Hải Võ |
Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn đã tham dự hội nghị Bộ chính trị nước này hôm 14/12 sau 23 ngày "biệt tăm" trên truyền thông Trung Quốc.
Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" được khởi động sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, truyền thông Trung Quốc dường như đã quen với thông lệ có quan chức cấp cao "ngã ngựa" sau mỗi lần ông Vương "ở ẩn".
Vẫn theo thông lệ, báo chí nước này dự đoán trong 2 tuần cuối cùng của năm 2015, Trung Quốc sẽ xuất hiện "hổ lớn".
Vương Kỳ Sơn "mất tích" trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc kể từ 21/11, một ngày sau khi ông tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang.
Trước đó, hoạt động đáng kể nhất của ông Vương là cuộc hội kiến cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Alfred Kissinger ngày 2/11.
Ngày 14/12, Bí thư CCDI đã tham gia hội nghị do Bộ chính trị Trung Quốc triệu tập, phân tích nghiên cứu công tác kinh tế trong năm 2016.
"Trùm an ninh" Trung Quốc làm gì khi biến mất khỏi truyền thông?
Theo trang Đa Chiều (Mỹ), trong tình hình chống tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc, có 2 luồng ý kiến đánh giá về "những hoạt động lớn mà Vương Kỳ Sơn xử lý".
Thứ nhất, như quy luật thường thấy trên báo chí Trung Quốc, mỗi khi ông Vương "biến mất bí ẩn" khỏi con mắt công chúng thì nhiều khả năng các tổ thanh tra của CCDI đang vấp phải vấn đề "hóc búa" cần sự chỉ đạo của chính lãnh đạo cao nhất.
Điều này lý giải nguyên nhân "hổ lớn" thường xuất hiện sau thời gian Vương Kỳ Sơn "mất tích".
Trong giai đoạn hiện tại, ngành tài chính Trung Quốc đang được xem là "chiến trường chính" chống tham nhũng, đặc biệt sau khi thị trường chứng khoán chứng kiến sự suy giảm tồi tệ hồi mùa hè.
Bên cạnh những đồn đoán về "hổ lớn" trong lĩnh vực này, truyền thông quốc tế gần đây cũng chú ý đặc biệt đến các vụ "mất tích" khá thường xuyên của các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc.
Diễn biến quan trọng nhất chính là vụ Chủ tịch tập đoàn Fosun, người giàu thứ 17 Trung QuốcQuách Quảng Xương bất ngờ biến mất từ trưa 10/12 và sau đó được thông báo là "hỗ trợ hoạt động điều tra của cơ quan tư pháp".
Trên thực tế, những trường hợp thế này thường kết thúc bằng việc nhà chức trách tuyên bố một vụ "ngã ngựa". Thế nhưng tỉ phú họ Quách đã xuất hiện trở lại, cũng đầy bất ngờ, trong hội nghị tổng kết thường niên của Fosun tại thành phố Thượng Hải cũng trong ngày 14/12.
Tỉ phú Quách Quảng Xương (thứ 2 từ phải) "tái xuất" tại hội nghị tổng kết cuối năm của Fosun Group ở Thượng Hải hôm 14/12. Ảnh: Reuters
Một số lần "mất tích" của Vương Kỳ Sơn
Hôm 30/7/2015, 20 ngày sau khi Vương Kỳ Ơn "ở ẩn", cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng bị khai trừ đảng tịch, chuyển cho cơ quan tư pháp xử lý.
Hồi năm 2014, vụ "mất tích" đáng chú ý nhất của ông Vương diễn ra trong hơn 1 tháng, từ 19/5-21/6.
Đến 30/6, Bắc Kinh tuyên bố khai trừ đảng tịch cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, chuyển giao cho cơ quan kiểm sát quân sự.
Ngày 29/7, cựu Bí thư Ủy ban chính pháp, cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc bị lập án điều tra.
Ý kiến thứ hai về việc ông Vương "ở ẩn" thời gian qua cho rằng có liên quan tới vụ án Lệnh Kế Hoạch.
Mặc dù truyền thông Trung Quốc tương đối kín tiếng về vụ ông Lệnh, song vụ án được cho là đã bước vào giai đoạn bước ngoặt quan trọng đi đến kết thúc và chuẩn bị được Bắc Kinh công bố chính thức.
Đáng chú ý là, Đa Chiều nhận định "sự cố" vừa qua của tỉ phú Quách Quảng Xương có liên quan lớn đối với cả hai giả thuyết nêu trên.
Bên cạnh vị thế "đòn bẩy" quan trọng với nền kinh tế-chính trị Trung Quốc, nhiều giả thuyết tin rằng Quách Quảng Xương có thể nắm thông tin liên quan tới một số nhân vật tầm cỡ.
Những quan chức đã "ngã ngựa" được cho là có dính líu gồm cựu Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch , cựu Phó thị trưởng Thượng Hải Ngải Bảo Tuấn hay cựu Phó chủ tịch Hiệp hội chứng khoán Trung Quốc Diêu Cương, ...
Trong nỗ lực xử lý "chiếc hộp Pandora" của các nhóm lợi ích thao túng ngành tài chính, Quách Quảng Xương có thể xem như một "chiếc chìa khóa quan trọng", thậm chí không loại trừ khả năng ông Vương Kỳ Sơn đã tiếp xúc với tỉ phú này.
Nhân vật có khối tài sản 5.6 tỉ USD được nhận định là nắm rõ bí mật sau bức màn của toàn ngành tài chính Trung Quốc. Nếu Bí thư CCDI "làm việc" với Quách, có thể một "màn kịch lớn" sắp xuất hiện, Đa Chiều cho biết.
Sau những nỗ lực ổn định thị trường chứng khoán, Bắc Kinh đang chuyển hướng sang tìm kiếm và xử lý những thế lực thao túng gây bất ổn thị trường.
Vụ Quách Quảng Xương "hỗ trợ điều tra" được truyền thông dự đoán là sẽ mở đầu một "cơn địa chấn" trong giới doanh nhân cũng như hệ thống tài chính Trung Quốc, khiến sự kỳ vọng của dư luận nước này vào màn "tái xuất" của Vương Kỳ Sơn cũng tăng lên.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét