Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Phản hồi bài viết bịa đặt về nhà báo Nguyễn Công Khế


Phản hồi bài viết bịa đặt “Nguyễn Công Khế đã chiếm đoạt Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên như thế nào?”


Dân Luận: Chúng tôi nhận được bài viết sau đây từ độc giả, với ý định phản biện bài viết đã đăng trên Dân Luận về cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế. Để đảm bảo tính đa chiều, chúng tôi chấp nhận đăng bài viết này, và vì không có điều kiện kiểm chứng, mong độc giả tham khảo với sự dè dặt cần thiết.
Gần đây, trên mạng internet xuất hiện bài viết “Nguyễn Công Khế đã chiếm đoạt Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên như thế nào? ” nói về nhà báo Nguyễn Công Khế (Nguyên Tổng Biên Tập Báo Thanh Niên, hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên). Bài viết được thực hiện với lối hành văn quy chụp nhằm mục đích bôi nhọ uy tín của Nhà báo Nguyễn Công Khế - một trong những cây đại thụ của ngành báo chí Việt Nam, là một trong những cây viết có tên tuổi, thẳng thắn và khí phách anh hùng, luôn đau đáu trước vận mệnh đất nước. Chúng tôi, gồm nhiều nhà báo, nhà văn biết rất rõ về nhà báo Nguyễn Công Khế và cả những người xung quanh ông, nay viết loạt bài này nhằm vạch trần bản chất xấu xa của bọn đê hèn đang “ném đá giấu tay” vào người quân tử.
Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và Báo Thanh Niên là của ai?
Có thể nói, trên thị trường báo chí Việt Nam, nhắc đến báo Thanh Niên thì ai cũng biết rất rõ về một tờ báo có bản lĩnh, sức chiến đấu, tầm ảnh hưởng và cả uy tín chính trị. Thế nhưng khi nhắc lại quá khứ và lịch sử hình thành tờ báo này, nhiều người - kể cả những người đang sống và người đã khuất - ai cũng đều ghi nhận công lao và vai trò của Anh Công Khế. Có thể nói trong một quá trình lịch sử dài lê thê trên 20 năm, tờ báo Thanh Niên và thương hiệu Nguyễn Công Khế đã gắn liền như “máu thịt” với nhau. Nói là “máu thịt” là bởi vì chính Nguyễn Công Khế đã một tay tuyển dụng, đào tạo và nâng đỡ cho hầu hết những nhà báo tại tòa báo này, từ những người như Nguyễn Quang Thông (Tổng Biên Tập đương nhiệm), Đặng Việt Hoa (Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung), Hải Thành (Phó Tổng Biên tập phụ trách Thanh Niên Online), Nguyễn Ngọc Toàn (Phó Tổng Biên Tập phụ trách trị sự), Đặng Thị Phương Thảo (Phó Tổng Biên tập phụ trách Tòa soạn Hà Nội), Võ Khối (Tổng Thư ký Tòa soạn Báo in), Nguyên Hằng (Trưởng Ban Kinh tế), Cao Minh Hiển (Nguyên Trưởng Ban Văn hóa) đều từng chịu ơn của nhà báo Nguyễn Công Khế…

Ngay cả hoạt động kinh tế báo chí, chính anh Nguyễn Công Khế (khi đương chức lẫn khi thôi chức Tổng Biên Tập) là người nhiệt huyết tạo nên các chương trình xã hội, văn hóa nghệ thuật và cả những sự kiện thể thao cấp quốc gia, góp phần xây dựng củng cố uy tín Báo Thanh Niên vững chắc trong lòng bạn đọc cả nước. Nhắc đến Thanh Niên, người ta nhớ đến thương hiệu Nguyễn Công Khế, và ngược lại. Và hơn hết, chính Nguyễn Công Khế là người quân tử đã tạo nên một khối lượng tài sản, gia sản và di sản lớn cho Thanh Niên ngày nay. Từ một tờ báo không hề được cấp bất kỳ đồng tiền nào, trong suốt giai đoạn lịch sử vừa qua Báo đã tự mua nhà đất, tự hoạt động kinh tế báo chí để tạo ra di sản ngày nay. Tuyệt nhiên những suy nghĩ tờ báo này được Nhà nước bao cấp hay tài trợ tiền… đều là những suy nghĩ ấu trĩ. Tờ báo này đã tự sống, tự tồn tại và gầy dựng sức ảnh hưởng từ chính uy tín của mình và tập thể những người làm báo, từ tâm huyết của cả nhiều thế hệ - trong đó người đau đáu và công lao nhiều nhất chính là nhà báo Nguyễn Công Khế.
Nếu không có Nguyễn Công Khế, Thanh Niên ngày nay có thể vẫn chỉ là một tờ báo sống thoi thóp giữa một rừng 880 tờ báo hiện nay, hoặc có lẽ nó cũng đã bị đình bản, xóa sổ như rất nhiều tờ báo khác. Cũng cần nhìn nhận thực tế, hàng trăm tờ báo của Nhà nước như Tiền Phong, Sài Gòn Giải Phóng, Hà Nội Mới, Pháp Luật TP, Người Lao Động…. chỉ đang sống một cách khó khăn vật vã, thua lỗ chực chờ. Hiếm có tờ nào như Báo Thanh Niên hàng năm vẫn đạt lợi nhuận trên 60 tỷ đồng. Rất nhiều năm trước đây, tờ báo này đạt mức lợi nhuận nhiều trăm tỷ đồng, không lấy một đồng tiền ngân sách nhưng lại nộp nhiều tỷ đồng thuế cho Nhà nước, tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động (cán bộ phóng viên, in ấn, phát hành, quảng cáo) qua các thế hệ… Đó là chưa kể với sứ mệnh lịch sử của mình, Báo Thanh Niên đã giúp cho biết bao người có hoàn cảnh khó khăn có được sự bảo trợ, giúp những người oan sai, oan khuất, nâng đỡ chính trị cho biết bao quan chức thành danh ngày nay.
Tóm lại, nói về danh nghĩa, Báo Thanh Niên chính là tờ báo của chủ bút Nguyễn Công Khế cũng không sai. Đến một giai đoạn lịch sử nào đó, khi đất nước cập nhật văn hóa tự do, có báo chí tư nhân, chắc chắn người như nhà báo Nguyễn Công Khế xứng đáng làm chủ bút của Thanh Niên Nhật Báo.
Về Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên – tên gọi đầy đủ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, được thai nghén và thành lập với mục đích thị trường và đảm bảo một phần đời sống cho cán bộ, nhân viên, phóng viên Báo Thanh Niên. Kể từ khi thành lập vào ngày 4/1/2006, tiền thân là Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ tổng hợp Thanh Niên đã tạo ra rất nhiều giá trị cho Báo Thanh Niên. Chính chủ trương quyết liệt ra đời công ty vào thời điểm ít có tờ báo nào đủ lực ra doanh nghiệp, Công ty của Báo Thanh Niên đã thực sự tạo nên một dấu ấn thời kỳ đó, tạo nên sự hưng phấn cho các cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Thanh Niên. Còn nhớ giai đoạn đó, trong tòa soạn mọi người đều vui mừng khôn xiết khi được đăng ký mua cổ phần, xin được mua cổ phần. Không ít người mới vào làm việc tại Báo Thanh Niên chưa lâu cũng được tạo những điều kiện này, mọi người đều thầm nghĩ về ơn của nhà báo Nguyễn Công Khế. Nếu không có ông Khế, chưa chắc Công ty đã được ra đời, các cán bộ, nhân viên, phóng viên cũng không được chia lợi tức nhiều như vậy trong suốt khoảng thời gian dài.
Cũng xin lưu ý, mặc dù với thương hiệu của Báo Thanh Niên, Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ tổng hợp Thanh Niên và ngày nay là Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên chưa hề “sống ký sinh” trên Báo Thanh Niên. Ngược lại, chính Nguyễn Công Khế đã thổi bùng ngọn lửa đam mê của một người làm báo nhạy bén vào một công ty, đưa công ty gắn liền, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh tế của tờ báo. Chính công ty đã vận hành hàng loạt chương trình như Duyên Dáng Việt Nam, Giải Bóng Đá U21 Báo Thanh Niên Quốc tế… giúp thương hiệu tờ báo lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, lan ra quốc tế. Từ ngày thành lập đến nay, Công ty tự phát triển và vận hành, đảm bảo khả năng in ấn ổn định cho Báo Thanh Niên, tạo ra công ăn việc làm của nhiều người thân của cán bộ, nhân viên, phóng viên Báo. Đặc biệt, chính Nguyễn Công Khế và những người đồng sự của mình đã vất vả, ngay cả những thời điểm kinh tế khó khăn nhất vẫn ráng tổ chức các chương trình, mang về lợi nhuận cho công ty.
Kể cả việc chia lợi tức cho các cổ đông. Mọi người đều biết những gì Nguyễn Công Khế làm là vì tập thể và những người đồng sự cũ của mình. Một thực tế, không ít người biết rằng với quan hệ rộng và uy tín của mình, không cần đến cái công ty Thanh Niên thì ông Khế cũng có thể dễ dàng kiếm ra rất nhiều tiền.
Kết luận lại, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên cũng như Báo Thanh Niên thực chất cũng chỉ tồn tại và có thương hiệu nhờ Nguyễn Công Khế.
Lập lờ đánh lận con đen và thủ đoạn tồi tệ của bọn “chó cắn chủ”
Về bài viết với tên gọi rất kêu “Nguyễn Công Khế đã chiếm đoạt Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên như thế nào? ” - thực chất chỉ là một bài viết mang tính vu khống, công kích cá nhân, thiển cận và thiếu hiểu biết. Thực tế, những văn bản scanner (sao chụp) đăng trong bài viết này gồm Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh, Biên bản kiểm phiếu và lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (Biên bản tăng vốn điều lệ), Nghị quyết Hội đồng Quản trị, Công văn của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước. Đây hoàn toàn là những văn bản mang tính công khai theo ý kiến chỉ đạo của chính ông Nguyễn Công Khế.
Mọi người đều biết tính cách rộng rãi, khoáng đạt của ông Khế, trong quản trị doanh nghiệp ông này rất công khai và giao cho nhân viên cấp dưới bảo quản toàn bộ hệ thống văn bản. Các văn bản này cũng được cung cấp kịp thời cho nhiều cổ đông, thành viên hội đồng quản trị và các cơ quan chức năng. Thậm chí, các văn bản này còn được Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Thanh Niên Media Corp) Nguyễn Công Khế chỉ đạo cập nhật công khai trên website Tập đoàn Thanh Niên. Có thể nói, việc quản trị của Chủ tịch Nguyễn Công Khế hoàn toàn đúng pháp luật, minh bạch. Bài viết quy chụp Nguyễn Công Khế “chiếm đoạt” là sự ngu dốt, thiển cận vì nếu có một chút âm mưu “chiếm đoạt” thật sự thì không ai lại đi quản trị doanh nghiệp theo kiểu minh bạch và công khai như ông Khế.
Hơn hết, sự ấu trĩ của tác giả bài viết, tự nhận mình là CLB Nhà báo trẻ thật ra chỉ là một bọn tri thức nửa mùa, đần độn, không có kiến thức về kinh tế và quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, việc tăng vốn của doanh nghiệp Thanh Niên được thực hiện theo đúng trình tự, có xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, có phương án cụ thể để tăng vốn thì làm sao lại gọi là “chiếm đoạt”! ?
Việc tăng vốn chỉ là một quy trình bình thường nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cho sự phát triển dài hạn của một doanh nghiệp, làm gì có chuyện chiếm đoạt như cách mô tả thô thiển của bọn bồi bút ngồi bịa đặt viết ra. Ngoài ra, bản thân người viết loạt bài xuyên tạc cho rằng Nguyễn Công Khế muốn chiếm đoạt Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên cũng chẳng khác nào sỉ nhục lại hàng loạt doanh nhân trong nước, sỉ nhục những cổ đông hiện tại của Tập đoàn. Bởi vì việc triển khai thống nhất tăng vốn còn được thông qua tại Đại hội Đồng Cổ đông, biểu quyết công khai. Mà như phân tích tại phần trên, Công ty Thanh Niên vốn dĩ là doanh nghiệp của ông Khế chiếm cổ phần chi phối, việc ông này bỏ tiền ra đầu tư cho doanh nghiệp của mình thì sao gọi là chiếm đoạt.
Sau khi bài viết ra đời với giọng điệu của những kẻ phản chủ, mọi người đã ngầm hiểu Nguyễn Công Khế đang bị chơi xấu bằng những trò tiểu nhân.
Có thể, thời gian vừa qua, khi mà một số cá nhân làm việc cho Báo Điện tử Một Thế Giới bị sa thải vì tắc trách, đã có một sự thù oán dồn nén vào cá nhân Nguyễn Công Khế. Anh Khế với phong cách đàn anh quân tử đã không ngờ việc mình bao bọc một số cá nhân như Lê Ngọc Thịnh (Tổng Biên Tập Báo Một Thế Giới), sau thời gian bòn rút công ty không thành công đã liên minh với một số thế lực xấu để chà đạp Nguyễn Công Khế, quay trở lại cùng bọn xấu để cắn vào chủ cũ của mình.
Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người đọc cũng nhận ra rằng, không hiểu lý do gì mà loạt bài viết bôi xấu ông Khế được viết ra vào đúng thời điểm này. Nếu xâu chuỗi lại sẽ biết rằng thời gian mới đây, chính là lúc cuối năm 2015, thời điểm mà Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đánh giá lại kết quả kinh doanh hoạt động, đã nhận ra nhiều sai phạm, sai sót của một số cá nhân trong Tập đoàn, chính vì vậy, những cá nhân này đã bị sa thải theo đúng luật. Tuy nhiên, có thể họ đã âm thầm oán hận, dùng dạ tiểu nhân để quay lại hãm hại người quân tử.
Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi cũng sẽ vạch mặt một số cá nhân đang âm thầm liên kết với bọn xấu, ăn cắp tư liệu quản trị nội bộ trong tập đoàn nhằm bôi nhọ nhà báo Nguyễn Công Khế. Để thành công với chiến lược này, loạt bài viết nói xấu ông Nguyễn Công Khế chắc chắn đã được “bật đèn xanh” từ một số cá nhân đang công tác tại Báo Thanh Niên. Nói trắng ra, người mâu thuẫn lợi ích lớn nhất với Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên lúc này chính là người chủ trương ra đời Công ty Cổ phần Báo Thanh Niên (Mã số thuế 0313335029), địa chỉ công ty đặt tại 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 06, Quận 3, TP.HCM. Mà Công ty này không ai khác hơn chính là Nguyễn Quang Thông - Tổng Biên Tập đương nhiệm Báo Thanh Niên làm Giám đốc.

Nguyễn Quang Thông là con người như thế nào, liệu rằng có liên quan gì đến việc nhà báo Nguyễn Công Khế bị chơi xấu hay không? Liệu rằng uy tín của nhà báo Nguyễn Công Khế xuống mức thấp và uy tín Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên bị ảnh hưởng, ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất? Xin mọi người chờ đợi trong các bài viết tiếp theo.

CLB Những người quân tử

Không có nhận xét nào: