HỒNG THỦY
(GDVN) - Nếu Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục cố đấm ăn xôi, thì xôi chưa thấy đâu nhưng đã bị ăn đấm, cú đấm nhằm thẳng vào uy tín và danh dự của nước này.
Củ cà rốt kinh tế không giúp Trung Quốc vãn hồi được uy tín ở Biển ĐôngÔng Abe nhắc Thủ tướng Malaysia: Biển Đông phải được đưa vào tuyên bốThủ đoạn 2 rắn, 2 mềm của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 15/12 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tổ chức họp báo lên tiếng về phát biểu của Đô đốc Scott Swift - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ về nguy cơ chạy đua vũ trang, xung đột quân sự ở Biển Đông, máy bay quân sự Úc tuần tra tự do đi lại ở Biển Đông và vụ phóng viên đài BBC bị hải quân Trung Quốc dọa nạt.
Ông Lỗi vẫn một mực khẳng định rằng: Biển Đông cơ bản hòa bình, ổn định!?
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. |
Nguy cơ chạy đua vũ trang bởi tư tưởng chân lý thuộc về kẻ mạnh
Reuters ngày 15/12 cho biết, Đô đốc Scott Swift phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Hawaii đã cảnh báo các nước ven Biển Đông có thể bị lôi vào một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, làm tăng nguy cơ đối đầu khi các bên yêu sách sử dụng vũ lực thay vì luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp. Nguyên nhân của hiện trạng này là thói áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông bằng bạo lực, sức mạnh quân sự.
"Cả các bên có yêu sách chủ quyền và các bên không yêu sách chủ quyền đều đang dành một phần lớn các nguồn lực quốc gia của mình để phát triển lực lượng hải quân lớn hơn hẳn so với nhu cầu cần thiết để tự vệ", Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ nhận định.
Tuy không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng thực chất tuyên bố chủ quyền bành trướng vô lý của họ ở Biển Đông kết hợp với các hành động leo thang ngoài thực địa, bành trướng và hăm dọa quân sự đã chứng minh, Trung Quốc đang kéo cả khu vực vào vòng xoáy nguy cơ bạo lực và xung đột - PV.
Ông Swift nhấn mạnh, thậm chí bây giờ ngay cả máy bay và tàu thuyền khi hoạt động gần các đảo nhân tạo, dù vẫn đúng quy định của luật pháp quốc tế cũng phải đối mặt với những cảnh bảo đe dọa không cần thiết, điều này uy hiếp toàn bộ tuyến hàng hải cũng như những hoạt động thương mại bình thường khác trên Biển Đông.
Đài BBC ngày 14/12 đã công bố video minh chứng cho điều này khi phóng viên của họ, Rupert Wingfield Hayes bay từ đảo Thị Tứ đến gần bãi Ga Ven, Chữ Thập và Vành Khăn dù cách xa 20 hải lý vẫn bị hải quân Trung Quốc đồn trú (bất hợp pháp) tại các thực thể này cảnh báo xua đuổi.
Theo hãng thông tấn Kyodo News ngày 15/12, Cố vấn chính sách của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Masanori Nishi nói với báo giới, Trung Quốc sẽ đặt ra đa, tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đó là dấu hiệu cho thấy sớm muộn Bắc Kinh sẽ áp đặt cái gọi là "vùng nhận diện phòng không" (AIDZ) ở Biển Đông.
Tuy nhiên, với những hành động của hải quân Trung Quốc ngăn cản và đe dọa chiếc P-8 Poseidon Hoa Kỳ hồi tháng Năm nay nay, hay đe dọa máy bay dân sự chở nhà báo Anh mà BBC công bố hôm 14/12 cho thấy, Trung Quốc đang mặc nhiên áp đặt ngầm ADIZ ở Biển Đông hòng giành sự thừa nhận trên thực tế.
Reuters dẫn lời Đô đốc Scott Swift nhận định, ông cảm thấy thực sự lo ngại về việc sau nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, chúng ta có thể thấy khả năng tư tưởng "chân lý thuộc về kẻ mạnh" ngóc đầu trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc ngày càng bị cô lập
Mặc dù Bộ Quốc phòng Úc chưa tuyên bố chính thức, nhưng theo phát hiện của đài BBC ngày 15/12, quân đội nước này đang có những chuyến bay chứng tỏ quyền tự do đi lại trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi phóng viên BBC Rupert Wingfield Hayes lên một máy bay dân sự Philippines và tiến ra gần đá Ga Ven, Chữ Thập và Vành Khăn đã nghe thấy tín hiệu radio từ máy bay quân sự Úc đáp lại cảnh báo đe dọa của hải quân Trung Quốc ở Trường Sa.
Ông đã nghe thấy phi công Úc nói qua sóng radio: "Hải quân Trung Quốc, chúng tôi là máy bay Úc đang thực thi quyền tự do đi lại trong không phận quốc tế". Bộ Quốc phòng Úc cũng đã xác nhận thông tin này với BBC.
Vậy là dù có cố gắng để áp đặt ngầm ADIZ ở Biển Đông, tìm mọi cách để giành sự công nhận trong thực tế đối với "lãnh hải" hay "không phận" cho các đảo nhân tạo, Trung Quốc cũng đã thất bại ngay từ bước đầu tiên bởi các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ, Úc, thậm chí là của cả phóng viên đài BBC.
Những động thái này diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Singapore và Hoa Kỳ gặp nhau tại Washington, trong đó hai bên thỏa thuận cho phép Mỹ đặt máy bay do thám P-8 Poseidon ở Singapore để giám sát quân sự ở Trường Sa, Biển Đông, mặc dù ông Tập Cận Bình vừa thăm quốc đảo này tháng trước, lại còn chọn nơi đây để gặp gỡ nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu.
Ông Lâm Đình Huy, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc sách Đài Loan bình luận trên talk.ltn.com.tw ngày 15/12, trong vấn đề Biển Đông hiện nay, Trung Quốc chủ yếu dựa vào các nước "hữu hảo" với họ như Campuchia, Lào, Brunei và Malaysia (để thực hiện chiến lược chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông). Trung Quốc đang tranh thủ vận động thêm Thái Lan, một thành viên quan trọng khác của khu vực.
Tuy nhiên ông Huy cảnh báo rằng, thời kỳ Pháp xâm lược Đông Dương, Thái Lan đã tận dụng tốt mâu thuẫn giữa Anh và Pháp nên thoát được thảm họa thực dân đô hộ. Ngày nay Mỹ - Trung cạnh tranh ảnh hưởng, Bangkok sẽ tiếp tục "đu dây" giữa 2 cường quốc này để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Trong bối cảnh Mỹ tập trung đẩy mạnh quan hệ quân sự với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Singapore và Đài Loan, nếu Trung Quốc tiếp tục muốn lôi kéo chính quyền quân sự Thái Lan để tránh bị cô lập ở BIển Đông, thì cần tính đến cách ứng xử của Thái với Anh và Pháp trong quá khứ để thấy họ đang cần gì ở mình.
Dùng sức mạnh để áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý, độc chiếm Biển Đông thành ao nhà sẽ chỉ kéo Trung Quốc tụt lại trước nhân loại tiến bộ, văn minh. Ảnh minh họa: Lính Trung Quốc. |
Cố đấm ăn xôi
Nhân Dân nhật báo và Tân Hoa Xã hôm qua 15/12 đăng bài xã luận về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực PCA, nhắc lại những lập luận đã cũ mèm và hoàn toàn không có sức thuyết phục.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn cố tình bóp méo bản chất vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý nào nên nó vô giá trị theo UNCLOS thành vụ kiện "chủ quyền".
Tuy nhiên dù chấp nhận hay không chấp nhận, thì PCA đã ra phán quyết hôm 29/10 về việc Tòa đủ thẩm quyền xem xét, thụ lý vụ kiện này của Philippines theo đúng tinh thần quy định tại UNCLOS. Và hiện nay PCA đã bước vào phần thứ 2, xét xử nội dung vụ kiện. Do Trung Quốc vẫn cố tình không tham gia, nên dự kiến Tòa sẽ sớm ra phán quyết, có thể vào giữa năm 2016.
Hiện tại chỉ duy nhất có Trung Quốc là nước một mình một giọng lạc lõng trong vụ kiện đường lưỡi bò. Dù phán quyết của tòa mang tính ràng buộc, nhưng cơ chế hiện nay của Liên Hợp Quốc không có cơ quan thi hành án, bản thân Trung Quốc lại là nước có quyền phủ quyết trong Thường trực Hội đồng Bảo an nên nguy cơ phán quyết của Tòa bị Bắc Kinh bác bỏ là khả năng hiện hữu.
Nhưng chỉ cần PCA bác bỏ đường lưỡi bò vô căn cứ và ra phán quyết Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước UNCLOS ở Biển Đông đã là một thành công to lớn của Philippines, khu vực, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là bản thân Luật biển UNCLOS.
Với những nhận định và phán quyết công tâm về thẩm quyền của Tòa trong thông cáo hôm 29/10 vừa qua, dư luận hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào 5 vị thẩm phán của PCA tham gia xét xử vụ kiện sẽ lôi đường lưỡi bò ra trước ánh sáng của Công pháp quốc tế.
Đến lúc đó, uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ bị giáng một đòn rất nặng, dù có đổ ra hàng tỉ USD để mua danh cũng không thể vãn hồi. Trước thời hạn tòa PCA chờ phản hồi của Bắc Kinh đến ngày 1/1/2016, vẫn còn kịp cho Trung Quốc thay đổi và chấp nhận tham gia vụ kiện và thể hiện rằng họ là quốc gia có trách nhiệm, thượng tôn pháp luật.
Nếu Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục cố đấm ăn xôi, thì xôi chưa thấy đâu nhưng đã bị ăn đấm, cú đấm nhằm thẳng vào uy tín và danh dự của nước này trên trường quốc tế - PV.
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét