Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Núi nợ đe dọa nền kinh tế

000_Hkg10180221=622
            Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 16/05/2015. AFP PHOTO / HOANG DINH NAM

Ngân hàng thế giới vừa cảnh báo rủi ro nợ công của Việt Nam phát sinh từ các nhân tố mới. Ý kiến các chuyên gia như thế nào về vấn đề này?

Vay nợ  trong nước để đáp ứng chi tiêu

Trong cuộc họp báo ngày 2/12/2015 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới cảnh báo tổng nợ công của Việt Nam đang nhanh chóng tiến tới mức giới hạn 65% GDP mà Quốc hội cho phép. Trong bối cảnh các nhà tài trợ đang rút dần vốn khỏi Việt Nam làm cho nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài cũng giảm theo. Chính phủ Việt Nam sẽ phải dựa chủ yếu vào vay nợ  trong nước để đáp ứng chi tiêu. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói rõ, tài khóa của Việt Nam có thể gặp rủi ro lớn, khi Chính phủ chuyển sang vay nợ ngắn hạn ở trong nước nhiều hơn, dù trước mắt được lợi về tỷ giá.

Cách tích cực nhất nhà nước cần phải làm là phải hết sức tiết kiệm chi tiêu công, giảm bớt phần chi tiêu công thì nó mới có được tiền dành cho đầu tư. 
-Chuyên gia Phạm Chi Lan

Trả lời phỏng vấn cùa Nam Nguyên tối ngày 4/12/2015, từ Hà Nội bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, chính phủ huy động vốn trong xã hội bằng cách bán trái phiếu, lấy tiền bù phần thiếu hụt ngân sách chi cho đầu tư công. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, khi phát hành trái phiếu chính phủ như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài. Hơn nữa khi chính phủ đứng ra vay nhiều như vậy, thì số tiền vốn cho xã hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được, sẽ lại càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đa số vẫn phản ánh là tiếp cận tín dụng rất khó khăn.

Chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích, đối với những người mua trái phiếu chính phủ thì rõ ràng họ được lợi với lãi suất cao và ổn định. Những người mua trái phiếu đỡ rủi ro hơn là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, việc huy động trái phiếu chính phủ có một phần gây bất lợi cho các doanh nghiệp cần vay vốn, cũng như giải thích tại sao số doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn tăng lên, sự phát triển của doanh nghiệp mấy năm gần đây đã bị chậm hẳn lại. Chuyên gia Phạm Chi Lan tiếp lời:

“Cách tích cực nhất nhà nước cần phải làm là phải hết sức tiết kiệm chi tiêu công, giảm bớt phần chi tiêu công thì nó mới có được tiền dành cho đầu tư. Mặt khác ngay cả đầu tư cơ sở hạ tầng thì không nhất thiết cái gì nhà nước cũng đứng ra đầu tư. Ngay cả những dự án phục vụ cho lợi ích công cộng thì dùng những hình thứ như PPP hợp tác công tư. Điều này đã bàn đến ở Việt Nam một số năm nay rồi, Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế cũng đã hết sức cố gắng giúp Việt Nam có thể phát triển hình thức hợp tác công tư đó trong đầu tư nhất là các dự án hạ tầng, để bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước.

000_Hkg10208333-400
Hình minh họa chụp tại Hà Nội hôm 10/09/2015.
 AFP PHOTO / HOANG DINH NAM.
Nhưng trên thực tế vẫn chưa tiến hành được bao nhiêu và dường như nhiều cơ quan nhà nước, nhất là các địa phương vẫn còn rất ham đầu tư công và vì vậy nhu cầu đầu tư công quá lớn và chi tiêu thường xuyên cũng vậy nó tăng lên liên tục với bộ máy cứ phình ra, hệ thống quan liêu nặng nề thêm và chi tiêu rất tốn kém cho xã hội. Nếu mà nhà nước không tự tiết giảm được chi tiêu thường xuyên của mình, không biết điều chỉnh lại đầu tư công, ít nhất như thực hiện tinh thần tái cơ cấu đầu tư công mà chính phủ đã nêu ra, thì sẽ rất khó giải quyết được bài toán này.”

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện làm việc ở Hà Nội, xu hướng nợ công tăng nhanh trong khi nguồn trả nợ rất hạn hẹp. Lạm chi ngân sách rất lớn, trong cơ cấu chi ngân sách thì chi thường xuyên chiếm hơn 70%, phần còn lại chủ yếu để trả nợ. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh:

“Nói chung nguy cơ về nợ công không phải trong tương lai mà đã hiện hữu trước mắt rồi. Không những trước mắt phải trả mà đời con, đời cháu phải trả, không làm khác được. Với cái kiểu như hiện nay thì vài chục năm nữa cũng chưa trả hết nợ được, điều này là nhãn tiền. Thực trạng nợ công Việt Nam hiện nay nói tóm gọn là như vậy.”

Rủi ro nợ công đầy nguy hiểm

Nói chung nguy cơ về nợ công không phải trong tương lai mà đã hiện hữu trước mắt rồi. Không những trước mắt phải trả mà đời con, đời cháu phải trả, không làm khác được. 
-TS Ngô Trí Long

Trong bối cảnh rủi ro nợ công đầy nguy hiểm, thông tin chính thức được báo chí phổ biến còn cho thấy tình trạng nợ nần khó tưởng tượng của 781 doanh nghiệp nhà nước. Cộng đồng từng được ví von như những quả đấm thép của nền kinh tế Việt Nam có tổng nợ phải trả năm 2014 lên tới  hơn 1,7 triệu tỷ đồng tương đương 44,2% tổng sản phẩm nội địa GDP. Thời báo kinh tế Sài Gòn phân tích là tổng nợ phải trả của khối doanh nghiệp nhà nước lớn hơn 9,3 lần so với tổng lợi nhuận trước thuế. Giả dụ tình trạng sản xuất kinh doanh giữ nguyên như hiện nay và khối doanh nghiệp nhà nước không vay thêm nợ, thì dù có dùng toàn bộ lợi nhuận trước thuế, không đóng thuế, không chi trả cổ tức vẫn phải mất 10 năm  mới trả hết nợ.

Nhận định về tình trạng công nợ bi đát của khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và khối nợ này có tương tác gì với tình hình nợ công của Việt nam hay không? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, những con số được chính nhà nước đưa ra công khai như vậy cho thấy tình hình càng khó khăn nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Tuy nợ của doanh nghiệp nhà nước nếu không được chính phủ bảo lãnh thì không tính vào nợ công. Nhưng trên thực tế, khi doanh nghiệp nhà nước không trả được thì trong nhiều trường hợp nhà nước phải đứng ra trả cho doanh nghiệp. Như vậy nếu cộng thêm phần đó vào thì tổng nợ công không phải nằm trong giới hạn 65% GDP như chính phủ báo cáo. Vì vậy hay có những con số lệch nhau giữa công bố của chính phủ và số liệu của một số chuyên gia hay các tổ chức nước ngoài tính toán.  Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh:

“Rủi ro rất lớn nữa, là đối với các doanh nghiệp nhà nước như vậy rõ ràng là họ vẫn tiếp tục tình trạng hoạt động kém hiệu quả, mà chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự giải quyết được vấn đề này. Năm nay tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã bị chậm lại đáng kể, con số 432 doanh nghiệp nhà nước mà Thủ tướng tuyên bố sẽ cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 rõ ràng đã không đạt được. Vả lại con số 200 doanh nghiệp đã cổ phần hóa được vào năm ngoái thì cộng chung số vốn nhà nước nắm giữ ở các doanh nghiệp này vẫn chiếm tới 90%, như vậy tỷ lệ cổ phần hóa 10% doanh nghiệp nhà nước là rất ít. Không mang lại ý nghĩa gì bao nhiêu, đặc biệt là không giúp thay đổi được hoạt động của hệ thống doanh nghiệp nhà nước và lý giải tại sao số nợ của các doanh nghiệp nhà nước cứ tăng lên mà không giảm đi được…”

Chuyên gia Phạm Chi Lan kết luận, gánh nặng nợ của doanh nghiệp nhà nước lẫn gánh nặng nợ công đều mang lại những thách thức, những mối đe dọa rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Nam Nguyên

(RFA)

Không có nhận xét nào: