Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

"Người ăn thịt người": Bản tính khát máu của người TQ?

Trần Quỳnh | 22/12/2015 23:12
"Người ăn thịt người": Bản tính khát máu của người TQ?






Nhìn lại hàng nghìn năm lịch sử Trung Hoa, không khó để tìm thấy các ghi chép về sự kiện “người ăn thịt người”. Đâu là nguyên nhân dẫn đến những thảm cảnh này?






Hãi hùng trước những phương thuốc chế từ… thịt người
Triều đại Nam Tống dưới thời vua Ninh Tông có viên quan Lâm Thiên Chi đảm nhiệm chức vụ tri châu Khâm Châu trong những năm Gia Định.
Khi ấy, họ Lâm có mặc một loại bệnh về tay chân, lại được một y sĩ mách rằng phải ăn thịt thiếu nữ còn trinh thì mới có thể “cường gân kiện cốt”. Lâm Thiên Chi nghe vậy, liền sai người đi bắt các thiếu nữ, giết lấy thịt chế biến và đặt tên là món “địa kê” (gà đất).

Ảnh minh họa cho việc các thiếu nữ bị giết để làm món địa kê cho Lâm Thiên Chi.
Ảnh minh họa cho việc các thiếu nữ bị giết để làm món "địa kê" cho Lâm Thiên Chi.
Vào năm Gia Định thứ 12 (1218), sự việc bị quan thổ ty ở địa phương tố giác. Lâm Thiên Chi bị triều đình cách chức, nhưng cũng không bị xử tử mà chỉ chịu án lưu đày tới Hải Nam.
Đời Minh trong những năm Vạn Lịch, triều đình từng phái một thái giám họ Cao tới thu thuế tại Phúc Kiến.
Lúc đó, có kẻ bày cho thái giám này một phương thuốc “hồi xuân”: Lấy tủy não của trai tân và gái trinh cùng dùng, ngọc hành (chỉ dương vật) sẽ một lần nữa mọc ra, còn khôi phục được công năng tình dục.
Vì vậy, thái giám này liền tiến hành bắt các chàng trai và cô gái trẻ chế làm thuốc. Tương truyền rằng vì việc này mà hồ nước trong phủ viện thái giám khi ấy ngập đầy xương trắng.
Ăn thịt người cũng vì bản tính hung tàn, khát máu
Vào cuối đời nhà Tùy, Chu Xán nổi danh là một “ma vương ăn thịt người”. Khi đó ở Đăng Châu, Tương Dương xảy ra thiên tai, gạo trắng đắt tới mức vạn tiền không mua nổi. Thừa lúc thiên hạ loạn lạc, Chu Xán khởi binh nổi dậy.
Nổi tiếng với bản tính hung tàn, họ Chu này thường xuyên bắt trẻ nhỏ để ăn thịt. Hắn từng nói với quân sĩ: “Trên đời này, thịt người chính là thứ ngon hơn tất cả những loại mỹ thực khác. Chỉ cần đất nước này còn người, chúng ta không lo lắng về quân lương.”
Vì vậy, Chu Xán lệnh cho thuộc hạ đi bắt phụ nữ và trẻ em, sau đó đem đi chế biến, phát như quân lương theo khẩu phần của từng binh sĩ.
Mỗi lần đội quân của “ma vương” này đánh hạ được một tòa thành, Chu Xán đều hạ lệnh lục soát để tìm bắt phụ nữ và trẻ em, sau đó chia tới các bộ, lúc cần thì đem giết để lấy thịt.
Triệu Tư Quán thời Ngũ Đại Thập quốc cũng là kẻ “cá mè một lứa” với Chu Xán.
Khi họ Triệu này khởi binh đánh Trường An, trong lúc thiếu thốn quân lương, đã giết phụ nữ và trẻ em để lấy thịt, sau đó ấn định số lượng, chia ra cho các bộ. Mỗi khi Triệu Tư Quán mở tiệc khao quân, số người bị “làm thịt” có thể lên tới hơn trăm mạng.
Họ Triệu này còn có một sở thích rùng rợn – ăn gan người. Những bữa ăn dã man của Triệu Tư Quán đều ngập trong máu và tiếng kêu la thảm thiết của các thiếu nữ.
Từ khi Triệu Tư Quán làm loạn cho tới lúc bại vong, tổng cộng đã có tới 66 nạn nhân trở thành “món ăn” hắn.
Dùng thịt người làm lương thực cứu đói
“An sử chi loạn” ghi chép: khi Trương Tuần và Hứa Viễn cố thủ tại thành Tuy Dương với 12 vạn binh sĩ. Trong vài tháng bị vây thành đã cùng An Lộc Sơn đấu hơn 400 trận chiến, giết chết hơn 300 quân địch.
Tuy nhiên, ở thế địch nhiều, lại bị vây hãm, không lâu sau lương thảo trong thành cũng hết. Quân sĩ khi ấy phải giết ngựa để ăn, ăn hết ngựa lại phải bắt chuột, bắt chim sẻ để lấy thịt. Ngay đến da bọc trên cung tên khi ấy cũng bị róc ra để làm thành đồ ăn.
Trương Tuần trước cảnh ấy đã phải giết ái thiếp của mình, Hứa Viễn cũng phải giết người hầu trong nhà để “nuôi quân”.

Thành Tuy Dương liên tục bị quân của An Lộc Sơn bao vây nhiều tháng dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực trầm trọng.
Thành Tuy Dương liên tục bị quân của An Lộc Sơn bao vây nhiều tháng dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực trầm trọng.
Vào năm Thuận Trị thứ chín (1652) dưới thời nhà Thanh, tướng quân Nam Minh (chính quyền do con cháu nhà Minh lập ra ở phía nam Trung Quốc sau khi triều Minh bị diệt) khi đó là Lý Định Quốc khởi binh đánh vào Tân Hội.
Trong thành khi ấy lương thảo đã cạn, quân Thanh phải giết dân để lấy thịt. Khi ấy trong thành có một nàng dâu họ Mạc sống nương tựa vào mẹ chồng. Quân Thanh muốn giết người mẹ già cả, cô gái này liền dập đầu xin chết thay, liền được đồng ý.
Lại có một mỹ nữ họ Lý có chồng bị quân Thanh bắt đi. Trước cảnh chồng sắp bị giết, Lý thị khóc lóc cầu xin: “Chồng ta còn chưa có con, nếu giết chàng, nhà chàng đời sau sẽ tuyệt tự, tôi sống cũng không có ích lợi gì. Nếu muốn ăn xin hãy ăn tôi!”
Tướng quân Thanh triều cũng đồng ý, sau khi lấy thịt mỹ nữ còn đem xương cốt gửi lại cho chồng để đem về an táng.
Thành Tân Hội bị vây liên tiếp 8 tháng, quân sĩ trong thành vì đói khát đã ăn thịt cả vạn người dân, trong đó đại bộ phận là phụ nữ và trẻ em.
Khi ấy có gia đình chỉ còn lại một người may mắn sống sót qua nạn binh đao, sau này gặp lại vị tướng quân trấn thành năm xưa, liền quỳ xuống mà bái lạy. Vị tướng này khi ấy mới kinh ngạc mà hỏi: “Ngươi bái ta làm gì?”
Người này đáp: “Vợ của tôi và các con đều ở trong bụng các ngài, họ cũng không có phần mộ. Hôm nay đã gần tới tiết Thanh Minh, tôi không vái trước bụng các người, thì vái ở đâu?”










Tại sao nói, Trung Quốc phạm tội ác với nhân loại khi phá san hô ở Biển Đông?

"Sự việc gần đây cho thấy, Trung Quốc đã phớt lờ các tác động đến những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở quần đảo Trường Sa, đang bị phá huỷ và chôn vùi một cách nhanh chóng"- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.
Trong bài trước Infonet đã đăng lời phát biểu của TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ dẫn lời các nhà khoa học cho rằng, việc Trung Quốc phá nát các rạn san hô xây đảo nhân tạo phi pháp và để ngư dân phá san hô khai thác tận thu sản vật là “tội ác với nhân loại”. 
Để lý giải rõ hơn về vấn đề này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường).

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) là người nặng lòng với nghiên cứu môi trường và kinh tế biển, hiện ông đang giảng dạy tại Trường Đại học Tư nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông đã xuất bản, đăng tải nhiều cuốn sách về bảo vệ môi trường biển.
Thưa ông, là người nghiên cứu sâu về vấn đề kinh tế biển và môi trường biển, xin ông cho biết môi trường biển có tác động thế nào đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có Việt Nam?


PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thực tế, các bệnh của đại dương và biển nói trên là kết quả của quá trình ‘Biến đổi đại dương – ocean change’ và tiếp tục gây ra các hậu quả môi trường tiêu cực trong chính đại dương và biển. Thí dụ như: làm thay đổi cấu trúc dòng chảy đại dương và biển; thay đổi xu hướng phân bố các quần đàn sinh vật biển (ra xa bờ hơn và mở rộng về hai cực nhiều hơn), trong đó có các loài thủy sản; tăng cường xâm nhập mặn vào nội địa; mở rộng diện xói lở bờ biển; hiện tượng thủy triều đỏ và phì dưỡng kéo theo dịch bệnh thủy sản xuất hiện ngày càng nhiều; bùng phát tảo độc hại; các rạn san hô bị tẩy trắng; tần suất xuất hiện El-Nino và La-Nina dầy hơn và hậu quả là các pha lũ lụt và hạn hán nhiều hơn và phức tạp hơn.
Ngoài ra, đại dương và khí quyển là hai hệ thống tự nhiên cấp hành tinh, luôn ảnh hưởng tương tác lẫn nhau và quyết định vòng tuần hoàn nước toàn cầu. Cho nên, biến đổi khí hậu (climate change) tác động vào đại dương, và ngược lại các biến đổi đại dương cũng sẽ tác động trở lại bầu khí quyển và làm thay đổi hệ thống khí hậu. Đây là hai mặt của một vấn đề khi ứng phó.
Các tàu cá của Trung Quốc neo đậu tại bãi san hô để phá nát các rạn san hô (ảnh từ báo chí nước ngoài)
Xin ông cho biết vài nét khái quát nhất về thực trạng môi trường biển hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Môi trường biển là yếu tố đóng vai trò ‘chất xúc tác’ cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Môi trường biển được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm; ô nhiễm môi trường, suy thoái nguồn lợi thủy sản, mất đa dạng sinh sinh học, sự cố môi trường và tai biến thiên nhiên biển. Về bản chất, môi trường biển gồm 3 hợp phần cơ bản là: nước biển, trầm tích đáy biển và sinh giới sống trong biển. Môi trường biển luôn biến động, mang tính xuyên biên giới (transboundary) và ô nhiễm biển thường không chỉ rõ được nguồn gốc (non-point source).
Cuối năm 2012, lần đầu tiên Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã tiến hành ‘khám sức khỏe’ cho đại dương dựa trên 10 chỉ tiêu để tính Chỉ số sức khỏe đại dương (Ocean Health Index – OHI) ở 71 vùng biển quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thang điểm 100 thì Việt Nam là quốc gia duy nhất đứng ở vị trí 50 điểm, khoảng 70% các quốc gia có điểm số thấp dưới 50 và khoảng 30% còn lại ở mức cao hơn 50 điểm. Cùng với việc đánh giá tình trạng chung của môi trường biển, các tổ chức và chương trình quốc tế cũng phát hiện đại dương và biển có 6 ‘bệnh’ chính: nước đại dương ấm lên, đang bị axit hóa, đang bị thiếu ôxy (tạo thành các ‘vùng biển chết’),  mức độ ô nhiễm gia tăng (trong đó đóng từ đất liền đưa ra khoảng 30-70%),nước biển dâng (trên quy mô toàn cầu) và nguồn lợi thủy sản biển bị suy thoái ngày càng nghiêm trọng.
Trong số các nguồn gây ô nhiễm biển và đại dương, các chất dinh dưỡng và rác thải biển (marine litter) là một ‘vấn nạn’ ở mức toàn cầu. Thí dụ, hàng năm có khoảng 7 tỷ tấn rác thải được đổ vào biển và đại dương. Mỗi ngày có khoảng 8 triệu loại rác thải biển được đưa vào biển và đại dương, trong đó ước khoảng 5 triệu loại bị ‘ném ra’ từ các con tàu, trên 13.000 mảnh rác thải biển trôi nổi trong từng km2 bề mặt biển và đại dương. Hậu quả là khoảng 1 triệu chim nước đã bị giết chết do bị quấn, bị ngạt bởi các rác thải biển, đặc là các loại lưới, sợi nilon thải bỏ không phân hủy.
Thưa ông, gần đây nhất, Trung Quốc đang phá nát các rạn san hô để xây dựng các đảo nhân tạo, đồng thời ngư dân Trung Quốc cũng cào nát rạn san hô khu vực khác để săn tìm sản vật. Có ý kiến cho rằng đây là “tội ác với nhân loại”. Ý kiến của ông như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng. Từ năm 2014 Trung Quốc đã phá hủy hàng loạt các rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác (12.000 hecta) để lấy cát tôn tạo 7 bãi cạn, đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo phi pháp. Việc làm này gây ra các tác động môi trường trước mắt và lâu dài với quy mô ảnh hưởng rộng ra phần lớn Biển Đông mà các nhà khoa học ước tính thiệt hại mức hiện nay khoảng 400 triệu USD/năm cho các nước quanh vùng biển này, trong đó có Trung Quốc.
Sự việc gần đây cho thấy, Trung Quốc đã phớt lờ các tác động đến những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở quần đảo Trường Sa, đang bị phá huỷ và chôn vùi một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, các rạn san hô và thảm cỏ biển ở đây là những hệ sinh thái có năng suất cao, hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm triệu cư dân ven Biển Đông. Cuộc sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái biển nông này từ thời cổ xưa cho tới nay. Sự đa dạng của các loài san hô trong khu vực này không nơi nào trên thế giới có thể bì kịp với hơn 500 loài san hô tạo rạn được phát hiện tính đến năm 2014.
Nhờ sự đa dạng phong phú của các rạn san hô, quần đảo Trường Sa như một "nhà máy" sản xuất chất dinh dưỡng giúp duy trì sự sống trong Biển Đông. Và đây cũng là trung tâm phát tán, cung cấp các nguồn giống hải sản cho phần lớn Biển Đông để duy trì nghề truyền thống của các nước trong khu vực.
Hồng Chuyên (thực hiện)






Phá nát rạn san hô ở Biển Đông, Trung Quốc cũng phải “lãnh” hậu quả







"Đây là một "tội xâm lược môi trường" mà hành vi của nó là gây ảnh hưởng nghiêm trọng trước mắt và lâu dài đến nghề cá khu vực Biển Đông"- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.
Trong bài trước, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đã lên án hành động của Trung Quốc phá nát các rạn san hô ở Biển Đông. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng: “Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, đá, rạn san hô và rạn san hô vòng (alton) ở quần đảo Trường Sa, mà còn "cắt đứt" mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông”.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
Bài này, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi sẽ nhấn mạnh hơn nữa vai trò của việc bảo vệ sinh thái biển, đồng thời cũng nêu bật những nỗ lực bảo vệ môi trường biển của cả thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, trái ngược với những lo lắng, đầu tư công sức bảo vệ môi trường biển cho nhân loại, cho thế hệ sau, không chỉ nhà cầm quyền Trung Quốc mà cả những người ngư dân Trung Quốc cũng tìm cách phá hủy những giá trị đó. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang đi ngược lại nỗ lực bảo vệ môi trường của nhân loại. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi với PV Infonet.
Thưa ông, bài trước ông đã nói về thực trạng xâm hại môi trường biển rất nặng nề, trong đó có hành động của Trung Quốc, vậy thế giới đã nỗ lực bảo vệ môi trường biển như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Để cứu lấy đại dương và giải quyết bài toán tác động của biến đổi khí hậu, các tổ chức trợ giúp kỹ thuật cho Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế phi chính phủ, cùng với các quốc gia trên thế giới đã có nhiều nỗ lực bước đầu. Khoảng 92 quốc gia biển, trong đó có Việt Nam đã ký Tuyên bố đại dương Manađô (Indonexia tháng 5-2009) về ‘Vai trò của đại dương trong thích ứng với biến đổi khí hậu’ gồm 21 điểm liên quan đến: vai trò của đại dương, các tác đông đến đại dương, tác động của biến đổi khí hậu đến đại dương và đại dương trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên bố Manila về ‘Quản lý tổng hợp vùng bờ biển và biến đổi khí hậu’ được 10 quốc gia biển Đông Á ký, trong đó có Việt Nam, tại Philippine tháng 11/2009. Tuyên bố 20 điểm này nhấn mạnh đến giải pháp lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào lập kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ biển khu vưc Đông Á và các quốc gia thành viên.Đặc biệt, tại Tp Rio de Janeiro năm 2012, cộng đồng đại dương thế giới, trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Đại dương Rio+20 về ‘Quan hệ giữa đại dương và khí hậu, giữa biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu’.


Thực hiện Kế hoạch đại dương hậu Rio+20, các nhà khoa học đang nghiên cứu nhằm: tăng cường khả năng thu-giữ CO2 thừa tạo nhóm khí nhà kinh, gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu và làm biến đổi khí hậu; tận dụng các ‘bẫy điạ tầng’ khi khai thác xong các mỏ biển/đại dương để bơm và chôn CO2 thừa ở bầu khí quyển. Các nỗ lực giảm thiểu khí nhà kính sẽ giảm tác động của biến đổi khí hậu đến đại dương và biển.
Ưu tiên của thế giới là thích ứng với biến đổi khí hậu và giải pháp công trình mềm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường của đại dương. Coi việc đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ biển (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô ven bờ,…) là đầu tư cho cơ sở hạ tầng tự nhiên, là đầu tư cho tương lai. Quan điểm này rất phù hợp với khả năng chống đỡ thiên tai biển của một nước có nguồn lực hạn chế, nếu không sẽ chỉ là ‘lấy đũa chống Trời’.
Trong khi đó, Trung Quốc lại ra tay phá hoại môi trường biển, hành động này sẽ khiến thế giới, trong đó có Trung Quốc sẽ phải  gánh chịu hậu quả thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với số tiền ước tính khoảng 400 triệu đôla một năm.
Thực tế, tính đến cuối tháng 7/2015, Trung Quốc đã lấn biển, bồi đắp hơn 1.200 hecta tại các bãi, đá mà họ đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Điều này đã gây hủy hoại nhiều ngàn hecta rạn san hô và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo các "đảo nhân tạo" ở quần đảo Trường Sa. Phải mất hàng ngàn năm mới có thể tạo nên được.
Theo tôi, nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn thì thiệt hại còn tiếp tục tăng. Kéo theo là việc khai thác các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cũng như khai thác hải sản quá mức và mang tính hủy diệt, huỷ hoại hay xâm hại các hệ sinh thái ở vùng biển quan trọng này của thế giới. Trung Quốc phải chấm dứt những hành động xâm hại tới năng suất và đa dạng sinh học của các vùng biển trong Biển Đông từ việc làm sai trái của mình.
Không chỉ có các nước xung quanh Biển Đông và cả nhân loại sẽ phải chịu cảnh “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ” mà ngay cả Trung Quốc cũng phải hứng chịu những thiệt hại này.
Không chỉ có Việt Nam phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm hệ sinh thái biển, khoảng tháng 10/2015, một tổ chức phi chính phủ đã gửi đơn lên Liên Hợp Quốc đề nghị điều tra Trung Quốc phá hoại môi trường Biển Đông. Ông bình luận như thế nào về sự kiện này?

Đầu tháng 10/2015, báo chí đồng loạt đưa tin, một tổ chức phi chính phủ đã đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) yêu cầu điều tra hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông, gây tác động tiêu cực đối với các nguồn tài nguyên biển.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi:  Theo tôi, đây là một phản ứng tất yếu và thực tế. Vì những hành vi thái quá của Trung Quốc ở Trường Sa làm thay đổi vị trí pháp lý và trạng thái tự nhiên của các thực thể tự nhiên với "thâm ý" về chủ quyền lâu dài.
Các tác động môi trường trong quá trình xây dựng các đảo nhân tạo, sự phá hủy cấu trúc và các chức năng tự nhiên vốn có của các rạn san hô ở đây,… 
Đây là một "tội xâm lược môi trường" mà hành vi của nó là gây ảnh hưởng nghiêm trọng trước mắt và lâu dài đến nghề cá khu vực Biển Đông.
Các hành vi này đã bị thế giới lên án trong thời gian vừa qua ở nhiều diễn đàn. Và nếu được Liên Hiệp Quốc quan tâm chấp nhận thì việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đánh giá quốc tế để minh bạch hóa các tác động do các hoạt động nói trên của Trung Quốc là cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên (thực hiện)
( Infonet)


(Quốc tế) - Báo chí quốc tế sẽ liên tục nhắc đến phán quyết này khi có bất kỳ xung đột hay căng thẳng nào xuất hiện trên Biển Đông. Trung Quốc chắc chắn sẽ bị lên án.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/12 đăng lại bài xã luận của Nhân Dân Nhật báo hôm Thứ Sáu tuần trước 19/12 chỉ trích Philippines không tiếc lời xung quanh vụ kiện đường lưỡi bò – Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Samma TV.
Lý sự cùn
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhắc lại 2 điểm: Không tham gia, không chấp nhận phiên tòa cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan về vụ kiện này. Nhân Dân Nhật báo giễu cợt vụ kiện của Philippines là “trò hề”, “chà đạp luật pháp quốc tế”, “hoàn toàn mang màu sắc chính trị”.
Lập luận của Nhân Dân Nhật báo không có gì mới, ngoài việc cố tình đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm hòng làm lệch lạc bản chất vụ kiện áp dụng và giải thích UNCLOS thành vụ kiện “chủ quyền, phân định biển”. Thiết nghĩ phán quyết của PCA hôm 29/10 đã là một câu trả lời đầy đủ.
Nhưng lời lẽ của Nhân Dân Nhật báo lần này dường như cay cú, nghiệt ngã hơn. Nó thể hiện sự bế tắc về lập luận và căn cứ pháp lý nên không còn cách nào khác ngoài lý sự cùn, chính trị hóa các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên càng tiếp tục chạy theo phương châm đối đầu với luật pháp quốc tế, cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ càng lớn.
Trong một động thái khác có liên quan, ông Hồng Lỗi – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần này còn lôi cả nhân dân Trung Quốc ra làm lá chắn trước áp lực dư luận về vụ kiện. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 21/12, ông Lỗi tuyên bố:
“Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc chỉ được quyết định bởi tất cả người dân Trung Quốc, không một cá nhân hay tổ chức nào khác có quyền xử lý vấn đề này. Chúng tôi kêu gọi Philippines từ bỏ ảo tưởng và bắt đầu lại quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp”.
5 cái giá phải trả
Tiến sĩ Mingjiang Li, một Phó giáo sư và là điều phối viên chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore bình luận trên chuyên trang của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS Hoa Kỳ, những tháng tới PCA có hể ra phán quyết trên ít nhất 7 nội dung trong số 15 nội dung Philippines đệ trình.
Khả năng rất lớn là Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của PCA như họ đã tuyên bố. Tuy nhiên Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho điều này trên ít nhất 5 phương diện. Thứ nhất, tranh chấp Biển Đông sẽ ngày càng được pháp lý hóa. Dư luận quốc tế về cơ bản sẽ xem xét phán quyết của PCA có tính ràng buộc đối với Trung Quốc.
Tiến sĩ Mingjiang Li, Singapore. Ảnh: Fiia.fi.
Dư luận, truyền thông quốc tế trong các vấn đề, sự vụ liên quan đến Biển Đông sẽ có khả năng ngày càng làm nổi bật những khía cạnh pháp lý hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi có phán quyết của PCA. Báo chí quốc tế sẽ liên tục nhắc đến phán quyết này khi có bất kỳ xung đột hay căng thẳng nào xuất hiện trên Biển Đông. Trung Quốc chắc chắn sẽ bị lên án bởi dư luận, truyền thông quốc tế.
Thứ hai, các tranh chấp ở Biển Đông được quốc tế hóa mạnh mẽ hơn trước. Các bên yêu sách khác, thậm chí cả các nước không có yêu sách ở Biển Đông sẽ cảm thấy thất vọng trước việc Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của tòa.
Khi cảm thấy kiệt sức trong việc tìm kiếm cách đối phó với hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, họ có thể quyết định khuyến khích các cường quốc ngoài khu vực tham gia sâu hơn trong việc quản lý an ninh ở Biển Đông.
Thứ ba, phán quyết của PCA có khả năng kích hoạt những căng thẳng mới ở Biển Đông do một số nước yêu sách có thể có những hành động, chẳng hạn như tăng cường đánh bắt cá, thăm dò khai thác tài nguyên và mở rộng các hoạt động thực thi pháp luật, đặc biệt là nếu đường lưỡi bò bị PCA bác bỏ.
Lúc này nếu Trung Quốc cản phá, các nước khác dễ tìm tới cơ quan tài phán và khởi kiện Trung Quốc.
Thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và các nước lớn khác ở Biển Đông có thể sẽ gia tăng sau phán quyết của Tòa. Biển Đông không chỉ có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, phân định ranh giới biển, áp dụng và giải thích UNCLOS, mà nó còn liên quan trực tiếp đến cấu trúc an ninh, cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bất kỳ cuộc xung đột hay căng thẳng nào ở Biển Đông có khả năng nhắc nhở Mỹ phải có phản ứng. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy Hoa Kỳ chịu lép vế trong vấn đề Biển Đông.
Trên thực tế, vụ kiện này còn có thể tăng cường sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông, ngoài ra còn có Nhật Bản và Úc cũng sẽ có cách tiến hành hoạt động của riêng họ để bảo vệ tự do, an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông.
Thứ năm, Trung Quốc có thể gặp phải những thách thức ngoại giao nghiêm trọng hậu phán quyết của PCA. Vài năm qua, mối quan tâm của các nước Đông Nam Á về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng lớn. Quan điểm của khu vực có khả năng sẽ thay đổi nhiều hơn sau phán quyết của Tòa.
Bắc Kinh có thể khó khăn hơn trong việc triển khai ‘sáng kiến’ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Đồng thời cũng rất có khả năng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn ngoại giao lớn hơn trong các diễn đàn đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương khi Biển Đông thường xuyên được nhắc tới.
Trung Quốc sẽ rất khó khăn (thực tế là không thể) thuyết phục dư luận rằng, phán quyết của PCA là bất công, bất hợp pháp nên mới bỏ qua nó. Về mặt chiến lược, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là làm thế nào để cân bằng chiến lược, an ninh, chính trị và lợi ích kinh tế trong khu vực sau khi phớt lờ phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.
(Theo Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: