Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Khai thác khoáng sản ở Biển Đông: Phải có quy hoạch tổng thể

(Kinh tế) - Cho rằng nước ta không giàu tài nguyên, TS. Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Công ty Tư vấn Giải pháp công nghệ mới, nói rằng “phải sớm tiến ra Biển Đông” để thăm dò, khai thác tài nguyên.

Khai thác khoáng sản ở Biển Đông: Phải có quy hoạch tổng thể
Khai thác khoáng sản ở Biển Đông: Phải có quy hoạch tổng thể
* Theo Tổng cục Thống kê, cả năm 2015 chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 6,5% (năm 2014 tăng 2,4%), đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung của ngành công nghiệp, nhưng “dễ làm, khó bỏ” vẫn là cách thức khai thác lâu nay ở nước ta. Ông nhận định thế nào về điều này?

– Khai thác từng loại khoáng sản phải có công nghệ phù hợp và phải tận thu để mang lại hiệu quả. Lâu nay, người ta khai thác bằng công nghệ đơn giản nhất và không quan tâm đến tổn thất tài nguyên, tác động môi trường, nên tỷ lệ thu hồi không cao. Các mỏ đa kim, mỏ titan, phần lớn bỏ qua khâu chế biến, gây lãng phí tài nguyên.
* Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng trong bối cảnh tài nguyên dần cạn kiệt. Theo ông, ngành công nghiệp khai khoáng đang đứng trước những thách thức nào?
– Có nhiều thách thức, nhưng có hai thách thức lớn nhất phải nhấn mạnh.
Thứ nhất, phải nhận thức cho đúng về tài nguyên khoáng sản của nước ta, không như từ trước đến nay vẫn nhận thức và tuyên truyền. Nước ta không giàu về tài nguyên khoáng sản, chủng loại không đa dạng.
Thứ hai, công nghệ khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản của nước ta rất lạc hậu. Khai thác Alumina lạc hậu tới 50 năm, đồng sinh quyền lạc hậu cả trăm năm. Phần chế biến thô hiện rất tùy tiện và không hiệu quả, đặc biệt là titan và các khoáng sản quý.
* Khi sửa đổi Luật Khoáng sản, Quốc hội đã tính đến việc gia tăng chế biến và tận thu trong khai thác. Ông nhận xét thế nào về những thay đổi từ luật này?
– Luật Khoáng sản hiện hành rất hay, 60 điều thoáng và rất thị trường và trong đó chỉ có 5 – 6 điều Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, bây giờ luật này đang chịu sự chi phối của hàng chục nghị định, mỗi nghị định lại có tới hàng trăm điều hướng dẫn, quan trọng hơn là những người quản lý lĩnh vực công thương, môi trường, tài chính đang lợi dụng các quy định này để “hành” doanh nghiệp.
* Như ông nói, nước ta cần “tiến ra biển” để thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế biển lại hầu như chưa đề cập đến điều này?
– Tài nguyên khoáng sản là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế nhưng nước ta chỉ có quy hoạch lẻ của từng loại khoáng sản, chưa có chiến lược tổng thể. Nước ta có tới hơn 20 quy hoạch than, đồng, bô xít… nhưng các quy hoạch này không liên kết được với nhau. Tình trạng lộn xộn trong xuất nhập khẩu than vừa rồi là do nước ta chưa có quy hoạch tổng thể về tài nguyên khoáng sản.
Than xuất khẩu ồ ạt, có những năm xuất tới hơn 50% sản lượng. Bây giờ, than nhập khẩu tới 4 – 5 triệu tấn/năm, riêng năm 2015 nhập khoảng 6 triệu tấn, sang năm 8 triệu và sang năm 2021 phải nhập nhiều hơn sản lượng khai thác than trong nước. Đó không chỉ là xem nhẹ, mà còn là vô trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
* Theo ông, những cải cách nào là cần thiết để phát triển được ngành công nghiệp khai khoáng?
– Diện tích thềm lục địa của nước ta lớn hơn nhiều so với diện tích đất liền. Bây giờ, tài nguyên khoáng sản trên bờ đã hết, trong khi ở dưới tầng nước trên mặt đáy biển, có rất nhiều các loại khoáng sản.
Nhưng muốn tiến được ra Biển Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên trả lại phần môi trường cho Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như trả lại phần quản lý đất và nước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Quan trọng hơn, nước ta phải có chiến lược tổng thể về tài nguyên khoáng sản phù hợp với bối cảnh hiện nay.
* Cảm ơn ông!
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Tiền EU, Nhật, Trung, Ấn, Thái... phá giá, xuất khẩu VN giảm

31/12/2015 10:18 GMT+7
TT - Xuất khẩu thủy sản của VN sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính, theo VASEP, do hàng loạt đồng tiền ở các nước nhập khẩu chính như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... phá giá mạnh.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2016 khi Mỹ áp dụng chương trình giám sát cá da trơn (ảnh chụp tại nhà máy chế biến cá tra của Công ty cổ phần Hùng Vương ở Bến Tre) - Ảnh: Trần Mạnh
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2016 khi Mỹ áp dụng chương trình giám sát cá da trơn (ảnh chụp tại nhà máy chế biến cá tra của Công ty cổ phần Hùng Vương ở Bến Tre) - Ảnh: Trần Mạnh
Xuất khẩu thủy sản có mức giảm mạnh nhất trong các ngành hàng nông sản VN trong năm nay khi chỉ đạt 6,7 tỉ USD, giảm gần 14,5% so với năm trước.
Ngoài biến động của đồng USD so với các đồng tiền khác trên toàn cầu, chất lượng thủy sản VN cũng là yếu tố khiến giá trị xuất khẩu thủy sản VN giảm mạnh, dù sản lượng xuất vẫn tăng.
Giảm do tỉ giá và chất lượng
“Trên 20 năm gắn bó với con tôm, tôi chưa từng chứng kiến giá tôm giảm liên tục từ đầu năm đến cuối năm như 2015” - ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc Công ty CP Minh Phú, cho hay.
Cụ thể, giá tôm xuất khẩu của VN giảm liên tiếp trong hơn 10 tháng đầu năm với mức giảm lên đến 35% và chỉ mới tăng trở lại vào giữa tháng 11-2015. “Tồn kho có lúc lên đến 25.000 tấn vì chúng tôi kiên quyết giữ hàng. Nếu bán ra, giá tôm sẽ còn giảm mạnh nữa” - 
ông Quang nhớ lại.
Theo ông Quang, giá tôm xuất khẩu giảm mạnh một phần do tồn kho của năm 2014 chuyển sang, nhưng chủ yếu là do các nước xuất khẩu tôm phá giá đồng tiền rất mạnh so với đồng USD.
Chẳng hạn trong năm 2015, đồng rupiah (Indonesia) phá giá 42%, đồng ringgit (Malaysia) giảm 35%, đồng rupee (Ấn Độ) giảm 20%, đồng baht (Thái Lan) giảm 18%... trong khi VND giảm chưa tới 5%.
Việc phá giá mạnh hơn nhiều so với VND đã giúp giá tôm của những quốc gia này thấp hơn VN khoảng 20%, trong khi đây đều là những quốc gia xuất khẩu tôm lớn và cạnh tranh trực tiếp với tôm VN ở tất cả các thị trường. Hệ quả là giá trị xuất khẩu tôm VN trong năm nay giảm 25%.
“Giá tôm bán ra thấp hơn giá thành nuôi nên người dân giảm diện tích nuôi. Đến nay giá tôm bắt đầu tăng trở lại thì xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chế biến” - ông Quang nói.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu thủy sản của VN trong năm nay đạt 6,7 tỉ USD, giảm 14,5% so với năm 2014.
Sau 5 năm tăng trưởng, xuất khẩu thủy sản của VN mới chứng kiến sự sụt giảm mạnh đến như vậy ở các mặt hàng cũng như các thị trường.
Và nguyên nhân chính, theo VASEP, do hàng loạt đồng tiền khác ở các nước nhập khẩu chính như EU, Nhật Bản và các nước cạnh tranh xuất khẩu với VN như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc... phá giá mạnh.
Một lãnh đạo VASEP cho biết đồng euro và yen Nhật đã giảm tới 20% về giá trị so với đồng USD trong năm nay, khiến các nhà nhập khẩu tại hai thị trường này hạn chế mua hàng hoặc tìm cách hạ giá. Riêng đối với cá tra, phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ cho POR10 POR11 (sơ bộ) gây nhiều bất lợi cho xuất khẩu cá tra vào Mỹ khi thuế suất lên đến 0,6 USD/kg. Tuy nhiên theo vị này, chính chất lượng hàng trong nước không ổn định cũng làm giá xuất khẩu thủy sản VN khó được cải thiện.
Nhắm tới thị trường 3 tỉ dân
Một chuyên gia thủy sản khẳng định đồng EUR giảm giá so với USD đã tạo ra một làn sóng giảm giá ở hầu hết các mặt hàng thủy sản tại thị trường này chứ không chỉ riêng có VN.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp Việt chưa xây dựng được thương hiệu và thiếu chiến lược truyền thông chủ động tại châu Âu nên hình ảnh cá tra tại thị trường này giảm sút nghiêm trọng trong các năm qua.
Trong thực tế, cá tra philê vẫn chiếm tới 99% tổng lượng cá tra xuất khẩu, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng chỉ chiếm 1%.
Nhiều năm qua các doanh nghiệp Việt đã cố gắng đa dạng hóa các mặt hàng cá tra xuất khẩu với trên 30 chủng loại như cá tra cắt khúc, hỗn hợp (seafood mix), tẩm bột... “Các mặt hàng chế biến cũng do người mua đặt sẵn chứ không phải là sự sáng tạo hay tìm tòi của các doanh nghiệp VN” - vị này nói.
Theo ông Lê Văn Quang, tình trạng nhiễm kháng sinh ở tôm VN vẫn rất nghiêm trọng, nhiều thời điểm tỉ lệ tôm VN nhiễm kháng sinh lên đến trên 40%, gây rất nhiều khó khăn cho việc chế biến. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu không ngừng nâng chuẩn kháng sinh với tôm của VN nên xuất khẩu tôm VN đã khó càng thêm khó.
Dù thừa nhận ngành thủy sản VN sẽ đối diện với nhiều khó khăn nhưng ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho rằng xuất khẩu nông sản VN nói chung và thủy sản VN nói riêng có không ít thuận lợi trong năm 2016, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN và các nước có hiệu lực.
Tuy nhiên theo ông Minh, các doanh nghiệp Việt có tận dụng được cơ hội này hay không lại là vấn đề khác, bởi khi thuế giảm xuống thì hàng rào kỹ thuật sẽ tăng lên, yêu cầu về chất lượng với hàng thủy sản của VN càng cao hơn.
Chẳng hạn, theo ông Minh, xuất khẩu cá tra trong năm 2016 và các năm tới sẽ còn khó khăn hơn do Mỹ thực thi luật nông trại mới, với cá tra nằm trong chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ thay vì của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm như trước. Chương trình giám sát cá da trơn chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2016 sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu cá tra VN vào Mỹ.
Do đó, ngành thủy sản cần phải đầu tư đồng bộ cả chuỗi từ con giống, nuôi trồng và chế biến.
Ngoài ra, ông Minh cho rằng với dân số trên 3 tỉ người, châu Á sẽ là thị trường mà các doanh nghiệp của VN nên nhắm tới trong năm 2016. Trong đó, các thị trường lớn Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN... có mức tăng trưởng mạnh mẽ về nhập khẩu cá tra thời gian qua sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển.
Cá tra sang Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng?
Phát biểu tại hội nghị tổng kết xuất khẩu năm 2015 của VASEP, ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng xuất khẩu thủy sản VN đạt 6,7 tỉ USD, giảm mạnh so với năm 2014 nhưng không thể coi là thất bại bởi chủ yếu do giá thủy sản toàn cầu giảm chứ không riêng gì VN.
Ngược lại, các doanh nghiệp ngành thủy sản đáng được biểu dương do sản lượng thủy sản sản xuất trong nước và xuất khẩu đều tăng lên, các thị trường được giữ vững so với năm trước.
Trước lo ngại của các doanh nghiệp về chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ, ông Cao Đức Phát cho biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) Tom Vilsack cam kết rằng USDA sẽ cung cấp các thông tin và cử chuyên gia sang hỗ trợ VN thực hiện các yêu cầu mà chương trình này đưa ra để đảm bảo xuất khẩu cá tra vào thị trường này không bị ảnh hưởng.
TRẦN MẠNH (tranmanh@tuoitre.com.vn

Không có nhận xét nào: