Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Ối giời ôi ...kẻ "bẫy" doanh nghiệp lại là các cơ quan nhà nước




Phải "sục" vào các Bộ tìm "bẫy"

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng ông luôn trăn trở cần phải "sục" vào các Bộ tìm hàng loạt các "bẫy" quy định, từ đây bật ra hàng loạt thủ tục, cơ chế trói buộc doanh nghiệp...
Sáng 22/12, VCCI tổ chức khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất đối với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc cho biết, cuộc bình chọn có thể coi như giải Oscar và Mâm xôi vàng cho các quy định pháp luật.
Hoạt động này có tác dụng thiệt thực góp phần cổ vũ những văn bản pháp luật tốt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời cảnh báo những quy định bất lợi, không phù hợp đang gây cản hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, các quy định này được ban hành bởi các cơ quan Nhà nước cấp trung ương trong thời gian từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2015. Đây sẽ là những quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh.


Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng văn bản pháp luật của Việt Nam thiếu khoa học và cơ sở thực tiễn
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế VCCI cho biết, các tiêu chí đánh giá được VCCI đưa ra bao gồm: sự cần thiết ban hành văn bản; tính hợp lý; tính thống nhất; tính khả thi; tính minh bạch; chi phí tuân thủ và quyền tự do kinh doanh; môi trường cạnh tranh; kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu; thời điểm ban hành, có hiệu lực.
Một số quy định tồi nhất được VCCI dẫn chứng như : Nghị định 60/2014 yêu cầu điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in; Thông tư 21 về đăng ký hàm lượng hoạt chất đối với mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật; Thông tư 47 yêu cầu nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A – là mức tương đương với nước mà con người có thể uống được; Thông tư 20 về hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng…
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp không thể ngồi chờ các bộ ngành thay đổi thái độ, mà với tư cách là khách hàng phải đòi hỏi những dịch vụ tốt, các quy định tốt. Mặc dù từ năm 1997, các chuyên gia cũng như các nhà làm chính sách đã thảo luận có thể tiếp cận ngang hàng với OECD về mặt tư duy. Nhưng trên thực tế chất lượng văn bản pháp luật của Việt Nam cơ bản là tồi.
"Tìm kiếm 10 cái xấu thì quá dễ trong khi tìm kiếm 10 cái tốt thì hơi khó. Theo tôi cái tồi nhiều hơn", ông Cung đánh giá.
Theo ông Cung, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam rất ít văn bản có xác định mục tiêu chỉ có mục tiêu chung là quản lý, từ cơ quan nhà nước áp xuống mà chưa vì sự phát triển.
Văn bản pháp luật phải có cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học rõ ràng, trong khi văn bản Việt Nam phần lớn thiếu hai cơ sở này. Việc ban hành quy định pháp luật không dựa trên chứng cứ mà dựa trên mong muốn, ý tưởng chủ quan. Văn bản đưa ra để lợi ích phải vượt chi phí nhưng hiện tại ở Việt Nam áp dụng cho đúng quy trình hơn là một công cụ để nâng cao chất lượng. Và quy định đặt ra phải thúc đẩy cạnh tranh, nhưng hiện nhiều quy định góp phần cản trở việc kinh doanh.
Dẫn chứng về điều này, ông Cung cho biết, khi đặt ra các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo phải có nhà máy xay, kho bãi 10.000 tấn là không có cơ sở khoa học thực tiễn và làm méo mó cạnh tranh, bảo vệ lợi ích của một nhóm người.
Ông Cung cho rằng khâu tổ chức thực hiện các quy định cũng không tốt. Quy định pháp luật hiện nay đang theo hình phễu. Luật mở nhưng các nghị định, thông tư đều bóp lại dẫn đến việc các nghị định, thông tư được tuân thủ nhiều hơn.
"Các Bộ trưởng dường như không quan tâm đến cải cách thể chế, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, họ dành thời gian công sức cho việc khác. Trong khi theo tôi nhiệm vụ hàng đầu của Bộ trưởng là cải cách thể chế”, ông Cung nhìn nhận.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng ông luôn trăn trở cần phải "sục" vào các Bộ tìm hàng loạt các "bẫy" quy định, từ đây bật ra hàng loạt thủ tục, cơ chế trói buộc doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, tạo cơ chế độc quyền cho cơ quan quản lý cấp Bộ. Chính vì vậy ông cho rằng ý tưởng bình chọn này rất hay.
Theo đó, 10 quy định tốt nhất và tồi nhất sẽ được các Hiệp hội doanh nghiệp, các cá nhân tham gia bình chọn. Chương trình bình chọn bắt đầu từ việc thu thập đề cử từ nay đến hết ngày 22/01/2016. Thời gian tiến hành bình chọn đến hết ngày 11/3/2016 và dự kiến công bố kết quả vào tháng 4/2016.
Diệu Thùy
( Infonet)

Giật mình khi gần 50% học sinh TPHCM thừa cân, béo phì


Số học sinh thấp còi, gầy còm giảm nhưng số học sinh thừa cân, béo phì tại TPHCM đang tăng vùn vụt đến mức báo động.
Các học sinh tham gia phần thi tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng
Chiều 22/12, Sở GDĐT phối hợp cùng Sở Y tế TPHCM tổ chức hoạt động truyền thông và hội thi kiến thức về dinh dưỡng trong chương trình tuyên truyền chiến lược quốc gia về dinh dưỡng năm 2015.
Hơn 300 học sinh THCS đến từ 12 trường trong thành phố đã tham gia thi tài ở các phần thi về kiến thức dinh dưỡng, tiểu phẩm và đồng diễn thể dục. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, đầu tư cho dinh dưỡng là đầu tư cho nguồn nhân lực, cho sự phát triển của đất nước.
Thành phố hiện đang đối mặt với hàng loạt thách thức về sức khỏe học đường như tình trạng cận thị, cong vẹo cột sống, béo phì, suy dinh dưỡng… cũng như nguy cơ lây lan các dịch bệnh trong trường học, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Vì thế, hoạt động này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về dinh dưỡng, rèn luyện sức khỏe học sinh, tạo cho người dân có ý thức quan tâm đến dinh dưỡng.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM nhấn mạnh, chỉ sau 5 năm (từ 2009 – 2014), tỉ lệ học sinh béo phì của TPHCM đã tăng từ 4% lên 19%, tỉ lệ trẻ thừa cân tăng từ 14,6% lên 22,4%. Càng ở các cấp học nhỏ tuổi, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì càng nhiều.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng tiếp các phụ huynh đến khám cho con, người nào cũng hỏi con tôi cao như thế, nặng như thế có suy dinh dưỡng không. Thực ra, phần lớn các cháu nhìn thấy gầy gầy mới là phát triển bình thường, nhưng tâm lý chung của các bậc cha mẹ, ông bà đều muốn con cháu mình phải bụ bẫm mà không biết rằng, trẻ như vậy đã là thừa cân hoặc béo phì”.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thói quen dinh dưỡng không hợp lý, chế độ ăn không cân đối, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều đường, uống ít sữa hoặc chọn không đúng loại sữa. 
Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết, học sinh hiện nay ăn quá ít rau quả, số học sinh ăn 2-3 phần rau/ngày chỉ chiếm từ 5-7%. “Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng do trường cho con họ ăn như vậy nhưng họ không nhận ra rằng, lượng thức ăn trẻ ăn ở trường chỉ chiếm 50%, còn lại là ăn ở gia đình. 
Trong trường các thầy cô bớt cơm, bớt khẩu phần của trẻ béo phì thì đón ra cổng, cha mẹ lại mua nước ngọt, xúc xích cho con ăn, như vậy thì làm sao có tác dụng”, bác sĩ Ngọc Diệp chia sẻ.
Đáng giật mình hơn, khi tiến hành khảo sát ở 30 trường học tại TPHCM, có đến 15,4% học sinh bị tăng huyết áp. Bác sĩ Ngọc Diệp nhấn mạnh, gần như 100% trẻ béo phì đều tăng huyết áp. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại về sức khỏe học đường.
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM đưa các khuyến nghị: cần có chương trình can thiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả nhằm khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì; Rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy định cụ thể về vận động, dinh dưỡng trong trường học; Giao chỉ tiêu kiểm soát học sinh thừa cân, béo phì cho các trường; Tăng cường nhân lực phụ trách y tế, bán trú.
Đồng thời, phải phát hiện sớm các rối loạn dinh dưỡng trong học sinh, hướng dẫn học sinh tăng cường vận động, chuẩn hóa thực đơn bữa ăn học đường và triển khai “căng tin lành mạnh” trong mỗi trường học.
An Nhiên

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

việc gì mà phải sục, vấn đề là ở chõ lúc đương nhiệm ông ấy không dám kiểm tra