XUÂN TRUNG
(GDVN) - Sứ mạng của khoa học lịch sử vì vậy là hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Với ý nghĩa đó Chủ tịch nước luôn đánh giá cao vai trò của lịch sử.
Giáo sư Phan Huy Lê muốn rõ thế nào là "tiếp tục giữ môn học Lịch sử?Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc!Quốc hội đã có quyết định hợp lòng dân
Sáng nay (30/11), tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và chỉ đạo đại hội.
Chủ tịch nước cho rằng, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng, nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy chúng ta từng nếm chải bao nỗi cay đắng và gian truân.
Lịch sử không chỉ là những cái đã qua, mà còn là người thầy dạy cho chúng ta biết được hiện tại và dự báo cho chúng ta tương lai.
Nghiên cứu lịch sử đưa chúng ta đến những kho tàng vô giá mà cha ông ta đã đúc kết bằng mồ hôi xương máu, lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, là điểm tựa cho lòng tin và sức mạnh của dân tộc.
Khoa học lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta tiến đến các nền văn hóa, văn minh của nhân loại.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi tại Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sáng nay. Ảnh Xuân Trung |
Sứ mạng của khoa học lịch sử vì vậy là hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Với ý nghĩa đó Chủ tịch nước luôn đánh giá cao vai trò của lịch sử và các nhà sử học.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho biết, những chiến công oai hùng của dân tộc trong thế kỷ XX có những cống hiến xứng đáng của các nhà sử học.
Trong sự nghiệp đổi mới, giới sử học cũng đã có những đóng góp đáng kể, nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình được xuất bản đã gióp phần nâng cao nhận thức về con đường đã qua và củng cố niềm tin vào bước đường đang đi tới.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây khi biển đông dậy sóng, chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc bị xâm phạm, các nhà sử học đã tích cực nghiên cứu tìm tòi để đưa ra những chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển đông và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với Nhà giáo Phan Huy Lê tại Đại hội. Ảnh Xuân Trung |
Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới đây bên cạnh những vận hội lớn thì đất nước cũng đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ.
Làm sao để chúng ta có những căn cứ khoa học để biết tất cả những gì mình có để cạnh tranh quốc tế, sử học phải nâng cao năng lực và trình độ hơn nữa để xứng đáng là một lĩnh vực khoa học.
Theo đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, giới sử học cũng cần phải đẩy mạnh nghiên cứu lịch sử thế giới để xây dựng những luận cứ khoa học xác đáng cho các chiến lược quốc tế, và chủ trương trở thành bạn của tất cả các nước trong thời đại toàn cầu hóa.
Cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị Hội khoa học Lịch sử Việt Nam động viên tới mức cao nhất lực lượng và công sức của giới sử học để hoàn thành tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư.
Chủ tịch nước chụp ảnh với các nhà sử học. |
Đây sẽ là một dấu mốc lớn trong sự phát triển của khoa học Việt Nam. Động viên các nhà sử học và trực tiếp tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn Lịch sử trong Giáo dục phổ thông.
“Hội Khoa học Lịch sử phải có trách nhiệm làm cho các cơ quan quản lý và xã hội thấy được tầm quan trọng đặc biệt của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân, và có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học môn Lịch sử” Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Hội Khoa học Lịch sử cũng cần có kế hoạch tổng thể và những bước đi cụ thể để giới sử học Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, học tập những phương pháp và kỹ năng tiên tiến, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề nghị, thông qua tổ chức của mình thì Hội Khoa học Lịch sử cần đẩy mạnh trước những tỉnh thành phố nâng cao chất lượng nghiên cứu và giáo dục các vấn đề lịch sử của địa phương.
Các nhà sử học tại Đại hội sáng nay. |
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần triển khai tích cực những hoạt động để nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là những thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc của nước nhà.
“Đất nước ta đang đứng trước những vận hội và thách thức, phải không ngừng phát triển để nâng cao sức mạnh toàn diện, trong đó lịch sử, văn hóa là cội nguồn của sức sống, của sự trường tồn của dân tộc và là nền tảng tinh thần cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Các nhà sử học cần không ngừng nâng cao trình độ lý luận và phương pháp luận phát huy cao trách nhiệm và nhiệt huyết trong việc hun đúc từ truyền thống nghìn năm lịch sử dân tộc, phải là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận này.
Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng đặt nhiều kỳ vọng lớn lao của các nhà sử học” Chủ tịch nước khẳng định.
Nhà giá, GS. Phan Huy Lê cũng cho biết, một trọng tâm tư vấn, phản biện của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong thời gian qua và sắp tới là vấn đề dạy và học lịch sử trong trường phổ thông.
Hội đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức hai hội thảo quốc gia đánh giá thực trạng dạy và học môn lịch sử trong các trường trung học và đề ra các giải pháp khắc phục.
Hội cũng kiến nghị trong lúc chưa biên soạn sách giáo khoa mới, cần bổ sung nội dung về lịch sử xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Gần đây, khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và thiết kế môn học tích hợp Công dân với tổ quốc, Hội đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến rất thẳng thắn nhằm xác định đúng vị trí và yêu cầu giáo dục của môn lịch sử trong nhà trường phổ thông.
Môn lịch sử, nhất là Quốc sử phải cùng vị thế với môn Quốc ngữ-Quốc văn và môn Toán học, phải là những môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc trong các trường trung học cơ sở và phổ thông.
Trong Nghị quyết phiên họp bế mạc của Quốc hội khóa XIII ngày 27-11-2015 xác định “tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình và sách giáo khoa mới”.
Chúng tôi hoan nghênh ý kiến chỉ đạo đó và chờ đợi công việc thực hiện của Bộ GD&ĐTtrong tinh thần vừa hợp tác vừa phản biện nhằm mục tiêu trả lại vị thế xứng đáng của môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông.
|
Xuân Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét