Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Tại sao giá dầu giảm không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?


Print Friendly
la-baisse-du-petrole-ne-
Nguồn: Kenneth Rogoff, “Pourquoi la baisse du pétrole ne relance pas la croissance”, Les Echos, 16/12/2015.
Biên dịch: Lê Hoàng Thu Phương | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Một trong những ngạc nhiên lớn nhất của nền kinh tế năm 2015 chính là việc sự sụt giảm đáng kinh ngạc của giá dầu thế giới đã không giúp nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc cho giá dầu giảm mạnh từ 115 đô la/thùng ở thời điểm tháng 6 năm 2014 xuống còn 45 đô la/thùng vào tháng 11 năm 2015, phần lớn các mô hình vĩ mô đều cho thấy tác động của giá dầu giảm lên tăng trưởng toàn cầu thực sự kém hiệu quả hơn so với mong đợi, chỉ khoảng 0,5% GDP toàn cầu.
Tin vui là, tác động tích cực nhưng khiêm tốn này có khả năng sẽ không biến mất vào năm 2016. Tuy nhiên điều đáng tiếc là giá dầu giảm sẽ tạo áp lực nặng nề hơn cho những quốc gia xuất khẩu dầu chính trên thế giới.

Sự sụt giảm gần đây của giá dầu tương đương với sự sụt giá do nguồn cung dầu thô tăng giai đoạn 1985-1986, khi các nước thành viên của OPEC (cụ thể là Ả-rập Saudi) đã quyết định đảo ngược việc giảm nguồn cung nhằm giành lại thị phần. Nhưng nguyên nhân thực sự của đợt sụt giảm lần này có vẻ như được phân chia đồng đều giữa các nhân tố cung – cầu. Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc nhằm tái cân bằng nền kinh tế sang hướng dựa vào tiêu dùng trong nước đã giáng một đòn mạnh lên giá nguyên liệu thô toàn cầu, cũng như các chỉ số giá kim loại.
Nguồn cung mới
Cùng lúc đó, những nguồn cung dầu thô mới cũng trở nên dồi dào hơn. Nhờ vào cuộc cách mạng dầu đá phiến, sản xuất dầu của Mỹ đã tăng từ 5 triệu thùng/ngày ở thời điểm năm 2008 lên 9,3 triệu thùng/ngày vào năm 2015, một sự phát triển bền bỉ bất chấp sự bất ổn của giá cả. Dự đoán về sản lượng dầu của Iran sau giai đoạn bị trừng phạt kinh tế cũng đã ảnh hưởng đến thị trường.
Giá dầu giảm được nhìn nhận như một cuộc chơi mà trong đó nhà sản xuất chịu thiệt hại còn người tiêu dùng thì hưởng lợi. Các lý thuyết thông thường cho rằng khi giá càng giảm thì càng kích thích tiêu dùng toàn cầu. Bởi khi đó, người tiêu dùng có khả năng chi tiêu nhiều hơn dự kiến, trong khi nhà sản xuất điều chỉnh theo hướng giảm dự trữ.
Tuy nhiên ở thời điểm năm 2015, sự khác biệt về hành vi này lại ít rõ rệt hơn so với bình thường. Một lý do được đưa ra là những nhà nhập khẩu nhiên liệu từ các thị trường mới nổi có ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu nhiều hơn so với thời điểm những năm 1980. Và vì cách tiếp cận thị trường dầu mỏ của họ cũng mang tính can thiệp (bởi nhà nước) nhiều hơn các nước phát triển.
Những nước như Ấn Độ hay Trung Quốc ổn định thị trường bán lẻ năng lượng bằng các hoạt động trợ giá nhằm cắt giảm giá thành cho người tiêu dùng trong nước. Số tiền đổ vào những gói trợ giá này dường như càng tăng thêm khi giá dầu tăng đột biến và ngày càng nhiều quốc gia thấy khó khăn trong việc giảm trợ cấp. Vì vậy khi giá dầu giảm mạnh, chính phủ của các thị trường mới nổi đã tận dụng cơ hội này để giảm trợ giá.
Giảm đầu tư
Đồng thời, nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ bị buộc phải giảm kế hoạch chi tiêu do nguồn thu nhập bị giảm đột ngột. Ngay cả Ả-rập Saudi dù có nguồn dự trữ dầu thô và tài chính khổng lồ cũng phải đối mặt với hạn chế này, nguyên nhân bắt nguồn từ sự gia tăng dân số chóng mặt và chi tiêu quốc phòng tăng cao liên quan đến các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Có lẽ không nên nhận định tác động khiêm tốn của giá dầu giảm lên tăng trưởng toàn cầu là một bất ngờ lớn. Ngày nay, dầu thô ngày càng ít được coi là một động lực độc lập của các chu kỳ kinh tế hơn so với những gì người ta từng nghĩ trước đây. Sự suy giảm đáng kể các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng cũng làm kìm hãm tăng trưởng.
Một tin vui cho năm 2016 là phần lớn các mô hình kinh tế vĩ mô cho rằng ảnh hưởng của giá dầu lên tăng trưởng sẽ còn kéo dài trong vòng vài năm nữa. Vì vậy, điều này cũng sẽ có lợi cho tăng tưởng toàn cầu, ngay cả trong trường hợp các nhà nhập khẩu của những thị trường mới nổi sẽ tiếp tục dùng số tiền tiết kiệm được nhằm giảm trợ giá.
Tuy nhiên, còn nhiều quốc gia sản xuất dầu đang đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế. Các quốc gia có tỷ giá hối đoái thả nổi (như Colombia, Mexico và Nga) tới nay đã dần thích nghi được, mặc dù họ đã phải đối mặt với những giới hạn ngân sách khá căng thẳng. Ngược lại, những nước có chế độ tỷ giá hối đoái gần như cố định bị thử thách nhiều hơn. Điều này đã xảy ra đối với Ả-rập Saudi vốn có đồng tiền được neo với đồng đô la Mỹ.
Tóm lại, giá dầu không hề ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 như những gì chúng ta kỳ vọng từ đầu năm. Và nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào kèm theo các chính sách vĩ mô tương đối bảo thủ đã cho phép hầu hết các nhà sản xuất dầu lớn lèo lái vượt qua các khó khăn ngân sách cho tới lúc này mà không rơi vào khủng hoảng. Tình hình có thể sẽ tiến triển theo chiều hướng khác vào năm 2016, đặc biệt đối với các nước sản xuất dầu.
Kenneth Rogoff là Giáo sư Kinh tế học và Chính sách Công tại Đại học Harvard.
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/12/24/tai-sao-gia-dau-giam-khong-thuc-day-tang-truong-kinh-te/#sthash.ZUO0CGIS.dpuf

Không có nhận xét nào: