TP - “Nấm mối là linh khí của trời đất dành cho người Vân Kiều mình. Nó vừa là thức ăn, nhưng cũng vừa là dược liệu. Người bị suy nhược cơ thể, nằm liệt giường, ăn vào có thể đi lại bình thường; phụ nữ sau khi sinh thiếu sữa, chỉ cần ăn vài lạng, con bú cả ngày không hết. Đến mùa nấm mối, người Vân Kiều mình ít ai bệnh tật, đàn ông băng rừng như đi dạo, phụ nữ phổng phao, da dẻ hồng hào…” - anh Hồ Điều, tự hào khi nói về loài nấm mang tên côn trùng này.
Người Vân Kiều không bao giờ dùng thanh kim loại để cậy nấm.
Săn nấm lúc canh ba
Trường Xuân là một xã miền núi rẻo cao, nằm cheo leo bên sườn Đông của dãy Trường Sơn, thuộc huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Khuất sau những khúc đường quanh co bên vách đá dựng đứng là nơi sinh sống của hơn 200 hộ dân tộc Vân Kiều. Gần một tháng nay, khắp các bản làng của người Vân Kiều như có hội. Cứ gà gáy canh ba, nhà nhà hối hả, nhộn nhịp, kẻ xách đèn, cầm thúng; người đốt đuốc, mang làn... lũ lượt kéo nhau vào rừng để “săn” nấm mối - loài nấm mà họ cho là “linh khí của trời đất”, một năm chỉ mọc một tháng.
“Chú cúi tà tà (khom người xuống) kẻo lỡ vía chú nặng không hom (tìm) ra nấm mà ăn mô” - anh Hồ Điều cẩn thận dặn tôi khi một tay cầm đèn pin, một tay vạch đám cỏ trước mặt tìm nấm. Theo quan niệm của người Vân Kiều, tìm nấm cũng tùy duyên. Người vía nặng có khi đi cả đêm đến sáng chỉ được vài cọng, người vía nhẹ chỉ cần bước chân ra vườn cũng có nấm mang về. Theo anh Hồ Điều, loại nấm này khi đã vươn lên mặt đất, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, gặp ánh sáng là nấm tự tan chảy, lẫn vào đất. Vậy nên người đi tìm nấm phải dậy từ lúc 2-3 giờ sáng để tìm nấm. Những cọng nấm mới nhú trong đêm là ngon nhất, ngọt nhất và dậy mùi nhất.
Núi rừng Trường Sơn giữa đêm bao phủ một màu đen kịt. Lâu lâu lấp ló ánh đèn pin của dân bản cùng đi tìm nấm vệt loang lổ trên những ngọn cây. Văng vẳng xa xăm trong luồng gió lạnh buốt thổi ra từ những dãy núi đá vôi là tiếng gà rừng gáy điểm canh. Qua mấy khúc cua ngoằn ngoèo, bản làng của người Vân Kiều mất hút trong bóng đêm. Như để trấn an người bạn đồng hành, anh Hồ Điều cười nói: “Rét ri ăn thua chi chú! Mọi năm còn mưa to, sên vắt bò lổm ngổm, nhưng cứ đến mùa nấm là đua nhau vào rừng. Cái thứ nấm ni cũng lạ, càng rét, càng mưa thì càng nhiều nấm. Năm ni mùa đông nhưng không lạnh nên khan nấm. Người giỏi tìm đi cả đêm cũng chỉ được vài lạng”.
Vừa bước thoăn thoắt trên những mỏm đá tai mèo, anh Hồ Điều vừa giới thiệu: “Loại nấm ni chỉ mọc trên những tổ mối. Mà chú biết sao nấm lại mọc trên đó không? Vì mối chúa tiết ra một chất dịch xung quanh tổ, gặp thời tiết thuận lợi nấm sẽ hình thành. Chính vì thế mà cho đến nay, chưa ai có thể trồng nhân tạo nấm mối như những loài nấm khác”.
Anh Hồ Điều dẫn tôi đến một gò đất cao mọc nhiều cỏ tranh, phía trên có phủ một cành cây, anh nhẹ nhàng dỡ cành cây lên, chỉ vào đám lá vàng úa phủ trên đất nói: “Tổ mối ni mình đóng cọc hôm rồi, chừ tha hồ nấm cho chú lấy đó”. Quả thật, lấy tay vạch đám lá khô, lẫn trong đám cỏ tranh nhung nhúc nụ nấm, có cái xòe to bằng nửa bàn tay. Hồ Điều cho biết: Người Vân Kiều có một quy ước bất thành văn, bất kỳ cái gì thuộc về thiên nhiên, ai phát hiện trước, chỉ cần làm dấu là thuộc sở hữu riêng của họ, không còn ai đụng đến. Nấm mối cũng vậy, ai tìm ra được tổ mối trước, đóng cọc làm dấu thì tổ mối đó là của họ. Nấm mọc trên đó, không có sự tranh chấp hay hái trộm.
Tổ mối trong bụi rậm là nơi nhiều nấm nhất.
Và người Vân Kiều luôn tôn trọng quy luật thiên nhiên, không bao giờ khai thác kiểu tận diệt. Họ chỉ hái những cây nấm đã lên khỏi mặt đất 3-4 cm, còn những cây vừa mới nứt đất thì để lại. Đặc biệt, khi hái nấm họ dùng que gỗ để cạy lấy nấm, không bao giờ sử dụng vật liệu làm bằng kim loại. Theo cách giải thích của Hồ Điều thì khi dùng kim loại cạy lấy nấm, mối sẽ bỏ đi, mùa sau không còn nấm để hái.
Báu vật trời ban
Nấm mối có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng rất hiếm nên giá trị kinh tế của nó cũng không hề nhỏ. Nhiều người khá giả ở dưới xuôi, đặt mua qua thương lái có khi lên đến tiền triệu mỗi kg. Tưởng chừng như điều đó khiến người Vân Kiều đổ xô vào rừng tìm nấm mối đem bán. Nhưng không, họ hái về chỉ để ăn và không hề có khái niệm bán. Họ xem nấm mối như một loại linh dược có thể “cải lão hoàn đồng”; là báu vật trời ban cho tộc người Vân Kiều để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Một người có kinh nghiệm, vất vả, cật lực, sau một đêm “săn” nấm mối chỉ được khoảng 6-7 lạng. Họ mang về có thể nấu cháo, đem xào với cá khe ăn với cơm, nướng, hoặc nấu canh với lá rừng…mà không cần nêm nếm thêm gia vị gì ngoài muối. Nấm mối mới nhú có vị ngọt và thơm mùi thảo dược, nó được ví ngon hơn cả thịt gà. Vị ngọt của tự nhiên, vị thơm đặc trưng không thể lẫn với những loại nấm khác, cảm giác dai dai của thân nấm, mềm tan của tai nấm tạo nên một món ăn ngon đến khó tả. Nấm mối còn được người Vân Kiều treo bếp sấy khô, ăn dần khi hết mùa nấm để bù năng lượng trong những tháng làm mùa nặng nhọc, hoặc bồi bổ cho người đau ốm.
Nấm mối, người Vân Kiều để ăn, làm quà, không bao giờ bán.
Có không ít thương lái lặn lội từ dưới xuôi lên để thu mua nấm mối từ dân bản, nhưng tất cả đều nhận được cái lắc đầu. Họ không bán không phải vì chê giá rẻ mà họ nhận thức được giá trị dinh dưỡng quý giá của nấm mối đưa lại. Họ có thể cho một ít nấm về làm quà, hoặc nấu canh nấm đãi khách chứ không bao giờ kinh doanh. “Nấm mối là linh khí của trời đất dành cho người Vân Kiều mình. Nó vừa là thức ăn, nhưng cũng vừa là dược liệu. Người bị suy nhược cơ thể, nằm liệt giường, ăn vào có thể đi lại bình thường; phụ nữ sau khi sinh thiếu sữa, chỉ cần ăn vài lạng, con bú cả ngày không hết. Đến mùa nấm mối, người Vân Kiều mình ít ai bệnh tật, đàn ông băng rừng như đi dạo, phụ nữ phổng phao, da dẻ hồng hào... Còn “cái khoản kia” thì khỏi phải nói. Cứ đến mùa nấm mối, chị em Vân Kiều ai cũng vui vẻ, hát hò suốt ngày. Giá trị rứa thì bán giá mô cho vừa được chú” - anh Hồ Điều tự hào nói.
Chị Tuyên, một cư dân của làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân cũng đi hái nấm kể: “Ngày mới lên đây lập nghiệp, đi rừng trồng cao su gặp nhiều nấm lắm, nhưng cứ sợ nấm độc nên không dám hái. Sau này được người Vân Kiều chỉ cho cách nhận biết nấm mối nên giờ bị nghiện, lâu lâu không ăn lại thấy thèm. Mấy chị em trong làng cũng hay đi hái về ăn, thi thoảng có người về lại gửi một ít cho bà con dưới xuôi làm quà, ai cũng quý”.
Mặt trời vừa nhú lên sườn núi cũng là lúc những người hái nấm quay trở về. Sau một đêm vất vả, dù ít, dù nhiều nhưng khuôn mặt ai cũng hiện rõ sự hưng phấn. Thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách là bản tính trời đất tạo nên người Vân Kiều nơi đây. Họ cười như nụ nấm mối đang dẫy đất vươn lên theo ánh mặt trời.
Nấm mối có tên khoa học Termitomyces albuminosa. Nấm cao khoảng 4-6cm, thân cây tròn, tai nấm hình nón chóp hoặc mũ nồi tròn. Màu đất nâu xám nhạt hoặc màu xám trắng lúc còn non. Khi già nấm có màu trắng ngà. Nấm chỉ mọc vào mùa mưa.Cho đến nay, cả Đông y và Tây y đều đánh giá cao giá trị dinh dưỡng cũng như tác dụng chữa bệnh của nấm mối. Theo y học cổ truyền, nấm mối vị ngọt, tính mát có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời còn có tác dụng ngừa sỏi thận, giúp thanh nhiệt, nhuận tràng, giảm cholesterol, hạ huyết áp... Còn y học hiện đại, nấm mối giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống lão hóa và có khả năng ức chế sự phát triển của các loại virus. Đặc biệt nấm mối có thể hỗ trợ trong việc chữa được các loại bệnhung thư tế bào máu, phổi, gan thận...Theo một nghiên cứu của bác sĩ Christine Dzerko, chuyên gia nội tiết, Trung tâm y khoa phụ nữ Austin Texzas (Hoa Kỳ), thực hiện với 1.475 bệnh nhân trong 60 tuần cho thấy, xác suất trị liệu ung thư vú từ nấm mối đối với phụ nữ và người béo phì đạt mức 92,45%. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu mỹ phẩm của Nhật Bản, chiết xuất từ nấm mối cho ra một loại mỹ phẩm dành cho người có làn da nhạy cảm, dị ứng gây nám da và ung thư da.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét