TP - Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Morgens Lykketoft và Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ Matthew Rycroft mới đây đã ra tuyên bố chung kêu gọi tổ chức bầu Tổng Thư ký mới của LHQ vào tháng 9 hoặc tháng 10/2016. Một trong 4 ứng cử viên sáng giá là đương kim thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.
Bà Angela Merkel.Bà Angela Merkel.
Tuyên bố cũng đề xuất thời hạn, quá trình và những đòi hỏi đối với ứng viên sẽ đảm nhận cương vị quan trọng này. Tất cả những người muốn ra ứng cử sẽ phải tuyên bố về ý định của mình trước mùa xuân sang năm.

Sở dĩ có lời kêu gọi trên là vì đương kim Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (năm nay 71 tuổi) sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2016. Trong những tháng vừa qua, dư luận nhiều nước đã sôi nổi bàn luận về việc nhân vật nào có thể sẽ thay thế ông Ban Ki-moon. Đồng thời, nhiều người tỏ ý hy vọng Tổng Thư ký mới của LHQ sẽ là một phụ nữ.
Hồi đầu năm nay, một phong trào có tên Woman SG (Woman General Secretary - Nữ Tổng Thư ký) đã được phát động. Những người tham gia phong trào muốn thấy một phụ nữ lần đầu tiên trên cương vị Tổng Thư ký LHQ sau 8 nam giới đã đảm nhận cương vị này. Ngoài ra, mong muốn thấy một Nữ Tổng thư ký LHQ còn được thể hiện cả trên cấp độ Nhà nước. Thật vậy, lời kêu gọi của Colombia về vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 40 quốc gia. 
Theo nhận định của các nhà phân tích, hiện nay có 4 phụ nữ có thể trở thành ứng viên tiềm năng vào chức Tổng Thư ký LHQ khóa tới. Đó là đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel, 60 tuổi, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christina Lagarde, 59 tuổi, cựu Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của Cộng đồng châu Âu Catherine Ashton, 59 tuổi, và đương kim Tổng thống Litva Dalia Gribaukaite, cũng 59 tuổi. Trong số 4 nữ chính khách đó, giới phân tích cho rằng người có nhiều triển vọng hơn hết là bà Angela Merkel.
Theo tờ báo Đức Bild, ngay tại Đức cũng lan truyền nhiều lời đồn đại về việc bà Merkel sau 3 nhiệm kỳ làm Thủ tướng sẽ có thể đứng đầu LHQ. Bà đã có lần nói riêng với giới thân cận của bà là muốn rời bỏ ghế Thủ tướng theo quyết định của chính bà chứ không phải do thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Mặt khác, không một ai tin rằng bà Merkel sẽ chịu ngồi yên ở tuổi 60 sau khi về hưu. Tuy bà đang mất dần uy tín ở Đức nhưng tại LHQ bà vẫn cảm thấy hết sức thoải mái, vẫn được chào đón nồng nhiệt với tư cách “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”. Phong trào WGS nói trên coi bà là “ứng viên lý tưởng” vào chức Tổng Thư ký LHQ.
Tuy nhiên, nếu bà Merkel quyết tâm ra ứng cử thì bà cũng vấp phải không ít trở ngại. Cho tới nay, chức Tổng Thư ký LHQ luôn luôn được xác định thông qua các cuộc thương lượng trong hậu trường giữa những nước lớn nhất và có ảnh hưởng nhất. Sau đó, ứng viên còn phải giành được sự ủng hộ của 2/3 tổng số các nước thành viên tại Đại Hội đồng và toàn bộ 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ). Đây chính là khó khăn đầu tiên đối với bà Merkel bởi vì Nga chắc chắn không hề muốn thấy chức Tổng Thư ký LHQ rơi vào tay một nhân vật chống Nga gay gắt nhất trong vấn đề Ukraine. Hơn thế nữa, không thể không kể đến một thực tế là đa số các nước thành viên LHQ không muốn thấy một nhân vật mạnh đảm nhận chức Tổng Thư ký. 
Tuy bà Merkel đang mất dần uy tín ở Đức nhưng tại LHQ bà vẫn cảm thấy hết sức thoải mái, vẫn được chào đón nồng nhiệt với tư cách “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”.
Theo Bild