(Ảnh minh họa)
Phạm Thuần Nhân là đại thần của thời Bắc Tống
được xưng là “tể tướng áo vải”. Ông là con trai
thứ hai của tể tướng Phạm Trọng Yêm. Mặc dù về
trình độ học vấn, Phạm Thuần Nhân không sánh
bằng với cha ông nhưng ông lại có khí phách mà
người thường khó có thể tưởng tượng được. Phạm Thuần Nhân có mối quan hệ tốt đẹp với Trình Di – một học giả Nho giáo của Bắc Tống. Một hôm, Trình Di tới thăm Phạm Thuần Nhân ngay khi Phạm Thuần Nhân vừa nghỉ hưu. Lúc hai người nói về chuyện cũ, Phạm Thuần Nhân tỏ ra vô cùng nhớ nhung về quãng thời gian ông làm tể tướng.
Trình Di nghe xong không thấy thỏa đáng liền thẳng thắn nói: “Năm đó, có rất nhiều sự tình ngài xử lý không ổn, chẳng lẽ ngài không cảm thấy hổ thẹn sao?”
Phạm Thuần Nhân không hiểu Trình Di nói như vậy là có ý chỉ về việc gì.
Trình Di lại nói: “Vào năm thứ hai khi ngài đang đảm nhiệm chức vụ, một vùng ở Tô Châu xảy ra nạn cướp bóc, chiếm đoạt lương thực bởi một nhóm người. Theo lý, ngài nên trình bày thẳng thắn sự việc trước mặt Hoàng Thượng. Nhưng ngài lại không nói bất kể điều gì, khiến cho rất nhiều dân chúng vô tội bị trừng phạt nghiêm khắc.”
Phạm Thuần Nhân liền vội vàng cúi đầu nhận lỗi: “Đúng vậy! Lúc đó tôi thực sự nên thay mặt dân chúng nói rõ ra.”
Trình Di nói tiếp: “Vào năm thứ ba ngài đang đương chức, tại Ngô Trung xảy ra thiên tai, dân chúng dùng cỏ cây để ăn chống đói. Mặc dù quan viên tại địa phương báo cáo nhiều lần, thế mà ngài lại bỏ mặc.”
Phạm Thuần Nhân vô cùng xấu hổ nói: “Việc này đúng là tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình!”
Sau đó, Trình Di lại vạch ra rất nhiều khiếm khuyết mà Phạm Thuần Nhân đã mắc phải và Phạm Thuần Nhân mỗi lần nghe xong đều chân thành nhận lỗi.
Sau cuộc gặp mặt này mấy hôm, Hoàng Thượng cho gọi Trình Di đến gặp mặt để hỏi về việc chính trị. Trình Di đã nói rất nhiều về kế sách “trị quốc an bang” với Hoàng Thượng. Hoàng Thượng nghe xong tán thưởng không ngừng và cảm khái nói: “Ngươi rất có khí phách giống như Phạm Thuần Nhân trước đây!”
Trình Di không cam lòng để Hoàng Thượng so sánh mình với Phạm Thuần Nhân, ông nói: “Chẳng lẽ, Phạm Thuần Nhân đã từng góp ý với Hoàng Thượng sao?”
Hoàng Thượng bèn sai người mang lên một chiếc hòm và chỉ vào đó rồi nói: “Trong này tất cả đều là tấu chương của Phạm Thuần Nhân dâng lên trẫm năm xưa.”
Trình Di cảm thấy nghi hoặc mở những bản tấu chương ra xem. Lúc này, ông mới phát hiện trong tấu chương có nhắc đến những sự tình mà ông đã trách mắng Phạm Thuần Nhân mấy hôm trước. Hóa ra Phạm Thuần Nhân đã có góp ý với Hoàng Thượng, nhưng vì có một vài nguyên nhân khiến cho việc áp dụng những góp ý này không mang lại được kết quả tốt đẹp. Vậy mà, Phạm Thuần Nhân đều nhận hết lỗi về mình không một lời giải thích. Trình Di đỏ mặt và trầm ngâm.
Ngay ngày hôm sau, Trình Di lập tức đến nhà Phạm Thuần Nhân xin lỗi. Phạm Thuần Nhân nghe xong, bật cười rồi nói: “Người không biết không có tội, ngài không cần phải xin lỗi!”
Phạm Thuần Nhân từng nói rằng: Biết tha thứ người khác, điều nhận được sẽ là vô tận. Tha thứ là dùng tấm lòng khoan dung rộng lượng của mình để khoan dung người khác. Đối mặt với người trách cứ mình, ngẩng đầu giải thích cùng họ không bằng cúi đầu nhận lỗi. Khiêm tốn nhận lỗi thường có sức mạnh và tác dụng hơn nhiều so với việc bướng bỉnh giải thích.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Dám khuyên lời thật, một lòng vì dân (Phần 2)
Yến Tử khuyên Cảnh Công cần chính và yêu dân
Cảnh Công ham vui hưởng lạc. Khi Yến Tử đang đi ngoại giao ở nước Lỗ, Cảnh Công đã ra lệnh xây một cung đình mới phục vụ cho việc du ngoạn khi về già. Việc xây dựng tiếp diễn trong mùa đông, và thời tiết rất lạnh. Những người dân bị phái đi xây dựng không thể trở về nhà để thu hoạch hoa màu vốn đã mục nát trên những cánh đồng. Nhiều người trong số họ không đủ lương thực và phải chịu đói suốt mùa đông. Người dân không tránh khỏi oán thán, đều hy vọng Yến Tử sẽ sớm trở về và cứu họ thoát khỏi khốn khổ.
Khi Yến Tử trở về, ông đã biết việc xảy ra trong khi ông vắng mặt. Ông liền đến gặp Cảnh Công để báo cáo. Cảnh Công liền hạ lệnh thiết yến khoản đãi ông. Sau khi ăn và nói chuyện một lúc, Yến Tử đứng dậy và nói: “Xin bệ hạ cho thần hát một bài.” Sau đó Yến Tử bắt đầu hát: “Đã cuối năm rồi nhưng cây trồng chưa được thu hoạch; phải làm gì đây? Ta rất lo lắng. Trời rất lạnh, nhưng việc xây dựng vẫn chưa xong; phải làm gì đây? Lòng ta đầy ưu phiền.” Sau khi hát xong, ông bắt đầu khóc. Cảnh Công lập tức nhận ra Yến Tử đang đề cập đến việc xây dựng cung đình mới. Ông tiến đến Yến Tử và nói: “Khanh hà tất phải như vậy. Nếu khanh đang nhắc đến việc xây dựng cung đình, ta sẽ lập tức hạ lệnh ngưng xây dựng.” Yến Tử đã bái tạ Cảnh Công. Đợi Yến Tử rời đi, Cảnh Công liền hạ lệnh ngừng việc xây dựng như đã hứa. Ngay khi nghe tin này, các dân công xây dựng đã nhanh chóng rời đi.
Cảnh Công đi du ngoạn 18 ngày. Yến Tử đã tìm Cảnh Công mời ông về xử lý triều chính. Cảnh Công ngạc nhiên và nói: “Tại sao ta cần quay về và xử lý triều chính. Chẳng phải là những vấn đề pháp lý đang được xử lý tốt đẹp sao? Đã có Thái sĩ tử ngưu (một chức quan phụ trách vấn đề pháp luật) xử lý là được rồi. Xã tắc tông miếu chẳng phải đang được cúng bái kịp thời sao? Có Thái chúc tử du (một chức quan phụ trách việc lễ bái) xử lý việc này là được rồi. Việc ngoại giao với các nước chư hầu không tốt hay sao? Đã có Hành nhân tử vũ (một chức quan phụ trách ngoại giao) xử lý việc này. Có thể chúng ta đã không trồng trọt đủ trong năm nay, hay kho dự trữ không có đủ lương thực và tiếp tế. Các quan viên phụ trách nông nghiệp sẽ giải quyết điều đó. Còn đối với việc quản lý đất nước nói chung, thì khanh là người phụ trách. Ta có đến năm vị đại thần, tại sao ta phải lo lắng?” Yến Tử đáp: “Mỗi người đều có nhiệm vụ và nên làm tốt việc của mình. Nhưng bệ hạ chẳng làm gì cả trong những ngày qua.” Cảnh Công nhận ra rằng mình đã sai và theo Yến Tử trở về.
Dù Cảnh Công có những đại thần đáng tin cậy phụ trợ việc nước, nhưng vua vẫn có chức trách của vua. Cảnh Công nghĩ rằng ông có thể kê cao ghế ngồi nghỉ ngơi, hưởng an nhàn bởi đã có các công thần lo liệu mọi việc. Kỳ thực, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm riêng và bổn phận của mình. Không thể vì những người khác đã làm tốt bổn phận của họ mà bản thân lại lơ là trách nhiệm của mình.
Cảnh Công giúp người già nghèo đói
Một ngày nọ, Cảnh Công cùng nhiều quan viên du ngoạn tại Thọ Cung, vô tình thấy một ông lão lớn tuổi ốm yếu, nhợt nhạt với một bó củi lớn trên lưng. Dường như ông lão đã không ăn gì trong một thời gian dài, và trông ông kiệt sức. Cảnh Công cảm thấy rất buồn và thấy tội nghiệp ông lão. Ông ra lệnh cho người chăm sóc ông lão để ông lão không phải làm việc cực nhọc và chịu đói nữa.
Yến Tử đã ca ngợi việc làm của Cảnh Công. Ông nói: “Thần nghe nói bản chất của một quân vương là giữ người tài đức bên cạnh và xót thương cho những ai bất hạnh. Như hôm nay Ngài thương xót ông lão kia, điều đó cho thấy Ngài sẵn lòng đối đãi tốt bách tính. Đó chính là gốc rễ của việc trị quốc!” Cảnh Công rất vui nghe điều này. Yến Tử tiếp tục: “Một bậc quân vương thánh minh sẽ đánh giá cao năng lực và đạo đức, gặp kẻ bất hạnh đem lòng xót thương. Khi thấy người khác đang chịu khổ, cũng sẽ nghĩ đến những người khác đang gặp cảnh tương tự. Thần thỉnh cầu Ngài hãy lệnh cho các quan lại địa phương tìm hiểu về những người cần giúp đỡ – người già, trẻ em, góa phụ, người vô gia cư và chăm sóc họ một cách thích đáng. Bằng cách này sẽ có thể truyền rộng ân huệ của Ngài khắp nơi.” Cảnh Công thật sự thích ý kiến của Yến Tử và lập tức đồng ý làm theo đề nghị của ông. Cảm ơn lời khuyên của Yến Tử, những người già, trẻ em và người dân yếu đuối của nước Tề đã được chăm sóc. Người dân nước Tề sau đó sống ngày càng an định và hài hòa hơn.
Nhìn thấy Cảnh Công thương xót một ông lão, Yến Tử đã tận dụng cơ hội để thuyết phục Cảnh Công trở nên tốt và quan tâm đến mọi người trong nước. Một tâm trí mở mang và chu đáo là cần thiết không chỉ khi đưa ra lời khuyên, mà còn trong việc chấp nhận lời khuyên. Người ta phải khẳng định và khuyến khích điểm mạnh của người khác. Khi người khác đưa ra kiến nghị tốt hơn, liệu một người có vui vẻ chấp nhận và tiếp tục cải thiện bản thân để họ có thể đề cao hay không?
Cảnh Công muốn thưởng cho kẻ vô công và trừng phạt người có công
Một lần Cảnh Công muốn ban thưởng cho người mà ông thiên vị. Ba người sẽ nhận được phần thưởng cao nhất, và năm người sẽ nhận được phần thưởng thấp hơn. Khi ông ra lệnh thực hiện, vị quan viên phụ trách đã từ chối thực hiện. Cảnh Công rất tức giận. Ông đã ra lệnh cắt chức vị quan này. Nhưng vị quan phụ trách tư pháp cũng không tuân theo lệnh. Cảnh Công rất không vui. Ông nói với Yến Tử: “Quả nhân nghe nói, bậc quân vương trị quốc có quyền ban thưởng cho người mà họ thích và không thưởng cho người họ không thích. Nhưng hôm nay Quả nhân lại không thể ban thưởng cho người ta thích, và không thể cắt chức người ta không thích. Quả thực ta đã mất đi quyền lực của một bậc quân vương rồi!”
Yến Tử đáp lại: “Yến Tử nghe nói rằng, khi quân vương ngôn hành chính xác, đại thần sẽ y mệnh hành sự, như vậy được xem là vâng lời. Nếu quân vương hành vi có phần không đúng, đại thần cũng theo đó phục tùng, đó chính là phản nghịch. Hiện giờ Ngài muốn thưởng lớn cho những kẻ sàm tấu, xu nịnh, và muốn bên dưới tuân lệnh. Quân vương đang đi sai đường, và muốn quan lại phục tùng thì đó hẳn là thất chính. Các bậc tiên vương ban luật thưởng cho người có công để khuyến thiện, và trừng phạt người xấu để ngăn chặn cái ác. Lý do mà vua của các triều đại Hạ, Thương và Chu có thể xưng vương thiên hạ là vì họ ban thưởng cho những người mang lại lợi ích cho đất nước, và trừng phạt kẻ gây hại cho quốc gia. Kết quả là, đất nước ngày càng có nhiều người tài đức, người xấu bắt đầu cải chính và ngừng làm điều xấu, bách tính sống trong hòa bình và trật tự.”
Yến Tử tiếp tục: “Khi đất nước suy yếu, bậc đế vương buông lơi và sống trụy lạc, họ thích và ban thưởng cho những kẻ tuân lệnh mù quáng và trừng phạt người không tuân lệnh. Họ đặt niềm tin nhầm chỗ và không còn phân biệt thiện ác. Do đó, ngày càng có nhiều kẻ tham nhũng, và những người hiền lương bị xua đuổi. Sau cùng, bách tính gia đình ly tán và quốc gia nguy bại phúc vong. Ngày hôm nay, nếu Ngài không noi theo cổ thánh tiên vương hưng vương thiên hạ, sẽ không thể xem xét sự tình vong quốc bại gia. Thần lo lắng rằng việc thưởng phạt quá mức sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nước Tề, đặc biệt là khi các quan quá sợ hãi không dám trình bày với Ngài.” Cảnh Công nghe những lời này lập tức hiểu rằng mình đã sai và nói: “Ta thật kém hiểu biết. Hãy làm theo lời của các quan.” Sau khi kiểm lại các khoảng lạm chi lạm thưởng cẩn thận, nước Tề có thể tiết kiệm được ba phần mười tiền quỹ mà Cảnh Công dùng để ban thưởng.
Cảnh Công cố ban thưởng cho người mà ông thích. Ông không nhận ra rằng sở thích của mình không góp phần vào sự tiến bộ của quốc gia. Nếu một người được thưởng hào phóng chỉ bởi vì làm vui lòng vua, thì sẽ ngày càng có nhiều kẻ ăn bám và xu nịnh. Điều đó sẽ làm xã hội bại hoại. Sự thật là hai quan viên chấp hành không tuân lệnh Cảnh Công đã chứng minh sự tận tụy đối với trách nhiệm của họ. Họ đã mạo hiểm chức vụ và có thể cả mạng sống vì lợi ích của đất nước. Cảnh Công chỉ có thể thấy bề mặt của những người tuân lệnh và người không tuân lệnh. Ông không nhận ra rằng sự phục tùng thật sự là tuân theo chính đạo. Nhưng Cảnh Công đã làm một điều đúng. Ông đã hỏi xin lời khuyên từ Yến Tử, một người công chính và uyên bác. Yến Tử đã tiến hành phân tích một cách toàn diện và khiến Cảnh Công hiểu được lợi hại trong hành động của mình và biết cải chính. Khi một người đang bối rối về điều gì đó, liệu người đó có nhận ra rằng mình nên tham khảo một người tài đức không? Đối diện với lỗi lầm của mình, liệu người đó có dám cởi mở tâm trí và chính lại hành vi của mình không? Nếu một người biết rõ ưu nhược điểm của bản thân, người đó có thể tránh được nhiều sai lầm, sẽ có được nhân sinh minh tỏ và đầy trí huệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét