HỒNG THỦY
(GDVN) - Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan: Chủ nghĩa dân túy có thể chiếm quyền điều khiển phản ứng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Quốc tế sẽ đánh bại yêu sách bành trướng đường lưỡi bò sau phán quyết của PCA4 lý do Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam, Philippines trên Biển ĐôngKhủng hoảng Nga - Thổ ảnh hưởng gì đến Biển Đông?
Jiang Zongqiang, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc thành lập và Hu Xin, thành viên Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ tại Washington ngày 3/12 có bài phân tích trên The Straits Times với tiêu đề: "Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan: Chủ nghĩa dân túy có thể chiếm quyền điều khiển phản ứng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông".
Bài viết đưa ra nhiều vấn đề không mới với thế giới, nhưng mới với dư luận và giới nghiên cứu Trung Quốc, rất đáng lưu ý.
Chơi dao sắc có ngày đứt tay, huống hồ lại là con dao hai lưỡi. Ảnh minh họa: Wikipedia. |
Đổ thừa cho Mỹ
Hai học giả Trung Quốc nói rằng: Hoạt động quyết đoán của Hoa Kỳ trong việc tuần tra tự do hàng hải trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đã thổi bùng chủ nghĩa dân túy ở Trung Quốc và nguy cơ Bắc Kinh phản ứng ngày càng hung hăng hơn.
Tại diễn đàn an ninh Halifax International ngày 21/11, Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ nhắc lại rằng: Mỹ sẽ tiếp tục bay và cho tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông.
Tuy nhiên, hành động như vậy có thể ra vẻ rằng Hoa Kỳ có ý định thể hiện ưu thế quân sự của mình ở Biển Đông. Như vậy, không thể phủ nhận rằng các hoạt động này là nỗ lực làm suy yếu sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc với Mỹ về mặt quân sự và làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực bằng cách bất chấp những lo ngại của Trung Quốc về chủ quyền, an ninh và lợi ích trong khu vực (?).
Nó cũng đã làm dấy lên một làn sóng của chủ nghĩa dân túy trong giới hoạch định chính sách Trung Quốc, các học giả và cư dân mạng. Những kêu gọi Trung Quốc cần đối phó cứng rắn đã tăng cao kể từ khi tàu khu trục USS Lassen tuần tra bên trong 12 hải lý quanh bãi cạn lúc nổi, lúc chìm Xu Bi và Vành Khăn ngày 27/10.
Hành động quyết đoán như thế này đã làm trầm trọng thêm một chủ nghĩa dân túy đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng có khả năng chiếm quyền kiểm soát các quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Chủ nghĩa dân túy có khả năng sẽ khóa chính phủ Trung Quốc vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, chính phủ Trung Quốc dường như muốn tiếp tục duy trì sự mơ hồ về tình trạng pháp lý của đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) và những hòn đảo nhân tạo.
Đường 9 đoạn do chính phủ Trung Quốc đưa ra để khẳng định yêu sách của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông, mặc dù Trung Quốc không đệ đơn kiện chính thức hay định nghĩa các vùng lãnh thổ bên trong ranh giới đó. Sự mơ hồ như thế cho phép chính phủ Trung Quốc linh hoạt hơn để đối phó với các tranh chấp và phát triển một chiến lược toàn diện hơn để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên chủ nghĩa dân túy đã ép chính phủ Trung Quốc phải đặt mình vào trạng thái ngày càng quyết đoán hơn trên biển.
Vài lời bình luận:
Jiang Zongqiang và Hu Xin nói hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông làm tăng chủ nghĩa dân túy, mà thực chất là chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc đến mức nó có thể chiếm quyền kiểm soát quá trình hoạch định chính sách và phản ứng của Bắc Kinh trong các vấn đề Biển Đông chỉ phản ánh đúng một nửa thực tại, đó là nửa sau.
Bởi lẽ, hoạt động của Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế không sai. Chính 2 học giả này thừa nhận 2 thực thể mà Mỹ tuần tra bên trong 12 hải lý là bãi cạn lúc nổi lúc chìm, theo Điều 121 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), chúng không có lãnh hải 12 hải lý, chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét.
Việc dư luận Trung Quốc, đặc biệt là cộng đồng mạng không hiểu điều này còn có thể chấp nhận, mặc dù chính phủ Trung Quốc phải có nghĩa vụ giải thích luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS mà mình đã phê chuẩn cho người dân nước mình.
Nhưng giới hoạch định chính sách, học giả Trung Quốc là tầng lớp "có ăn có học", tại sao lại hàm hồ phản đối những điều mà chính hải quân Trung Quốc vừa làm trước đó không lâu, đi lại tự do bên trong 12 hải lý lãnh hải của Hoa Kỳ sau khi tập trận với Nga?
Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cũng có những phát biểu rất đáng chú ý về Biển Đông gần đây, ảnh: SCMP. |
Trung Quốc đổ cả đống tiền nuôi các học giả nghiên cứu UNCLOS, không lẽ họ không biết điều này? Đã biết rồi tại sao còn phản đối hành động đúng luật? Tại sao lại chính trị hóa các vấn đề pháp lý?
Lại nữa, chủ nghĩa dân túy mà hai học giả nói, thực chất là chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong dư luận xã hội Trung Quốc, do ai tạo ra? Do chính nhà nước Trung Quốc tạo ra nhằm hỗ trợ yêu sách đường lưỡi bò vô lý và phi pháp.
Trung Quốc đã trải qua Đại Cách mạng Văn Hóa, sự nguy hiểm của Hồng Vệ Binh như thế nào không lẽ đã vội quên? Các bạn nên nhớ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan là con dao hai lưỡi và rất dễ mất kiểm soát.
Bản thân Trung Quốc còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nếu để nó "chiếm quyền kiểm soát các hoạt động hoạch định chính sách và phản ứng của chính phủ" thì quá nguy hiểm.
Nguy hiểm đầu tiên cho chính bộ máy cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, người dân vô tội và sự ổn định, bình yên trong xã hội Trung Quốc rồi sau đó mới đến láng giềng và khu vực. Do đó, thay vì đổ lỗi cho Hoa Kỳ, các học giả và giới hoạch định chính sách Trung Quốc nên thấy rõ bản chất vấn đề cũng như hậu quả nếu cứ nhắm mắt làm liều.
Bản thân các học giả Trung Quốc có tiếng như Tiến sĩ Tiết Lực và bây giờ là 2 nhà nghiên cứu này biết thừa hoạt động của Mỹ ở Xu Bi, Vành Khăn hôm 27/10 không sai so với UNCLOS và các quy định của luật pháp quốc tế, vẫn cứ nhắm mắt phản đối thì nói gì đến những người dân không có điều kiện tìm hiểu, không am hiểu luật pháp quốc tế.
Trách nhiệm này thuộc về chính các bạn, đội ngũ trí thức nhà nước Trung Quốc được học tập, nghiên cứu và sống trong điều kiện tốt nhất bằng tiền thuế của người dân Trung Quốc hiền lành chất phác.
Vì vậy hãy xem lại chính mình đã đóng góp được gì, làm đúng vai trò trách nhiệm của trí thức hay chưa, hay chỉ là những cái loa tuyên truyền chính trị một chiều, bởi như vậy chính các bạn phải trả giá, và đẩy dân tộc các bạn vào chỗ phải trả giá.
Đường lưỡi bò mơ hồ
Hai học giả Jiang Zongqiang và Hu Xin cũng thừa nhận, yêu sách đường lưỡi bò là mơ hồ. Theo họ: Một lý do để Trung Quốc vẫn còn mơ hồ về tình trạng pháp lý của đường 9 đoạn là cộng đồng quốc tế đã không đạt được một sự đồng thuận phổ quát về ý nghĩa của "quyền lịch sử". Và chế độ pháp lý thành lập bởi Công ước UNCLOS đã không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về khái niệm này.
Trung Quốc cũng có cân nhắc thực tế của riêng mình. Nếu Trung Quốc làm rõ lập trường của mình bằng cách tuyên bố đường 9 đoạn là một đường ranh giới quốc gia, điều đó tương đương với thông điệp rõ ràng đến mọi người dân Trung Quốc rằng, tất cả các đảo, rặng san hô và các thực thể khác bên trong đường 9 đoạn thuộc về Trung Quốc (?).
Nhưng nếu khẳng định như vậy thì tại sao chính phủ Trung Quốc không thể "lấy lại" các đảo, các thực thể đang nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia khác? Điều này sẽ đẩy chính phủ Trung Quốc vào tình thế khó khăn. Nếu chính phủ Trung Quốc không làm gì thì mất uy tín với dân, đặc biệt là khi dư luận đang bị thống trị bởi chủ nghĩa dân túy hùng biện.
Bất kỳ bước đi nào khác (theo ý muốn của những người mang chủ nghĩa dân tộc cực đoan) đều đảm bảo sẽ làm Trung Quốc bị kẹt trong một tranh chấp ngoại giao mới. Vì vậy việc chính phủ Trung Quốc nghiêng theo hướng duy trì sự mơ hồ về đường 9 đoạn lại càng được đà trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Sự mơ hồ về tình trạng pháp lý của các đảo nhân tạo
Jiang Zongqiang và Hu Xin cho rằng: Khi nói đến tình trạng pháp lý của các đảo nhân tạo, chính phủ Trung Quốc cũng có ít lựa chọn để có một lập trường rõ ràng, ít nhất là trong thời gian này. Theo quy định của Điều 121 UNCLOS, một hòn đảo là một vùng đất hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước và ở trên mặt nước khi thủy triều lên.
Nhưng về mặt địa lý, đá Xu Bi và Vành Khăn (và có thể cả các thực thể còn lại Trung Quốc đang chiếm đóng) chỉ là những bãi cạn lúc nổi, lúc chìm trước khi Trung Quốc bơm cát bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp). Theo định nghĩa của UNCLOS, các thực thể này không hình thành tự nhiên và không thể được sử dụng làm cơ sở để đòi yêu sách lãnh hải 12 hải lý cho chúng như với đảo tự nhiên.
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp, nhưng không thể làm thay đổi bản chất pháp lý của nó. |
Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào cho thấy yêu sách các vùng biển từ việc "mở rộng lãnh thổ" của mình do việc bồi lấp cải tạo, và dường như chính phủ Trung Quốc không có ý định làm điều này trong tương lai. Tự do khiêu khích của Washington trong hoạt động tuần tra tự do hàng hải đã chứng minh rằng, mối quan tâm thực sự của Mỹ là tự do quân sự chứ không phải tự do thương mại hàng hải ở Biển Đông.
Rõ ràng Trung Quốc đã tuyến bố họ không cản trở tự do thương mại hàng hải. Theo quan điểm của Trung Quốc, có vẻ như Mỹ có ý định chứng minh sự tiếp tục hiện diện quân sự của mình trong khu vực và thách thức diễn giải của Trung Quốc về UNCLOS liên quan đến hành vi tích hợp cho tàu quân sự.
Vài lời bình luận:
Vậy là ít nhất là các học giả và giới hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn hiểu luật, thậm chí là hiểu rất rõ luật quốc tế, nhưng biết mà vẫn cố vi phạm, ngụy biện. Thứ nhất là đường lưỡi bò mơ hồ, không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế hiện đại, bao gồm UNCLOS. Một điều tối thiểu đối với người nghiên cứu hay hoạch định chính sách phải biết là, cái gì trái luật thì nghiễm nhiên không có giá trị và phải được bãi bỏ.
Hai là khái niệm "quyền lịch sử", chính các học giả Trung Quốc thừa nhận nó không có trong luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Vậy thì đó chính là cái sai, cái ngụy tạo của Trung Quốc chứ không thể bắt cả thế giới này phải chạy theo những khái niệm mơ hồ, ngẫu hứng đầy cảm tính và mưu đồ chính trị do Trung Quốc tạo ra được. Tại sao Trung Quốc biết mà cố phạm?
Vấn đề chủ nghĩa dân tộc cực đoan là do chính Trung Quốc tạo ra chứ không có thế lực thù địch nào làm nổi. Và người Trung Quốc vẫn nói, ai buộc chuông thì người ấy cởi, tại sao lại đổ thừa cho Hoa Kỳ?
Lại nữa, các bạn nói rằng nếu tuyên bố rõ đường lưỡi bò là ranh giới quốc gia mà không đánh chiếm các đảo, các thực thể do các nước khác đang kiểm soát ở Biển Đông thì khó ăn khó nói với người dân Trung Quốc, vậy các bạn lý giải thế nào về phát biểu của lãnh đạo của các bạn khi công du Hoa Kỳ, Anh Quốc và Singapore?
Đấy là tư duy của côn đồ, thất học, giành bát cơm trên tay người khác sau đó đòi đàm phán chia phần, không được cả thì chí ít cũng được một nửa. Luật pháp và công luận quốc tế của nhân loại văn minh ngày nay không còn chấp nhận kiểu hành xử cường quyền, ăn trên ngồi trốc thiên hạ, cá lớn nuốt cá bé như vậy nữa.
Trung Hoa là một dân tộc có nền văn minh rực rỡ, từng ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình phát triển của nhân loại và đóng góp cho tư tưởng nhân loại rất nhiều giá trị nhân văn. Khổng Tử dạy: "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" - cái gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Tại sao các bạn ngày nay lại cứ làm ngược lại những điều nhân nghĩa mà tổ tiên mình đã dạy như vậy?
Một lần nữa hai học giả Jiang Zongqiang, Hu Xin đã cho dư luận thấy, các học giả, các nhà quản lý Trung Quốc rất hiểu luật. Các bạn nhắc đến Điều 121 UNCLOS và phân tích tình trạng pháp lý của đá Xu Bi, đá Vành Khăn và đảo nhân tạo rất chính xác.
Chỉ có điều các bạn vẫn cứ cố bao biện một cách vô lý cho hành động của chính phủ mình, rõ ràng đó không phải việc làm khôn ngoan. Các bạn đang đẩy dân tộc Trung Quốc vào chỗ cực đoan, tới chỗ thảm họa của Hồng Vệ Binh thế kỷ 21.
Cá nhân người viết rất ngưỡng mộ ngài Tư Mã Thiên, một sử gia chân chính của mọi thời đại. Người đã bất chấp mọi áp bức của cường quyền, thậm chí chấp nhận hình phạt nghiệt ngã đối với thân thể và tinh thần từ triều đình phong kiến, quyết không bẻ cong ngòi bút theo ý muốn chủ quan sai sự thật của hoàng đế, triều đình.
Nhưng người viết cũng cảm thấy buồn vì hậu duệ của ngài ngày nay, vì miếng cơm manh áo, vinh thân phì gia, biết luật mà vẫn cố phạm, chỉ biết nói biết viết những điều làm vui lòng những cái đầu nóng của một số nhà lãnh đạo, bất chấp công lý và đạo lý, đẩy đất nước Trung Quốc đến chỗ bất nghĩa với láng giềng, thậm chí là miệng hố chiến tranh nồi da, xáo thịt!
Bức họa chân dung sử gia Tư Mã Thiên, ảnh: dissertationreviews.org |
Tiếng nói của chủ nghĩa dân túy
Jiang Zongqiang và Hu Xin cho biết: Chủ nghĩa dân túy đã ngày càng gây được nhiều chú ý và áp lực đối với chính phủ Trung Quốc (?) để có lập trường cứng rắn hơn, thậm chí là phải phản ứng bằng quân sự với các tình huống như vậy (tàu Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh Xu Bi, Vành Khăn?).
Những người theo chủ nghĩa dân túy có thể không hiểu được bản chất phức tạp của các tranh chấp ở Biển Đông và các quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Nếu Trung Quốc phản ứng bằng lực lượng quân sự trong bất kỳ cách thức nào theo như những người chủ nghĩa dân túy mong muốn, thì sau đó các cơ quan ngoại giao Trung Quốc sẽ bị dồn tới chỗ phải làm rõ tình trạng pháp lý của các đảo nhân tạo và đường chín đoạn.
Trong trường hợp này, chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ bị lên án bởi các bên yêu sách khác và phần còn lại của cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý, có lẽ những người theo chủ nghĩa dân túy đã bỏ quên có chủ ý thực tế là, đầu tháng 9 một cụm 5 chiến hạm hải quân Trung Quốc đã đi qua bên trong 12 hải lý lãnh hải quần đảo Aleutian, Hoa Kỳ sau cuộc tập trận chung với Nga.
Mặc dù Lầu Năm Góc cho đây là hoạt động "không bình thường", nhưng nhấn mạnh: "Trung Quốc là một lực lượng hải quân toàn cầu, và chúng tôi khuyến khích họ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, chuyên nghiệp và luật pháp quốc tế về hàng hải". Mỹ đã không điều tàu ra áp sát tàu Trung Quốc.
Cân bằng giữa sự mơ hồ chiến lược với chủ nghĩa dân túy
Theo Jiang Zongqiang và Hu Xin: Trung Quốc đã cố gắng để cân bằng giữa sự mơ hồ chiến lược và chủ nghĩa dân túy đang ngày càng gia tăng.
Để phục vụ chủ nghĩa dân túy trong nước, Trung Quốc đã thông qua tuyên bố ngày càng quyết đoán (hung hăng), chẳng hạn như tuyên bố Biển Đông liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tăng cường các hoạt động thực thi luật thủy sản, xây dựng cơ sở dân sự và hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo...
Quyền lực và chính trị ảnh hưởng đến sự gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã gây lo ngại và nghi ngờ đối với các bên yêu sách khác và Hoa Kỳ. Đặc biệt sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc về (yêu sách phi lý) chủ quyền, quyền hàng hải ở Biển Đông được xem như một thách thức nghiêm trọng đối với tình trạng hiện tại trong khu vực.
Tuy nhiên trong khi đó Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng sẵn sàng có động thái mang tính xây dựng, để góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Trong những năm qua, họ đã cam kết thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, tăng cường sự tin cậy quân sự với Hoa Kỳ.
Cũng như ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn ngày 17/10 rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ liều lĩnh dùng đến vũ lực, thậm chí ngay cả với các vấn đề liên quan đến chủ quyền, một chương trình rõ ràng về sự kiềm chế trong bối cảnh áp lực gia tăng từ chủ nghĩa dân túy.
Tháng 11 năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc ký kết 2 cơ chế đảm bảo sự tin cậy lẫn nhau, bao gồm bộ quy tắc ứng xử về an toàn hàng hải trong tình huống chạm trán bất ngờ trên biển giữa các tàu hải quân 2 nước.
Do đó Mỹ không nên cố gắng đẩy Trung Quốc vào chỗ phải làm rõ bản chất pháp lý yêu sách đường 9 đoạn và các đảo nhân tạo (???).
Với các hoạt động của Mỹ tại Biển Đông những năm gần đây, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc có thể có những biện pháp "phòng ngừa" nhất định, như việc công bố (yêu sách) đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Trường Sa, thúc đẩy triển khai quân sự phòng thủ đảo nhân tạo hay tuyên bố vùng nhận diện phòng không (?).
2 học giả Trung Quốc kết luận: Mỹ nên nhớ những bài học kinh nghiệm ở Iraq và Afghanistan, trong đó cho thấy những hạn chế của việc cố gắng tạo ra sự ổn định bằng phương tiện quân sự. Phận sự của Mỹ là hãy tôn trọng cam kết của mình để giữ lập trường trung lập ở Biển Đông.
Vài lời bình luận
Đọc đến đây người viết bất giác cảm thấy phải "bái phục" trình độ ngụy biện, đổ thừa của 2 học giả Trung Quốc.
Công luận quốc tế có lẽ đều thấy rõ, nhà nước Trung Quốc rất giỏi trong việc định hướng dư luận, thế mà bây giờ không hiểu tại sao lại quay ra chạy theo dư luận, mà lại là dư luận của một bộ phận nhỏ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đây âu có lẽ cũng là nghiệp chướng do mình gây ra chứ không ai hãm hại.
Nhìn thấy rõ vấn đề, thay vì vai trò của học giả chân chính kiến nghị với nhà nước những điều cần thay đổi, ứng xử cho phù hợp với luật pháp quốc tế và chuẩn mực xã hội văn minh của nhân loại, Jiang Zongqiang và Hu Xin lại quay ra nghĩ cách làm thế nào để tiếp tục thỏa mãn những đòi hỏi hết sức vô lý, trái luật của một bộ phận theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà người viết tin rằng chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, nhưng ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị của đất nước 1,3 tỉ dân này.
Nhưng dù sao nói gì thì nói cũng phải ghi nhận một điều, các học giả Trung Quốc này cũng đã khá hơn, có bản lĩnh hơn so với những đồng nghiệp đi trước của họ trong việc nói ra bản chất đường lưỡi bò, đảo nhân tạo cũng như chiến lược mơ hồ, "Trung Quốc hóa" luật pháp quốc tế mà nhà nước họ đang làm. Đó cũng là đóng góp của họ trong bối cảnh hiện nay.
Tiếc rằng về phần giải pháp, một số học giả này vẫn chưa thoát khỏi cái vòng kim cô của lập trường chính trị cá lớn nuốt cá bé, ngụy biện bảo vệ cường quyền là bảo vệ nồi cơm, dù biết rằng cộng đồng quốc tế không ai chấp nhận và có thể đẩy dân tộc Trung Quốc vào chỗ nguy hiểm. Đáng tiếc.
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét