Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Nhà văn Thiết Lưu Trung Quốc: Chết vì tự do ngôn luận là cái chết cao thượng và vinh quang


Gần đây, ông Thiết Lưu (nhà văn, nhà báo nghỉ hưu) đã phá vỡ bầu không khí im lặng khi công khai trả lời phỏng vấn truyền thông và kể nội tình việc ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã hãm hại mình. Năm nay ông Thiết Lưu đã 83 tuổi (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Gần đây, ông Thiết Lưu (Tieliu), nhà văn, nhà báo nghỉ hưu, đã phá vỡ bầu không khí im lặng khi công khai nhận trả lời phỏng vấn truyền thông và kể nội tình việc ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã hãm hại mình.
Sau đó chiếc điện thoại cầm tay của ông bị làm nhiễu sóng, trong vòng tròn bạn bè Weixin ông đã chia sẻ có lẽ sẽ lại bị ông Lưu Vân Sơn bức hại, nhưng ông nói mình đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, không thể mãi chịu áp bức và lăng nhục, đến tuổi này tại sao lại phải sống quỳ gối mãi?!

Ông Thiết Lưu vì đăng 7 bài viết trên mạng tiết lộ về ông Lưu Vân Sơn nên đã bị bỏ tù 165 ngày, sau đó bị tra tấn và ép phải thừa nhận mình nói không đúng, phải viết cam kết không quan tâm đến đại sự quốc gia, không viết văn và không trả lời phỏng vấn của truyền thông nước ngoài thì mới được thả tự do.
Sau khi ông Thiết Lưu lên tiếng thì điện thoại cầm tay bị làm nhiễu sóng
Ngày 17/12, ông Thiết Lưu đưa tin trên vòng tròn bạn bè Weixin: “Tối hôm qua tôi đã phải hét lên: Tôi sẽ làm chứng cho toàn thế giới về việc công an Trung Quốc đứng trên luật pháp và đạo lý, bắt người tùy tiện, kiểm soát ngôn luận và tư tưởng của người dân, quay lưng lại đạo lý và nhân quyền cơ bản, đến cả người già cũng không tha. Tôi tuyên bố, từ bây giờ tôi sẽ tiếp nhận trả lời phỏng vấn của truyền thông nước ngoài, sẽ công khai chuyện ông Lưu Vân Sơn hãm hại tôi cho thế giới biết!
Ông cho biết, thông tin này đã được nhiều người chia sẻ. Từ khoảng 9 giờ sáng, điện thoại của ông bị bên Quốc bảo chặn sóng, có thể họ sẽ lại bắt tôi.
Nhưng ông Thiết Lưu cho biết: “Tôi đã chuẩn bị sẵn tư tưởng. Làm người không thể cứ mãi chấp nhận bị áp bức và lăng nhục, không thể đi xin xỏ sự bố thí của bọn quyền quý, tôi đường đường chính chính là công dân của một quốc gia, một nhà báo, nhà văn nghỉ hưu, tại sao phải sống quỵ lụy?!
Ông nhấn mạnh: Một người già 83 tuổi mà lại không được tự do đi lại trên lãnh thổ của đất nước mình, không được ra nước ngoài thăm người thân, đi đâu cũng phải xin phép, cuối tháng phải viết báo cáo tư tưởng, đây là cuộc sống kiểu gì?
Thư ký của ông Chu Vĩnh Khang làm theo lệnh của ông Lưu Vân Sơn
Trên vòng tròn bạn bè Weixin, ông Thiết Lưu viết: “Lực lượng Quốc bảo làm theo lệnh của ông Lưu Vân Sơn, ra điều kiện bắt tôi trao đổi thì mới thả tôi ra khỏi tù, họ muốn tôi không quan tâm đến chuyện quốc gia đại sự, không viết văn, không tham gia hoạt động xã hội, không được trả lời phỏng vấn báo chí. Tôi chỉ biết gửi gắm tình cảm vào mây trời sống qua những ngày tháng nghỉ hưu. Nhưng họ không giữ lời hứa, đến việc tôi muốn đi Bắc Kinh thăm cháu ngoại, cháu nội cũng không cho đi. Tôi chán nản đành phải phản kháng, quay lại hàng ngũ những người tự do dân chủ, dùng thân thể già nua của mình để thúc đẩy con đường pháp trị ở Trung Quốc, thực hiện tự do ngôn luận! Giờ tôi có gì nữa mà phải sợ? Con người cuối cùng ai cũng chết. Chết vì tự do ngôn luận, vì dân chủ là cái chết cao thượng và vinh quang!!!
Ông nhắc bạn bè của mình: “Chỉ cần đến một ngày các bạn không thể gọi điện thoại được cho tôi, không còn nhìn thấy được Weixin của tôi, đấy là lúc tôi đã bị bắt đi. Các bạn không phải đau buồn cho tôi, xin hãy thắp cho tôi một ngọn nến. Mùa đông đã đến, ngày xuân còn bao xa?… Cảm ơn mọi người, hãy quan tâm đến ngày mai của tôi!
Trước khi điện thoại cầm tay của ông Thiết Lưu bị làm nhiễu sóng ông đã trả lời phỏng vấn của Đại Kỷ Nguyên: “Kẻ bắt tôi là tên Lưu Đào (Liu Tao), Phó Cục trưởng Công an Bắc Kinh, Đội trưởng Đội Quốc bảo Bắc Kinh, từng là Thư ký của Chu Vĩnh Khang. Nửa đêm canh ba hắn bắt tôi về Bắc Kinh. Tôi bị thu giữ tài sản, bị thẩm vấn liên tục 3 ngày, khi đó tôi đã hôn mê phải nhập viện.
Khi vào viện cấp cứu vẫn bị còng tay chân
Ông Thiết Lưu giới thiệu với phóng viên Đại Kỷ Nguyên, từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 12 năm nay, tổng cộng ông đã bị nhốt 165 ngày. “Kinh khủng nhất là không được tắm, không có bàn chải răng. Trong một gian phòng nhỏ mà nhốt 20 người, toàn người trẻ chơi ma túy, gái điếm, cướp giật. Bị nhốt chung với đám người này nếu không bị chúng chen chết thì cũng buồn chết. Vì thế mà tôi phát bệnh phải nhập viện, nhưng vào viện vẫn bị còng tay chân.
Ông cho biết, nguyên nhân vì tôi viết 7 bài báo kể tội ông Lưu Vân Sơn. Ông nói: “Công an rất vô nhân đạo, khi bị chúng còng tay chân và cho ngồi lên ghế sắt, chúng muốn gì ông cũng phải nói, không thể làm khác. Ông phải ghi chép và ký tên, không ký không được. Đây đúng là trò bắt người tùy tiện và ép cung.
Ông nói: “Chúng yêu cầu chỉ cần tôi nhận mình sai, nhận tội là sẽ thả ra. Tôi nghĩ sau khi ra mình lại nói tiếp, vì ở trong đó không phải nơi để nói lý lẽ. Tôi nói tôi giết người phóng hỏa, các người ghi vào đi, chúng đều cười ồ lên. Chúng yêu cầu gì tôi cũng viết, viết xong rồi ấn vân tay và được thả ra.
Cảnh sát nói “chống ông Lưu Vân Sơn là chống cách mạng, chống Trung ương Đảng”
Ông Thiết Lưu còn nói với Đại Kỷ Nguyên: “Khi chúng thẩm vấn tôi, chúng nói chống ông Lưu Vân Sơn là chống cách mạng, chống Trung ương Đảng. Việc bắt tôi không liên quan gì đến cảnh sát, là do cấp trên ra lệnh thì phải bắt.
Trại giam Bắc Kinh và Thành Đô đều đồng tình với tôi, họ hiểu rõ tôi bị oan nhưng không ai dám đứng lên, chỉ nói phải làm theo ông Lưu Vân Sơn. Có vị công an Thành Đô nói ‘cả đời làm công an giờ mới thấy một người hơn 80 tuổi bị bắt vào đây’. Họ nói không có cách nào khác vì phải làm theo lệnh cấp trên.
Họ không chỉ bắt người giúp việc cho ông Thiết Lưu mà còn không cho vợ và các con của ông được xuất cảnh.
Cuối cùng ông Thiết Lưu cho biết, mình dám mạo hiểm thế này vì không thể chịu được sự xấu xa của ông Lưu Vân Sơn, “Chúng ta đều hận ông ta, ông ta làm cho truyền thông Trung Quốc không còn gì để nói, bắt phải nói dối thì sao có thể nói? Tôi là người xuất thân từ báo chí, vì thế dĩ nhiên tôi phải hận ông ta.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: