Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Ngân hàng Thế giới dừng vốn vay ưu đãi: Phía trước Việt Nam là… trả nợ

Những ngày cuối năm 2015, trong bầu không khí “chào mừng đại hội đảng 12” cùng cơn chấn động “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng”, lại thêm một tin xấu xảy đến với giới lãnh đạo Việt Nam: Ngân hàng Thế giới xem xét dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.

Dự kiến chỉ hơn một năm nữa (đến ngày 1-7-2017), Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới.

Lý do được đưa ra: giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi. Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9.5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.

Việc trả nợ này sẽ thực hiện theo hai phương án. Ở phương án 1, Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh gấp đôi tốc độ trả nợ, tức các khoản vay 25 năm sẽ phải trả trong khoảng 12-15 năm. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lãi suất có phần ưu đãi là 2%;

Còn nếu chọn phương án 2 là giữ nguyên thời gian trả nợ, khi đó lãi suất áp dụng sẽ là lãi suất đang vay (khoảng 2%) cộng thêm 1.4-1.5%, tương đương điều kiện vay với lãi suất 3.4 -3.5% trong thời hạn 25 năm.

Trong khi đó theo kế hoạch vay nợ của Chính phủ Việt Nam đã được duyệt, năm 2015 phải huy động 436,000 tỉ đồng để bù đắp bội chi (226,000 tỉ), đầu tư (85,000 tỉ), và vay để đảo nợ (khoảng 125,000 tỉ).

Còn ngân sách Việt Nam lại có trách nhiệm phải trả 363,166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) nợ trái phiếu đến hạn thanh toán trong 2 năm 2015-2016.

Một ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến năm 2017, tổng số vốn vay ưu đãi phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh và thuộc phạm vi tính toán tác động khoảng 18-19 tỷ USD.

Cho đến nay, không ai biết làm sao để có nổi số tiền để trước mắt cơ cấu lại số nợ này.

Dù kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trong nước là 226,000 tỉ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm 2015 mới thực hiện được 51% kế hoạch. Kết quả này cho thấy việc huy động bằng trái phiếu chính phủ là cực kỳ khó khăn.

Không chỉ bán trái phiếu quốc tế, chính phủ Việt Nam còn phải chỉ đạo Bộ Tài Chính tìm bất kể lối thoát nào, trong đó đã phải vay mượn Ngân hàng nhà nước 30,000 tỷ đồng, kể cả việc phải rút vốn từ những ‘con bò sữa’ lợi nhuận như Tập đoàn Vinamilk để có tiền bù đắp ngân sách rỗng ruột.

Nếu hậu quả không thể bán được trái phiếu, cũng như chưa bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, nhiều khả năng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ.

Không còn là bộ phim “Phía trước là bầu trời”, mà ngay trước mắt của Nhà nước Việt Nam chỉ là trả nợ, trả nợ và trả nợ!

 Lê Dung 

(SBTN)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

NHTG không thể không biết tệ nạn tham nhũng trầm trọng ở VN. Việc tiếp tục cho một chính phủ tham nhũng vay tiền là tiếp tay cho tham nhũng. Ít nhất từ năm 2010 đến nay, NHTG, ADB và Nhật Bản đã góp phần không nhỏ nuôi dưỡng thạm nhũng tại VN và giúp chính phủ trì hoãn những cải cách cần thiết.