Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Bộ trưởng Khoa học trăn trở tìm cách thu hút người du học trở về

Lời bàn: Khó vì ở xứ ta, chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã mượn lời Cụ Nguyễn Du ( lẩy Kiều) cách đây mây hôm khi phát biểu với cử tri Ba Đình-Hà Nội:"Có Tài mà cậy chi Tài; Chữ Tài liền với chữ Tai một vần"...


Vì sao người Việt giỏi mà đất nước không phát triển nhanh như kỳ vọng? Vì sao du học sinh không muốn trở về?..., là những câu hỏi khiến Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trăn trở.
Chiều 12/12, tại cuộc thảo luận với chủ đề Phát triển khoa học, công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã dành ba câu hỏi cho các tài năng khoa học trẻ. Một là, vì sao người Việt có trí tuệ, học tập không thua kém các dân tộc khác nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng? Hai là, vì sao những người giỏi, đặc biệt là những người giỏi và trẻ lại không tham gia nhiều vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong khi nhà nước rất cần người tài để xây dựng cơ chế chính sách? Câu cuối cùng, người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ muốn biết vì sao nhiều người giỏi đi học ở nước ngoài lại không muốn về nước?
3-cau-hoi-vi-saocua-bo-truong-khoa-hoc
Bộ trưởng Nguyễn Quân đặt ra ba câu hỏi lớn cho các tài năng khoa học và nói rằng việc trả lời rất quan trọng với ông. Ảnh: Giang Huy.
Bộ trưởng nhấn mạnh "3 câu hỏi này rất quan trọng đối với cá nhân tôi". Ông muốn có thêm thông tin để báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài trở về.
Bộ trưởng nhấn mạnh nhân tài trong nước rất nhiều, nhưng người giỏi đang ở nước ngoài cũng không ít. Đất nước muốn phát triển cần người tài. Ông nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "Thời đại ngày nay là thời đại cạnh tranh về khoa học công nghệ. Nước nào có trình độ khoa học công nghệ cao hơn thì có sức cạnh tranh cao hơn và sẽ chiến thắng trong cuộc đua về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng".
Du học không về là chuyện thường
Tiến sĩ Phạm Văn Phúc, giảng viên Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, việc nhân tài đi du học xong không trở về nước là chuyện thường, họ về rồi đi mới là vấn đề đau lòng.
"Vì họ được đào tạo ở nền giáo dục mà để phục vụ cho nước đó chứ không phải Việt Nam", anh nói và lấy ví dụ về một tiến sĩ ở cơ quan anh được đi học nước ngoài, nghiên cứu về sinh học cấu trúc, một lĩnh vực mà Việt Nam chưa phát triển, muốn thực hiện được phải tốn hàng tỷ đôla. Trở về nước, tiến sĩ ấy đã chán nản và sang nước ngoài tìm hướng nghiên cứu tiếp.
Anh Phúc cho rằng thiếu cái gì thì nên đầu tư cho nhân tài đi học cái đó để trở về phục vụ đất nước. "Việc đào tạo của nước ngoài cũng giống như bánh xe của họ lắp hợp với cỗ máy của đất nước đó. Bánh xe của họ mà lắp vào bộ máy của Việt Nam thì không phù hợp, rồi lại phải nghĩ cách làm sao để mài, giũa cho phù hợp, nếu không thì khập khiễng lắm", vị tiến sĩ nói.
3-cau-hoi-vi-saocua-bo-truong-khoa-hoc-1
Tiến sĩ Phạm Văn Phúc ví von nền đào tạo nước ngoài áp vào nhu cầu của Việt Nam như bánh răng với cỗ máy không hợp nhau, rất khập khiễng. Ảnh: Giang Huy.
Mang tâm tư của người từng là du học sinh, tiến sĩ Vũ Thị Ngân, giảng viên Đại học Quy Nhơn lý giải một phần nguyên nhân vì sao người đi không muốn về. "Thực ra khi bước chân đi, hai tiếng Việt Nam luôn ở trong tim chúng tôi. Khi làm gì, tôi cũng luôn nghĩ rằng mình là người Việt Nam, làm gì cũng cần phải xứng đáng. Tôi nghĩ rằng họ không trở về vì chưa được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức làm những ước mơ của mình", chị nói.
Nữ giảng viên phân tích, người Việt rất giỏi nếu như được tạo mọi điều kiện và chỉ chuyên làm một việc thì có thể phát huy hết năng lực. Nhưng khả năng hợp tác, làm việc nhóm lại là nhược điểm. "Người Việt nghĩ về cái tôi của mình quá lớn. Người làm khoa học thì phải đặt khoa học lên trên, tập thể lên trên thì sẽ tăng hiệu quả làm việc", chị bày tỏ và cho rằng đó là lý do cản trở sự phát triển.
"Người trẻ không về vì không có sân chơi", tiến sĩ Bạch Long Giang, công tác tại Đại học Nguyễn Tất Thành thẳng thắn trả lời. Anh nói lên thực trạng chính sách còn nhiều bất cập. Đến việc thanh toán, rải ngân đề tài còn đang tốn nhiều thời gian, chưa kể đến các khâu khác. Các nhà khoa học trẻ đùa nhau rằng họ phải học thêm nghiệp vụ kế toán để thanh quyết toán các đề tài trên.
Tiến sĩ Giang nêu lên thực tế trang thiết bị, phòng thí nghiệm rất nhiều nhưng nhà khoa học khó để tiếp cận. Nhiều người có đề tài rất hay nhưng không có tiền để trả cho việc như thuê phòng thí nghiệm để phân tích mẫu. Việc tìm kiếm thông tin dữ liệu cũng khó. Trong khi đó, ở nước ngoài thì người nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh hơn nhiều.
Anh trăn trở về sân chơi dành cho các nhà khoa học trẻ và đề xuất thành lập Viện khoa học và công nghệ danh cho tài năng trẻ, khuyến khích những người có tuổi đời dưới 35.
3-cau-hoi-vi-saocua-bo-truong-khoa-hoc-2
Tiến sĩ Bạch Long Giang đề xuất thành lập Viện khoa học và công nghệ dành cho cán bộ trẻ, khuyến khích những người có tuổi đời dưới 35. Ảnh: Giang Huy.
Ở góc độ khác, tiến sĩ Nguyễn Mạnh HùngViện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nêu quan điểm: "Tại sao không ai thắc mắc việc từ quê ra thành phố học và ở lại làm việc mà lại thắc mắc đi du học xong phải về nước?".
Thứ trưởng Bộ khoa học Trần Văn Tùng ghi nhận với gần 20 lượt ý kiến, các tài năng trẻ còn đưa ra nhiều nhóm vấn đề như cần nghiên cứu, quan tâm chính sách ngoại giao khoa học để tận dụng sự chia sẻ tài liệu, kiến thức, sản phẩm khoa học trong khu vực và quốc tế; xóa bỏ phân biệt giữa các thế hệ nhà khoa học; đẩy mạnh việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để người làm nghiên cứu khoa học yên tâm cống hiến.
"Đặc biệt, trong nhóm vấn đề đào tạo khoa học, chúng ta đã đưa ra được quan điểm, cách tiếp cận khác là sẽ cử người đi, đào tạo những gì mà chúng ta muốn, chứ không phải chấp nhận là nước thua thiệt, hoặc là làm thuê, giúp người bên ngoài như hiện nay", Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh và đề nghị tổng hợp lại các ý kiến để làm rõ, trả lời cho ba câu hỏi vì sao của Bộ trưởng Nguyễn Quân.
Cả nước có 4,2 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Trong đó có hơn 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ, hơn 62.000 người trực tiếp nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, có hơn 100.000 du học sinh, 300.000 trí thức kiều bào ở nước ngoài.
Hoàng Phương


Phó giáo sư trẻ đề xuất giải pháp thu hút nhân tài

Theo phó giáo sư trẻ nhất nước năm 2013 Lê Anh Vinh, nhiều du học sinh muốn về nước làm việc nhưng lại bày tỏ lo lắng môi trường không phù hợp.

Dự Đại hội tài năng trẻ lần 2, phó giáo sư trẻ nhất nước năm 2013 Lê Anh Vinh (Đại học Quốc gia Hà Nội) trăn trở làm cách nào để thu hút, trọng dụng nhân tài khoa học. Trong bài phát biểu, anh đưa ra những con số thống kê về nhân lực khoa học, công nghệ và đánh giá, xét về hiệu quả thì Việt Nam chưa có công trình, sản phẩm khoa học nào mang tính đột phá ở tầm khu vực.
Trong giai đoạn 2008-2012, số bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam kém Thái Lan 4 lần, kém Singapore 7 lần, kém Nhật Bản 57 lần, kém Mỹ 256 lần. Trong 10 năm (2001-2010), số đơn đăng ký của người Việt là 1.665, chỉ có 257 bằng độc quyền sáng chế được cấp, kém 27 lần so với số văn bằng được cấp của người nước ngoài.
pho-giao-su-tre-de-xuat-giai-phap-thu-hut-nhan-tai
PGS Lê Anh Vinh cho rằng, để thu hút nhân tài cần sự thay đổi ở chính bản thân nhà khoa học lẫn cơ chế, chính sách của nhà nước. Ảnh: Giang Huy.
"Dựa vào vài con số, có thể thấy vai trò của các nhà khoa học, nhất là khoa học trẻ đối với nền khoa học công nghệ nước nhà chưa thực sự đậm nét", anh nhấn mạnh và đặt câu hỏi làm thế nào để thu hút, trọng dụng và phát huy tài nguyên trí tuệ của đội ngũ nhà khoa học trẻ Việt Nam?
Phó giáo sư Vinh cho rằng, trước hết nguyên nhân xuất phát "từ chính chúng tôi". Nhiều nhà khoa học trẻ trăn trở tìm hướng đi, nhưng việc thừa nhiệt huyết, thiếu kinh nghiệm khiến một số thể hiện bằng phản ứng tiêu cực, dành nhiều thời gian ca thán và so sánh về điều kiện môi trường làm việc. Môi trường làm việc mang nghĩa rộng bao gồm từ cơ sở vật chất, tài chính đến hoạt động học thuật và cộng đồng nghiên cứu.
"Chảy máu chất xám, có thể thấy lợi ích vật vất không phải là lý do cơ bản. Lý do chính mà nhiều nhà khoa học từ khắp nơi sang Mỹ làm việc vì ở đó có đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm. Họ được bao bọc bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo, năng lực nghiên cứu. Nhiều du học sinh bày tỏ quan điểm mong muốn về nước làm việc, đóng góp nhưng lại lo lắng về môi trường làm việc không phù hợp", anh cho hay.
Theo anh Vinh, các nhà khoa học trẻ không thể yêu cầu trường đại học, viện nghiên cứu phải có cơ sở vật chất hoàn hảo, kinh phí, ngân sách dồi dào thì mới làm khoa học mà trước hết phải đóng góp tích cực tạo ra môi trường nghiên cứu phù hợp.
Về phía nhà nước, nếu đã thực sự coi các nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng thì cần có lộ trình cụ thể về chính sách và chế độ tương xứng với năng lực làm việc của nhà khoa học. Việc thu hút nhân tài trình độ cao gặp nhiều khó khăn bởi nguồn tài chính có hạn, trang thiết bị, môi trường học tập chưa năng động.
pho-giao-su-tre-de-xuat-giai-phap-thu-hut-nhan-tai-1
Các tài năng trẻ dự đại hội là gương mặt tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng. Ảnh: Giang Huy.
Hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội nơi anh Vinh làm việc đã có mô hình CLB Nhà khoa học là nơi kết nối, tạo cơ hội tiếp cận chương trình nghiên cứu trọng điểm cho nhà khoa học trẻ tại đây. Trung ương Đoàn có thể xem xét xây dựng một cơ quan chuyên trách cấp trung ương, hỗ trợ thông tin, giúp định hướng cho nhà khoa học trẻ trên cả nước.
Theo phó giáo sư Vinh, nhà nước cũng cần dùng tài chính đúng mức, đúng trọng điểm cho khoa học công nghệ. Nghiên cứu hiện nay chủ yếu được tài trợ bởi Chính phủ, nghiên cứu tại trường đại học đang bị bỏ ngỏ. Các nước phát triển đều dành một phần ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học. Mỹ dùng 16,8% chi tiêu chính phủ cho khoa học công nghệ thông qua hệ thống giáo dục. Ở Đức, con số là 17,1% và ở Anh là 22,6%. Trong khi đó, ở Việt Nam là 2%, nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối thì còn khá thấp. Tổng đầu tư toàn xã hội cho khoa học, công nghệ của Việt Nam ước tính chỉ đạt dưới 1% GDP, so với mức trung bình thế giới là 2,1%.
Việc đầu tư dàn trải dẫn đến sản phẩm khoa học bị trùng lặp, thiếu tính sáng tạo, giá trị kinh tế thấp. Để khắc phục thì cần nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm và những lĩnh vực được ưu tiên.
Một điểm nữa, cần thay đổi cơ chế quản lý tài chính bất cập trong xét duyệt, nghiệm thu đề tài các cấp, một trong những rào cản của phát triển khoa học. "Các nhà khoa học vẫn thường cho rằng cơ quan quản lý không hiểu hay chưa tin nhà khoa học nên đưa ra những cơ chế không phù hợp với thực tiễn?", anh đặt câu hỏi.
Làm sao để thu hút nhân tài cũng là trăn trở của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Tiếp xúc với 67 gương mặt trí thức, đại diện cho tài năng khoa học trẻ Việt Nam, Bộ trưởng đã nêu ra ba câu hỏi vì sao, mong được giải đáp. Một là, vì sao người Việt có trí tuệ, học tập không thua kém các dân tộc khác nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng?
Hai là, vì sao những người giỏi, đặc biệt là những người giỏi và trẻ lại không tham gia nhiều vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong khi nhà nước rất cần người tài để xây dựng cơ chế chính sách? Và cuối cùng, vì sao nhiều người giỏi đi học ở nước ngoài lại không muốn về nước?
Tài năng trẻ là nguồn lực phát triển đất nước
"Sự có mặt của mỗi tài năng trẻ là niềm tự hào của tất cả chúng ta, vì các bạn là nguồn lực, vốn quý, niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam", bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phiên bế mạc Đại hội tài năng trẻ lần 2 sáng 13/12 tại Hà Nội.
Theo bà Phóng, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, vận hội mang đến thách thức lẫn thời cơ. Khoa học công nghệ, kinh tế tri thức phát triển nhanh chóng, công nghệ thông tin có những bước đột phá nhảy vọt. Việc phát hiện, quản lý, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ trở thành vấn đề chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.
Hoàng Phương

Không có nhận xét nào: