trung Quốc đã bắt đầu châm lửa cho chủ nghĩa dân tộc ở Nhật, nước đang đe dọa sẽ sửa đổi bản hiến pháp hòa bình của họ. Nhiều thập kỷ sau khi các thù hận của Thế chiến II đã trở thành lịch sử ở Đức, Anh và Pháp, nó vẫn trở nên sống động đến mức nguy hiểm ở châu Á.
Các tiểu mục do Nghiencuuquocte.net tự đặt.
Xem thêm:
 0 
  0  0  5
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/12/28/nguon-goc-the-chien-ii-tai-chau-a/#sthash.4xgoryWk.dpuf - See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/12/28/nguon-goc-the-chien-ii-tai-chau-a/#sthash.4xgoryWk.dpuf - See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/12/28/nguon-goc-the-chien-ii-tai-chau-a/#sthash.4xgoryWk.dpuf - See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/12/28/nguon-goc-the-chien-ii-tai-chau-a/#sthash.4xgoryWk.dpuf

Không có nhận xét nào: